Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

Chuỗi Mân Côi

Vòng chuỗi tay của tôi

Ngay từ lúc nhỏ, tôi không thích đeo bất cứ thứ gì trên người cả vì thấy nó vướng víu thế nào ấy.

Sau này khi lập gia đình tôi mới đeo chiếc nhẫn cưới nhỏ xíu. Rồi tháng ngày sống nơi đất Úc, tôi ‘có da có thịt’ thêm, chiếc nhẫn không vừa nữa tôi đành phải lấy ra. Chiếc nhẫn vì mỏng quá không thể dát rộng thêm nên tôi không đeo nữa, cất vào hộp nhưng vẫn nhận được 'tình yêu và trung thành của em' trọn vẹn. Để chứng minh là người đã lập gia đình, đi đâu cũng cố gắng có vợ bên cạnh, thế là chắc ăn như bắp!

Ngày ở trại tỵ nạn Singapore hơn 1 tháng, dành dụm được tí tiền, thứ ưu tiên tôi phải sắm là chiếc đồng hồ đeo tay, vì được học hỏi, việc đúng giờ rất cần thiết ở các nước Tây phương. Tôi ra chợ tìm mua và rất thích thú với chiếc đồng hồ đầu tiên trong đời hiệu Seiko 5 phổ thông. Khổ nỗi, chắc mua trúng đồng hồ dổm, nên chẳng bao lâu đồng hồ chạy sai, đem ra tiệm ở Cabramatta để chỉnh sửa mà giá cao ngất ngưởng, tôi quyết định vất bỏ luôn. Từ đó tôi không đeo đồng hồ nữa vì thấy chẳng mấy khi dùng đến. Không dùng đến không phải không cần đúng giờ, nhưng vì không thích đeo vướng vít, mà cũng vì đã có sẵn nhiều phương tiện khác để giữ giờ. Tôi biết việc đúng giờ hay không là ở quyết tâm của mình chứ không phải lệ thuộc ở cái đồng hồ.

(Hình chụp anh Tom Nguyễn Văn Bội, đại diện VPĐH PT Cursillo VN - Úc Châu 
chúc mừng Đức Hồng Y Phanxicô Xavier, tháng 3 năm 2001)
Chẳng đeo gì hơn 20 năm trời, thế mà tôi lại thấy thích thú khi đeo xâu chuỗi 10 kinh như là một vòng đeo tay quý giá. Ngày ấy đến thăm người chị nữ tu, chị muốn tặng tôi vật kỷ niệm và đưa ra mấy kiểu chuỗi, tôi chọn một rồi đeo liên tục từ nhiều năm nay. Hễ dây cao su dãn quá, thay dây khác là xong ngay.

Có người bảo tôi: đàn ông con trai ai lại đeo như vậy. Tôi trả lời chẳng ai quy định đàn ông không được đeo, hơn nữa, tôi đeo vì tôi thích. Tôi thích vì nhiều lý do.

Tôi thích là vì đeo sẵn thì tiện lắm, khi muốn lần hạt là có liền. Tôi vốn hay chia trí, mà lần bằng ngón tay quả là không ổn, sai lung tung xòe, như thế lại càng chia trí thêm. Tôi hay đi đây đi kia, gặp buổi lần hạt là tôi tham gia thoải mái. Tôi cũng hay dùng xe lửa, ngồi rảnh rỗi, không đọc sách thì lần hạt cũng là giải pháp tốt lắm chứ. Có xâu chuỗi dù chỉ 10 hạt, nhưng dễ hòa vào tâm tình ‘lần hạt’, chắc chắn giúp sốt sắng hơn nhiều.

Điều này tôi học được kinh nghiệm nơi các nhà sư bên Phật giáo. Các vị luôn cầm trong tay và lướt rất nhanh một chuỗi hạt, miệng lâm râm 'nam mô a di đà Phật', mục đích là để tâm trí bớt căng thẳng và tập trung. Họ giải thích rằng nếu ta muốn tập trung vào một điều gì, thì trong tay phải có một cái gì. Đúng thế, khi lần hạt Mân Côi, không chỉ tập trung vào lời kinh, mà còn tập trung vào các mầu nhiệm của Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Miệng đọc, tay lần, trí suy quả là tốt đẹp.

Nói đến việc lần hạt trên xe lửa, tôi rất thích câu chuyện nhà bác học Louis Pasteur với chàng sinh viên cao ngạo trên xe lửa từ Paris xuống miền nam nước Pháp năm nào. Đương nhiên tôi chẳng mang tham vọng cải hóa được người khác như ông, nhưng tôi học được thêm sự cần thiết và lợi ích của kinh Mân Côi, mà càng ngày tôi càng khám phá ra. Cụ già Louis Pasteur là gương sáng cho tôi noi theo. Sống với kinh Mân Côi là một trong những chìa khóa sống hạnh phúc. Sống với kinh Mân Côi là sống cùng Mẹ Maria, tập bỏ ý riêng để vâng theo ý Chúa: vâng khi vui, vâng khi buồn, vâng khi hạnh phúc, vâng khi đau khổ, vâng khi phục vụ và vâng từng giây phút trong cuộc đời.

Tôi thích là vì vòng chuỗi này đã nên như khí cụ giúp tôi giữ mình khỏi những điều không tốt, một trợ cụ cho lời cầu nguyện ‘xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ’. Tôi biết tôi yếu đuối lắm, nhất là phải sống giữa xã hội bị ảnh hưởng nhiều bởi 'nền văn minh sự chết'. Thánh Phêrô có khuyên trong thư thứ nhất: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pet 5, 8). Nhưng khổ nỗi, tôi cũng mang tâm trạng như thánh Phaolô: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rom 7,19). Xem ra sức lôi kéo của sự ác mạnh hơn sự thiện, biết mình sức yếu thì phải tìm thêm đồng minh thôi. Ngoài ơn Chúa thúc đẩy bên trong, tôi cũng cần những trợ giúp cụ thể bên ngoài, mà vòng chuỗi này cũng là một.

Quả thế, vòng chuỗi đã nhiều lần giúp tôi vượt qua được ‘sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ muốn làm’. Nhìn xâu chuỗi đeo trên tay, tôi nhớ mình là người Công giáo, là môn đệ của Thầy. Cánh tay khi đưa lên chuẩn bị làm điều xấu, vòng chuỗi vang lên lời nhắc nhở: “Anh em đừng dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều bất chính, phục vụ cho tội lỗi nữa” (Rom 6,13). Cám ơn vòng chuỗi nhiều lắm lắm.



(Hình chụp ACE cursillistas VN - Úc Châu với ĐHY Thuận,
khi đó Ngài là Giám Mục và Linh hướng Khóa Hội thảo Lãnh đạo Cursillo, năm 1994)
Tôi thích là vì khi đeo vòng chuỗi là dịp cho tôi sống và tuyên xưng Đức tin, điều này càng thích hợp hơn trong Năm Đức tin. Tôi không những đeo vòng chuỗi là để nhớ mình là người Công giáo, mà còn muốn tuyên xưng cho mọi người biết tôi là người Công giáo nữa. Tôi muốn như vậy là vì tôi học được nhiều tấm gương quý giá.

Tấm gương quý giá và mạnh mẽ nhất là các Thánh Tử Đạo Việt Nam anh hùng, những hạt giống Đức tin đã trổ sinh những hoa trái tuyệt vời.

Lúc 9 giờ sáng ngày 19/6/1988 tại Rôma, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng tôn phong 117 vị chân phước tử đạo tại Việt Nam lên hàng hiển thánh, gồm 96 người Việt Nam và 21 vị thừa sai ngoại quốc. Dĩ nhiên đây chỉ là con số tiêu biểu cho hơn 100.000 vị tử đạo trong khoảng 300 năm bị bách hại. 300 năm bị bách hại với hơn 100.000 người tử đạo đủ cho thấy sự thảm khốc, cũng như sức chịu đựng bền bỉ kiên cường và lòng trung thành đối với Đức tin mà các ngài đã lãnh nhận. Các ngài hãnh diện vì là người Công giáo, can đảm tuyên xưng danh Chúa dù biết là sẽ phải chịu muôn vàn khổ hình và bị chết đau đớn. Nay tôi tuyên xưng và hãnh diện là người Công giáo mà nào có mất mát thiệt thòi gì đâu, thì lẽ nào lại e dè xấu hổ?!

Ngày xưa tôi thường chỉ chọn đi những xe đò của người Công giáo với những dấu hiệu cụ thể trên xe, đó là tượng ảnh Chúa và Mẹ Maria. Nói của nào ngay, lên xe đọc được hàng chữ “Nữ Vương ban sự bình an” thì thấy... bình an thật! Ngày nay, khi nhìn thấy những xe có treo tràng chuỗi trên kiếng, tôi vui thích lắm, coi như gặp được những bạn tâm giao.

Hôm nọ tôi và anh tôi rời phố Cabramatta, tới car park lấy xe về. Car park lúc đó rất hiếm chỗ đậu, tôi thấy anh ngoắc và dắt 1 xe tới để vào chỗ xe của anh. Tôi cứ tưởng người quen của anh, nhưng không phải, anh cho biết vì tài xế xe đó là đàn bà và nhất là kiếng xe có treo xâu chuỗi...

Một tấm gương tuyên xưng tôi học được là chính người anh chị em Hồi giáo.

Ngày mới qua Úc, khi có dịp tới vùng Lakemba, vợ chồng tôi cứ xuýt xoa khâm phục sao phụ nữ Úc đi tu nhiều thế, soeur khắp nơi, soeur đầy đường! Rồi ra mới biết mình ngố, tẽn tò; vì đó là những phụ nữ Hồi giáo. Sau đó lại biết thêm đàn ông và thanh thiếu niên cũng vậy, tất cả đều trung thành với tập tục và lề luật của dân tộc và tôn giáo. Họ không ngại ngùng khi phải ăn mặc khác với mọi người. Họ cũng chẳng xấu hổ trong thời gian cầu nguyện công khai. Họ thực hiện với lòng tin và niềm hãnh diện.

Lúc trước tôi ngại làm dấu Thánh giá nơi công cộng lắm, nếu có thì cũng miễn cưỡng và không tự nhiên. Nhờ gương lành của anh chị em Hồi giáo, tôi tiến bộ nhiều. Nhận mình là người Việt Nam Công giáo có chết thằng tây nào đâu mà phải sợ chứ nhỉ.

Cũng qua gương của anh chị em Hồi giáo, tôi thấy phải chú trọng hơn trong việc giáo dục con cái. Về vấn đề này có lẽ tôi còn thua họ nhiều.

Tôi còn học được những gương tuyên xưng nơi các bộ môn thể thao. Tôi thấy các cầu thủ khi vào sân thường hay làm dấu Thánh giá.

Mẹ tôi ngày qua Úc đã già và cũng chẳng biết luật để mê các trận thi đấu, nhưng mỗi khi thấy cầu thủ làm dấu thì lại hồ hởi “Ơ kìa, thằng này có đạo”, và rồi cũng khoái coi thể thao luôn!

Đã có lần chia sẻ, tôi mê đội tuyển Ba Tây, không những vì kỹ thuật tuyệt vời, được ví như những vũ công Samba, nhưng tôi còn mê vì lòng đạo đức toát ra ngoài của họ. Đã có nhiều lần người thủ môn cầu nguyện trước khi bắt quả phạt đền. Đã có nhiều lần toàn đội quỳ vòng tròn tạ ơn Chúa sau trận đấu. Và cũng có những lần cầu thủ sau khi tung lưới đối phương, vui mừng lột áo ngoài để lộ áo lót với hàng chữ “I love Jesus” và chạy tung tăng.

Đương nhiên tôi còn nhiều tấm gương nữa của những người chung quanh để học hỏi.

Những lý do tôi đeo vòng chuỗi trên tay là thế đấy. Cho đến lúc này tôi vẫn thích, nếu không nói là càng ngày càng thích hơn. Thích nhiều như vậy nên tôi chẳng ngại bỏ thời gian mổ cò cả một bài dài như thế này, dù lưng yếu chẳng ngồi được lâu, tư tưởng bị ngắt quãng vì phải nghỉ ngơi hoài. Dẫu sao cũng mong là nó đem lại một chút lợi ích nào đó cho anh chị em mình, như thế cũng mãn nguyện và tạ ơn Chúa lắm rồi.

Viết bài này cũng mang tâm tình kết hợp với những bó hoa của cả Giáo hội khắp nơi dâng kính Mẹ Maria trong tháng Hoa sắp tới, để cầu cho mọi dân mọi nước, cách riêng Việt Nam chúng con.

Tom

(30/4/2013)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét