Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

ĐHY Thuận


CHỨNG NHÂN ĐỨC TIN

QUA CUỘC ĐỜI Đức Hồng Y

Phanxicô Xaviê NGUYỄN VĂN THUẬN
 

Trong lời mời gọi sống năm đức tin, chúng ta đã tìm hiểu những mẫu gương sống đức tin như Đức Maria, như thánh Giuse và bao nhiêu vị thánh khác. Tiếp nối hành trình đó, chúng ta cũng nên tìm hiểu gương sống chứng nhân đức tin của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, một trong những chứng nhân can đảm và xác tín của Chúa Giêsu Kitô.

Chứng nhân đức tin của ngài không gì khác là chứng nhân của tình yêu, của tha thứ và của hy vọng. Một tình yêu cho đi vô vị lợi mà Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê đã để lại cho chúng ta qua các tác phẩm của ngài, đặc biệt là trong những năm tháng trong ngục tù. Trong cuộc phỏng vấn của hãng thông tấn Zenit với tiến sĩ Waldery Hilgeman – cáo thỉnh viên trong tiến trình phong chân phước cho Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê, tiến sĩ có nói như sau: “Điều đánh động tôi trong linh đạo của ngài là tình yêu liên lỉ đối với tha nhân. Ngài bị cầm tù và khi ở trong tù, ngài vẫn không ngừng yêu thương những người bách hại ngài, từ những viên chức cao nhất của chế độ đến anh lính canh thấp bé nhất” (WHĐ- 19.07.2012). Chính vì thế, đây cũng là dịp thuận tiện để chúng ta nhìn lại hành trình chứng nhân niềm tin của Đức Hồng Y, giúp chúng ta ý thức hơn vai trò chứng nhân của mình trong năm đức tin này.
 

1. Chứng nhân đức tin thể hiện bằng tình yêu vô vị lợi
 
Những ai một lần tiếp xúc với Đức Hồng Y đều nhận thấy có một cái gì khác thường trong cách ăn nói cũng như cách cư xử của ngài. Lời nói và cử chỉ của ngài đã làm cho những người gặp gỡ ngài cảm thấy bình an và thân tình như một người cha. Trong mọi hoàn cảnh sống, khi bình yên cũng như lúc đau khổ tù đày, bệnh tật, Đức Hồng Y không thốt lên một lời hận thù, nhưng ngược lại ngài luôn nhẫn nhục, yêu thương hết mọi người ngay cả những người bắt bớ ngài. Tháng 10 năm 1975, những ngày đầu của lao tù, Đức Hồng Y đã viết: “Tôi không xem ai là kẻ nghịch của tôi, kể cả những người căm thù tôi nhất, những người bắt bớ tôi, thề không đội trời chung với tôi. Tôi luôn luôn xem họ là anh em tôi.”[1]

Trong thời gian bị giam cầm, ngài đã bí mật viết những sứ điệp cho các tín hữu, nhiều năm sau này được gom góp lại và xuất bản với tựa đề Đường hy vọng. Trong những sứ điệp này, Đức Hồng Y Thuận nhận ra ngay từ đầu rằng “Thiên Chúa đòi hỏi ngài hiến dâng tất cả cho Chúa, từ bỏ mọi sự và sống cho Chúa”. Vì Đức Hồng Y đã hiểu được cách mạnh mẽ công việc của Chúa là chính Chúa. Vì vậy, khi bị tù đày, ngài nhận ra rằng Chúa đòi hỏi ngài rời bỏ công việc để chỉ sống cho Chúa mà thôi. Cũng chính trong thời gian bị cầm tù, Đức Hồng Y đã hoán cải được nhiều lính cai tù. Bằng tình yêu vô vị lợi, một tình yêu vượt qua mọi giới hạn, Đức Hồng Y đã cho họ thấy thế nào là tình yêu của Đức Kitô, yêu cả kẻ thù của mình. Thời gian trong tù, Đức Hồng Y không được giảng, không thể trực tiếp nói với những người chung quanh về Đức Kitô, nhưng ngài đã giảng bằng mẫu gương của Đức Kitô nhập thể. Chính gương sống của ngài đã có thể hoán cải những người chung quanh, ngay cả các lính cai tù, điều này cho thấy Đức Hồng Y đã sống lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phaolô VI rằng “con người ngày hôm nay cần các chứng nhân hơn là thầy dạy, nếu họ có nghe lời thầy dạy là vì kẻ ấy cũng là chứng nhân”. Để thấy rõ nét đẹp này nơi Đức Hồng Y, chúng ta có thể đọc lại cuộc đối thoại của ngài với những người cai tù như sau: “Ðiều khó hiểu nhất đối với chiến sĩ gác tù, là thái độ tha thứ yêu thương địch thù của mình. Có hôm mấy anh gác hỏi tôi:
 
- Ông có thương chúng tôi không?
- Có chứ, tôi yêu thương các anh cách thành thực, không có gì là khách sáo đâu!
- Kể cả khi người ta giam ông, mất tự do, năm này sang năm khác? Không xét xử gì cả?
- Anh nghĩ lại bao nhiêu năm ở với nhau. Tôi làm sao giấu được. Tôi thực sự yêu thương các anh.
- Chừng nào được tự do anh có sai giáo dân của anh trả thù không?
- Không, tôi vẫn tiếp tục yêu thương, dù các anh có muốn giết tôi.
- Nhưng tại sao lại yêu kẻ thù hại anh?
- Vì Chúa Giêsu đã dạy tôi yêu thương; nếu tôi không tuân giữ, tôi không đáng gọi là Kitô hữu nữa.”[2] 
 
Tình yêu vô vị lợi của Đức Hồng Y được thể hiện không những trong cảnh lao tù, mà còn trong cuộc sống hằng ngày. Khi được trả tự do, ngài đã kể lại như sau: “Nhiều lúc tôi cảm thấy khó chịu trong lòng vì người ta phỏng vấn, muốn thúc giục tôi nói những chuyện giật gân trong thời gian lao tù, muốn tôi kết án, tố cáo, khích động đấu tranh trả thù. Ðó không phải mục đích của tôi. Nguyện vọng lớn nhất của tôi là trao lại cho các bạn trẻ một sứ điệp của tình thương và sự thật, của công lý và hòa bình, của tha thứ và hòa giải, để xây dựng.”[3] Qua đây cho chúng ta thấy tâm tình của Đức Hồng Y, một con người luôn luôn đặt tình yêu lên trên, vì đối với ngài : “Bác ái không có biên giới; nếu có biên giới, không còn là bác ái nữa”[4].
 

 
2. Chứng nhân đức tin bằng niềm hy vọng
 
Niềm hy vọng của Đức Hồng Y được thể hiện qua khẩu hiệu Giám Mục của Ngài “Vui mừng và hy vọng” và đó cũng là tựa đề của tác phẩm nổi tiếng của ngài Đường hy vọng. Vậy ngài đã sống niềm hy vọng đó như thế nào? Con đường hy vọng mà Đức Hồng Y sống và diễn tả là tất cả học thuyết về niềm hy vọng Kitô giáo, nghĩa là ngài không sống một con đường hy vọng nào khác ngoài con đường hy vọng mà Giáo hội, Dân Thiên Chúa cưu mang và sống qua bao thế hệ, qua các thời đại lịch sử. Con đường hy vọng không phải là một ảo tưởng của con người, cũng không phải là con đường làm cho con người trở nên thụ động, chán nản, cầu an, khoanh tay chờ một hạnh phúc mai sau. Ngược lại, con đường hy vọng đó chính là tin vào Đức Kitô đã tử nạn và Phục sinh. 
 
Niềm hy vọng được thể hiện như thế nào? Đối với Đức Hồng Y, sống hy vọng là cố gắng chu toàn việc bổn phận hằng ngày với tất cả lòng tin yêu: “Có hạng ‘Công giáo đợi chờ’, khoanh tay mong đợi niềm hy vọng đến. Có hạng ‘Công giáo thụ động’, trốn tránh, vô trách nhiệm. Họ chỉ biết ‘nhìn lên’ để kêu cứu, mà không biết ‘nhìn tới’ để tiến, ‘nhìn quanh’ để chia sẻ, gánh vác. Niềm hy vọng đang ở giữa họ, mà họ không hay”[5]. Niềm hy vọng được thể hiện ngay trong sự yếu đuối của kiếp nhân sinh: “Con hãy cố gắng, dù yếu đuối sa ngã, hãy xin Chúa thứ tha và tiếp tục tiến. Trên võ đài, trong vận động trường quốc tế, các lực sĩ cũng lắm lần ngã qụy, bị nhiều cú đấm, bị thương tích, nhưng cứ vùng dậy, cứ hy vọng, họ đã đoạt giải vô địch quốc tế.”[6] Chính vì thế, sống hy vọng cũng là sống trọn vẹn thánh ý Chúa trong giây phút hiện tại: “Con chỉ có một giây phút đẹp nhất: giây phút hiện tại, sống trong tình yêu Chúa cách trọn vẹn; đời con sẽ tuyệt đẹp nếu kết tinh bằng từng triệu giây phút đẹp nhất. Con thấy đơn sơ, không phải khó.”[7] Những lời khuyên về sống hy vọng rất gần gũi với cuộc sống của chúng ta, không quá sức của mỗi người, đây cũng là con đường nên thánh của thánh Têrêxa Hài Đồng, sống trọn vẹn, tin tưởng phó thác trong giây phút hiện tại.
 
Tuy nhiên, làm thế nào để chúng ta có được một cuộc sống đầy hy vọng giữa những thất vọng, những khó khăn trong cuộc sống? Đức Hồng Y khuyên chúng ta, hãy tích cực sống Tin Mừng, để Tin Mừng tràn ngập đời mình: “Nếu suy ngắm những trang này, mà con không làm cho Tin Mừng tràn ngập cả đời con, nếu con còn cầu nguyện: ‘nước Cha dừng lại’, thì con không phải là hy vọng của trần gian.”[8]Đặc biệt phải sống khó nghèo và cầu nguyện, đó chính là chìa khóa của niềm hy vọng: “Trên thánh giá, Chúa nghèo lắm! Con chỉ xin Chúa Giêsu chịu đóng đinh một điều: yêu thương, đau khổ và luôn luôn hy vọng.”[9] Đối với Đức Hồng Y, người hy vọng là người cầu nguyện, người hy vọng là cộng tác viên của Thiên Chúa. Vì thế, chứng nhân đức tin, của niềm hy vọng phải được dưỡng nuôi bằng đời sống nguyện cầu.
 
 
3. Chứng nhân đức tin nuôi dưỡng bằng đời sống cầu nguyện
 
Con đường theo Chúa để nên thánh rất gian nan, nó được dệt nên bằng những vui buồn, bình an hay đau khổ. Vì thế, chỉ có cầu nguyện mới đem lại sức mạnh và làm cho kẻ lữ hành chấp nhận tất cả như một hồng ân và can đảm đi đến cùng. Trong bài nói với các bạn trẻ, Đức Hồng Y quả quyết: “Một người thánh mà không cầu nguyện là thánh giả. Con đợi xem, họ sẽ sụp đổ không mấy hồi.”[10] Hơn thế nữa, nguyên nhân của những đổ vỡ trong ơn gọi, những chối bỏ đức tin đều đến từ việc xa lìa đời sống cầu nguyện: “Con ngạc nhiên vì sao nhiều người mất ơn Chúa gọi, mất đức tin, phản bội Hội thánh? Trong bao nhiêu lý do, luôn luôn có một lý do chính: họ bỏ cầu nguyện từ lâu.”[11] Chính vì thế, ngài nhắn nhủ anh chị em tu sĩ và linh mục: “Đặc biệt với các tâm hồn hoàn toàn hiến dâng, đáng lẽ trong căn cước họ phải khai: “Nghề nghiệp: Cầu nguyện”. Các nghề khác thế gian đều làm cả. Thế gian đòi hỏi con giữ đại lý và nài xin con: “cầu nguyện cho tôi!”[12]. Tại sao cầu nguyện lại mang đến cho chúng ta một sức mạnh phi thường như thế? Vì Chúa đã hứa ban tất cả cho những ai tìm kiếm Ngài. Chỉ khi ở lại với Ngài trong mọi hoàn cảnh, chúng ta sẽ đứng vững trong hành trình đức tin và dám dấn thân để trở nên những chứng nhân sống động của đức tin giữa một thế giới đầy biến động. 
  
 

Nói đến đời sống cầu nguyện, chúng ta cũng nói đến lòng sùng kính Bí tích Thánh thể của Đức Hồng Y. Ngài đã dành 45 số trong Đường hy vọng để nói đến Thánh lễ và cũng là tựa đề của chương 4 sách tự thuật 5 chiếc bánh và 2 con cá : “Sức mạnh độc nhất của tôi là Thánh Thể”. Qua đây Đức Hồng Y mời gọi chúng ta qui chiếu đời sống của mình vào Thánh Thể như nguồn mạch sự sống và sứ vụ tông đồ. Xin trích dẫn một vài câu mà ngài nhắc nhở mọi người chúng ta hôm nay:
“Người thánh là người tiếp tục Thánh lễ suốt ngày.”[13] Hay “Gia đình thánh thiện là gia đình hâm mộ Thánh lễ.”[14] Đức Hồng Y có những ý tưởng rất sâu sắc trong việc hiệp thông của mỗi người chúng ta trong hy tế cứu độ: “Mỗi lần dâng Thánh lễ là mỗi lần giang tay đóng đinh con lại trên Thánh Giá, và uống cạn chén đắng với Chúa. Đây không có chỗ cho khán giả.”[15] Cũng trong dòng tư tưởng này, Đức Hồng Y cũng muốn nhắn gởi những tâm hồn hiến dâng cho Thiên Chúa ý thức việc khấn dòng được cử hành trong Thánh lễ, không phải chỉ để làm cho lễ dâng của chúng ta trở nên long trọng hơn, nhưng nó còn mang một ý nghĩa thần học : “Hội Thánh dạy cử hành nghi thức khấn dòng trong Thánh lễ để con ý thức và thực sự hiến dâng đời con làm hy lễ toàn thiêu với Chúa Giêsu trên bàn thánh. Trong mỗi Thánh lễ, con hãy tuyên thệ lại lời khấn, với tất cả tâm hồn, với tất cả ý nghĩa của ‘một tân ước vĩnh cửu’.”[16]
 
Thay lời kết
 
Đứng trước những biến chuyển trên thế giới và đặc biệt trong lòng Giáo hội với biến cố Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tuyên bố từ chức, tâm hồn người tín hữu trên khắp thế giới đang tiếc nuối, xao xuyến, bồi hồi, lo âu và thầm nghĩ không biết Giáo hội sẽ đi về đâu. Nhưng năm đức tin Quý tỵ sẽ giúp cũng cố niềm tin của mỗi người trong chúng ta. Một điều chắc chắn rằng niềm hy vọng hay sợ hãi của chúng ta lệ thuộc vào đời sống đức tin của mỗi người và của Giáo hội nói chung. Niềm tin đó phải trở nên những hành động cụ thể, có thể sờ được, đụng chạm được như cuộc đời của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Chứng nhân đức tin của Đức Hồng Y đã để lại cho chúng ta, những con người việt nam, mang dòng máu việt nam, một lời gọi làm nhân chứng trong xã hội Việt Nam hôm nay. Lời mời gọi mang tình yêu và hy vọng trong sự tín thác vào tình thương của Thiên Chúa dành cho những người “hết dạ kính tin”. Xin mượn mấy câu thơ của Đức Hồng Y để kết thúc đôi dòng suy tư về chứng nhân đức tin:
 
Một Nước Việt Nam
Một Dân tộc Việt Nam
Một tâm hồn Việt Nam
Một truyền thống Việt Nam
Là người công giáo Việt Nam,
Con phải yêu Tổ quốc gấp bội.
Chúa dạy con, Hội thánh bảo con.
Cha mong giòng máu ái quốc,
Sôi trào trong huyết quản con[17].
Sr. Anna Hoàng Thị Kim Oanh, OP.

[1] Đường hy vọng, số 793.
[2] « Chiếc bánh thứ năm », 5 chiếc bánh và 2 con cá.
[3] « Lời mở đầu », 5 chiếc bánh và 2 con cá, 1997.
[4] Đường hy vọng, số 787.
[5] ĐHV, số 966.
[6] ĐHV, số 971.
[7] ĐHV, số 997.
[8] ĐHV, số 957.
[9] ĐHV, số 956.
[10] ĐHV, số 131.
[11] ĐHV, số 125.
[12] ĐHV, số 146.
[13] ĐHV, số 350.
[14] ĐHV, số 353.
[15] ĐHV, số 357.
[16] ĐHV, số 387.
[17]ĐHV, Con có một Tổ quốc.
 
Nguồn: http://daminhtamhiep.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét