"Thánh Danh Đức Kitô tạo hiệp thông và hiệp nhất,
không
tạo chia rẽ!"
Bản dịch tiếng Pháp : Geneviève d'Avout, với Hélène Ginabat (Zenit)
Bản dịch tiếng Việt : Mạc Khải (GHXHCG)(23 janvier 2014) © Innovative Media Inc.
Nguồn: http://www.zenit.org/fr/articles/le-nom-du-christ-cree-la-communion-et-l-unite-pas-la-division
Bài
Giáo Lý ngày 22 tháng 01 năm 2014 (toàn văn)
Rôma –
23/01/2014 (Zenit.org)
"Thánh Danh Đức Kitô tạo hiệp thông và hiệp nhất, không tạo chia rẽ!"
Đức Giáo Hoàng Phanxicô hô hào và dành bài giáo lý ngày thứ Tư 22/01/2014 này,
trên quảng trường Thánh Phêrô, cho sự hiệp nhất các Kitô hữu.
Ngài đã tố cáo sự chia rẽ của những người đã
chịu Phép Rửa như là một "điều tai tiếng" phải được "chấm
dứt" và để cứu chữa tình trạng này và công nhận ơn Thiên Chúa ban cho
người khác, ngài đã mời gọi: "Thật là tốt lành khi nhận biết ơn phúc mà
Thiên Chúa ban xuống tràn đầy cho chúng ta, và còn tốt lành hơn nữa khi thấy
nơi các Kitô hữu khác cái mà chúng ta đang cần, cái mà chúng ta có thể lãnh
nhận như một quà tặng đến từ những người anh chị em chúng ta".
Sau đây là bản dịch toàn văn bài giáo lý bằng
tiếng Ý của Đức Giáo Hoàng.
Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Thân chào quý anh chị em!
Thứ bẩy tuần trước đã bắt đầu Tuần Lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các
Kitô hữu. Tuần lễ này sẽ kết thúc và thứ Bẩy tới đây, ngày lễ kính nhớ Sự Trở
Lại của thánh Phaolô Tông Đồ. Sáng kiến có giá trị thiêng liêng đáng quý này đã
lôi cuốn các cộng đoàn Kitô hữu từ hơn 100 năm nay. Đây là một thời gian dành
để cầu nguyện cho sự hiệp nhất của tất cả những người đã chịu Phép Rửa, theo
Thánh Ý Đức Kitô: "để tất cả nên một" (Ga 17, 21).
Mỗi năm, một nhóm đại kết của một vùng trên thế giới, dưới sự chỉ đạo
của Hội Đồng Đại Kết các Giáo Hội và Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Hiệp Nhất Kitô
Hữu, đề nghi tiêu đề và chuẩn bị những ý chỉ cho Tuần Lễ Cầu Nguyện. Năm nay,
những ý chỉ đó đến từ các Giáo Hội và các Cộng Đoàn thuộc Giáo Hội Canađa, và
có liên quan đến câu hỏi của thánh Phaolô đặt cho các Kitô hữu ở Corintô:
"Thế ra Đức Kitô đã bị chia năm xẻ bẩy rồi ư ?" (1 Cr 1, 13).
Không, chắc chắn là Đức Kitô không bị chia năm xẻ bẩy. Nhưng chúng ta
cũng phải thành thật và đau đớn mà nhìn nhận rằng các cộng đoàn của chúng ta
tiếp tục sống trong sự chia rẽ, vốn là một điều tai tiếng. Những chia rẽ giữa
các Kitô hữu chúng ta là một điều tai tiếng. Không có từ nào khác: một điều tai
tiếng. "Mỗi người trong anh chị em – thánh Phaolô Tông Đồ viết - chẳng
phải đã từng nói "tôi thuộc về ông Phaolô", "tôi thuộc về ông
Apollos", "tôi thuộc về ông Khêpha" hay "tôi thuộc về Đức
Kitô" (1 Cr 1, 12). Kể cả những người tuyên xưng Đức Kitô là Đấng đứng đầu
cũng không được thánh Phaolô hoan nghênh, bởi vì họ đã dùng danh Đức Kitô để tách
mình ra với người khác trong lòng cộng đoàn Kitô hữu. Đáng lẽ danh thánh Đức
Kitô là tạo ra sự hiệp thông và hiệp nhất chứ không phải sự chia rẽ! Ngài đến
để tạo hiệp thông giữa chúng ta, chứ không để chia rẽ chúng ta. Phép Rửa và
Thánh Giá là những yếu tố cốt lõi của người môn đệ Đức Kitô mà chúng ta đều có
làm của chung. Những chia rẽ, trái lại, làm suy yếu tính khả tín và hữu hiệu
của sự dấn thân chúng ta cho Phúc Âm hóa mà còn có nguy cơ làm tiêu tan hiệu
lực của Thánh Giá (x. 1 Cr 1, 17).
Thánh Phaolô trách cứ các tín hữu ở Côrintô vì những phân tranh của họ,
nhưng ngài cũng cảm tạ Chúa "về ân huệ Thiên Chúa ban cho anh em nơi Đức
Kitô Giêsu. Bởi vì trong Đức Kitô Giêsu, anh em đã trở nên phong phú về mọi
phương diện, phong phú vì đã được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của
Ngài" (1 Cr 1, 4-5). Những lời nói này không phải chỉ đơn giản là một hình
thức, mà là dấu chỉ ngài thấy trước – và ngài đã thật lòng vui mừng – các ân
điển Thiên Chúa đã ban cho cộng đoàn. Thái độ này của thánh Tông Đồ là một
khuyến khích cho chúng ta, cho toàn thể cộng đoàn Kitô hữu hãy nhận biết, trong
sự vui mừng, những ân điển của Thiên Chúa hiện diện trong các cộng đoàn khác.
Mặc cho những đau thương do chia rẽ, vẫn luôn còn gay gắt cho đến ngày hôm nay,
tạo ra, chúng ta đón nhận những lời của thánh Phaolô như một sự mời gọi hãy
thành tâm vui mừng vì các ơn phúc Thiên Chúa đã ban cho các Kitô hữu. Chúng ta
cùng có một Phép Rửa, cùng có một Thần Khí, Đấng ban cho chúng ta Ân Sủng:
chúng ta hãy nhận biết lấy và hãy vui mừng lên.
Thật là tốt lành khi nhận biết ơn phúc mà
Thiên Chúa ban xuống tràn đầy cho chúng ta, và còn tốt lành hơn nữa khi thấy
nơi các Kitô hữu khác cái mà chúng ta đang cần, cái mà chúng ta có thể lãnh
nhận như một quà tặng đến từ những người anh chị em chúng ta. Nhóm Canađa là nhóm
chuẩn bị những ý chỉ cho Tuần Lễ Cầu Nguyện này, đã không mời gọi các cộng đoàn
hãy suy nghĩ về những gì có thể cống hiến cho những Kitô hữu bên cạnh mình, mà
đã hô hào các cộng đoàn hãy hội ngộ cùng nhau để tìm hiểu điều mà tất cả các
cộng đoàn có thể, không ngoại trừ ai, lãnh nhận được điều gì từ các cộng đoàn
khác. Nhưng điều này đòi hỏi nhiều hơn nữa: cầu nguyện nhiều, khiêm nhường, suy
nghĩ và một sự trở lại thường xuyên. Chúng ta hãy tiến bước trên con đường này,
trong lúc cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, hầu cho cái điều tai tiếng
này phải chấm dứt và không còn chia rẽ chúng ta nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét