Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

Bên Mẹ La Vang

Về Bên Mẹ
Thật là vui năm nay tôi được về bên Mẹ La Vang hai lần. Lần trước cùng đi với đoàn hành hương vào khoảng giữa tháng Bẩy, và lần này với tính cách cá nhân. Hai lần trong vòng chưa đầy hai tháng đối với một người sống ở phương xa quả là hồng ân lớn lao Chúa ban.
Lần trước đến La Vang trong bầu khí nhộn nhịp, con cái Mẹ khắp nơi đổ về dịp giữa tháng. Đoàn chúng tôi nhỏ bé, nên hòa nhập với đoàn đông đảo của giáo xứ Thanh Đức thuộc giáo phận Đà Nẵng cho tăng phần khí thế, cũng như nâng cao tinh thần hiệp nhất của Giáo hội. Lần này về với Mẹ thưa vắng khách hành hương, bầu khí tĩnh lặng êm đềm, tôi tha hồ đến ngồi thủ thỉ dưới chân Mẹ mà không ngại phiền đến ai cả.
Hai lần trong hai bầu khí khác nhau, nhưng lần nào tôi cũng được Mẹ chỉ dạy nhiều điều qua các Linh mục của Chúa.
Lần trước trong cả hai Thánh lễ, tôi đều được cha chủ tế nói về sự quản lý những khả năng, những điều kiện thuận lợi Chúa ban cho để sinh lợi thêm và chia sẻ cho người khác. Tài sản của Chúa thì bao la và Chúa trao gởi mỗi người quản lý một chút. Đừng tưởng bở nghĩ đó là của riêng mình mà khư khư giữ lấy, nhưng hãy nên như cánh tay của Chúa để chuyển đến tha nhân, và cũng đừng quên đưa tay ra nhận quà của Chúa qua anh chị em chung quanh. Sống hỗ tương trong tình bác ái. Sống với Chúa và với nhau.
Lần này tháng Chín khí hậu La Vang tương đối mát. Buổi sáng sương mù dày đặc và yên tĩnh, tôi vào nhà nguyện thật sớm, suy niệm về tình yêu và những hồng ân của Chúa qua hai câu đối trên gian cung thánh: “Tình yêu Chúa cao vời vĩ đại”, “Biết lấy gì đền đáp cho cân”.
Thánh lễ sáng nay chỉ có một ít người, nhưng bài Tin Mừng và bài giảng của cha quản nhiệm Lê Sĩ Hiền đã giúp tư tưởng tôi đang suy niệm có được hướng sống rõ ràng hơn.

Tin Mừng thánh Luca đoạn 6 từ câu 6 đến 11 nói về việc Chúa Giêsu vào hội đường và giảng dạy trong ngày Sabbat. Dịp này Thầy cũng đã cứu chữa một người tay bị khô bại, nhấn mạnh tình yêu cao quý trên cả luật lệ vì luật lệ cũng chỉ để phục vụ con người. Chúa Giêsu, Thầy Chí Thánh và các kinh sư, những người Pharisêu trong đoạn Tin Mừng ở hai thái cực đối nghịch: tình yêu và kiêu căng ích kỷ, bác ái và nệ luật. Tôi hiểu Thầy muốn nhắc nhở tôi giới răn yêu thương và muốn tôi làm mọi sự với tiêu chuẩn này. Đã bao lần tôi nại nguyên tắc hoặc lý do này, lý do khác để khước từ thiện chí anh chị em tôi? Tôi đã coi trọng việc của Chúa hơn chính Chúa. Tôi phải cảnh giác, không để tính kiêu căng và tự ái đánh lừa mình.
Tôi cũng nhớ lại hình ảnh của Thầy trong bữa Tiệc Ly. Lúc đó không còn câu nệ tình thầy trò, mà chỉ có tình yêu thương chân thành. Thầy không những hạ mình gọi các môn đồ là bạn hữu, mà còn quỳ xuống rửa chân cho hết thảy, dù biết sẽ có người phản bội.
Bài giảng của cha quản nhiệm qua câu chuyện minh họa của nhà văn Leo Tolstoy nhắc nhở tôi trung thành Chúa và sứ mang đã nhận lãnh. Tôi không nhớ hết, nhưng đại khái chuyện kể rằng:
Có ông chủ đi xa, gọi những người giúp việc đến và giao cho mỗi người một công việc. Ông muốn mỗi người chỉ làm công việc của mình và làm thật tốt, khi trở về ông sẽ tưởng thưởng.
Khởi đầu, mọi người hăng hái làm theo ý của chủ. Dần dà, vì muốn có lợi cho chủ và muốn được thưởng nhiều hơn, họ làm thêm những việc khác. Cứ thế, họ lần lần quên đi công việc chính của mình, và càng tệ hơn nữa, họ quên đi ngay cả ông chủ của mình...
Rời linh địa, tôi tới trú ngụ tại nhà xứ Thuận Nhơn thuộc hạt Quảng Trị. Xứ này không những nghèo mà còn thật khổ. Cảnh vật ở đây làm tôi hồi tưởng lại những ngày ở quê cũ cả nửa thế kỷ trước. Cũng lầm than vất vả với ruộng đồng, cũng mưa gió lầy lội với những đường đất trơn trượt và đêm về được nghe đủ tiếng ễnh ương, cóc nhái... hòa tấu lên bản nhạc đêm đồng quê. Có điều khác nhau là quê tôi thuở đó nghèo nhưng không khổ tâm, nhà thờ nhà thánh tha hồ mà làm, sinh hoạt rộn ràng chất ngất niềm vui tôn giáo.
Địa bàn xứ Thuận Nhơn bao gồm 8 xã nên được chia làm 18 giáo họ chẳng có nhà thờ nhà nguyện. Trước sự khó khăn về phép tắc và vì lòng yêu giáo dân cao độ, cha xứ đã phải đóng vai ‘ông cha khờ khạo ngu ngơ’, giả mù sa mưa, gánh chịu trách nhiệm thay giáo dân để có cái phép không thành văn. Trước sự nghèo khổ của dân, cha xứ đã đi khắp nơi đóng vai người ăn xin, nhiều khi phải gồng mình chấp nhận biết bao nhọc nhằn tủi hổ để Dân Chúa tạm có nơi tập họp. Nhọc nhăn đến bao giờ mới thỏa lòng mỗi nơi có được ngôi thánh đường nho nhỏ!? Nghe cha chia sẻ mà lòng tôi thật xót xa, nhưng cũng thật cảm phục tấm lòng yêu thương của ngài, vị linh mục trẻ quyết sống chết với đoàn chiên. Nhìn ngài, tôi nhớ lại lời Đức Thánh Cha Phanxicô đã giảng cách đây không lâu: “Linh mục không là linh mục cho bản thân mình, mà là cho dân, để phục vụ, nuôi dưỡng, chăm sóc dân là đoàn chiên của ngài để bảo vệ họ khỏi chó sói”. Tôi cũng học được nơi ngài đức tin vững mạnh nơi Thiên Chúa khi phải đối diện với sự khó. Ngài tin tưởng: “Anh em đừng lo trước phải nói gì, nhưng trong giờ đó, Thiên Chúa cho anh em biết điều gì, thì hãy nói điều ấy” (Mc 13,11). Cứ vậy, lần này đến lần khác.
Năm Đức Tin, tôi vẫn khẩn nguyện “Xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của con” (Mc  9,24) và rõ ràng Thầy đã giúp nhiều qua các cách thế khác nhau. Giờ đây chỉ còn hơn hai tháng nữa là chấm dứt Năm Đức Tin, tôi tin những ngày này cũng là hồng ân Thầy ban, giúp tôi học hỏi về cách sống đức tin đích thực, sống với Chúa qua anh chị em, sống căn bản với tình yêu và đức ái, sống hòa hợp và tôn trọng cũng như chấp nhận lẫn nhau.
Dịp này thúc đẩy tôi xét mình kỹ lưỡng hơn. Tôi xấu hổ về những hành động quái gở của mình. Tôi thấy danh hiệu ‘ông thầy mắm thối’ quả đúng với tôi vì cái tôi của mình còn quá lớn.
Từ xưa tôi đã biết tôi không thích hợp với ngành giáo, dù người anh dỗ dành tôi ráng học sư phạm rồi đi dạy cho an phận thì sẽ mua tặng chiếc xe Honda, nhưng tôi cũng đành chịu. Tôi rất khó tính và không kiên nhẫn trong việc dạy người khác. Mấy đứa cháu là nạn nhân đau khổ khi tôi kèm học khi xưa. Sau này mỗi khi dạy con học là mái nhà như muốn nổ tung vì tiếng la hét của tôi. Mẹ tôi cằn nhằn hoài: “Dạy con như vậy, chúng nó còn hồn trí nào mà nhớ cho được. Rõ chán!” Tôi biết nhược điểm này và quyết tâm cải đổi. Cố gắng lắm, mà tiến bộ lại chậm chạp kiểu rùa bò. Đến nay tuy không còn la hét, tức giận nữa, nhưng vẫn không khỏi ‘lên tông!’. Những lần như thế tôi đã cố sức dằn lòng, nhưng cái tư tưởng khốn khổ ‘có thế mà sao vẫn không hiểu không nhớ’ làm dịp tội cho tôi. Tôi ích kỷ bắt người khác đồng hóa với mình, bắt người khác biết như mình và làm như mình, trong khi mình còn có biết bao cái sai lầm, kém cỏi. Xem ra tôi không muốn nhớ mỗi người là một kỳ công tuyệt vời của Thiên Chúa, và có lẽ tệ hơn, không nhìn ra hình ảnh Thiên Chúa nơi họ.
Nhưng cũng tạ ơn Chúa, từ nhược điểm to lớn này, tôi ý thức hơn về sự yếu đuối của con người để cảm thông với người khác, tôn trọng người khác nhiều hơn.
Năm Đức Tin là thời điểm cho tôi dừng chân để nhìn lại cách sống đức tin của mình trong quá khứ để canh tân lại những gì còn thiếu sót, đổi mới cho thích hợp. Đây cũng là thời gian thuận lợi để tôi lập lại quyết tâm sống đức tin vào Chúa Kitô cách cụ thể và sống động. Qua đó, Năm Đức Tin cũng là dịp tốt để tôi cố gắng tăng cường việc làm chứng nhân cho tình bác ái.
Mỗi lần về Huế, tôi đều ở lại dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng ít ngày. Tôi thích ở đây để suy nghĩ về việc “Đi Viếng”, về việc phục vụ và đem Chúa Kitô đến cho người khác, về sự hiện diện với nhau “đến được cũng là thương, không đến được cũng là thương, nhưng cao điểm của yêu thương là hiện diện”, về việc tiếp xúc cá nhân tuyệt vời của Phong trào. Tôi hiểu sự giầu có đích thực là tình yêu Thiên Chúa được chia sẻ với tha nhân. Tình yêu đến từ Thiên Chúa là tình yêu đúng đắn và bền vững, có thể vượt qua tất cả.
“Tình yêu Chúa cao vời biết bao làm sao biết đáp đền thế nào, để cho cân xứng Chúa ơi để cho cân xứng Chúa ơi. Con thành tâm dâng hiến trọn đời thành tâm dâng hiến xác hồn để nên tông đồ của Cha và nên nhân chứng của Cha, truyền rao chân lý của Cha, gieo rắc lời Cha khắp gần xa. Rồi con sẽ đi khắp miền làm nhân chứng cho tình yêu” (Tình yêu Chúa cao vời - Duy Thiên)
Tình yêu và hồng ân Chúa dành cho nhân loại, trong đó có tôi chẳng sao kể xiết. Tôi cũng biết rõ chẳng cách nào đáp đền cho xứng. Tôi chỉ biết cố gắng hết mình và xin Mẹ cũng như các Thánh Tử Đạo Việt Nam giúp đỡ và bù đắp.
Tôi nghe như tiếng Mẹ dạy bảo: “Người bảo gì, con cứ việc làm theo” (Ga 2,5). Và rồi 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam đồng thanh nhắc bảo: “Hãy tận dụng Năm Đức Tin mà bồi dưỡng đức tin, hãy bền vững sống đức tin, can đảm bênh vực đức tin và nhiệt thành truyền bá đức tin. Hãy ghi nhớ: Đức Tin không việc làm là Đức Tin chết”.
Những điều Mẹ và các Thánh Tử Đạo Việt Nam nhắc bảo đều ngoài sức mình, nhưng tôi cứ trông cậy vào ơn Thánh Chúa.
Chúa ơi, hòa mình với bản nhạc đêm đồng quê của các chú ễnh ương, cóc nhái quanh nhà xứ, con dâng lời ca tụng và vinh danh Chúa. Xin Chúa giúp con.
Mẹ ơi, Mẹ quả là thầy của trường Đức Tin. Con cảm tạ Mẹ. Con mãi muốn ngủ trong vòng tay yêu thương của Mẹ.
Tom
(đêm khuya xứ Thuận Nhơn, 09/10/2013)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét