Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

Huấn từ ĐTC Phanxicô - Hội nghị Giải Phẫu Ung Thư của Ý

Bác sĩ phải chữa trị cả thể xác và tinh thần

Thông điệp cho Hội giải phẫu ung thư của Ý (toàn văn)

Rôma – 14/4/2014 (Zenit.org)


Đức Giáo Hoàng kêu gọi các nhân viên điều trị hãy cống hiến cho người bệnh "một sự săn sóc toàn diện, coi trọng phẩm giá con người trong tổng thể và phối hợp với những săn sóc y khoa, sự nâng đỡ nhân bản, về tâm lý và xã hội, bởi vì người thầy thuốc phải điều trị toàn diện; thể xác con người, với tầm vóc tâm lý, xã hội và cả tinh thần".
Quả vậy, con người vốn là "sự hợp nhất thể xác và tinh thần", "kể cả bệnh hoạn, đau đớn hay thống khổ, không chỉ liên quan đến tầm vóc thể xác, mà đến toàn bộ con người", ngài giải thích.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp kiến các tham dự viên Hội Nghị của Hội giải phẫu ung thư Ý với chủ đề "Giải phẫu hệ tiêu hóa. Những xu hướng mới và khảo sát phí tổn" ("Digestive Surgery. New trend and spending review"), được tổ chức bởi Đại Học "La Sapienza" ở Rôma và bởi bệnh viện Saint-André, hôm thứ bẩy vừa qua, 12/4/2014, tại Vatican. 

Huấn từ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Anh chị em thân mến,
Tôi chào mừng tất cả quý anh chị em đã đến tham dự Hội Nghị Hội Giải Phẫu Ung Thư của Ý, được tổ chức bởi Đại Học La Sapienza ở Rôma và bởi bệnh viện Thánh An-rê. Đón tiếp quý anh chị em, tôi nghĩ đến tất cả những người nam, nữ mà anh chị em điều trị, và tôi cầu nguyện cho họ.
Sự khảo cứu khoa học đã nhân lên khả năng phòng ngừa và điều trị bệnh tật, nó đã khám phá ra những phương pháp điều trị để chữa rất nhiều các bệnh khác nhau. Anh chị em cũng vậy, anh chị em đã làm việc cho mục đích này: một sự dấn thân có giá trị to lớn, để mang lại một giải đáp cho những mong đợi và cho những hy vọng của biết bao bệnh nhân trên toàn thế giới.
Nhưng để có thể nói về 'sức khỏe đầy đủ', điều cần là đừng quên rằng con người đã được tạo dựng theo hình ảnh và giống với Thiên Chúa, và là sự hợp nhất thể xác và tinh thần. Người Hy Lạp chính xác hơn khi nói rằng: thể xác, linh hồn và tinh thần. Chính là sự hợp nhất này, người ta có thể phân biệt hai yếu tố này, nhưng không thể tách rời chúng ra được, bởi vì con người là một. Như thế, dù là bệnh hoạn, dù là trải nghiệm đau đớn hay thống khổ, cũng không chỉ liên quan đến phần thể xác mà thôi, nhưng liên quan đến con người toàn diện. Từ đó, có sự đòi hỏi một sự điều trị toàn bộ, coi trọng con người trong tổng thể và kết hợp những chăm sóc y khoa – chăm sóc "kỹ thuật" - với cả sự nâng đỡ nhân bản, tâm lý và xã hội, bởi vì người thầy thuốc phải điều trị toàn bộ: thể xác con người, cùng với tầm vóc tâm lý, xã hội và kể cả tinh thần; và sự đồng hành tinh thần và sự nâng đỡ thân nhân người bệnh. Để cho chuyện này, việc cần thiết là các tác nhân ngành y tế "phải được hướng dẫn bởi một nhãn quan hoàn toàn nhân bản của bệnh tật, và từ đó, biết thực hiện một sự gần gũi nhân bản đầy đủ với người bệnh đang đau đớn" (ĐGH Gioan Phaolô II, Motu Proprio Dolentium hominum, 11/02/1985).

Sự chia sẻ huynh đệ với người bệnh mở ra cho chúng ta tới một nét đẹp thật sự của đời sống con người, vốn có cả sự mỏng giòn của nó, như thế chúng ta có thể nhận biết phẩm cách và giá trị của mỗi con người, bất kể trong điều kiện nào, từ lúc thụ thai cho đến lúc chết.
Các bạn thân mến, ngày mai bắt đầu Tuần Thánh mà đỉnh cao là ba Ngày Thánh của cuộc Khổ Nạn, Cái Chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Ở đây, sự đau đớn của con người được hoàn toàn gánh chịu và cứu chuộc bởi Thiên Chúa. Bởi Thiên Chúa - Tình Yêu. Chỉ có Đức Kitô là Đấng mới cho thấy được ý nghĩa của sự đau đớn vô tội. Bao nhiêu lần, lời yêu cầu đầy lo ngại của Dostoievski: tại sao các trẻ em lại phải chịu đau đớn? Chỉ có Đức Kitô mới có thể mang đến một ý nghĩa cho cái "khốn nạn" này. Anh chị em cũng vậy, anh chị em luôn có thể hướng lên Ngài, bị đóng đinh và đã sống lại, trong khi chu toàn công việc hàng ngày của anh chị em. Dưới chân Thánh Giá của Chúa Giêsu, chúng ta gặp được Đức Mẹ Đau Buồn. Mẹ là Mẹ của toàn thể nhân loại, và luôn có mặt bên cạnh những đứa con bệnh hoạn và tật nguyền. Nếu đức tin của chúng ta chao đảo, đức tin của Mẹ không bao giờ. Chớ gì Mẹ Maria cũng nâng đỡ anh chị em, cũng như sự dấn thân của anh chị em trong nghiên cứu và làm việc. Tôi cầu nguyện, và khẩn xin Chúa chúc phúc lành cho tất cả anh chị em. Cảm ơn.
Bản dịch tiếng Pháp: Hugues de Waren (Zenit)
Bản dịch tiếng Việt: Mạc Khải (ghxhcg.com)
(14 avril 2014) © Innovative Media Inc.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét