Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Chia sẻ cảm nghiệm

Nhớ Mẹ
Năm nay tôi được mừng Ngày Nhớ Ơn Mẹ (Happy Mother’s Day) nhiều lần, lần nào cũng thật ý nghĩa, làm tôi càng nhớ Mẹ nhiều quá.
Tôi chân thành gởi đến quý anh chị đang còn Mẹ một bông hồng đỏ tươi thắm, dấu chỉ của những người hạnh phúc, vẫn có Mẹ bên cạnh để đón nhận tình yêu thương cách trực tiếp và cụ thể - một hồng ân lớn lao để tạ ơn Chúa, cám ơn cuộc đời. Chúc mừng quý anh chị.
Tôi cũng thân ái gởi đến quý anh chị đồng cảnh ngộ một đóa hồng trắng để cùng cảm thông. Tôi không còn nghĩ đây là sự bất hạnh, nhưng quả thật đó vẫn là sự thiệt thòi mất mát lớn lao. Tôi tin vào tình yêu cùng sự quan phòng của Chúa, để hiểu mọi việc của Chúa đều có ích cho con người. Qua thập giá sẽ có vinh quang. Qua thiệt thòi mất mát sẽ có những bù đắp. Từ niềm đau mất Mẹ, tôi vẫn cố gắng tìm những điều tích cực và những lợi ích cho chính mình, đó là những bù đắp Chúa ban. Với niềm cảm thông sâu xa, tôi muốn chia sẻ đến quý anh chị theo tinh thần thánh Phaolô, “vậy anh em hãy dùng những lời ấy mà an ủi nhau” (1Tx 4,18).
Trước đây trong nỗ lực tìm hình ảnh Chúa nơi tha nhân, tôi gặp nhiều khó khăn, nhưng có hai đối tượng tôi cảm thấy dễ dàng hơn cả, đó là những người nghèo khổ và Mẹ tôi.
Những người nghèo khổ, cách riêng những trẻ em mồ côi tôi cảm nhận hình ảnh Chúa mạnh mẽ lắm. Có thể do nhiều khía cạnh trùng hợp giữa hai cảnh đời, nhưng có lẽ mạnh nhất là do chính Chúa đã xác định cụ thể trong Tin Mừng.
Tôi nhìn thấy hình ảnh Chúa nơi Mẹ tôi qua tình Mẹ; một tình yêu vĩ đại, bất biến và bất diệt. Đã có biết bao những bài văn, thơ, nhạc ca tụng tình Mẹ. Mỗi lần nghe bản Lòng Mẹ của Y Vân, tôi không cầm được nước mắt: “Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào. Tình Mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào. Lời ru êm ái như đồng lúa chiều rì rào...”. Quả thật tình Mẹ cao hơn mây trời, sâu hơn sông biển, lớn hơn vũ trụ, ngọt ngào hơn giòng sữa, êm đềm hơn giòng suối...
Những bà mẹ trên khắp thế giới, dù giàu sang hay nghèo khó, dù lành lặn hay tật nguyền, tình yêu của các ngài với con cái luôn có thật và tồn tại mãi mãi. Đã có biết bao biến cố ở khắp nơi được kể về sự hy sinh của người mẹ bảo vệ cho con khỏi chết, nhiều khi phải đánh đổi bằng chính sự sống của mình.
Tôi nhớ đến câu chuyện về một loài ‘chim vô tình’: “Có một loài chim mà khi lớn lên, muốn bay được thì phải ăn thịt chim mẹ. Và tất nhiên, chim mẹ luôn mong một ngày nào đó chim con có thể tự mình cất cánh bay cao. Vì thế, chim mẹ đã không do dự tình nguyện để chim con ăn thịt mình”.
Tôi không biết thực sự có loài chim vô tình ấy không, nhưng tôi biết chắc chắn người mẹ có thể làm việc đó cho con mình. Và, ở một góc độ nào đó tôi thấy mình không khác chi chú chim con tàn nhẫn kia, nhất là giờ đây khi Mẹ đã vĩnh viễn rời xa. Con người thường có khuyết điểm, xa mất rồi mới cảm thấy quý, lúc đó thì đã trễ quá rồi!
Từ câu chuyện này tôi cũng nhớ trong một số nhà thờ, nơi trước bàn thờ có chạm trổ hình con chim bồ nông mẹ đang truyền của ăn cho các chim con. Biểu tượng của chim bồ nông mẹ nuôi con có gốc tích trong truyền thuyết cổ xa xưa. Biểu tượng này bắt nguồn từ một câu chuyện:
Vào một buổi sáng mùa đông, bồ nông mẹ bay ra khỏi tổ đi kiếm mồi cho lũ chim con. Thế nhưng, tuyết phủ khắp nơi và cây cối trơ trụi. Bồ nông mẹ không kiếm được một chút mồi nào cả. Buồn sầu, nó trở về tổ. Thế rồi, nó đã không cầm lòng được khi nghe những tiếng kêu chiêm chiếp của đàn chim con đói bụng đòi ăn. Bỗng một ý tưởng lóe lên trong đầu óc. Bồ nông mẹ dùng mỏ mổ vào lồng ngực của mình, lấy những giọt máu từ trái tim nhỏ xuống cho đàn chim con với hy vọng: những giọt máu này sẽ giúp cho lũ chim con thoát khỏi cơn hiểm nguy.
Chim bồ nông mẹ là biểu tượng Chúa Giêsu cứu độ đã hy sinh mạng sống để cứu chuộc loài người. Con chim bồ nông cũng là hình ảnh của những người mẹ tuyệt vời.
Tạ ơn Chúa, tình Mẹ đã dẫn tôi đến Chúa cách nhẹ nhàng, và cũng nhờ thế tôi có được thời gian thật đẹp với Mẹ.
Mẹ chết tôi buồn lắm, nhưng vẫn luôn tin Chúa sẽ bù đắp cho. Nhân dịp giỗ 3 năm, tôi đã viết bài chia sẻ với niềm tin tưởng: “Tôi chẳng hề nghĩ Mẹ ‘bỏ’ anh em chúng tôi, vì tình yêu và hình ảnh của Mẹ vẫn còn mãi trong từng gia đình anh em chúng tôi hằng ngày nơi mỗi sinh hoạt, và nhất là trong những giờ kinh nguyện. Mẹ tôi ‘ra đi’ là để có thể lo cho chúng tôi nhiều hơn, vì Mẹ tôi hiểu chúng tôi đang cần gì và có thể giúp chúng tôi những gì trong lúc này” (Mẹ tôi, 2002).
Trong gần 14 năm qua, tuy không có Mẹ bên cạnh, nhưng Mẹ tôi đã giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống, cách riêng đời sống tinh thần.
Về cuộc sống, tôi sống bình thản và hạnh phúc hơn nhờ áp dụng lối sống và những lời dạy dỗ của Mẹ; cũng như tận dụng và hài lòng với điều kiện hiện tại, bớt đi những than thân trách phận và tiếc nuối viển vông. Sống bình dị đơn sơ như người nông dân chất phác, không tranh đua xem ra thanh thản lắm.
Về đời sống tinh thần, tôi đã tiến bộ hơn trong lãnh vực sùng đạo. Qua quan niệm nhìn Chúa trong Mẹ, nhìn Mẹ trong Chúa; Mẹ dắt tôi đến với Chúa cách cụ thể, chẳng khác chi ngày xưa còn bé được Mẹ dắt đi nhà thờ, dạy đọc kinh cầu nguyện. Một giải pháp biến sự nhớ Mẹ thành lợi ích: nhớ Mẹ thì nhớ đến Chúa, càng nhớ về Mẹ thì càng đến với Chúa nhiều hơn. Cảm nhận tình Mẹ trong tình Chúa thật là tuyệt vời. Chúa lúc nào cũng có bên cạnh, nên hình ảnh Mẹ càng gần gũi ấm áp hơn.

Tôi tình cờ tìm gặp được bức hình này, tự nhiên thích ngay và thấy nó gần gũi với mình chi lạ. Không rõ xuất xứ và tên bức hình, nhưng chỉ mới thoáng nhìn, tôi có linh cảm cháu gái này không còn mẹ nữa. Tôi cũng tự diễn giải, để tìm cảm giác có sự an ủi, che chở của mẹ; cháu vẽ hình mẹ rồi thoải mái nằm trên đó, ngủ bình an như đang được mẹ ôm ấp với lời ru êm ái ngọt ngào...
Không còn mẹ, nhưng mỗi người có nhiều cách để cảm nhận được mẹ. Trong đức tin, tôi tin tưởng Mẹ vẫn thương yêu và phù hộ bầu cử cho tôi. Mẹ con tôi vẫn hiệp thông gần gũi qua tín điều ‘Các Thánh Cùng Thông Công’. Qua tình Mẹ, những hy sinh cao cả suốt đời của Mẹ “như nước trong nguồn chảy ra”, đã giúp tôi vững tin hơn vào Thiên Chúa. Mẹ yêu tôi không bờ không bến, nhưng Thiên Chúa còn yêu thương tôi nhiều hơn nữa, yêu đến chết cách đau thương. Mẹ tôi quan tâm lo lắng cho tương lai bấp bênh của tôi, nhưng Thiên Chúa đã quan phòng cho tôi có tương lai tốt đẹp nhất, cũng như hỗ trợ cho tôi đạt cho được – một trong những hỗ trợ này là chính Mẹ tôi.
Trong lúc thiết tha nhớ về Mẹ, Mẹ lại dẫn tôi đến với Chúa đây này, để tôi đem cả lòng trí ra mà tuyên xưng: “Dù đời bao tăm tối tôi vẫn cứ tin luôn, tin rằng Ngài đã thương tôi, tin rằng Ngài chết cho tôi. Dù đời bao giông tố tôi quyết bước theo Ngài. Cho dù đời lắm chông gai, tôi vẫn làm môn đệ Ngài”.

Tom

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét