Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

Hành trình Đức tin - (1). Ks Bùi Đức Hợp

Con đường theo Đức Kitô của
K.S. Bùi Đức Hợp


Nguyễn Đức Tuyên
Kỹ sư Bùi Đức Hợp sinh năm 1935 tại Xuân Bảng, Xuân Trường, Nam Định, trong một gia đình nho giáo, học tiểu học tại Nam Định, Thái Bình, học trung học Hồ Ngọc Cẩn, Trung Linh.


Năm 1954, một thân một mình di cư vào Nam. Tốt nghiệp kỹ sư công chánh, ra làm việc tại nhiều tỉnh, và nhiệm sở chót là Tổng Cuộc Kiều Lộ, Saigon. Năm 1975 ông bị kẹt lại Việt Nam.
Năm 1979 vượt biên trong một chuyến đi thập tử nhất sinh. Sang Hoa Kỳ, ông điều chỉnh lại bằng kỹ sư trong một thời gian kỷ lục, trở lại nghề cũ ở New Orleans, bang Louisiana. 
Trong suốt 25 năm lao động tại Hoa Kỳ ông đã trải qua 6 tai nạn lưu thông, và đã may mắn thoát hiểm trong gang tấc.
Ông có hai người con gái mà ông hết mực yêu thương. Con ông học hành thành tài, một bác sỹ y khoa, một cao học giáo dục. Cả hai đều không chịu an phận thủ thường như đa số mọi người mà trông gương ông, dành thì giờ và tiền bạc, chia sẻ cho những người nghèo khó ở khắp nơi, mãi tận Malawe (Phi châu), Columbia (Nam Mỹ) và Taipei (Đài Loan).
Ông còn 3 người anh đã lớn tuổi mà sự quyến luyến trong đại gia đình của ông rất mực “nho giáo”. Cụ Bùi Đức Khiết, anh ông, ở Hà Nội đã tìm về Đạo Chúa năm 2009.
Ông xin nghỉ hưu sớm, để làm thiện nguyện. Cuộc đời tâm linh, có một chuyển biến lớn lao nơi ông. Năm 1990, ông tin theo Công giáo với một niềm xác tín lạ lùng. Trong suốt cuộc đời, nhất là những năm sau này, ông đã làm được những việc có thể nói là không ai sánh kịp, thể hiện một tình yêu vô vị lợi, cho đi đến đồng tiền cuối cùng, hy sinh một cách tận hiến, không màng tới sức khỏe và gian nguy. Điển hình là ông đã giúp xây cất 15 ngôi Thánh đường tại vùng Yên Bái thuộc Giáo Phận Hưng Hóa, Bắc Việt.
Từ nhỏ, Bùi Đức Hợp sống trong một làng Phật giáo toàn tòng, chung quanh là những làng Công giáo với những tháp chuông cao vút. Lớn lên, ông theo học trung học Hồ Ngọc Cẩn, ở Trung Linh, Nam Định; các Chủng sinh Công giáo đều học chung với học sinh bên ngoài. Ông nói, có lần ông tâm sự với mấy Chủng sinh sau này trở thành linh mục: ’’Nếu cho tôi thấy phép lạ tôi sẽ theo đạo ngay”. Họ đều khuyên ông: ”Anh hãy cầu nguyện, phép lạ sẽ đến với anh”. Trải qua hai lần trỗi dậy, tình cờ vào năm 1988, ông đọc một câu trong Tân ước: ’’Phúc cho những kẻ không thấy mà tin”. Lời Ngài như đánh động ông. Ông không cần phép lạ nữa. Từ đó, ông bắt đầu tìm hiểu đạo Chúa.

Như ông đã kể trong Hồi Ký I, cuộc hành trình tìm Đức Tin đòi hỏi nhiều suy tư, dằn vặt và bắt đầu từ óc xuống tim. Những câu hỏi mà thuở thiếu thời ông chưa tìm được giải đáp như: Người ta bởi đâu mà ra? Sống trên đời để làm gì? Chết sẽ ra sao? Làm thế nào để có hạnh phúc đời này.
Ông quan sát vũ trụ và sự vận hành kỳ diệu rồi đem ra kết luận: “Những sự kiện trên cho ta thấy một trật tự kỳ lạ trong vũ trụ, nhất nhất đều có định luật chi phối, từ cái to cho đến cái nhỏ. Ai đã làm ra định luật đó, nếu không phải là Đấng Tạo Hóa, đấng quyền phép vô cùng?”
Ông trao đổi với nhiều bạn bè về niềm tin tôn giáo và đón nhận một cách cởi mở và ông tâm sự: ”Để tạo hạnh phúc cho đời này cũng như đời sau, mỗi người chúng ta tự đốt đuốc đi tìm niềm tin. Đức tin không những phải sống động mà còn chứng minh qua những cảm nghiệm của mình trong cuộc sống. Nếu chưa cảm nghiệm được thì không thể hiểu thấu được Chân Lý của đức tin.”
Bùi Đức Hợp nhận phép Thánh Tẩy ngày 27-7-1990 trong bầu không khí đơn sơ, trước sự chứng kiến của một số thân hữu, tại nhà nguyện giáo xứ Nữ Vương Việt Nam, New Orleans. Ông viết: ’’Tôi mãnh liệt tin rằng kể từ giờ phút này mọi tội lỗi của tôi sẽ được tha thứ. Trong phút xuất thần, tôi thấy mắt (Đức) Mẹ như lóe sáng. Giọt nước thống hổi lăn trên gò má tôi.”
Bùi Đức Hợp cảm nhận rằng các tôn giáo khác đều được cứu rỗi bằng cách này hay cách khác. Theo ông, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: ”Sự thật là tín đồ các tôn giáo khác có thể nhận lãnh ân sủng của Thiên Chúa và được cứu độ ngoài những cách thông thường mà Chúa đã thiết lập” Đây là một vấn đề thần học, vả lại, nếu ta tin có một Ông Trời thì Ông Trời đó phải là của mọi người, không riêng của một tôn giáo nào, cho dù con người ta có tin nhận Ngài hay không.
Càng tìm hiểu về tôn giáo ông càng thấy nhiều tương đồng hơn dị biệt. Riêng về đạo Hiếu và Thiên Chúa giáo, theo ông, cả hai đạo này có cùng một luân lý và tín lý, chỉ cách diễn tả và cảm nghiệm có đôi chút khác nhau.
Ông có một cái nhìn thông thoáng và cởi mở về tôn giáo trong tinh thần đại kết, hòa đồng, về Thiên Chúa giáo, niềm suy tư được thể hiện qua bài viết “Đâu là bến bờ hạnh phúc”, “Khoảng trống đong đầy”; về Phật giáo, qua bài “Cực mà vui”; về đạo Tổ Tiên, qua bài “Ông Trời trong tín ngưỡng dân tộc”; về Hồi giáo qua bài “Một vài nét son của Hồi giáo; về đạo Baha’i qua bài “Một ước mơ tôn giáo.”
Đối với ông, chỉ có: một Thượng Đế, một Tôn giáo, một Nhân loại. Ông mơ ước: ’’biết đâu 1,000 năm sau, các nhà thờ, chùa chiền, thánh thất, đền đài sẽ là nơi duy nhất thờ phượng Thượng Đế, nơi hiệp thông của tình yêu.”
Bùi Đức Hợp viết: "Tóm lại, phạm trù tôn giáo bao gồm thế giới vật chất (nó là đối tượng của khoa học thực nghiệm) và những thế giới vô hình mà chúng ta thấy được qua vô số sự kiện đã xẩy ra trong cuộc sống hàng ngày, qua lương tri, qua tuệ giác, qua phép lạ, qua mặc khải. Nói khác đi, tôn giáo và khoa học không hề mâu thuẫn với nhau, cả hai có sự hòa hợp thiết yếu. Khoa học còn giúp ta xóa bỏ những mê tín dị đoan, những định kiến do dot nát ngu toi sinh ra.”
Bùi Đức Hợp qua những công trình ông đã dâng hiến cho đời: một con người có nhân cách, có kiến thức, một tín hữu Công giáo sống linh đạo dấn thân và chứng nhân, với những đóng góp vượt bực qua việc xây dựng cộng đồng, xây làng Việt Nam, xây dựng thánh đường, lập quỹ tình thương, chương trình đem lại ánh sáng cho hàng ngàn người khốn khổ bị mù mắt ở Việt Nam v.v...

Hoạt động cộng đồng

Hàng ngày chứng kiến những sự kỳ thị bất công đối với người Việt ở Hoa Kỳ, ông dấn thân vào sinh hoạt cộng đồng để xoa dịu phần nào những khổ đau mà đồng bào phải gánh chịu. Ông đi khắp đây đó, đến với nhiều hội đoàn để làm quen, thuyết phục việc liên kết và khởi sự bằng Hội Cử Tri Người Mỹ Gốc Việt với tờ báo Sức Mạnh và các lớp luyện thi quốc tịch. Sau khi tạo được sự đồng thuận của 2/3 tổng số Hội Đoàn, bước kế tiếp là tiến tới Đại Hội và hình thành Ban Chấp Hành đầu tiên Cộng Đồng Việt Nam. Sau 20 năm âm thầm vận động, ngày 10- 2-1995 là ngày ra mắt Ban Chấp Hành Cộng Đồng Việt Nam tại Bang Louisiana. Nhiệm vụ đối với Cộng Đồng kể như xong, ông chuyển sang hỗ trợ các Cộng Đoàn, đặc biệt việc xây cất các cơ sở vật chất làm nơi sinh hoạt lâu dài, là chuyên môn và thẩm quyền của ông. Ông ghi lại một số cơ sở tiêu biểu:
-          nhà nguyện các Thánh Tử Đạo tại New Orleans East,
-          nhà thờ và trung tâm Sinh Hoạt Văn Hóa của Cộng đoàn Hưng Đạo,
-          thánh đài Đức Mẹ tại Avondale,
-          linh đài Đức Mẹ La Vang cùng với một đoạn đường mới đi thẳng vào nhà thờ,
-          cống thóat nước tại Chùa Bồ Đề,
-          thánh thất Cao Đài,
-          nhà thờ Giáo xứ Thánh Tâm tại Dallas, Texas.
-          đền thờ Quốc Tổ tại New Orleans.
-          Trước khi từ giã New Orleans ông còn thành lập hội Cao niên để giúp đỡ và an ủi người già.

Xây làng Việt Nam tại Phi Luật Tân

Vào năm 1998, ông tình nguyện về hưu sớm, sang Phi giúp xây dựng làng Việt Nam tại Palawan, nơi đã được Hội đồng Giám mục Phi bảo trợ định cư người Việt di tản với sự tiếp trợ của cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ. Ông từ chối tiền trợ cấp 4,0 Pesos một tháng của CADP. Làm việc 12 giờ một ngày để thực hiện dự án trong 6 tháng.
Thời gian này, ông đã sử dụng kiến thức chuyên môn giúp bà con xây cất một Trung Tâm Văn hóa và một số công trình khác. Đầu năm 2003, ông trở lại làng Việt Nam theo yêu cầu của dân làng để giúp thực hiện Dự Án tưới tiêu. Trong thời gian này, xuất hiện một sáng kiến và nỗ lực đưa bà con tị nạn ở Phi qua định cư tại Mỹ nên ngôi làng hiện nay chỉ còn là một di tích lịch sử.

Đối vói anh em bà con

Năm 2000, ông về Việt Nam thăm 3 người anh và họ hàng làng nước và cũng là dịp rà soát lại bản thảo cuốn sách “Vải và lưới kỹ thuật trong xây dựng công trình” in tại Việt Nam, để giúp cho các sinh viên công chánh hiểu biết thêm về mặt kỹ thuật.
Trong chuyến thăm viếng Hòn Gai, ông gặp một chuyện bất ngờ. “Giữa cái lặng thinh, cháu Hằng ngỏ ỷ: Cháu muốn được rửa tội. - Tại sao? - Cháu đã thấy những việc làm tốt đẹp của bác”. Khi về Hoa Kỳ, ông được tin vui “Hằng đã được rửa tội

Yêu mến Tổ quốc và Quê hương

Bùi Đức Hợp là người ham sử sách và cội nguồn dân tộc. Ông cho rằng, “triều đại Hùng Vương kéo dài hơn 2000 năm là một thời đại thanh bình, toàn dân được hưởng một nếp sống an vui hoan lạc. Được như vậy là nhờ tổ tiên ta đã dầy công xây dựng một nền triết lý, đạo lý vô cùng tinh vi khoa học, vượt hơn cả những Triết học Đông Tây kim cổ. Tâm thức dân tộc ta đã thăng hoa lên hàng đạo giáo. Vì vậy chúng tôi dùng danh từ Quốc đạo để chỉ nền đạo giáo cổ truyền” Quốc đạo ấy dựa trên Thái hòa, Thờ Trời, Kính người.

Xây dựng các thánh đường

Tình cờ đọc trên internet, Bùi Đức Hợp được biết Giáo xứ Nhân Nghĩa thuộc tỉnh Yên Bái có 33 trong số 34 thánh đường hư nát. Phần lớn nhà thờ mái lợp bằng lá cọ, vách đất hoặc gỗ hư mục. Giáo xứ thuộc giáo phận Hưng Hóa, gồm 25.000 giáo dân với 34 họ đạo nằm rải rác trong 4 huyện, chạy dài 100 km. Linh mục Nguyễn Văn Thái là linh mục duy nhất của giáo xứ, nếu mỗi ngày làm một lễ, cha chỉ có thể cử hành thánh lễ một tháng một lần cho mỗi họ đạo!
Ông ngỏ ý muốn giúp giáo xứ sửa chữa 7 trong số 33 nhà thờ cần sửa gấp. LM Thái đề nghị làm mới thay vì sửa chữa với lý do cột kèo siêu vẹo, mối mọt, những nhà thờ có tên dưới đây:
1)   Cẩm Ân, huyện Yên Bình
2)   Xuân Ái, huyện Văn Yên
3)   Lang Thip, huyện Văn Yên
4)   Yên Hợp, huyện Văn Yên
5)   Hoàng Thắng, huyện Tân Yên
6)   Tân Long, huyện Trấn Yên
7)   Tân Hợp, huyện Văn Yên.
Linh mục Thái đề nghị mỗi nhà thờ xây 5 gian rộng 9m X 20m, với móng, cột bằng bê tông cốt thép, kèo, xà bằng gỗ, mái lợp tôn hoặc ngói. Riêng nhà thờ Yên Hợp xin làm 10 gian vì số giáo dân lên tới 2000. Chi phí ước lượng cho một nhà thờ 5 gian là 55 triệu đồng VN, trong đó ông Hợp đóng góp 50%, họ đạo đóng góp phần còn lại dưới hình thức nhân công và vật liệu địa phương như sỏi, cát vàng lấy từ sông Hồng hoặc vật liệu thu hồi từ nhà thờ cũ.
Ông thật sự lo lắng vì số tiền quá lớn lao so với dự tính ban đầu. Dù có dốc tất cả số tiền dành dụm trong suốt 25 năm lao động cũng chỉ đủ 2/3; số còn lại ông phải kiếm việc làm thêm. Vì Chúa, ông liều lĩnh đánh canh bạc cuối cùng về “Phó thác và trông cậy”.
Đồng ý với đề nghị của LM Thái, ông chỉ xin 3 điều: Ông phải coi tất cả họa đồ nhà thờ, cần xem xét địa điểm xây cất trước khi khởi công, và tham gia giám sát thi công.
LM Thái bày tỏ sự tán thành và viết: ”Bác ơi! Con làm linh mục mà không biết có hy sinh bằng bác, con tự hỏi mình như thế?”.
Sáng sớm ngày 26-5-05, ông đáp chuyến xe lửa LC3, khởi hành từ ga Hà Nội. Cha xứ và ban Hành Giáo đã chờ sẵn tại sân ga, và đưa về nhà xứ.
Ông tới họ đạo Tân Hợp với 500 giáo dân. Nhà thờ là một ngôi nhà 5 gian, 2 chái, mái ngói siêu vẹo. Qua những ngày kế tiếp, ông đi thăm họ đạo Tân Long với 400 giáo dân. Nhà thờ là một ngôi nhà gạch 5 gian xây từ năm 1933, xiêu vẹo vì mối mọt. Ông tới Hoàng Thắng, có 500 giáo dân. Nhà thờ là kho cũ do nhà nước bán lại; rồi đi thăm họ đạo Xuân Ái với 1700 giáo dân. Đó là ngôi nhà thờ gạch xây từ năm 1964, xiêu vẹo và mối đục. Sau đó, đến họ đạo Yên Hợp với 2000 giáo dân. Nhà thờ là một ngôi nhà 8 gian, lợp bổi, tường gỗ, cũng bị mối đục. Ngày chót đi thăm họ đạo cẩm Ân với 500 giáo dân.
Đi đến họ đạo nào, ông cũng đều trình bày 2 điều căn bản: Ông không phải là triệu phú hay Việt kiều giầu có gì. Chỉ đủ khả năng đóng góp 50% chi phí xây dựng nhà thờ, phần còn lại xin đồng bào đóng góp dưới nhiều hình thức. Công trình xây dựng phải có tuổi thọ tối thiểu là 50 năm, vì vậy móng cột phải tốt, nhà thờ phải dự trù đất để có thể nới rộng trong tương lai thêm 3 gian nữa, chung quanh nhà thờ phải có đường rước kiệu. Sau cùng, ông mời tất cả các ông Trùm, Trưởng Ban Kiến Thiết, thợ mộc, thợ hồ của 7 họ đạo về tham dự khóa học Xây Dựng Cơ Bản được tổ chức tại giáo xứ.
Việc xin giấy phép gặp muôn vàn khó khăn đối với công tác tái thiết nhà thờ, mặc dầu đã được ban Tôn Giáo tỉnh xác nhận “nhà sắp sập, có thể gây tai nạn chết người”.
Trong suốt thời gian lưu lại Yên Bái, ông hân hạnh được ban Công An cử cán bộ đến vấn an và bí mật “dàn chào”, mỗi khi đi công tác xa. Bạn bè thấy vậy, lo ngại cho sự an nguy của ông. Ông an ủi họ: ’’Cùng lắm là tử vì đạo! ”
Kết quả là 5 nhà thờ được tạo dựng trong vòng 12 tháng.
Tuy hoàn thành xong 7 nhà thờ, nhưng giáo xứ còn 3 nhà thờ mục nát là Yên Thái, Yên Phú và Mậu Đông, và 4 họ đạo chưa có nhà thờ là Quế Thượng, Quế Hạ, Đông An và Viễn Sơn.
Ông đã tính chấm dứt, nhưng rồi ông lại cầu xin Chúa soi đường dẫn lối để ông thực hiện 8 nhà thờ còn lại, vị chi là 15 nhà thờ tại tỉnh Yên Bái, kể từ năm 2005, với sự đóng góp 50% chi phí của giáo dân dưới hình thức nhân công, vật liệu địa phương và sự tiếp tay của nhiều tín hữu ở hải ngoại cũng như ở trong nước. Điều đáng nói là nhiều người chỉ bỏ tiền nếu ông chịu tra tay vào và hầu hết đều không muốn nêu tên. Thí dụ chị DC bỏ ra 15,700 đôla để xây ngôi thánh đường Đồng Lú, 27m X 12,4m, cao 14m, tháp chuông cao 18m và sân nhà thờ.
Tại Lang Thíp, nơi có khoảng 300 người Kinh, 300 người Thượng. Từ ngày đổi về đây, L.M. Nguyễn Văn Thái đã Rửa tội cho 500 tân tòng. Để đáp ứng nhu cầu phụng vụ tăng trưởng một cách bất thường, ông bà Lữ đã tài trợ để xây cất thêm 3 ngôi nhà nguyện.
Trong hồi Ký VI, Nhịp cầu Tình Thương, ông Hợp tâm sự: "Cứ tưởng tượng một ngôi thánh đường xinh xắn với tháp chuông cao nằm gọn trên sườn đồi, cây xanh bao bọc, trông tựa như nhà thờ Lộ Đức bên Pháp, lòng tôi không khỏi nao nao.”

Xin có vài dòng về Giáo Phận Hưng Hóa.

Hưng Hóa là một giáo phận có diện tích lớn nhất miền Bắc và đúng ra là lớn nhất Việt Nam, bao gồm 10 tỉnh: Hà Tây, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Hòa Bình, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, và Điện Biên, với tổng diện tích 54.500 km2 tức bao gồm trọn vùng Tây Bắc Việt Nam và một phần trung du Bắc Việt. Phía Tây Bắc giáo phận Hưng Hóa giáp Lào và Trung Quốc, phía Đông giáp Lạng Sơn, Bắc Ninh và Hà Nội, phía Nam giáp Thanh Hóa.
Giáo phận Hưng Hóa có tới 20 sắc tộc mà sắc dân cao nhất là người Mèo (H’Mông) và Thái, tiếp theo là người Mường, Mán, Tày v.v... Theo một thống kê trước đây, số Giáo dân 227,647 người, giáo dân Dân tộc 15,000 người, Linh mục 67, Dòng tu 5, Tu sĩ 259.
Hưng Hóa là vùng đất của các vị anh hùng liệt nữ: Phú Thọ có Đền Hùng, Sơn Tây có núi Ba Vì, nơi mang huyền thọai Sơn Tinh và Thủy Tinh, có đền Ngô Quyền và đền Hai Bà Trưng.
Toàn giáo phận có các giáo xứ và họ đạo, phần lớn tập trung tại tỉnh Phú Thọ (50%) và Yên Bái (30%). 14 họ đạo mà ông Hợp giúp đỡ nằm trong tỉnh Yên Bái.
Còn các tỉnh khác được nhà cầm quyền tuyên bố là “không có nhu cầu tôn giáo”.

Công tác thiện nguyện

Dù xây chín bậc phù đồ,
Không bằng làm phúc giúp cho một người
Cuối năm 2002, Bùi Đức Hợp về làng, ông tới thăm người thím, đã 80, tóc bạc phơ, mù lòa gần 30 năm. Bà ôm chầm lấy ông, nước mắt chảy thành dòng, hai bàn tay gầy guộc sờ soạng từ đầu tới cổ ông. Bà cầu Trời khấn Phật chữa lành đôi mắt để một lần nhìn thấy con cháu, họ hàng, bà con làng nước... rồi nhắm mắt cũng cam lòng.
Ông cảm thấy những tiền bạc, thuốc men mang về tặng bà không làm vơi đi những sầu muộn chất chứa trong lòng. Ông nghĩ, phải làm hơn thế nữa, trả đôi mắt về cho bà. Lạy Chúa, xin chỉ đường dẫn lối cho ông đi, như Chúa đã làm cho người mù thành Giêrikhô sáng mắt.
Bỏ ý định mua xe mới. Đồng tiền ông dành dụm giống như đồng tiền của bà góa trong Thánh Kinh, nó quá bé nhỏ so với những bất hạnh lớn lao của đồng bào “tật nguyền” như thím ông.
Bùi Đức Hợp thực hiện công tác tại 3 huyện trong tỉnh Nam Định là quê của ông. Ông xin đóng góp 10,000 mỹ kim, Hội Giúp Người Mù ở Việt Nam, trụ sở tại California bỏ ra thêm 10,000 mỹ kim nữa. Chiều ngày 24-11-2004, ông hân hoan trao tận tay cho Hội chi phiếu 10,000 mỹ kim, hy vọng sẽ đem lại nguồn ánh sáng không những cho thím ông, mà là hàng ngàn đồng bào mù lòa khác trong 3 huyện Xuân Trường, Giao thủy, Hải Hậu thuộc Nam Định.
Ca phẫu thuật đầu tiên dành cho thím ông Hợp và 10 bệnh nhân khác. Sau 24 giờ, bác sĩ tháo băng cho cụ bà 80 tuổi. Cụ nhìn rõ con cháu và cả gia đình ôm lấy cụ mà khóc. Gặp ông Bùi Đức Hợp, có cụ tâm sự: ”Từ ngày vào đời đến giờ, tôi tưởng như mơ mà thật, nhà tài trợ không những cho tôi sáng mắt, mà còn cho quà nữa”. Cụ khác nói: ’’Trước đây, lão khổ sở, đơn độc lắm ông ạ, Mù lòa có thấy gì đâu, xuống bếp phải sờ soạng. Giờ đây, lão có thể làm lấy một mình, kể cả việc ra ao tắm”. Một cụ khác: “Lão thích đi thăm bà con lối xóm; giờ đây, lão đi nhà thờ đọc kinh, ra ao tắm rửa một mình, không cần đến con cháu. Cảm ơn Chúa, cảm ơn Đức Mẹ, cảm ơn quý ông!”
Bùi Đức Hợp chia sẻ “Từ thuở vào đời đến giờ, tôi chỉ lấy hạnh phúc tha nhân làm lẽ sống, chỉ muốn cho đi mà không muốn nhận. Tôi đã tìm thấy hạnh phúc trong sự yêu thương người khác. Hàng ngày, tôi đón nhận biết bao ân sủng, ngay cả lúc gian nan thất vọng, càng cho đi càng nhận được nhiều.”
Cố gắng cá nhân của ông là khởi đầu cho Hội Thiện Nguyện Sơn Nam. Thiện Nguyện Sơn Nam viết tắt là TNSN, gồm 5 thành viên ở hải ngoại và 5 thành viện trong nước, tượng trưng cho 10 bông súng trong hồ Gươm - theo cắt nghĩa của ông Hợp - hầu hết thuộc gia đình họ Bùi và những người thân thiết với ông Hợp.
Ngoài những công tác cứu trợ khẩn cấp khắp các miền, Nhóm đã làm được những việc chính sau đây:
-          Thực hiện 715 ca mổ mắt cho người khiếm thị tại tỉnh Nam Định, 231 ca tại tỉnh Yên Bái, 691 ca tại tỉnh Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa. Về ngân khoản, nhóm cộng tác với Hội Giúp Người Mù USA, VNHELP, Chữ Thập Đỏ Thiện Tâm v.v... theo tiêu chuẩn Hội tài trợ bỏ ra 50%, nhóm của ông bỏ ra 50% để chữa trị cho nhiều người hơn.
-          Lập quỹ Tình Thương tại xã An Thịnh, tỉnh Yên Bái cho nông dân nghèo vay vốn.
-          Lập quỹ Bác Ái trợ cấp lâm thời những đồng bào đói rét do thiên tai bão lụt thuộc 3 tỉnh Yên Bái, Bình Phước và Hà Tĩnh.
-          Lập quỹ mua áo quan (hòm) tại Lang Thíp, tỉnh Yên Bái cho người chết không áo quan.
-          Lập Ban Kỹ Sư cố vấn để giúp VNHELP và VNSSA duyệt xét kỹ thuật các công trình xây dựng.
Với tư cách là cố vấn kỹ thuật cho hai hội thiện nguyện VNHELP, VNSSA ông được giao phó nhiệm vụ kiểm tra kỹ thuật các dự án do 2 tổ chức này tài trợ.
Đối với VNSSA, công tác tiêu biểu là việc xây cất nhà thờ tại trại cùi Văn Môn, tỉnh Thái Bình với kinh phí 120,000 mỹ kim, nhà thờ Tân Khai, tỉnh Bình Phước với kinh phí 100,000 mỹ kim, nhà thờ Hòa An, tỉnh Dăknông, với kinh phí 100,000 mỹ kim và nâng cấp đường vào thánh địa La Mã, tỉnh Bến Tre với kinh phí 140,000 mỹ kim v.v.. Bà Hội trưởng VNSSA nhận xét “ông Hợp rất nhiệt tình với Giáo Hội, sống giản dị như một đan sĩ và làm việc nghiêm túc như một nhà khoa học.”
Ông Hợp tâm sự: Trong cuộc sống tu thân sửa mình:
1.      Tôi chưa đạt tới trình độ “yêu tha nhân như yêu bản thân mình”, nhưng có điều chắc chắn là tôi hằng quan tâm và chia sẻ với người khác những gì tôi có.
2.      Tôi có cùng một cảm giác bình an khi bước vào những nơi thờ phụng như nhà thờ, chùa hay đền.
3.      Khi thăm bệnh nhân tại nhà thương, nhà dưỡng lão, người bệnh vui, khiến tôi vui lây; cái tâm tình biết ơn đó đã thúc đấy tôi dấn thân hơn nữa.
4.      Yêu thương và được yêu thương. Tôi nhận được biết bao yêu thương, từ họ hàng, bạn bè, người láng giềng 24/7 cho đến đồng bào nghèo khó tật nguyền tại quê nhà.
5.      Tất cả, tạo nên niềm hạnh phúc thật mà tôi gọi là vế thứ hai của Đạo.
Linh đạo (the spirituality) mà kỹ sư Bùi Đức Hợp đã sống thật tuyệt vời, khó có người sánh kịp. Ông xứng đáng là một chính nhân quân tử, một chứng nhân của Đức Kitô.

Tác phẩm kỹ thuật của kỹ sư Bùi Đức Hợp

Qua quá trình nghiên cứu, Bùi Đức Hợp đã viết một số sách kỹ thuật như sau:
-          Kỹ thuật làm đường sỏi đỏ (1971)
-          Phúc trình khả thi dự án canh tân Liên Tỉnh Lộ 50 (1974)
-          Kiểm kê cầu đường bộ (1974)
-          A practical solution to street design and construction (1997)
-          Street design and construction feature in the city of New Orleans (1997)
-        Designing, building, and maintaining New Orleans streets to achieve their design life (1997)
-          Lessons from the Tchoupitoulas corridor project (1998)
-          Traffic volume in New Orleans, LA (1988)
-    A various number of research publications: Soil subsidence, Influence of vibrating equipment on adjacent properties, Backfill on utility lines, Edgedrain, Coldmilling, Base repair on rehabilitation project, Cracking & bucking on N.o. streets, A practical solution to subgrade compaction, ect (1983-1998)
-          ứng dụng vải và lưới kỹ thuật trong xây dựng công trình (2000) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét