Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Cảm nghiệm yêu Chúa

XIN ĐƯỢC LỚN LÊN
TRONG TÌNH YÊU CHÚA


Khi đọc và suy gẫm lại các Mối Phúc Thật là dịp để tôi nhìn lại toàn bộ con người của mình, từ quan niệm, suy nghĩ đến cái nhìn, qua cách sống, kể cả những phản ứng của mình với người và việc v.v…Lúc chưa đi sâu vào các Mối ấy, tôi tự cho điểm, định giá việc làm của mình, có việc mình trên trung bình, có việc mình dưới trung bình. Nhưng khi đi sâu hơn, rộng hơn, hiểu rõ hơn những điểm tiêu cực và tích cực thì số điểm của tôi cho từ từ tụt xuống!!!.
Than ơi! Thì ra mình thế đó!!!. Tôi tự hỏi, ngày Chúa Giêsu “xách vali” để lên đường xuống thế, Ngài mang theo những gì của Cha Ngài? Sự giàu sang ư? Quyền lực ư? Sự thông thái ư? Vinh quang ư? Hay Ngài trút bỏ mọi vinh quang, chỉ mang theo tình yêu, đức công chính, sự trung tín, lòng khiêm nhường …và mọi sự đó đã thể hiện ra từ đời sống nội tâm, qua bản tính và đi vào trong đời sống của Ngài trong các Mối phúc Thật mà Ngài đã dạy chúng ta. 
Sống với Mối phúc Thật  đối với tôi không phải là thi hành một bản hiến chương Nước Trời, hay bị bản luật đó đè nặng trên vai; với tôi đó là một lời mời gọi của Tình Yêu (phúc cho ai) qua tấm gương sáng của Ngài từ cả một thế giới nội tâm được biểu lộ qua những nét riêng, dung mạo riêng và đời sống của chính Ngài.
Khi yêu, lúc lỡ phạm tội, tôi không thấy tội nào nhẹ cả, càng yêu nhiều càng ý thức được tội mình nhiều, vì thế mỗi khi làm buồn lòng Chúa hay lòng người, tôi cảm thấy tội mình nặng lắm, to lớn lắm, vì khi yêu, tình yêu tự sinh ra cái “luật yêu thương” và mình tự ràng buộc vào luật ấy. Vì thế việc trở nên giống “hình ảnh” Chúa hơn, như chấp nhận và tha thứ người anh em là việc đòi hỏi chính đáng trong mối liên hệ giữa tôi và Chúa, điều này rất khó để được thực hiện trong cuộc sống làm môn đệ của Chúa Giêsu. Cách nào đó nó nổi bật và thôi thúc mãi trong lương tri của người môn đệ một lòng dứt khoát theo Thầy. Nó sẽ không để tôi yên dù tôi có giả vờ làm ngơ, không nghe, không thấy; nó dày vò, cấu xé tâm can cho đến khi tôi đạp đổ cái tôi của mình, bước qua cái tự cao, giẫm lên tự ái mà đi; để rồi không còn bị lôi cuốn, điều khiển bởi những lệch lạc, tinh vi của cám dỗ, bởi cái “vỏ” thánh thiện, những ràng buộc bất chính thì lúc đó tôi được giải phóng để đi vào tự do trong Thánh Thần thì tôi mới đủ năng lực chấp nhận và tha thứ người anh em và chịu trách nhiệm cho đời sống của mình. 

Trong đời sống lại có biết bao thử thách, lắm lúc chính tôi là nạn nhân của chính mình thì cũng đừng trách ai làm tôi thất vọng, hy sinh tôi cho cái “giờ vinh quang” của họ; nhìn vào cái "rất phàm" đó để xin Chúa tha cho cái bất toàn của mình, xin Chúa tha cho tôi NHƯ tôi phải nên tha cho cái rất “con người” kia. Họ có cái rất phàm của họ, còn tôi? Tôi kém gì!!!!!. 
Tha thứ là tuyên xưng đức tin, mà đức tin là việc làm của con tim, tha thứ là công nhận mình được Chúa thứ tha, thái độ tha thứ là điều quan trọng đi với thái độ quên mình.
Ngày xuống thế, Chúa chia sẻ thân phận làm người, Ngài đi vào trong từng hoàn cảnh mỗi người, Ngài là một người trong chúng ta, Ngài thông phần vào mỗi đời sống của ta, cái thân xác duy nhất đó được đồng hóa với từng người, Ngài hiện diện trong từng đời sống của chúng ta “xuống thế làm người và ở cùng chúng ta”, vì thế khi chúng ta yêu thương ai tức chúng ta yêu thương Ngài.
Chúa ơi! Nếu con làm được những điều con suy gẫm thì con đã được triển nở, hoàn tất và “thành hình” trong công trình mà Chúa chưa hoàn tất nơi con. Để được đi vào cái tự do trong Ngài, con cần Thần Khí của Ngài vì Ngài là nguồn bình an và hòa hợp, xin giúp con mở lòng để con được triển nở và lớn lên trong tình yêu của Ngài.
Khi biết tình yêu của Chúa rõ hơn thì biết tội mình cũng rõ hơn. Suy ra “chết cho Chúa” coi bộ dễ hơn là “sống cho Chúa”, vì chết cho ngài có một lần thôi, còn sống cho ngài là chết từ từ, tử đạo mỗi ngày cho đến khi linh hồn lìa khỏi xác thì lúc đó mới thật sự “sống”. Chao ôi! Khó quá!!!!!!! Dù khi nghĩ đến được cái an ủi thiêng liêng là tôi đang cố gắng chết với Thầy để được đi vào sự sống thực.
Tôi còn nhớ hồi bé có dịp về tận miền quê, tôi được chơi leo cây cau. Cây cau cao, nhỏ, láng, khó leo; vì nó nhỏ nên không thể quấn trọn đùi mình vào thân cây cho khỏi trợt; chỉ dùng những ngón chân, hai tay bám chặt vào, dùng chân đẩy cả thân người lên. Khi leo thì nhích lên được từng tí một, nếu có đà lên thì với cố gắng cũng lên chút chút, nhưng khi lỡ trật tay chân thì bị tụt xuống một đường dài, nếu không kịp bám chặt  thì sẽ bị tụt  xuống luôn tận gốc!!!. Khi bị tụt, phản ứng đầu tiên là hoảng hốt, lo sợ trước khi khám phá, nhìn thấy những vết thương, những trầy trọi, lở loét của tay chân, rồi “nghe” đau, rát.  Khi lấy lại chút bình tĩnh mới quyết định “lên tiếp hay bỏ cuộc”, nếu lên tiếp thì vết thương sẽ trầy thêm và tươm máu, mà cũng không thể ở lâu một chỗ, mồ hôi tay, chân toát ra sẽ bị tuột xuống sâụ hơn nữa.
Nhìn lại cuộc hành trình đời sống tâm linh của tôi chẳng khác gì cuộc “hành trình leo cây cau” ngày còn bé. Qua kinh nghiệm, tôi nhận thấy đời sống tâm linh, tôi không bao giờ nên đứng một chỗ, nếu tôi không cố vươn lên thì nó sẽ xuống và xuống mãi.  Cái gì đã gây ra sự tụt cây này? Thân xác nặng nề? Sự hoán cải không liên tục, nên bị tội lỗi kéo tôi xa Chúa, xa sự sống của Ngài. Khi bị tụt tôi hoảng hốt lo sợ, buồn phiền, bất an. Nhìn lên thấy cái “đích” của mình còn quá xa vì mình còn xa quá từ toàn hảo để “thành hình” NHƯ hình ảnh Chúa. 
An ủi thay, Chúa biết mọi sự trong mọi nỗi lòng, Chúa thấy lúc tôi tụt, Ngài cũng thấy cả lúc tôi bị rướm máu, trầy trụa, lúc quặn đau, lúc tôi cố gắng vươn lên và Ngài thấy cả những vết sẹo lòng của tôi, chính Ngài ra tay băng bó chữa lành, Ngài đợi tôi ngay nơi vực thẩm của tội lỗi để đem tôi lên.
Tôi tin tưởng anh chị của tôi cũng không tránh khỏi bao thử thách trên đường theo Thầy. Chúng ta cũng cảm nhận Thánh Thể, phép hòa giải và sức mạnh Lời Ngài biểu hiện sự hiện diện tình yêu và uy quyền của Chúa trong chúng ta, để với Ngài ta TIẾN BƯỚC. Nhưng thế gian thì khác, thế gian chỉ thấy cái  tụt của chúng ta và khi nếu chúng ta trèo lên lại được một tí, tỏa chút ánh sáng của Ngài thì thế gian cho chúng ta đạo đức giả: “Ông đó, bà đó, tôi biết quá.v.v…”; họ không cho chúng ta cơ hội thứ hai. 
Nghĩ cho cùng có hề gì đâu, trên đường đi đến trọn lành chúng ta đối diện với Thầy của mình, Ngài luôn luôn đồng hành để đưa chúng ta tới cùng đích là được gặp Đấng sai chính Ngài ”mang vali” xuống thế để ở cùng chúng ta, để chúng ta nhờ tình yêu của Ngài mà được lớn lên trong Ngài. Qua suy niệm này tôi thấm nhập câu Phúc Âm “việc xét đoán là việc của Chúa, không phải việc của tôi”.                  
(Anna Đặng Liên Hương/San Diego)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét