Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

Giáo lý ĐTC Phanxicô về Gia đình (tt)- Lao Động

"Ngày lễ và lao động là thành phần công trình
tạo dựng của Thiên Chúa"

Bản dịch toàn văn Bài giáo lý về gia đình của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đọc trong buổi triều kiến chung ngày thứ Tư 19 tháng 8 năm 2015, với chủ đề Lao Động.

Rôma – 20/8/2015 (ZENIT.org)

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục các Bài giáo lý của ngài về gia đình và lao động nhân buổi triều kiến chung sáng ngày thứ Tư, 19/8/2015, trong sảnh đường Phaolô VI của điện Vatican. Sau đây là bản dịch toàn văn Bài giáo lý được đọc bằng tiếng Ý.
Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Thân chào quý anh chị em!
Sau khi suy ngẫm về giá trị của ngày lễ trong đời sống gia đình, hôm nay chúng ta tạm dừng chân trên một yếu tố bổ túc với nó: đó là lao động. Cả hai là thành phần của công trình tạo dựng của Thiên Chúa, ngày lễ và công việc làm.
Công việc làm, nói chung là cần thiết để chu cấp cho những nhu cầu của gia đình, để nuôi dưỡng con cái, để bảo đảm một cuộc sống xứng đáng cho những người thân của mình. Điều tốt đẹp nhất có thể nói về một người đứng đắn, lương thiện, là: "Đó là một người chăm làm", một người làm việc, một người mà, trong cộng đoàn, không sống bám vào người khác. Hôm nay tôi thấy có nhiều người Argentina ở đây, và tôi nói như vẫn thường nói ở bên nhà: "No vive de arriba" [tiếng Tây Ban Nha: "không sống trên lưng người khác" ctnd].
Và quả là thế, thành ngữ quen thuộc này làm cho chúng ta hiểu rằng lao động, dưới thiên hình vạn trạng, cũng chăm lo cho công ích. Và người ta học được cách sống gắn liền với lao động? Trước hết, người ta học lao động trong gia đình. Gia đình giáo dục lao động bằng gương mẫu của cha mẹ: ba má làm việc vì lợi ích của gia đình và của xã hội.
Trong Phúc Âm, Thánh Gia Nazareth xuất hiện như một gia đình của những người lao động, và chính Chúa Giêsu được gọi là "con bác thợ mộc" (Mt 13, 55) hay thẳng thừng là "anh thợ mộc" (Mc 6, 3). Và thánh Phaolô đã không quên cảnh báo các Kitô hữu rằng "Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn" (2 Tx 3, 10). (Đây cũng là một phương thức tốt để xuốngg cân đó: không làm, không ăn!). Thánh Tông Đồ rõ ràng ám chỉ thuyết duy linh sai lạc của một số người, thực chất, đang sống bám vào các anh chị em của họ mà "chẳng làm việc gì" (2 Tx 3, 11). Sự dấn thân trong lao động và đời sống thiêng liêng, trong quan niệm Kitô giáo, không hề đối nghịch nhau. Quan trọng là phải hiểu rõ điểm này. Cầu nguyện và lao động phải ở cùng với nhau trong sự hài hòa, như thánh Biển Đức đã dạy. Thiếu lao động làm tổn hại linh hồn cũng như thiếu cầu nguyện làm tổn hại đến hoạt động thực tiễn.

Lao động – tôi nhắc lại, hàng ngàn cách – là đặc trưng của con người. Điều này biểu lộ phẩm giá con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Vì vậy người ta bảo lao động là thiêng liêng. Và vì vậy việc quản lý công ăn việc làm là một trách nhiệm lớn lao của con người và xã hội, không thể để lọt vào tay của một số người hay bỏ mặc cho một "thị trường" được thần thánh hóa. Gây ra một sự phá hoại công việc làm, chính là gây ra một thiệt hại to lớn cho xã hội. Tôi buồn khi thấy có những người không có công ăn việc làm, không tìm được việc làm và không biết đến sĩ diện kiếm ăn cho gia đình. Và tôi vui mừng khôn tả khi tôi thấy các chính phủ đưa ra những nỗ lực lớn để tạo việc làm và khiến cho mọi người đều có một việc làm. Lao động là thiêng liêng, lao động cho con người nhân phẩm và một gia đình.
Như thế, cũng như ngày lễ, lao động là thành phần kế hoạch của Thiên Chúa Tạo Dựng. Trong Sách Sáng Thế, chủ đề Trái Đất như một khu nhà vườn, được gửi gấm cho sự chăm sóc và lao động của con người (St 2, 8.15), đã được dẫn trước bởi môt đoạn rất cảm động:"Ngày Đức Chúa là Thiên Chúa làm ra đất và trời, chưa có bụi cây ngoài đồng nào trên mặt đất, chưa có đám cỏ ngoài đồng nào mọc lên, vì Đức Cúa là Thiên Chúa chưa cho mưa xuống đất và không có người để canh tác đất đai và làm nước thoát ra từ đất vào trong những kinh đào để tưới tiêu" (St 2, 4b-6a). Đây không phải là chuyện lãng mạn, đây chính là mặc khải từ Thiên Chúa; về phần chúng ta, trách nhiệm của chúng ta là thấu hiểu mặc khải đó và thẩm thấu nó một cách đầy đủ. Sứ điệp Ladato si', đề nghị một sinh thái toàn bộ, cũng còn chứa đựng thông điệp này nữa: cái đẹp của Trái Đất và phẩm giá lao động được làm ra để hợp nhất với nhau. Cả hai thứ này đi cùng với nhau: Trái Đất trở nên tươi đẹp khi nó được con người bỏ công trau chuốt. Khi lao động bị tách xa giao ước giữa Thiên Chúa với con người nam và nữ, khi nó bị tách rời ra khỏi những phẩm chất thiêng liêng, khi nó là con tin của đơn độc lợi nhuận và khinh thường những người thân thuộc của chúng ta, thì sự hạ cấp linh hồn lây lan ra mọi sự: kể cả không khí, nước nôi, cây cỏ, thực phẩm… Đời sống dân sự bị ung thối và môi trường bị tổn hại. Và hậu quả giáng xuống trước hết trên những người nghèo và những gia đình bần cùng nhất. Sự tổ chức lao động hiện đại, đôi khi cho thấy một xu hướng nguy hiểm là coi gia đình như một chướng ngại vật, một gánh nặng, một trì lực đối với hiệu năng lao động. Nhưng chúng ta hãy đặt câu hỏi: hiệu năng nào? Và hiệu năng đó dành cho ai? Cái mà người ta gọi là "thành phố thông minh" chắc chắn là rất giầu về các phương tiện phục vụ và tổ chức; nhưng nó lại đặc biệt thù ghét trẻ em và những người lớn tuổi chẳng hạn.
Đôi khi một người chủ thầu chỉ nghĩ đến quản lý sức lao động cá nhân, hắn tuyển mộ, sử dụng hay sa thải, chỉ theo lợi nhuận kinh tế của hắn thôi. Gia đình là một trường thí nghiệm lớn. Khi việc tổ chức lao động bắt gia đình làm con tin hay khi nó bít hết lối đi của gia đình, lúc đó chúng ta chắc chắn rằng xã hội con người đã bắt đầu làm việc để chống lại chính mình.
Các gia đình Kitô giáo nhận được từ cơ hội này một sự thách đố lớn phải đương đầu và một sứ mạng lớn phải chu toàn. Các gia đình mang đến hiện trường những điều căn bản của sự tạo dựng của Thiên Chúa: căn tính và quan hệ của người nam và người nữ, thế hệ con cái, lao động làm cho Trái Đất trở thành một ngôi nhà và khiến cho thế giới có thể cư ngụ được. Sự mất đi những điều căn bản đó là một lý do bận tâm rất nghiêm trọng, và, trong ngôi nhà chung, đã có rất nhiều vết rạn nứt! Nhiệm vụ không phải là dễ. Đôi khi, đối với các gia đình, chúng có thể giống như Đavít đương đầu với Gôliát… nhưng chúng ta biết kết quả của sự thách đố này như thế nào rồi! Chúng ta hãy chấp nhận thách đố với lòng tin và mưu lược. Mong rằng Thiên Chúa ban cho chúng ta được tiếp nhận, trong niềm vui và hy vọng, lời kêu gọi của Người, ở trong thời điểm khó khăn này của lịch sử, lời kêu gọi lao động để làm cho chúng ta xứng đáng, chúng ta và gia đình chúng ta.
Bản dịch tiếng Pháp : Matthieu Gourrin (Zenit)
Bản dịch tiếng Việt : Mạc Khải (ghxhcg.com)
(20 août 2015) © Innovative Media Inc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét