Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

Sứ điệp ĐTC Ngày Thế Giới Truyền Thông - 01.06.2014

Sứ điệp của ĐTC Phanxicô 
nhân Ngày Thế Giới truyền thông xã hội lần thứ 48

Truyền thông phục vụ cho nền văn hóa hội ngộ


Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội (toàn văn)

Rôma – 23/01/2014 (Zenit.org) 

Mạc Khải phỏng dịch


"Truyền thông phục vụ một nền văn hóa hội ngộ đích thực": đó là chủ đề của sứ điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhân Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội, được công bố ngày hôm nay, ngày vọng 24/01/2014, lễ phụng vụ kính nhớ Thánh Tổ Truyền Thông, Phanxicô Salesiô.

"Trên thế giới này, truyền thông có thể góp phần làm cho chúng ta cảm thấy gần nhau hơn; làm cho chúng ta nhận thấy ý nghĩa mới mẻ của sự hiệp nhất gia đình nhân loại, thúc đẩy tình liên đới và sự dấn thân nghiêm túc cho một cuộc sống xứng đáng hơn. Truyền thông tốt giúp cho chúng ta xích lại gần nhau và tìm hiểu nhau hơn, giúp chúng ta đoàn kết hơn", Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích.
Trang mạng của Giáo Hội Công Giáo Pháp nhắc rằng "Ngày Thế Giới Truyền Thông" có mục tiêu làm hiểu rõ hơn các phương tiện truyền thông: "các Kitô hữu được mời gọi hãy khám phá truyền thông và những khí cụ truyền thông được Giáo Hội đề nghị, hãy cầu nguyện cho những người nam và nữ đang hành nghề truyền thông, hãy quyên góp để giúp đỡ các ủy ban thông tin và truyền thông của giáo phận".
Đây là ngày lễ mang tầm vóc thế giới duy nhất được thiết lập bởi Công Đồng Vaticanô II (Inter Mirifica, 1963). Ngày này được cử hành mỗi năm tại nhiều quốc gia, thể theo lời khuyên bảo của các Đức Giám Mục, vào ngày Chúa Nhật trước Lễ Ngũ Tuần: năm nay, nhằm vào ngày 01/6/2014.
Sau đây là bản dịch toàn văn sứ điệp của Đức Giáo Hoàng.
Anita Bourdin

Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Truyền thông phục vụ một nền văn hóa hội ngộ đích thực

Anh chị em thân mến,

Ngày hôm nay, chúng ta sống trong một thế giới đang trở thành ngày càng "nhỏ bé" và dường như ngày càng dễ dàng gần gũi lại với nhau hơn. Sự phát triển giao thông và những kỹ thuật truyền thông làm chúng ta gần lại với nhau, nối liền chúng ta với nhau ngày một nhiều hơn, và sự kiện toàn cầu hóa khiến chúng ta phụ thuộc lẫn nhau. Tuy nhiên, trong lòng nhân loại vẫn tồn tại những chia rẽ, đôi khi rất sâu đậm. Trên tầm mức thế giới, chúng ta thấy sự cách biệt quá đáng giữa cái sa hoa của những kẻ cực kỳ giầu sang và sự khốn cùng của những người nghèo khổ nhất. Nhiều khi chỉ cần đi ra ngoài đường phố của một đô thị để nhìn thấy sự tương phản giữa những người sống ngoài hè phố và những ánh đèn rực rỡ trong các cửa tiệm. Chúng ta quá quen thuộc với cái cảnh này đến nỗi không còn đánh động chúng ta nữa. Thế giới bị đau khổ bởi nhiều hình thức thải loại, hình thức bị gạt ra ngoài xã hội và hình thức nghèo khổ; cũng như hình thức những cuộc chiến tranh với các lý do lẫn lộn: kinh tế, chính trị, chủ thuyết và, đáng tiếc, kể cả tôn giáo.

Trong cái thế giới này, các phương tiện truyền thông có thể góp phần làm cho chúng ta cảm thấy gần nhau hơn; làm cho chúng ta nhận thấy ý nghĩa mới mẻ của sự hiệp nhất gia đình nhân loại, thúc đẩy tình liên đới và sự dấn thân nghiêm túc cho một cuộc sống xứng đáng hơn. Truyền thông tốt giúp cho chúng ta xích lại gần nhau và tìm hiểu nhau hơn, giúp chúng ta đoàn kết hơn. Chúng ta cần phải giải quyết những sự khác biệt qua các hình thức đối thoại cho phép chúng ta lớn lên trong sự hiểu biết và sự tôn trọng. Nền văn hóa hội ngộ đòi hỏi chúng ta sẵn sàng không những để cho đi, mà còn là để tiếp nhận của người khác. Các hệ thống truyền thông có thể giúp chúng ta trong lãnh vực này, nhất là ngày hôm nay, trong khi mà các mạng truyền thông của con người đã đạt tới một tiến độ phi thường. Đặc biệt, mạng Internet có thể cống hiến nhiều khả năng gặp gỡ và liên đới giữa chúng ta hơn nữa; và đây là điều tốt lành, đây là một ơn phúc của Thiên Chúa.

Tuy nhiên cũng còn có một số vấn đề: tốc độ thông tin vượt xa hơn khả năng suy nghĩ và phán đoán của chúng ta và không giúp cho một sự biểu hiện bản thân một cách chừng mực và đúng đắn. Sự đa dạng của những ý kiến biểu lộ có thể coi như một sự phong phú, nhưng [chúng ta] cũng có thể tự nhốt mình trong một khung cảnh thông tin chỉ phù hợp với những mong đợi của chúng ta với những ý kiến của chúng ta, hay cả với những lợi ích chính trị và kinh tế nhất định. Môi trường truyền thông có thể giúp chúng ta lớn lên hay, trái lại, làm cho chúng ta mất phương hướng. Sự mong muốn kết nối kỹ thuật số có thể  dẫn chúng ta đến chỗ cô lập với tha nhân, với những người thân cận nhất của chúng ta. Không quên những người, vì nhiều lý do khác nhau, đã không thể tiếp cận với những phương tiện truyền thông xã hội, và có nguy cơ bị gạt ra ngoài xã hội.

Những giới hạn này là có thật, tuy vậy, chúng không biện minh cho một sự bãi bỏ các phương tiện truyền thông xã hội; thay vào đó, chúng nhắc nhở cho chúng ta rằng, rốt cuộc, truyền thông là một sự chinh phục của con người hơn là của kỹ thuật. Vì thế, điều gì sẽ giúp chúng ta trong môi trường kỹ thuật số để lớn lên về nhân bản và trong sự hiểu biết lẫn nhau? Thí dụ, chúng ta phải tìm lại được một ý nghĩa nào đó cho sự chậm chạp và bình thản. Điều này yêu cầu thời gian và khả năng giữ im lặng để lắng nghe. Chúng ta cũng cần phải có sự kiên nhẫn nếu chúng ta muốn hiểu được những người khác với chúng ta: con người phát biểu đầy đủ không phải là khi người đó chỉ đơn giản được dung nạp, mà là khi người đó cảm thấy thực sự được đón nhận. Nếu chúng ta thực sự mong muốn nghe người khác, khi đó chúng ta sẽ học được cách nhìn thế giới với đôi mắt khác, và đánh giá kinh nghiệm nhân bản như nó thể hiện trong các nền văn hóa và truyền thống khác nhau. Nhưng chúng ta cũng phải đánh giá những giá trị lớn được gợi ý bởi Kitô giáo, như một nhãn quan nhân bản với tư cách của con người, của hôn nhân và của gia đình, sự phân biệt giữa lãnh vực tôn giáo và lãnh vực chính trị, những nguyên tắc liên đới và bổ trợ và nhiều thứ khác nữa.

Như vậy, làm sao để truyền thông có thể phục vụ một nền văn hóa hội ngộ đích thực? Và đối với chúng ta, môn đệ của Chúa, gặp gỡ một người, theo Phúc Âm, có nghĩa gì? Làm thế nào để, mặc dù tất cả những giới hạn và tội lỗi của chúng ta, chúng ta thực sự gần gũi với nhau được? Những câu hỏi này tóm gọn trong câu mà có hôm, một thầy luật sĩ, nghĩa là người truyền thông, đã hỏi Chúa Giêsu: "Và ai là người thân cận của tôi?" (Lc 10, 29). Câu hỏi này giúp chúng ta hiểu truyền thông trong nghĩa gần gũi. Chúng ta có thể phiên dịch như sau: "sự gần gũi" thể hiện như thế nào trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông và trong môi trường mới được tạo ra bởi kỹ thuật số? Tôi tìm được một câu trả lời trong dụ ngôn người Samari tốt lành, vốn cũng là dụ ngôn người truyền thông. Quả vậy, người truyền thông tìm cách gần gũi. Và người Samari tốt lành, không những đã tới gần, mà còn chăm lo cho người mà anh ta thấy đang nửa sống, nửa chết bên vệ đường. Chúa Giêsu đảo lộn viễn cảnh: vấn đề không phải là nhận biết người khác là người thân cận, mà nhận biết khả năng của tôi để trở thành thân cận với người khác. Như thế, truyền thông có nghĩa ý thức được mình là con người, là con cái Thiên Chúa. Tôi thích định nghĩa khả năng truyền thông này như một "sự gần gũi".

Khi mà truyền thông trước hết dành để thúc đẩy tiêu thụ hay là thúc đẩy sự thao túng con người, chúng ta chứng kiến một sự tấn công bạo lực như trường hợp người kia bị bọn cường đạo đả thương bên vệ đường, như chúng ta đọc trong dụ ngôn. Nơi người này, thầy Lêvi và thầy Tư Tế đã không hề thấy đó là người thân cận của họ, mà như người xa lạ cần phải tránh xa. Vào lúc đó, điều khiến họ làm như vậy, chính là những quy định về sự thanh tịnh nghi lễ. Ngày hôm nay, chúng ta cũng có nguy cơ một số phương tiện truyền thông điều kiện hóa chúng ta đến nỗi làm cho chúng ta không biết đến người thân cận đích thực của chúng ta.

Không phải chỉ lướt trên những "con đường" kỹ thuật số, nghĩa là chỉ làm cái việc nối mạng là đủ: cần phải làm cho nối mạng kèm theo một sự gặp gỡ thật sự. Chúng ta không thể sống cô lẻ, khép kín trong bản thân. Chúng ta cần yêu và cần được yêu. Chúng ta cần được sự trìu mến. Không phải những chiến lược truyền thông sẽ bảo đảm có Chân, Thiện, Mỹ. Hơn nữa, thế giới truyền thông không thể đứng ngoài những lo âu của nhân loại, nó có chức năng phải biểu lộ sự trìu mến. Mạng kỹ thuật số có thể là một nơi chốn đầy tính nhân bản, không chỉ là một mạng lưới những sợi dây, mà mạng lưới những con người. Tính trung lập của các phương tiện truyền thông chỉ là bề ngoài: chỉ người nào truyền thông bằng cách đặt chính bản thân mình trong đó mới có thể tượng trưng cho một điểm chuẩn. Sự can dự cá nhân chính là gốc rễ của sự khả tín của một người truyền thông. Vì thế, việc làm chứng Kitô giáo, nhờ vào mạng, có thể đạt đến những vùng ngoại vi của cuộc sống.

Tôi thường hay nhắc rằng: giữa một Giáo Hội bị tai nạn đi ra ngoài phố, và một Giáo Hội đau ốm bệnh tự tham chiếu, tôi không có do dự, tôi chọn Giáo Hội thứ nhất. Và con đường là những con đường trên thế giới nơi con người sinh sống, nơi người ta có thể gặp gỡ họ một cách thực tế và tình cảm. Trong những con đường đó, cũng có những con đường kỹ thuật số, đông đảo người ta, nhiều khi mang thương tích: những người nam, nữ đang đi tìm một sự cứu rỗi hay một niềm hy vọng. Cũng nhờ mạng, thông điệp Kitô giáo có thể chuyển đi "cho đến tận cùng trái đất" (Cv 1, 8). Mở cửa các thánh đường cũng có nghĩa là mở cửa vào môi trường kỹ thuật số, để hoặc là cho người ta bước vào, bất chấp điều kiện đời sống và nơi chốn họ ở, hoặc là để cho Phúc Âm có thể bước qua ngưỡng cửa đền thờ và đi ra gặp gỡ mọi người. Chúng ta được mời gọi làm chứng cho một Giáo Hội là ngôi nhà của tất cả mọi người. Liệu chúng ta có khả năng truyền thông khuôn mặt của một Giáo Hội như thế hay không? Truyền thông đóng góp vào việc tạo hình cho ơn gọi truyền giáo của toàn thể Giáo Hội, và ngày nay, các mạng xã hội là một trong những nơi chốn để sống ơn gọi đó và để tái khám phá cái đẹp của đức tin, cái đẹp của sự hội ngộ với Đức Kitô. Kể cả trong bối cảnh truyền thông, cũng cần có một Giáo Hội để mang đến hơi ấm và nung đốt con tim.

Việc làm chứng Kitô giáo không thể thực hiện bằng cách làm tràn ngập [các mạng] với những thông điệp tôn giáo, mà bằng thiện chí hiến mình cho người khác "qua sự sẵn sàng can dự, với lòng kiên nhẫn và tôn trọng, vào những vấn đề, những nghi nan của họ, trên con đường đi tìm chân lý và ý nghĩa của kiếp nhân sinh" (ĐGH Biển Đức XVI, Thông điệp nhân Ngày Truyền Thông Xã Hội Thế Giới lần thứ 47, 2013). Chúng ta hãy nghĩ về giai đoạn các môn đệ trên đường Êmau. Phải biết bắt chuyện với người ta trong ngày hôm nay, nam cũng như nữ, để hiểu được những chờ đợi, những nghi nan, những hy vọng của họ, và đề nghị với họ Phúc Âm, nghĩa là Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người, chịu chết và sống lại để giải thoát chúng ta ra khỏi tội lỗi và sự chết. Thách đố cần có chiều sâu, cần sự quan tâm đến sự sống, cần sự nhậy cảm thiêng liêng. Đối thoại có nghĩa là tin chắc rằng người khác có điều gi tốt đẹp cần nói ra, là dành chỗ cho quan điểm của họ, cho những đề nghị của họ. Đối thoại không có nghĩa là từ bỏ những ý kiến và truyền thống của riêng mình, mà phải từ bỏ tham vọng cho những thứ đó là duy nhất, là tuyệt đối.

Mong rằng hình ảnh người Samari tốt lành, săn sóc các thương tích cho người bị thương bằng cách đổ dầu và rượu, hướng dẫn chúng ta. Mong rằng truyền thông của chúng ta là một loại dầu thơm chữa đau đớn và thứ rượu tốt đem lại niềm hoan lạc. Sự tỏa sáng của chúng ta không đến từ xảo thuật hay hiệu ứng đặc biệt, mà đến từ khả năng của chúng ta trở nên gần gũi với mọi người bị thương tích mà chúng ta gặp gỡ dọc đường, với yêu thương và trìu mến. Anh chị em đừng sợ phải trở nên những công dân trên địa hạt kỹ thuật số. Sự quan tâm và sự hiện diện của Giáo Hội đều quan trọng trong thế giới truyền thông, để đối thoại với con người của ngày hôm nay và đưa người đó tới gặp gỡ Đức Kitô: một Giáo Hội đồng hành trên đường, biết cất bước với tất cả mọi người. Trong bối cảnh này, cuộc cách mạng các phương tiện truyền thông và thông tin là một thách đó to lớn và thú vị, đòi hỏi những năng lực mới mẻ và một óc tưởng tượng tân thời để truyền đạt cho người khác vẻ đẹp của Thiên Chúa.

Từ Vatican, ngày 24/01/2014, Lễ kính thánh Phanxicô Salêsiô

+ Phanxicô

Mạc Khải phỏng dịch

(23 janvier 2014) © Innovative Media Inc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét