Thứ Hai, 27 tháng 1, 2014

Bài giảng ĐTC Phanxicô HƯỚNG ĐẾN SỰ HIỆP NHẤT - Ngày 25.01.2014

Hướng tới sự tái lập hiệp nhất rõ rệt

của tất cả mọi tín hữu trong Đức Kitô


Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, kết thúc.

Rôma – 26/01/2014 (Zenit.org) 


Mạc Khải phỏng dịch

Đức Giáo Hoàng Phanxicô tái xác định con đường đã chọn để hướng đến sự hiệp nhất những người đã chịu Phép Rửa, nhân dịp kết thúc tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu; ngài đã bình giải chủ đề của tuần lễ cầu nguyện này: "Đức Kitô không thể bị phân chia! Sự xác tín này phải khuyến khích và giúp đỡ chúng ta tiếp tục, với tính nhân bản và tin tưởng, con đường hướng tới tái lập toàn diện sự hiệp nhất rõ rệt giữa tất cả những người tin vào Đức Kitô".
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chủ tọa giờ kinh chiều thứ nhì lễ kính nhớ Sự Trở Lại của Thánh Phaolô, hôm thứ Bẩy 25/01/2014, trong Vương Cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành, trước sự hiện diện của các đại biểu của các Giáo Hội khác và các cộng đoàn Kitô hữu, trong đó có đặc phái viên của Đức Thượng Phụ Bartholomaios I, Đức Giáo Chủ Gennadios, và của Đức David Moxon, đại diện của Đức Tỗng Giám Mục Cantorbéry tại Rôma, Rowan Williams. Vương cung thánh đường đầy chật người tham dự: lễ kết thúc năm nay rơi vào một ngày thứ Bẩy, nhiều gia đình đã muốn tham dự Nghi Lễ này, nhiều người phải đứng dự lễ.
"Tất cả chúng ta đã chịu đựng những thiệt hại bởi sự chia rẽ. Tất cả chúng ta không muốn trở nên một đề tài tai tiếng. Và để như vậy, tất cả chúng ta đều cùng chung bước, trong tinh thần huynh đệ, trên con đường đi tới sự thống nhất, cũng hiệp nhất trong lúc đi, sự hiệp nhất này đến từ Chúa Thánh Thần và mang lại cho chúng ta một đặc tính, mà chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể làm được: sự khác biệt đã được hòa giải. Chúa đợi chờ chúng ta mãi mãi, Ngài đồng hành với tất cả chúng ta, và Ngài ở với tất cả chúng ta trên con đường hiệp nhất", Đức Giáo Hoàng đã tuyên bố.
Sau đây là bản dịch toàn văn bài giảng chính thức bằng tiếng Ý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Ngài đã ca ngợi hành động của những vị tiền nhiệm trong mục đích hiệp nhất.

Bài huấn đức của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

"Đức Kitô đã bị chia năm sẻ bẩy rồi ư?" (1 Cr 1, 13). Lời nhắc nhở cứng rắn mà thánh Phaolô để ở ngay đầu bức Thư thứ nhất của ngài gửi tín hữu Côrintô, và đã vang lên trong Nghi Lễ chiều nay, đã được chọn lựa bởi một nhóm các anh em Kitô hữu Canađa, như là đường hướng để chúng ta suy niệm trong Tuần Lễ Cầu Nguyện năm nay. Thánh Tông Đồ đã nhanh chóng biết được là các Kitô hữu Côrintô bị chia rẽ thành nhiều phe phái. Trong đó, có người khẳng định rằng: "Tôi thuộc về ông Phaolô"; một người khác nói: "Và tôi, thuộc về ông Apollos"; một người khác: "Và tôi thuộc về ông Khêpha"; và sau cùng cũng có người nhận rằng: "Và tôi, thuộc về Đức Kitô" (x. 1 Cr 1, 12). Kể cả những người tự nhận thuộc về Đức Kitô cũng không được Thánh Phaolô hoan nghênh, bởi vì họ đã dùng Danh Thánh của Đấng Cứu Độ duy nhất để tự tách họ xa ra với các anh em khác trong nội bộ cộng đoàn. Nói cách khác, dùng kinh nghiệm riêng của mỗi người, sự tham chiếu vào vài nhân vật đáng kể của cộng đoàn, để làm chuẩn mức xét đoán đức tin của người khác. Trong tình trạng chia rẽ này, thánh Phaolô khuyến khích các Kitô hữu Côrintô, "nhờ Danh Thánh Chúa Giêsu Kitô", hãy nhất trí trong cách nói, để giữa họ không có sự chia rẽ, mà có một sự đoàn kết toàn hảo về tinh thần và tình cảm (x. 1 Cr 1, 10). Tuy vậy, sự hiệp thông mà Thánh Tông Đồ nhắc tới, không thể là hậu quả những chiến lược của con người. Sự đoàn kết toàn hảo giữa các anh em; quả chỉ có thể có được khi tham chiếu vào Thánh Ý và Tâm Tình của Đức Kitô (x Pl 2, 5).
Chiều hôm nay, trong lúc chúng ta tụ tập nơi đây cầu nguyện, chúng ta cảm thấy rằng Chúa Kitô, Đấng không thể bị phân chia, muốn thu hút chúng ta về với Ngài, về với những tâm tình của Trái Tim Ngài, về với sự phó thác hoàn toàn và đầy tin tưởng vào trong tay Chúa Cha, về với sự trần trụi tuyệt đối vì tình yêu đối với nhân loại. Duy chỉ có Ngài là nguyên tắc, là nguyên nhân, là động cơ của sự hiệp nhất chúng ta. Trong lúc chúng ta đang ở trước Nhan Thánh Ngài đây, chúng ta còn phải ý thức hơn rằng chúng ta không thể coi những chia rẽ trong Giáo Hội như một hiện tượng tự nhiên, không tránh được trong mọi hình thái đời sống tập thể. Những chia rẽ của chúng ta gây thương tích cho Nhiệm Thể của Ngài, gây thương tích cho chứng tá mà chúng ta được kêu gọi thực hiện trên thế gian. Tông Sắc của Công Đồng Vaticanô II về đại kết, nhắc nhở văn bản của thánh Phaolô mà chúng ta đã chiêm niệm, khẳng định cách có ý nghĩa rằng: "Một Giáo Hội duy nhất đã được Chúa Kitô lập nên, và tuy vậy, nhiều sự hiệp thông Kitô giáo xuất hiện trước con người như đại diện cho gia sản đích thực của Chúa Giêsu Kitô; quả thật, tất cả tuyên xưng họ là môn đệ của Chúa, nhưng họ có những ý kiến khác nhau và đi theo những con đường khác nhau, như thể là chính Đức Kitô cũng bị phân chia". Và rồi, sắc lệnh nói thêm: "Hẳn nhiên, một sự chia rẽ như vậy công khai mâu thuẫn với Thánh Ý Đức Kitô, và là một nguyên nhân gây tai tiếng đối với thế giới và là một nguồn gốc của những thiệt hại đối với chính nghĩa thánh thiện của sự rao giảng Phúc Âm cho mọi loài thụ tạo" (Unitatis Redintegratio, 1). 
Tất cả chúng ta đều đã chịu những thiệt hại do chia rẽ gây ra. Tất cả chúng ta đều không muốn trở thành một tiêu đề gây tai tiếng. Và để như vậy, tất cả chúng ta cùng nhau tiến bước, trong tình huynh đệ, trên con đường dẫn đến hiệp nhất, đoàn kết trong khi đi. Sự hiệp nhất này đến từ Chúa Thánh Thần và mang lại cho chúng ta một đặc tính riêng biệt, mà chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể làm được: sự khác biệt được hòa giải. Chúa đợi chờ tất cả chúng ta, Ngài tháp tùng tất cả chúng ta, Ngài đi cùng tất cả chúng ta trên con đường dẫn đến hiệp nhất này.

Các bạn thân mến, Đức Kitô không thể bị phân chia! Sự xác tín này phải khuyến khích và nâng đỡ chúng ta tiếp tục, với lòng khiêm nhường và tin tưởng, con đường dẫn đến tái lập sự hiệp nhất hiển thị đầy đủ giữa tất cả những người tín hữu trong Đức Kitô. Vào lúc này, tôi ưng nghĩ tới công trình của hai vị Giáo Hoàng vĩ đại: Chân Phước Gioan XXIII và Chân Phước Gioan Phaolô II. Đối với cả hai vị, trong cuộc đời của các ngài, đã un đúc ý thức về sự khẩn cấp của sự nghiệp hiệp nhất và, ngay khi được bầu làm Giám Mục Rôma, các ngài đã cương quyết hướng dẫn toàn thể đoàn chiên Công Giáo trên con đường đại kết: Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã mở ra những con đường mới mà trước đó tưởng chừng như không thể được, ĐGH Gioan Phaolô II đã đề nghị đối thoại đại kết như một tầm vóc bình thường và cần thiết của đời sống của mỗi Giáo Hội riêng biệt. Tôi muốn gắn liền các ngài với Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, một tác giả lớn của đối thoại, mà chúng ta đã vừa nhắc tới vào những ngày kỷ niệm 50 năm cái ôm hôn lịch sử với Đức Thượng Phụ Athénagoras thành Constantinople. Sự nghiệp các vị tiền nhiệm của tôi đã làm như thể tầm vóc đối thoại đại kết trở nên một điều cốt yếu của sứ vụ Giám Mục Rôma, đến nỗi ngày nay, người ta sẽ không thấu hiểu mục vụ thánh Phêrô nếu nó không gắn liền với sự mở ra cho sự đối thoại với tất cả những tín hữu trong Đức Kitô. Chúng ta cũng có thể nói rằng con đường đại kết đã giúp đào sâu hiểu biết về mục vụ của Người Kế Vị thánh Phêrô, và chúng ta phải tin tưởng là ngài sẽ tiếp tục hành động trên chiều hướng này trong tương lai. Trong lúc chúng ta nhìn lại với lòng tạ ơn những bước mà Chúa đã giúp chúng ta thực hiện, và không dấu diếm những khó khăn mà đối thoại đại kết đang trải qua ngày hôm nay, chúng ta cầu xin để được mặc lấy những tình cảm của Đức Kitô, để có thể bước đi hướng đến sự hiệp nhất mà Ngài muốn. Và cùng đi thì đã là hiệp nhất!

Trong bầu khí cầu nguyện cho ơn hiệp nhất này, tôi muốn gửi lời chào hỏi thân thiết và huynh đệ của tôi đến Đức Giáo Chủ Gennadios, đại diện cho Viện Giáo Chủ đại kết, Đức Đavid Moxon, đại diện cho Đức Tổng Giám Mục Caterbury tại Rôma, và tất cả các vị đại diện các Giáo Hội và các Cộng Đoàn Giáo Hội khác nhau, tụ họp chiều nay tại đây. Với hai Quý Huynh này, là những vị đại diện cho tất cả, chúng tôi đã cầu nguyện tại phần mộ thánh Phaolô và chúng tôi đã nói với nhau rằng: "Chúng ta hãy cầu nguyện để thánh nhân giúp chúng ta trên con đường này, trên con đường dẫn đến hiệp nhất, đến tình yêu, làm thành con đường của hiệp nhất". Cuối cùng thì hiệp nhất sẽ không đến như một phép lạ: hiệp nhất đến trong khi đi đường, chính Chúa Thánh Thần làm nên hiệp nhất trong khi đi đường. Nếu chúng ta, chúng ta không cùng nhau bước đi, nếu chúng ta không cầu nguyện cho người này cho người kia, nếu chúng ta không hợp tác trong nhiều chuyện mà chúng ta có thể cùng làm trên thế giới này cho Dân Thiên Chúa, hiệp nhất sẽ không xẩy đến! Hiệp nhất thể hiện trong lúc đi đuờng, trong từng bước đi, và không phải chúng ta làm ra nó: chính Chúa Thánh Thần là Đấng đã làm nên hiệp nhất, là Đấng đã nhìn thấu thiện chí của chúng ta.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cầu xin Chúa Giêsu, Đấng đã biến chúng ta thành chi thể của Nhiệm Thể Ngài, để chúng ta luôn hiệp nhất sâu đậm với Ngài, để Ngài giúp chúng ta vượt qua những tranh chấp, những chia rẽ, những ích kỷ của chúng ta; và chúng ta hãy nhớ rằng hiệp nhất luôn cao hơn tranh chấp! Và xin Ngài giúp chúng ta hiệp nhất với nhau trong một sức mạnh duy nhất, sức mạnh của tình yêu, mà Chúa Thánh Thần gieo trong lòng chúng ta (x. Rm 5, 5). Amen.

(26 janvier 2014) © Innovative Media Inc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét