Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

Cảm nghiệm Khóa Cursillo 3 Ngày

TRONG ĐỨC KITÔ

                                                                      
(GS. Nguyễn Văn Thành)


Giới thiệu
Trên 60 năm qua, Phong Trào Cursillo, một tổ chức quốc tế trong Giáo Hội Công Giáo, đã gây được một dấu ấn quan trọng nơi những thành viên, khởi sự từ khóa Cursillo. Người tham dự khóa Cursillo thuộc đủ mọi thành phần, hễ đã tham dự khóa học, đều cảm nhận một sự thay đổi khá lạ lùng. Ở nhiều người, nó như một dấu mốc tái sinh, một sự lên đường mới.
Giáo sư Nguyễn Văn Thành (1), sau khi tham dự Khóa Tĩnh Huấn Cursillo tại Paris, từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 8 năm 1999, đã viết lại cảm nghiệm của mình trên một cuốn sách có tên là “Trong Đức Kitô” (2).
Anh (3) đã viết khoảng 30 tác phẩm và khoảng 100 bài viết đủ loại: tôn giáo, tâm lý, giáo dục và văn hóa. Những công trình Anh đã làm: thiết lập những Trung tâm điều trị các trẻ em chậm phát triển ở Saigon và Hà Nội. Ngoài ra Anh còn mở ra nhiều khóa học đào tạo các chuyên viên chăm sóc và điều trị các trẻ em gặp trở ngại. Những công việc Anh thực hiện cho quê hương cho dân tộc, thật đáng ghi nhớ!
Cuốn sách “Trong Đức Kitô”, được chia ra 20 Chương trên 170 trang sách, ngắn, dài, tùy theo cảm hứng. Chúng tôi xin ghi đôi lời đến cuốn sách hiếm quý của Anh Nguyễn Văn Thành, như sự tưởng nhớ và thương tiếc Anh trong mối giao tình giữa Anh và chúng tôi. Cũng là dịp giới thiệu với các anh chi trong Phong Trào Cursillo và bạn đọc về một người bạn hiếm quý này.
Đề cập đến khóa Cursillo, Anh ghi nhận trong Lời Mở Đường: Cursillo là một khoá học kéo dài ba ngày về Đức Kitô. Chương trinh tĩnh huấn bao gồm nhiều bài học và nhiều giờ cầu nguyện. Để nói một tiếng đồng hồ, mỗi rollista phải chuẩn bị lòng mình trước Thánh-thể, hơn hai ba giờ và có khi hơn nữa. Họ gọi nhau là Cursillista những người học trò bé nhỏ cũa vị Thầy vĩ đại là Đức Kitô. Người Cursillista mang trong mình ba sứ mệnh: học hỏi thường xuyên về Đức Kitô, sống cuộc sống của Ngài và mang Ngài đến cho môi trường gia đình, nghề nghiệp, xã hội, quê hương và nhân loại. Khoá tĩnh huấn Cursillo kéo dài ba ngày, được so sánh như ba ngày cuối của Đức Kitô từ tối thứ Năm Tuần-thánh đến rạng ngày Chủ nhật, khi Ngài sống lại. Cuộc đời còn lại của người Cursillista, khi trở về với môi trường, được mang tên là “Ngày Thứ tư”. Chỉ có ngày Thứ-tư! ”Linh đạo Ngày Thứ-tư” là thể thức sống Đức-tin và rao truyền Tin-mừng, trong suốt ngày Thứ-tư của người Cursillista.
Tiếp theo, Anh dùng sự hiểu biết và tấm lòng mình trải rộng trong 20 Chương sách mà tôi cố gắng tóm lược như sau, bằng ngôn từ của chính Anh.
Nguyễn Đức Tuyên


NỘI DUNG
Chương I: Cuộc-đời muôn màu muôn sắc. 5
Chương II: Chiếc cầu tre lắc lẻo. 6
Chương III: “Tin là Yêu”. 7
Chương IV: Con đường Đức-tin diệu vợi 8
Chương V: Ánh-sáng đến trong thế-gian.. 10
Chương VI: Trời Mới – Đất Mới 12
Chương VII: “Tấm và Cám” trong nội tâm của Chúng ta. 13
Chương VIII: Đức Kitô trở lại trong vinh quang. 14
Chương IX: Chuyển hoá môi trường. 15
Chương X: Mầu-nhiệm Thánh-giá. 17
Chương XI: Rao giảng Tin-mừng. 18
Chương XII: Hướng đến một nền Thần học Việt Nam... 19
Chương XIII: “Anh em hãy vui luôn…” (Thư gửi tín hữu Philipphê)  21
Chương XIV: “Đức Kitô là tất cả” (Thư gửi tín hữu Côlôxê). 22
Chương XV: Trong Đức Kitô (Thư gửi tín hữu Êphêxô và ý nghĩa Ba lá thư)  23
Chương XVI: Thiên Chúa làm “Bụi đất”. 24
Chương XVII: “Xin đừng sợ”. 25
Chương XVIII: Hỡi Tín-hữu, ngươi ta ai? (Thư gửi tín hữu Rô-ma)  26
Chương XIX:  Đức-tin và Văn-hoá. 27
Chương XX: Thay lời kết – Hãy trao cho nhau một tấm lòng…... 29

Chương I: Cuộc-đời muôn màu muôn sắc

Em De Colores thân yêu! Hẳn thực trong ba ngày tĩnh huấn Cursillo tại Paris, con người cũ của Anh đã được chôn vào mồ với Đức Kitô. Cùng với Ngài, Anh đã mở mắt nhìn thấy ngục tù của cuộc đời đã trói buộc và giam hãm con người của Anh, trong hơn 60 năm. Cùng với 23 người anh em khác, Anh đã đồng hành chia sẻ. Ai buồn mà Anh không khóc với họ? Ai khổ đau mà lòng Anh không nhức nhối? Nhờ đó, tất cả cuộc đời còn lại của Anh sẽ “là một Thánh-lễ Vượt-qua” mãi mãi kéo dài cho đến ngày thứ năm, khi Đức Kitô trở lại và đem chúng ta “lên Trời”.
Trong ngày thứ tư còn lại, Anh làm những gì để cuộc đời Anh có thể trở thành một “Thánh-lễ vượt qua”, không bao giờ có điểm chấm dứt? Bây giờ Anh biết Anh ăn như Đức Kitô, với sức mạnh trợ lực của Chúa Thánh Thần. Vào ngày thứ tư, Anh đi ngủ như một hôm nào đó, Đức Kitô đã đi ngủ. Và ngọn đuốc của Chúa Thánh Thần vẫn luôn luôn cháy sáng trong tâm hồn của Anh.
Để có thể “mặc lấy Đức Kitô và mọi tâm tình của Ngài”, Anh phải ngày ngày ý thức một cách thâm sâu “Ngài là lý tưởng” của đời Anh. Lý tưởng là “chết và sống lại” mỗi ngày với Ngài, nhờ Ngài và như Ngài. Nhằm sống lý tưởng ấy, chúng ta chỉ có một phương thức duy nhất: “Bám-trụ” vào Ngài. Và cuối cùng, “đứng thẳng”, không nao núng, không ta thán. Tham dự vào Thánh-giá của Ngài với tâm hồn đại dương bao la đầy tha thứ.       
Cùng với Giáo-hội, mỗi người chúng ta được sai đi để làm chứng và rao giảng về Tình Yêu của Thiên Chúa. Hỡi người Anh-chị-em Cursillista, Thánh Thần sẽ hiện xuống trên chúng ta. Với Ngài, chúng ta có khả năng: “Biến không thành có, hoá bóng đêm thành mặt trời rạng tỏ. Thần của Thiên Chúa có mặt với chúng ta, trên mọi nẻo đường xuôi ngược, thăng trầm, chìm nổi. Thánh Thần là hành trang nhiệm mầu và kỳ vĩ của người Cursillista. Với Chúa Thánh Thần tràn đầy trong tâm hồn, sẽ không còn có người muốn ngồi trên, ăn trước. Chúng ta tất cả là anh chị em biết đùm bọc nhau. Biết tha thứ.
Em De Colores thân mến! Ngày xưa Mẹ Maria cũng là “đoá hoa muôn màu sắc” như Em ngày hôm nay. Từ ngày thưa “Xin-vâng”, Mẹ chấp nhận làm Mẹ của Đức Kitô, con của Thiên Chúa. Cũng từ giây phút ấy, Mẹ “muôn sắc muôn màu” đã trở thành người đầy tớ khổ đau. Mẹ đầy ân phúc trở thành Mẹ “sầu bi”, đứng thẳng dưới chân thánh giá.                               
Sau ba ngày tĩnh huấn Cursillo, cuộc đời của Anh em mình sẽ giống cuộc đời của Mẹ Maria. Ngày thứ tư của chúng ta sẽ tràn đầy nước mắt và chông gai.

Chương II: Chiếc cầu tre lắc lẻo

Làm sao tôi quên được chiếc cầu tre cho phép tôi băng qua sông, đi về thăm ngoại? Hình ảnh “nước trôi cuồn cuộn” ở dưới chân cầu làm tôi rùng mình, chùn chân, không dám bước tới. Tôi cứ sợ rơi tỏm xuống đó thì hết một cuộc đời đầy răm rắp mộng mơ. Trong đời sống Đức-tin, cũng có một cái chi “mường tượng” như thế. Đi theo Mẹ Maria – cho dù phải chạy lốc chốc hết hơi, thở hổn hển – tôi vẫn sung sướng, an tâm, can trường bước tới.
Một điều lạ, tôi không bao giờ hiểu được, khi có Mẹ cầm tay dẫn qua, mấy con “quỉ sứ” kia biến đâu mất. Kỳ lạ hơn nữa, khi nhìn xuống đáy sâu, tôi lại thấy bóng hình Mẹ và tôi tươi cười trên mặt nước. Đi với Mẹ Maria, “trên những chiếc cầu tre lắc lẻo” thuộc đời sống Đức-tin tôi cũng an tâm như vậy. Tôi cứ sánh mình như Đức Kitô, Ngài đã kinh qua và trải nghiệm cuộc đời làm người với Mẹ Maria. Mẹ luôn luôn có mặt với Ngài, cho nên Ngài đã có khả lực “vâng ý Cha dưới đất cũng như trên trời”.
Chúng ta hãy đi qua “những chiếc cầu tre lắc lẻo” của cuộc sống làm người với Đức-tin của Mẹ Maria. Học nhìn như Mẹ để thấy Trời-xanh. Học nghe lời Chúa như Mẹ, để cưu mang Đại-dương trong lòng mình.

Chương III: “Tin là Yêu”

Thánh Gio-an Tông Đồ trong Phúc-âm thứ 4 và hai lá thư của mình, đã nói rất nhiều về Tình-yêu. Tin là Yêu. Anh em hãy yêu thương nhau để thế gian nhận biết anh em là đồ đệ của Đức Kitô. Ai nói mình yêu thương Thiên Chúa, mà không yêu thương anh em mình, người ấy nói dối.  Bản chất đích thực của Thiên Chúa là Tình Yêu.
Tình yêu trong giáo huấn của Thánh Gio-an không phải là một nhãn hiệu vô hồn. Nói đến Tình-yêu, Đức Kitô đã thực hiện, dưới con mắt Ngài chứng kiến gần như hàng ngày trong vòng ba năm: – Đức Kitô đã cúi xuống rửa chân cho các môn đồ của mình.- Đức Kitô cúi hạ xuống ngang hàng người đàn bà ngoại tình. Sau đó Ngài ngước nhìn lên và nói với bà: Thầy không tố cáo chị. Thôi chị đi về. Đừng tái phạm! – Phê-rô đã ba lần chối từ có liên hệ thầy trò với Đức Kitô. Thế mà Phê-rô vẫn được Ngài đoái nhìn, với tất cả tấm lòng yêu thương, âu yếm “dường như không có chuyện gì xảy ra!”. Vào những phút giây cuối cùng trên Thánh Giá, Đức Kitô đã xin Cha Ngài thứ tha cho những ai đã tố cáo, đóng đinh, lăng nhục và sát hại Ngài.
Phúc-âm hoá môi trường – Chương trình hành động của chúng ta vào Ngày thứ Tư – phải chăng là “tình yêu hoá” cuộc sống thường ngày? Nghĩa là lấy tình yêu làm chất liệu nuôi dưỡng mọi quan hệ tiếp xúc và trao đổi trong lãnh vực gia đình cũng như ngoài xã hội. Với người xa cũng như người gần. Với anh chị em đồng hương đồng bào, cũng như với người “ngoại quốc”, người xứ Xa-ma-ri…
Nhờ vậy, trong ngày thứ tư, chúng ta có khả năng: “Đem yêu thương vào nơi oán thù, Đem thứ tha vào nơi lăng nhục, Đem an hoà vào nơi tranh chấp, Đem chân lý vào chốn lỗi lầm..”
Trong tinh thần và ý hướng ấy, người Cursillista có thể nhắc nhở mình trong suốt ngày thứ tư:
“Em là điệu nhạc làm nên bản hoan ca,
Em là trang sách đắp bồi nên tác phẩm,
Em là hạt nước trở về nuôi Đại Dương,
Em là dòng suối gọi lòng người tắm gội!”

Chương IV: Con đường Đức-tin diệu vợi

Sau ba ngày tĩnh huấn, người Cursillista trở về sống cuộc đời ngày “Thứ-tư” của mình trong lòng thế gian. Ở giữa môi trường gia đình, xã hội và nghề nghiệp, họ phải sống thế nào để mọi người có thể nhận biết “họ đã tràn đầy và thắm nhuần Chúa Thánh Thần”. Và chính Ngài đã sai họ, phải chăng để họ, trong từng hơi thở và nhịp tim, có thể “làm chứng” về Thiên Chúa Tình Yêu, cho những người còn ngụp lặn trong hận thù, chiến tranh, chia rẽ, bạo động, kỳ thị?…
Nhớ lại, trên mọi nẻo đường xuôi ngược của xứ Do-thái, Đức Kitô đã cùng bước với bao nhiêu người, thuộc mọi thành phần của xã hội. Chỗ nào Ngài đã đi qua, chỗ ấy người mù được sáng mắt. Người bại liệt đã đứng dậy và đi. Người nghèo được chúc phúc. Người tội lỗi được tha thứ. Người khát được uống nước trường sinh.
Theo gương Thầy Chí Thánh, chỗ nào người Cursillista đi qua, chỗ ấy thế gian nhận ra bước chân của Đức Kitô. Làm con người mới là mặc lấy Đức Kitô.  Là mang những hồng phúc:
Hồng-phúc thứ nhất, “Lo băng bó vết thương còn lở lói..”Vết thương ở đây là tội lỗi.. Để có thể băng bó vết thương cho người khác, chúng ta bắt đầu băng bó vết thương cho mình. Và cho nhau. Để thế gian có thể hối cải, chính người Cursillista hãy canh tân cuộc sống của mình. Nhất là trong quan hệ giữa anh chị em chúng ta.
Hồng-phúc thứ hai, “Gieo an lạc vào lòng ai mòn mỏi”. Người Cursillsta có trả lời được cho những tâm hồn đang rối loạn và xao xuyến: Thiên Chúa hiện diện trong tôi. Quả tim tôi là cung điện của Ngài.
Hồng-phúc thứ ba, “Ngày ngày cưu mang biển trời cao cả”. Làm Cursillista, chúng ta không thể không đi lại con đường của Mẹ Maria. Nhờ xương da, máu thịt của chúng ta, Đức Kitô được sinh ra lớn lên, mang Tin-mừng cho nhân loại. Đi con đường của Mẹ Maria, chúng ta phải can trường “đứng thẳng” dưới chân Thánh-giá của Đức Kitô.
Hồng-phúc thứ bốn, “Thở Thần-khí biến đời thành phép lạ”. Nhờ sức tác động của Chúa Thánh Thần, bằng cách này hay cách khác, chúng ta có thể nối dài phép lạ mà Đức Kitô đã làm tại tiệc cưới ở Ca-na: Biến nước thành rượu ngon. Biến trời đất này còn tràn đầy đau khổ, còn hận thù và bạo động…thành Trời-Mới và Đất-Mới.

Chương V: Ánh-sáng đến trong thế-gian

Thánh Gio-an Tông-đồ đã suy niệm về Mầu-nhiệm Nhập-thể. Để triển khai và trình bày Mầu Nhiệm này, tác giả đã sử dụng ba hình tượng: Thứ nhất là Ánh-sáng. Thứ hai là Thế-gian. Thứ ba là Đến. Hình tượng có nghĩa là một hình ảnh chất chứa nhiều ý nghĩa khác nhau. Ngoài ý nghĩa thông thường, bề mặt, chúng ta có thể dần dần khai mở nhiều ý nghĩa khác nằm ở chiều sâu, ở bên dưới.
Trong tinh thần ấy, tôi muốn khảo sát ba hình tượng trên đây.
1. Hình tượng thế gian. Thánh Gio-an đồng hóa thế gian với “bóng tối”. Một: Thế gian là tất cả những ai đang có mặt trên quả đất này. Mỗi lần chúng ta không chấp nhận quan hệ yêu thương của Thiên Chúa đối với chúng ta, chính chúng ta biến mình thành tác giả và nguyên nhân tạo nên bóng tối cho đời mình. Thế gian là những ai giết chết Thiên Chúa. Và khi làm như vậy, chúng ta thuộc về thế gian. Chúng ta ở trong bóng tối. Chúng ta là thế gian. Là bóng tối. Chúng ta đã chết. Không còn sống cuộc sống của Thiên Chúa. Chúng ta phủ nhận mọi quan hệ giữa chúng ta với Ngài.
 
2. Hình tượng ánh sáng. Làm sao con người có thể nhìn thẳng mặt trời, nhất là khi mặt trời ấy là Đấng tạo dựng nên toàn thể vũ trụ, mặt trời, trăng sao? “Thiên Chúa là Ánh-sáng”: Bởi vì Ngài là nguồn gốc ban sự sống cho chúng ta. Đồng thời Ngài là quê hương, là nhà, để chúng ta trở về, sau cuộc hành trình trên mọi nẻo đường của dương thế. Ngoài “Ánh-sáng”, thánh Gio-an còn thích dùng một hình tượng khác: “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Ngài đã yêu thương, gọi mời chúng ta làm nghĩa tử của Ngài từ trước vô cùng, từ ngày trời đất chưa được tạo thành.
 
3. Hình tượng đến. Hình tượng thứ ba trong câu nói của Thánh Gio-an là Đến. Theo sách Sáng-thế, Thiên Chúa đã đến thăm viếng nhiều lần hai vị tổ phụ của chúng ta là ông Adong và bà Evà, trước khi họ phạm tội ăn trái cấm. Trong ba mươi năm, Thiên Chúa đã “làm người” hoàn toàn như chúng ta. Ngài ở giữa chúng ta. Để mở đường cho Ngôi Lời, Con Thiên Chúa đến thế gian, như Ánh Sáng chiếu soi bóng tối, Mẹ Maria đã tin vào Tình-yêu của Thiên Chúa. Và nhờ Đức-tin của Mẹ, Thiên Chúa đã làm người với máu huyết của Mẹ.
Nếu chúng ta có Đức-tin vào Thiên Chúa Tình Thương, giống như Mẹ Maria, chúng ta cũng sẽ có khả năng đem “Ánh Sáng đến thế gian”, biến trời đất còn đầy chết chóc và hận thù, thành Trời Mới Đất Mới.

Chương VI: Trời Mới – Đất Mới

Hẳn thực, khi “học lại” mười lăm bài rollo, mà tôi đã tiếp thu trong ba ngày tĩnh huấn Cursillo, tôi có thể kết luận rằng: bài nào cũng động viên tôi thực hiện “Trời-Mới Đất-Mới” trong ngày thứ tư của mình. Nhưng thế nào là Trời-Mới Đất-Mới ? Từng sáng mai thức dậy, tôi phải làm những gì cụ thể, để ”Trời-Mới Đất-Mới ” trở nên hiện thực trong cuộc đời?
1. Lắm lần, tôi muốn bỏ nhà ra đi. Trèo non, lặn suối, để tìm cho ra một nơi không có mùa hè oi bức! Một xứ sở không có mùa đông giá lạnh! Tôi muốn tìm một nơi an bình. Nhưng, đâu đâu, trên khắp cùng mọi đường đi ngõ hẽm của nhân loại, người vẫn còn bóc lột người. Trong lòng của đất nước, quê hương mình, con người vẫn còn “làm chó sói” đối với con người. Thậm chí giữa những cặp trai gái, vợ chồng trước đây đã thề thốt yêu nhau mặn nồng và đắm đuối, nay cũng chia ly.
2. Hồi tôi còn ở lứa tuổi mười tám đôi mươi, tôi mang hoài bảo làm cách mạng, thay đổi toàn diện con người. Và làm mới bộ mặt thế giới với tất cả bầu nhiệt huyết của tôi. Lên tới bốn mươi, tôi mở mắt bừng sáng, nhận thấy rằng những ấp ủ ngày xưa chỉ là mộng tưởng, hão huyền… Nhờ ngưỡng cửa sáu mươi tuổi, với bao khổ đau tê tái chồng chất trong cuộc đời, nhất là sau ba ngày tĩnh huấn Cursillo, tôi đã ý thức một cách thấm thía và triệt để rằng: khu vườn độc nhất mà tôi có thể chăm bón, gieo vãi và ươm trồng một vài bông hoa… chính là tâm hồn và cuộc đời của tôi. Nói cách khác, bao lâu Trời Mới Đất Mới chưa đâm chồi nẩy lộc trong xương da máu thịt của tôi, tôi chưa có mắt để nhìn thấy… Tôi chưa có tai để lắng nghe…
3. Khi tôi tha thứ cho một người, mặc dù người ấy đang chưởi bới, mạ lỵ tôi… đó là Trời-Mới Đất-Mới! Khi tôi thinh lặng quì xuống “rửa chân cho một người anh chị em”… đó là Trời-Mới Đất-Mới! Khi tôi bắt chước Đức Kitô không phê phán… đó là Trời-Mới Đất-Mới. Mẹ Maria sống khiêm hạ, khó nghèo, chuẩn bị một cung lòng để cưu mang Con Thiên Chúa… đó là Trời Mới Đất Mới!

Chương VII: “Tấm và Cám” trong nội tâm của Chúng ta

Những câu chuyện cổ tích, thần thoại nhằm thông đạt cho con cháu và các thế hệ về sau những cách sống làm người, những phương thức phục vụ anh chị em bà con thôn xóm. Mỗi câu chuyện nói được là một giáo trình cô đọng và gói ghém những bài học về giáo dục, sư phạm và tâm lý còn mang tính thời sự cho đến ngày hôm nay.
Câu chuyện “Tấm – Cám” là một minh hoạ rõ ràng và súc tích, cho chúng ta nhận thấy một cách cụ thể: Cha ông chúng ta đã có những kiến thức vững vàng về Phân tâm học, hằng bốn năm thế kỷ, trước khi khoa học nầy ra đời vào đầu thập niên 1900, với những công trình nghiên cứu và sáng tác của  Bác sĩ tâm thần S. Freud.
Tôi về phe của Tấm. Đó là lẽ thường tình và tự nhiên, vì Tấm là con người dễ thương và đáng thương. Tuy nhiên, có bao giờ tôi giật mình tỉnh thức nhận ra rằng: tôi cũng là Cám, ở một góc độ nào đó, trong cuộc sống thường ngày? Nếu tôi loại trừ Cám, phải chăng tôi cũng loại trừ một phần của chính mình tôi? Làm như vậy là tự lường gạt. Tôi khư khư giữ cho mình phần Tốt, mặt Sáng. Đồng thời, tôi  phóng chiếu lên khuôn mặt kẻ khác phần xấu và mặt đen.
Theo giáo lý của Thánh Phaolô, ”ở đâu tội lỗi tràn trề, ở đó ân sủng thứ tha cũng chứa chan bát ngát”. Tội lỗi mà Ngài muốn nói tới là tội lỗi được chúng ta nhận diện và đối diện. Được can trường thú nhận. Không ém nhẹm, che giấu. Chúng ta cần đấm ngực và sám hối. Thay vì  mang mặt nạ hay là có bộ mặt mồ mả tô vôi.
Đổi mới bản thân và cuộc đời của chính mình. Từ đó và nhờ đó, người ấy có khả năng đổi mới mọi người. Đó là đích điểm tốt đẹp nhất cần hướng tới để thực hiện trong suốt cuộc đời.
Vậy hởi bạn, hỡi em – chúng ta hãy chọn con đường nào, mỗi lần có nguy cơ tranh chấp  và xung đột giữa chúng ta và anh chị em đồng bào, đồng loại?

Chương VIII: Đức Kitô trở lại trong vinh quang

Sau khi Đức Kitô đã về trời, trước sự chứng kiến của các đồ đệ, trong lòng Hội-thánh từ ngày ấy cho đến hôm nay, người tín hữu luôn luôn trông ngóng ngày trở lại của Ngài.
Nhưng Ngài sẽ trở lại khi nào? Một cách đặc biệt, chúng ta cần làm gì, để chính ngày hôm nay, Ngài có thể trở lại trong bản thân và cuộc đời của mỗi người, cũng như trong lòng của toàn thể Nhân-loại?
Câu hỏi thứ nhất: Ngài trở lại khi nào? Đức Kitô sẽ trở lại, chừng nào toàn thể Nhân-loại khát khao Ngài đến, tin vào Ngài, cần Ngài thực sự trong cuộc sống làm người.
Câu hỏi thứ hai: Chúng ta cần làm gì?  Khi có khả năng tiếp nối công trình của Đức Kitô, chúng ta đang hợp tác với Chúa Thánh Thần, để “bổ túc những gì còn đang thiếu sót”… Chúng ta góp phần mình để làm cho Đức Kitô “trở thành viên mãn, tròn đầy” trong lòng Nhân-loại.
Nói tóm lại, chừng nào nhờ sức tác động của chúng ta, do Chúa Thánh Thần thúc đẩy và ban ơn trợ lực, chúng ta có khả năng làm phép lạ “biến nước thành rượu ngon”, như ở làng Ca-na, lúc bấy gi Đức Kitô có thể trở lại lần thứ hai. Trời đất trở thành Trời-Mới, Đất-Mới. Và mỗi người có Đức-tin vào Đức Kitô được trở nên con người Mới, như Ngài. Với Ngài. Và nhờ Ngài.

Chương IX: Chuyển hoá môi trường

Nhằm chuyển hoá môi trường gia đình và xã hội, em hỏi tôi: phải làm gì? Bắt đầu từ đâu? Ưu tiên số một là điều gì?
Em cũng như tôi, chúng ta làm Người. Là làm chủ cuộc đời của chính mình. Hạnh phúc và yêu thương là bản sắc hay là chân tướng đích thực của chúng ta. Bắt đầu từ giây phút Em thay đổi nội tâm và não trạng của mình, tự khắc thực tại bên ngoài đã dần dần cải biến.
Trên những con đường lầy lội hôm nay, nếu em biết mở mắt nhìn, một đoá hoa dại nở ra đâu đó… đang tô điểm cuộc đời của em. Trong xóm nhà lá, với bao nhiêu trẻ em gầy gò ốm yếu vì thiếu dinh dưỡng… Nếu em biết mở rộng cõi lòng, em sẽ đón nhận những nụ cười chân tình và tràn ngập ánh sáng.
Có lẽ Em đang muốn hỏi tôi: Mấy con én mới có thể làm nên mùa xuân trong lòng Đất-nước và Hội-thánh hoàn vũ? Bao nhiêu và cho đến bao gi, tôi không thể nào biết được và trả lời dứt điểm cho em. Nhưng tôi có thể đoan chắc một điều thật đơn giản: Mỗi con én có thể tạo nên mùa xuân cho chính mình; nếu nó biết đảm nhiệm cuộc đời từng ngày.
Đảm nhiệm cuộc đời là ra tay bổ túc những gì đang thiếu sót. Kiện toàn những gì chưa hoàn chỉnh. Rút tỉa bài học từ những lỗi lầm, lệch lạc, méo mó… Nhận diện và can đảm đối diện. Không giả vờ làm lơ, nhìn qua chỗ khác, tránh né, đánh trống lãng.
Xây dựng cuộc đời với hai bàn tay lao động của mình. Không ngửa tay xin xỏ cầu viện. Đổ một giọt mồ hôi, thay vì đứng hô hào công bình, bác ái. Đốt lên một que diêm, thay vì ngồi nguyền rủa đêm tối.
Đảm nhận cuộc đời như vậy là một cách Cho. Cho vô điều kiện. Cho bất kỳ một cái gì, một nụ cười, một bàn tay, một hơi ấm, một chút tình người. Khi biết cho như vậy, em đang trở thành Chúa. Em đang Sống-lại, như Đức Kitô sau khi Ngài đã Thứ-tha cho kẻ sát hại ngài trên Thánh-giá. Hỡi Em! Em hãy cho và thứ tha!
Nhờ em, Đức Kitô sẽ trở nên “mọi sự cho tất cả mọi người” Đức Kitô chính là “Tin-mừng” em gieo vãi khắp mười phương; trên những con đường của Quê-hương và Nhân-loại. Chỗ nào có Đức Kitô, do em mang đến, chỗ ấy là Trời-Mới – Đất-Mới! Chỗ ấy là cõi lòng Mẹ Maria. Và chỗ ấy cũng là Đền-thờ của Chúa Thánh Thần.

Chương X: Mầu-nhiệm Thánh-giá

Mác-cô là đồ đệ thân yêu của Thánh Phê-rô. Đã một thời Mác-cô tháp tùng Thánh Phao-lô, trên một vài chặng đường truyền giáo…Cuốn Phúc-âm của thánh Mác-cô ra đời vào một thời điểm Hội-thánh đang bị truy nã và bắt bớ, nhất là dưới triều đại của hoàng đế Đô-mi-xi-a-nô.
Tất cả những nhận xét ấy cho chúng ta lãnh hội một phần nào tại vì sao Mác-cô đặt trọng tâm vào Mầu-nhiệm Thánh-giá của Đức Kitô trong cuốn Phúc-âm của mình. Phải chăng đó cũng là trọng tâm của giáo lý và đức tin, được Thánh Phê-rô nhắc đi, nhắc lại cho các tín hữu, vào những thời điểm khó khăn và gay cấn nhất trong đời sống của Hội-thánh, trước lúc lãnh án tử hình “để giống Thầy”.
Hẳn thực, theo Phúc-âm của Thánh Mác-cô, Đức Kitô đã ba lần loan báo cuộc Thương-khó và Phục-sinh của mình. Mỗi lần Đức Kitô loan báo con đường tử nạn của mình, Thánh Mác-cô đều nhấn mạnh rằng: Các môn đệ không hiểu Ngài muốn nói gì.
Tin vào Đức Kitô làm đồ đệ của Ngài, chúng ta không thể không chọn lựa Con Đường Thánh-giá. Trên Thánh-giá, Thiên Chúa Tình-yêu và Thứ-tha hiện nguyên hình, trước mặt thế gian. Nhờ ngôn ngữ Thánh-giá Thiên Chúa đã mặc khải bản chất và căn cước của mình. Yêu ai phải chăng là chết cho người ấy? Trên Thánh-giá Thiên Chúa đã diễn tả lòng thứ tha vô điều kiện của Ngài. Ngài giăng hai tay đón nhận mọi đứa con hoang đàng trở về. Trong số đó có chúng ta.
Khi biết thứ tha vô điều kiện như Đức Kitô trên Thánh-giá, chúng ta sẽ sống lại như Ngài. Với Ngài. Và nhờ Ngài. Chúng ta được đón nhận vào cung lòng của Ngôi Cha. Hơi thở và sự sống của chúng ta là Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, ai giao tiếp với chúng ta, người ấy sẽ trở thành con cái của Thiên Chúa.
Hỡi người Anh, người Chị Cursillista… Trong môi trường sinh sống, vào ngày Thứ tư, nhiều Thánh giá lớn bé, nặng nhẹ đang trải đầy trên đường đi của chúng ta.

Chương XI: Rao giảng Tin-mừng

Thánh Lu-ca là người “Thầy Thuốc” đã đi theo Thánh Phao-lô trên những chặng đường truyền giáo. Vào cuối đời, Ngài đã cống hiến cho Hội-thánh hai tác phẩm. Đó là Phúc-âm thứ ba và  sách Công vụ Tông-đồ.
Trong cuốn sách thứ nhất, tác giả đã trình bày cho chúng ta một điều quan trọng: Đức Kitô sinh ra từ cõi lòng Mẹ Maria, là Tin Mừng do Thiên Chúa Ngôi Cha gửi đến cho nhân loại.
Trong cuốn sách thứ hai, theo các trình bày của Thánh Lu-ca, những gì Đức Kitô đã thực hiện trong cuộc đời của Ngài, phải được chính chúng ta tiếp tục, nối dài trong mọi hang cùng ngõ hẻm của nhân loại.
Chính ngày Hôm nay, qua máu xương, da thịt của chúng ta, Đức Kitô đang được sinh ra cho thế trần. Cũng giống như ngày xưa, Ngài đã sinh ra từ máu xương da thịt của Mẹ Maria, cách đây 2000 năm. Chính ngày Hôm nay, nhờ chúng ta, Ngài đang chết và sống lại, để Hồng-ân Cứu-độ có thể sinh hoa, kết trái, trong cõi lòng mỗi người.
Ngày xưa, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên Mẹ Maria thế nào, thì ngày Hôm nay, Ngài cũng đang ngự xuống như vậy trên chúng ta, để chúng ta có thể thực hiện những kỳ công trọng đại trong cuộc đời.

Chương XII: Hướng đến một nền Thần học Việt Nam

Hướng đến một nền thần học Việt Nam là hướng đến một đời sống Đức-tin sáng ngời như ngọn đuốc giữa lòng dân tộc, liên đới với những con người Việt Nam mang trong mình bao nhiêu là khổ đau và tồn tại cũng như bao nhiêu kỳ vọng và giá trị cao cả…
Phải chăng đó là nội dung tôi muốn mạo muội chia sẻ hôm nay với quí vị quí bạn là những người cũng mang trong mình dòng máu Tiên Rồng như tôi! Hơn thế nữa, chúng ta tất cả còn mang dòng máu Ba Ngôi Thiên Chúa trong từng huyết quản của chúng ta, nhờ Bí tích Rửa tội và Hồng phúc kỳ diệu của Chúa Thánh Linh.
Con đường tôi đang đi, thật ra chính là “hơi thở” hằng ngày của tôi, được hà hơi tiếp sức bởi Thần khí Chúa để đổi mới tâm hồn và cuộc đời tôi. “Hơi thở” và sức sống ấy, nói lên lối suy nghĩ và nếp sống đạo chân thật nhất của tôi, và có khả năng tác động trên đồng bào tôi. Nếu tôi chưa thực sự “sống lại” với Đức Kitô, làm sao tôi có thể làm cho Đất-nước tôi “sống lại” với Ngài?
Dựa vào nền tảng thần học nào chúng ta đua đòi xây cất những ngôi đền thờ đồ sộ bằng gạch đá, giữa một đại dương nghèo đói? Như vậy, thử hỏi chúng ta chọn tư tưởng và tâm tình nào làm ưu tiên hàng đầu trong bảng thang giá trị của nền thần học Việt Nam?
Nếu Thiên Chúa đã chọn con đường Nhập Thể, mang lấy thân phận làm người, chấp nhận trở thành “tất cả trong tất cả” trừ tội lỗi, thì liệu còn gì có thể cản trở chúng ta mang đến cho người anh em một con tim, một tình người, một vòng tay huynh đệ, để chúng ta cùng làm người với họ trong lòng Đất-nước Việt Nam? Nói cách khác, chúng ta phải hướng đến một nền thần học nào giữa lòng dân tộc?
Theo ý kiến riêng tư và kinh nghiệm bản thân tôi, bất kỳ một nền thần học chân chính nào – trong đó có nền thần học Việt Nam mà chúng ta muốn khởi công xây dựng – cũng phải bắt đầu từ mẫu khuôn của Mầu-nhiệm Nhập-thể: “Thiên Chúa làm người” ở giữa chúng ta, với chúng ta, cho chúng ta. Và, Thiên Chúa ấy, chính là Đức Kitô, mang tất cả thân phận làm người như mọi người chúng ta và cùng một lúc Ngài làm “phát ngôn viên” cho Thiên Chúa Cha đối với nhân loại. Làm thần học theo mẫu khuôn “Nhập Thể”, chúng ta trước tiên phải “làm người” tại Quê-hương này cùng với đồng bào Việt Nam, và cùng với Đức Kitô, chúng ta phải là những “phát ngôn viên” của Thiên Chúa.
Như vậy, chỉ có thể phát khởi một luồng suy tư “thần học Việt Nam” khi chúng ta dứt khoát khẳng định lấy con người Việt Nam làm “địa chỉ” cho Chúa Thánh Linh, lấy nếp sống và cảm nghĩ của dân tộc Việt Nam làm cơ sở cho việc sống đạo và hành đạo Chúa. Là Kitô-hữu, chúng ta không chối bỏ thân phận làm người Việt Nam.
Tôi mang lấy sự sống của Đức Kitô trong thân phận làm người Việt Nam của tôi, cũng như Chúa Kitô đang nhập thể trong tôi và sống thân phận người Việt Nam của tôi. Thần học chỉ là một lối nhìn, một lối kiến giải về thực tại sống đạo của người Kitô-hữu Việt Nam trong lòng dân tộc, chớ không bao giờ là thực tại ấy. Lối nhìn ấy, lối kiến giải ấy cần được bổ túc, kiện toàn để giúp thực tại sống đạo ấy mỗi ngày một phù hợp hơn với Tin Mừng của Đức Kitô giữa lòng Quê Hương Việt Nam.

Chương XIII: “Anh em hãy vui luôn…” (Thư gửi tín hữu Philipphê)

Hân hoan, vui mừng là chủ đề của lá thư gửi tín hữu Phi-líp-phê.  Lá thư có bốn chương. Qua mỗi chương, Thánh Phao-lô trình bày một lý do về nỗi niềm hân hoan đang có mặt trong tâm hồn và cuộc đời của mình.
Trong chương thứ nhất, theo lời tâm sự của Thánh Phao-lô, sở dĩ Ngài luôn luôn vui mừng vì đối với Ngài, “Sống là Đức Kitô”. Trong chương thứ hai, Ngài đã bộc lộ cho chúng ta: “vì ngài mang tâm tình của Đức Kitô trên Thánh-giá”,”Tìm lợi ích cho Đức Giêsu Kitô” và “Phục vụ Tin-mừng”. Trong chương thứ ba, theo lời giải thích của Thánh Phao-lô, vì “quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta”. Điểm cuối cùng được trình bày trong chương bốn, là sức mạnh của Đức Kitô. Ngài là con đường đi, là sức mạnh, ngôi sao đưa lối, giữa bão táp phong ba, đêm tối hãi hung.
Giáo lý của Thánh Phao-lô được trình bày trong lá thư gửi tín hữi Phi-lip-phê giúp chúng ta thấy được rằng: cuộc đời không khổ đau không có mặt, bao lâu chúng ta còn sống trên quả địa cầu nầy. Tuy nhiên, nếu chúng ta có khả năng chia sẻ với Đức Kitô bao nhiêu khổ đau hằng ngày của chúng ta, nhờ sức trợ lực của Chúa Thánh Thần, chúng ta đã bắt đầu dấn bước vào con đường Phục-sinh giống như Đức Kitô. Từ bây giờ và ở đây.

Chương XIV: “Đức Kitô là tất cả” (Thư gửi tín hữu Côlôxê)

Suốt dòng lịch sử của Nhân-loại, Thiên Chúa chỉ nói “Một Lời duy nhất”: Đó là Đức Kitô. Từ Cựu-ước qua Tân-ước, Ngài chỉ mặc khải một mầu nhiệm duy nhất “ đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ”  Đó là Đức Kitô.
Để rao giảng Lời Chúa, ngày hôm nay trong thời đại Ngàn năm thứ ba cũng như để loan báo mầu nhiệm của Ngài, chúng ta chỉ cần công bố Đức Kitô, một cách rõ ràng, không do dự, úp mở, cắt xén. Đức Kitô là Tin mừng duy nhất và phổ quát cho toàn thể Nhân-loại. Mọi Tin-mừng khác – ở chỗ khác, nơi người khác – đều được thu tóm trong Ngài.
Đức Kitô là ai? Ngài là “Danh bất khả danh”. Thánh Phao-lô, khi trình bày về Đức Kitô, rằng bản sắc của Ngài là Thiên Chúa. “Đức Kitô là tất cả trong tất cả” cũng có ý nghĩa như “Đức Kitô là Thiên Chúa”.
Thánh Phao-lô kêu mời người tín hữu hãy nhìn lại, nhớ lại, ghi nhận những gì Đức Kitô đã làm, để mở mắt ý thức được rằng: Đức Kitô vừa là “Con người bằng xương bằng thịt” vừa là Thiên Chúa “có trước muôn loài muôn vật”. Trong Đức Kitô “muôn vật được tạo thành”.

Chương XV: Trong Đức Kitô (Thư gửi tín hữu Êphêxô và ý nghĩa Ba lá thư)

Ba lá thư của Thánh Phao-lô gửi tín hữu Phi-líp-phê, Co-lô-xê và Ê-phê-xô có quan hệ khắng khít chặt chẽ với nhau. Lá thư đầu chuẩn bị lá thư sau. Lá thư sau sáng soi và kiện toàn những lá thư trước. Các nhà chú giải Kinh-thánh mượn lại hình ảnh Dân Chúa trên đường vào Đất-hứa để minh họa tiến trình tư duy của Thánh Phao-lô từ lá thư nầy sang qua lá thư khác. Lá thư gửi tín hữu Phi-líp-phê với chủ đề “Hân-hoan và Vui-mừng” so sánh người tín hữu như Dân Chúa đang ngày ngày di động trong sa mạc Xi-na-y. Giữa bao nhiêu thiếu thốn, khó khăn, trắc trở và gian truân… Mắt họ nhìn về, lòng họ hướng về miền Đất-hứa, mà Thiên Chúa sẽ trao ban cho họ.
Với lá thư gửi tín hữu Cô-lô-xê, chúng ta chia sẻ niềm tự hào và tự tin của Dân Chúa đang vượt qua sông Gióc-danh, sung sướng, cảm động đặt những bước chân đầu tiên lên mảnh Đất Quê-hương mà họ cần phải chinh phục, bằng xương, bằng máu. Bằng nước mắt, mồ hôi, bàn tay và trí thông minh. Và nhất là với tất cả tấm lòng của mình. Hẳn thực, theo nhận xét của văn hào Saint Exupéry, duy con tim mới thấy được những điều vô hình. Nhờ con tim, dần dần vô hình biến thành hữu hình. Làm sao người tín hữu cảm nghiệm được trong từng thớ thịt và hơi thở của mình lời tuyên xưng “Đức Kitô là tất cả”, nếu Ngài vắng bóng trong tấm lòng?
Qua lá thư gửi tín hữu Ê-phê-xô, Thánh Phao-lô, gần 70 lần, khẳng quyết: người tín hữu là những ai ở “trong Đức Kitô”. Không còn chân trong chân ngoài. Không còn tay cầm cày, mặt vẫn ngoảnh nhìn lui, bụng dạ ngày đêm thèm nhớ “củ hành, củ tỏi của vùng đất nô lệ”. Dân Chúa đã “an sinh lạc nghiệp” trong quê hương của mình. Họ là con cái tự do. Họ phải lột bỏ những tàn tích của những chuỗi ngày làm nô lê, bị đánh đập, áp bức, tệ đãi… Hay là hai mặt hai lòng, luồn cúi làm tay sai, để có thêm củ khoai, củ sắn trong tiêu chuẩn phần cơm của mình.
Hai câu thơ của Nguyễn Trãi đã giúp chúng ta khai mở một phần nào nội dung của Lá thư gửi tín hữu Ê-phê-xô:
“Mở rộng cửa Nhân chờ khách đến.
Vun trồng cây Đức để nuôi con”.
Nói khác đi, nếu lá thư Co-lô-xê trình bày bản sắc của Đức Kitô; lá thư Ê-phê-xô hướng dẫn người tín hữu từng bước đi vào mầu nhiệm lung linh diệu vợi của Hội-thánh. Theo kế hoạch của Thiên Chúa Ngôi Cha, những gì Đức Kitô đã thực hiện trong thời gian cuộc sống làm người 30 năm, Hội-thánh của Ngài tiếp nối mở rộng trong hai chiều kích thời và không gian, cho tới ngày Ngài trở lại trong vinh quang.
Bản sắc của Hội-thánh là truyền giáo.

Chương XVI: Thiên Chúa làm “Bụi đất”

Ý nghĩa của ngày lễ “Thiên Chúa Làm Người” vẫn còn là một chấm hỏi khổng lồ trong bản thân và cuộc đời!
Trong vòng 20 thế kỷ đã qua, hỡi Bình-an, ngươi ở đâu? Bình an chưa một lần là hoa trái thực sự và lâu bền, chưa một lần là hồng ân vĩnh viễn cho nhân loại, từ Bắc xuống Nam, từ Đông qua Tây. Cho đến bao giờ Tin-mừng của Thiên Chúa mới biến thành hành động cụ thể trong mỗi người?
Phúc cho người nghèo đói! Có thật như vậy không? Và ở đâu có người đang ngửa tay đi ăn xin, ở đó Thiên Chúa là người ăn mày! Ở đâu còn có người đang ngã lưng trên vệ đường, để qua đêm… Thiên Chúa là người vô gia cư!
Ai lớn nhất trong anh em, người ấy phải chăng làm kẻ nhỏ nhất, cúi xuống rửa chân cho anh em mình? Bao giờ lời nói ấy của Đức Kitô mới trở thành hiện thực cho những ai sống Đức-tin vào ngài? Và ngày ngày có sứ mệnh loan truyền Tin-mừng của Ngài?
Thiên Chúa chỉ “nói một Lời”. Chỉ mặc khải một điều: Đó là Đức Kitô sinh ra trong hang bò. Ngài chấp nhận bị cư xử là tội nhân. Bị đóng đinh và giết chết trên Thánh-giá. Ngài trở thành “sâu bọ”. Ngài là người “đầy tớ khổ đau”.
Chừng nào chúng ta cởi hết mọi chiếc áo Giàu-sang, Danh-vọng và Tiền-tài, bị đóng đinh trần trụi vào Thánh-giá, can đảm chịu chết đi con người cũ… lúc bấy giờ chúng ta mới có khả năng sống lại và làm cho địa cầu nhân loại nầy, trở thành “Trời-Mới, Đất-Mới” . Phải chăng đó mới là Tin-mừng “Thiên Chúa Làm người” ở giữa chúng ta? Ngài chọn lựa làm “bụi đất” để cho bụi đất trở thành con cái Ngài.

Chương XVII: “Xin đừng sợ”

Mỗi lần có dịp tiếp xúc với thế giới thánh thiêng, phàm là người, ai ai cũng tỏ ra bối rối, kinh hoàng lo sợ. Họ mất chân đứng. Họ cảm thấy mình mong manh, yếu kém, bất an, thiếu an toàn. Giữa những lúc như vậy, họ cần được nâng đỡ, che chở. Mẹ Maria đã lo sợ, khi Mẹ được Sứ-thần Ga-bi-ri-en đến thăm viếng.
Phê-rô được Đức Kitô cho phép bước đi trên mặt nước, để đến với Ngài. Bổng nhiên một cơn sóng ùa tới. Phê-rô mất lòng tin, hoảng hốt la lên: “Xin Thầy cứu con, con chết mất!” Sau khi sống lại, mỗi lần Đức Kitô đến thăm các tông đồ, họ cũng lo sợ, bán tín, bán nghi Ngài đã làm gì, để hoá giải nỗi lo sợ của họ?
Đức Kitô tràn đầy và viên mãn ấy là toàn thể Nhân-loại từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam được đổi mới trọn vẹn, nhờ hồng ân cứu độ và tấm lòng thứ tha vô biên của Thiên Chúa Ngôi Cha.
Đó là nội dung sứ điệp “Anh-chị-em đừng sợ” của Giáo chủ Gio-an Phao-lô II, khi Ngài sở hữu hoá Lời Chúa để “khai nguyên” triều đại của Ngài.  

Chương XVIII: Hỡi Tín-hữu, ngươi ta ai? (Thư gửi tín hữu Rô-ma)

Thánh Phao-lô, với lá thư gửi tín hữu Rô-ma, đã định hướng Đức-tin của mình, để giới thiệu mình cho cộng đoàn mà Ngài có ý định thăm viếng, trên tuyến đường truyền giáo cho những vùng đất ngoại biên như Tây-ban-nha…
Bản sắc của người tín hữu bao gồm năm đặc điểm chủ yếu sau đây: 1- Thiên Chúa Ngôi Cha là nguồn gốc ban phát mọi hồng phúc và ân sủng, trên trời và dưới đất, từ nguyên thuỷ cho tới ngày hôm nay. 2- Đức Kitô là Tin-mừng duy nhất của Ngôi Cha ban cho Nhân-loại. 3- Chúa Thánh Thần hướng dẫn. 4- Hội Thánh của Đức Kitô. 5- Bản sắc của người Kitô hữu.
Nếu bản sắc của Hội-thánh là “truyền-giáo”, sứ mệnh ấy bắt đầu bằng Tin-mừng “làm người” của Thiên Chúa.

Chương XIX:  Đức-tin và Văn-hoá

Cánh đồng Việt Nam cũng như Văn-hoá Việt Nam do bàn tay, quả tim và trí óc của người Việt Nam không ngừng sáng tạo. Đã đang và sẽ sáng tạo bằng một tiến trình góp tay liên tục. Trên tiến trình ấy, không ai bị loại trừ. Mọi người kiện toàn và bổ túc nhau với vốn liếng, năng lực hiện hữu của mình.
Để xây dựng nền Văn-hoá Việt Nam ấy, mọi tôn giáo, ý thức hệ, thậm chí những nền văn minh mang tên là đại đồng và những nền văn hoá được gọi là “hoàn vũ hoá”, đều là những “đóng góp” với điều kiện được “hội nhập”. Hội nhập có nghĩa là được đưa vào bên trong, được tiêu hoá, thành xương da, máu thịt của người Việt Nam. Bao lâu còn ở ngoài, một cơ phận được ghép vào vẫn còn là ngoại lai. Cơ phận ấy vẫn còn là nguy cơ bị toàn bộ cơ thể loại thải, không được đón nhận. Thậm chí, Thiên Chúa, Đức Kitô, Hội-thánh… vẫn bị coi là ngoại lai, nếu chính người Việt Nam chưa hội nhập Đức-tin của mình vào lòng Văn hoá Việt Nam. Chưa tuyên xưng Đức-tin vào Đức Kitô, bằng chính ngôn ngữ được vun trồng, nuôi sống và phát triển trong môi trường Văn-hoá Việt Nam.
Để mỗi tôn giáo cũng như mỗi hình thức văn minh, mỗi ý thức hệ có thể đóng góp phần mình, hơn bao giờ hết, đây là lúc chúng ta cần can đảm ngồi lại với nhau. Trong một tinh thần bình đẳng và quan hệ tôn trọng tính khác biệt của nhau, chúng ta cùng nhau lần lượt khảo sát ba vấn đề chủ yếu:
1. Bản sắc của Văn-hoá Việt Nam bao gồm những đặc điểm nào?
2. Đức tin của các tôn giáo có khả năng mang lại phần đóng góp nào cho Văn-hoá Việt Nam.
3. Thiếu ngôn ngữ của văn hoá để diễn tả, trình bày mình, Đức-tin có thể đi vào lòng của quê hương, trở thành của ăn nuôi sống anh chị em đồng bào hay không?
Nhằm thực hiện cuộc đổi mới từng ngày ấy, Văn-hoá Việt Nam đề nghị bốn con đường: Con đường thứ nhất là “bá nhân bá tánh”. Con đường đổi mới thứ hai là “một miếng ở giữa làng bằng một sàng ở xó bếp”. Con đường thứ ba là dòng máu “làm Rồng” của Lạc Long Quân có mặt và sôi sục trong mỗi người Việt Nam. Con đường đổi mới thứ bốn là tấm lòng cao cả của Âu Cơ.
Trong điều kiện của văn hoá Việt Nam, nếu Đức-tin vào Đức Kitô không sử dụng bốn con đường đổi mới của văn hoá Việt Nam, được phác hoạ trên đây, Đức-tin sẽ mãi hoài đứng ở ngoài “niềm ưu tư và nỗi hy vọng” của con người Việt Nam. Thêm vào đó, nếu Đức-tin biến Hội-thánh thành một “biệt thự kín cổng cao tường”, vấn đề của người Việt Nam, thay vì được hoá giải, sẽ càng ngày càng trở nên trầm trọng hơn!

Chương XX: Thay lời kết – Hãy trao cho nhau một tấm lòng…

Thế giới đã bước qua thời đại của Ngàn năm thứ ba, với bao nhiêu vấn đề còn ngang ngửa, bề bộn, trầm trọng và kinh hoàng…
Trong cuộc đời, nhiều lúc bóng tối cũng giáng xuống bao trùm mọi con đường trong ngoài, trên dưới, lớn và nhỏ… chúng ta đã đốt lên mọi ngọn đèn… không ngọn nào, cả những ngọn “lớn nhất” có thể xoá tan bóng tối hãi hùng… Thậm chí trăng sao từ trời cao, từ vùng ngoài địa cầu…
Giữa lúc ấy chúng ta hãy thắp cho nhau một Tấm lòng Yêu thương, An bình và Tha thứ. Duy có Tấm-lòng mới có khả năng vượt qua đêm tối hãi hùng và lan tràn khắp mọi phía…
Với những người có Đức-tin vào Đức Kitô, Tấm lòng ấy chính là cung đền của Chúa Thánh Thần.
**************************
Trải qua 20 Chương sách, G.S. Nguyễn Văn Thành đã để hết tâm can, chia sẻ về 3 cuộc gặp gỡ: gặp gỡ chính mình, gặp gỡ Đức Kitô và gặp gỡ tha nhân. Anh suy tư về 3 ngày dự khóa, Anh duyệt xét lại 14 bài chia sẻ trong khóa học với cái nhìn của một nhà thần học,  một nhà giáo dục và một nhà phân tâm học. Nhưng quan trọng nhất, Anh là một tín hữu đã để cả cuộc đời phụng sự Thiên Chúa và phục vụ Giáo Hội.
Với một giọng văn thân tình và cởi mở, với sở trường tâm lý thực dụng, G.S. Nguyễn Văn Thành đã trải nghiệm tâm tư trên những trang sách. Tôi tóm lược những lời của Anh bằng việc “ghép” những câu chính, ý chính của Anh lại. Dĩ nhiên, khó mà phản ảnh trung thực những điều Anh chia sẻ. Tôi không có lời phê bình cuốn sách.
Trong cuộc sống ngày “Thứ Tư”, tác giả nêu ra những khó khăn thực tại khi người tham dự viên trở về môi trường trần thế với những thách thức đến từ mọi phía. Trước hết, phát xuất từ nội tâm, đó là con đường Đức tin, với lòng kiên trì, để mang lại những hồng phúc;  kế đến là trần gian diệu vợi, làm sao ánh sáng có thể chiếu dọi trần gian, và bước kế tiếp là làm sao cải hóa thế gian để trở nên một Trời Mới, Đất Mới.
Về việc chuyển hóa môi trường, theo Anh, khởi sự từ chính lòng mình. Đề cập đến Mầu Nhiệm Thánh Giá, Nguyễn Văn Thành nhắc nhở chúng ta, đó là con đường theo chân Chúa trong yêu thương và tha thứ. Công việc Rao Giảng Tin Mừng là việc tiếp nối công trình của Thiên Chúa trong sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần.
Hướng đến một nền Thần học Việt Nam là trăn trở của Nguyễn Văn Thành. Nền thần học đó mang dòng máu Tiên Rồng và còn mang dòng máu Ba Ngôi Thiên Chúa.
Trong khi nói về cuốn sách của mình, Anh viết: “Tôi đã sống năm Đại hồng Ân 2000, theo nhịp tạ ơn, vui mừng và trăn trở của Mẹ Hội thánh. Sau đây, những bài chia sẻ Tin Mừng trong khuôn khổ sinh hoạt Phong trào Cursillo đã đánh dấu những đoạn đường ấy.”
Trong Phong trào Cursillo, ít có người sau khi dự khóa tĩnh tâm, viết cả một cuốn sách, trang trải tâm tình chia sẻ như G.S. Nguyễn Văn Thành. Anh đã trao cho chúng ta một tấm lòng. Xin hãy dâng lời cầu nguyện cho linh hồn Phanxicô Xavie và xin Chúa Kitô sớm đưa Anh về hưởng cõi trường sinh.
Nguyễn Đức Tuyên
 

(1) Sinh năm 1937 tại Quảng Tri, Linh mục thuộc Tổng Giáo Phận Huế, Nguyên Giám Đốc Trường Thiên Hữu, Huế, Nguyên GS Đại Học Huế và Minh Đức, Saigon, Chuyên viên về tâm bệnh tại các bệnh viện tâm thần tại VN và Thụy Sỹ, Thành viên sáng lập Trung Tâm Văn hóa Nguyễn Trường Tộ, Tập San Định Hướng, Ngày Gặp Gỡ Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại. Đã tạ thế vào lúc 8 giờ ngày 14 tháng 11 năm 2008 tại bịnh viện Fribourg, Thụy Sĩ.
(2) Tủ sách Tình Người -Lausanne – Thụy Sĩ – Xuân 2001 – Định Hướng Tùng Thư Xuất Bản  (ISBN  2-912554-23-3 – 13 g Rue de l‘ILL 67116 Reichstett, France)
(3)Với tinh thần gắn bó thân thiết như trong một gia đình, tôi xin phép gọi bằng Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét