Tại
sao tôi lại đi tìm
người sống giữa những người chết
Bài
giáo lý về Phục Sinh (toàn văn)
Rôma – 23/4/2014 (Zenit.org)
"Hôm nay, khi về nhà,
chúng ta hãy nói trong lòng, trong sự thinh lặng, và tự đặt câu hỏi này: tại
sao, trong cuộc đời mình, tôi lại đi tìm người đang sống giữa những kẻ đã chết?
Điều này có ích cho chúng ta", Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban lời khuyên
trong buổi triều kiến chung ngày thứ tư 23/4/2014 này trên quảng trường Thánh
Phêrô.
Đức
Giáo Hoàng đã dành bài giáo lý của ngài cho đề tài Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh.
Ngài
đã đưa ra những thí dụ theo kiểu "đi tìm giữa những người chết":
"khi chúng ta thu mình vào một hình thức ích kỷ và tự mãn nào đó; khi
chúng ta để bị quyến rũ bởi những quyền lực trên trái đất và bởi những sự thế
gian, quên đi Thiên Chúa và anh em; khi chúng ta đặt niềm hy vọng trong những
phù du trần tục, trong tiền bạc, trong thành công".
Sau
đây là bản dịch toàn văn bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô bằng tiếng Ý
kể cả một vài câu ngài bất chợt thêm vào.
A.B.
Bài
Giáo Lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô bàng tiếng Ý
Thân chào quý anh chị em!
Tuần này là một tuần lễ vui mừng: chúng ta mừng Chúa Giêsu Phục
Sinh. Đó là một niềm vui thật sự, sâu sắc, xây dựng trên sự xác tín từ nay
rằng, Đức Kitô phục sinh sẽ không chết nữa, mà Người đang sống và đang hành
động trong Hội Thánh và trên thế gian. Sự xác tín này ở trong lòng các tín hữu
kể từ sáng ngày Lễ Phục Sinh khi các phụ nữ đã ra mộ Chúa Giêsu và khi thiên
thần đã nói với các bà: "Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ
chết?" (Lc 24,5).
"Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?" Những
lời này như một lằn mốc trong lịch sử; nhưng cũng là một "tảng đá cản
đường", nếu chúng ta không mở ra với Tin Mừng, nếu chúng ta nghĩ rằng một
Chúa Giêsu chết sẽ ít làm phiền hơn một Chúa Giêsu hằng sống!
Chúng ta cần nghe lại khi chúng ta thu mình trong một hình thức
ích kỷ và tự mãn nào đó; khi chúng ta để bị quyến rũ bởi những quyền lực trên
trái đất và bởi những sự thế gian, quên đi Thiên Chúa và anh em; khi chúng ta
đặt niềm hy vọng trong những phù du trần tục, trong tiền bạc, trong thành đạt.
Khi đó Lời Thiên Chúa nói với chúng ta: "Sao anh em lại tìm Người Sống ở
giữa kẻ chết?".
Sao con đi tìm ở đó? Cái đó không cho con sự sống! Đúng, có lẽ
rằng cái đó sẽ cho con thú vui trong một phút, một ngày, một tuần, một tháng…
và rồi thì sao? "Sao anh em lại đi tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?"
Câu nói này phải đi vào trong tâm hồn chúng ta và chúng ta phải nhắc lại nó.
Chúng ta hãy cùng nhau nói lại một lần đi. Chúng ta có muốn làm nỗ lực này
không? Tất cả nào: "Sao anh em lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?" [Đám đông nhắc lại]
Hôm nay, khi về nhà, chúng ta hãy nói trong lòng, trong sự thinh
lặng, và tự đặt câu hỏi này: tại sao, trong cuộc đời mình, tôi lại đi tìm người
đang sống ở giữa những kẻ đã chết? Điều này có ích cho chúng ta.
Không dễ gì mở lòng ra với Chúa Giêsu. Chấp nhận sự sống của
Đấng Phục Sinh và sự có mặt của Người ở giữa chúng ta không phải là chuyện
đương nhiên một lần là đủ. Phúc Âm chỉ cho ta thấy phản ứng của ông Tôma Tông
Đồ, của bà Maria Mađalêna và của hai môn đệ trên đường E-mau: so sánh chúng ta
với họ có ích cho chúng ta. Ông Tôma đặt một câu hỏi với đức tin, ông yêu cầu
được đụng chạm với điều hiển nhiên, các vết thương của Người; Bà Maria Mađalêna
khóc, bà thấy Người nhưng không nhận ra Người, bà chỉ nhận ra đó là Chúa Giêsu
khi Người gọi tên bà; các môn đệ trên đường E-mau, suy sụp tinh thần với cảm
tưởng thất bại, đã gặp được Chúa Giêsu bằng cách đồng hành với người lữ khách
huyền bí.
Mỗi người bằng một con đường khác nhau! Các ông bà đã tìm Người
Sống ở giữa kẻ chết và chính Chúa đã đưa họ về đúng đường. Và tôi, tôi làm gì?
Tôi sẽ đi con đường nào để gặp được Đức Kitô hằng sống? Ngài sẽ luôn mãi ở gần
chúng ta để chỉ đường cho chúng ta, nếu chúng ta đi lạc.
"Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?" (Lc
24,5). Câu hỏi này làm cho chúng ta vượt khỏi cám dỗ nhìn về phía sau, đó là
ngày hôm qua, và thúc đẩy chúng ta tiên tới tương lai. Chúa Giêsu không có ở
trong mồ, Người đã Phục Sinh. Người là Đấng Hằng Sống, là Đấng luôn làm mới lại
Thân Thể của Người là Hội Thánh và khiến cho Hội Thánh lên đường và thu hút Hội
Thánh về với Người. "Hôm qua", chính là nấm mồ của Chúa Giêsu và nấm
mồ của Hội Thánh, mồ chôn của sự thật và công lý; "hôm nay", chính là
sự phục sinh vĩnh cửu mà Thánh Linh thúc đẩy chúng ta tới, bằng cách ban cho
chúng ta tự do đầy đủ.
Hôm nay, câu hỏi này cũng được đặt ra cho chúng ta. Này con, sao
con lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết, con là người tự khép kín mình sau một
thất bại, và con là người không còn đủ sức để cầu nguyện? Sao con lại tìm Người
Sống ở giữa kẻ chết, con là người cảm thấy cô đơn, bị bạn bè bỏ rơi, con là
người đã mất đi niềm hy vọng và con là người cảm thấy bị giam hãm bởi tội lỗi
của mình? Sao con lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết, con là người khát vọng cái
đẹp, cái toàn hảo thiêng liêng, khát vọng công lý và hòa bình?
Chúng ta cần nghe lại và cần nhắc nhở cho nhau lời cảnh báo của
thiên thần. Lời cảnh báo đó, "sao anh chị em lại tìm Người Sống ở giữa kẻ
chết?", giúp chúng ta thoát ra khỏi những không gian buồn thảm và mở ra
cho chúng ta những chân trời của vui mừng và của hy vọng, niềm hy vọng này đã
cất bỏ những tảng đá lấp mồ và khuyến khích loan báo Tin Mừng, có khả năng sinh
sản ra những người khác trong cuộc đời mới.
Chúng ta hãy lập lại câu nói này của thiên thần để nhập tâm,
nhập ý và rồi để mỗi người trả lời trong thinh lặng: "Sao anh chị em lại
tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?" Chúng ta hãy lập lại câu này [Đức Giáo Hoàng cùng đám động lập lại].
Anh chị em hãy nhìn kìa, Người hằng sống, Người đang ở với chúng ta! Chúng ta
đừng đi tới tất cả những nấm mồ, ngày hôm nay, đang hứa hẹn với ta chuyện gì,
cái gì đẹp đẽ, nhưng rồi thì chẳng cho ta gì cả! Người hằng sống! Chúng ta đừng
đi tìm Người Sống ở giữa kẻ chết! Cảm ơn.
Bản
dịch tiếng Việt: Mạc Khải (ghxhcg.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét