Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

Phúc Âm Hóa


Phúc Âm Hóa Môi Trường, một thách đố
The commitment to promote peace is part of the Church's evangelizing mission, and consists of proclaiming that "God is love," says Benedict XVI. (02.06.2006)

"Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở nên môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy cho họ tuân giữ những điều Thầy truyền cho anh em" (Mt 28,19-20). Đó là một lệnh truyền cho tất cả những ai theo Chúa. Vì thế, việc Phúc Âm hóa môi trường là bổn phận của mọi người Kitô hữu. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu đôi điều về nguồn gốc, ý nghĩa, những khó khăn cùng việc nghiên cứu và Phúc Âm hóa môi trường.

Phúc Âm hóa, văn hóa và hội nhập văn hóa
Thánh Phaolô được coi như là nhà truyền giáo tiên khởi khi Ngài đi rao giảng Tin Mừng và thiết lập các giáo hội địa phương. Hoạt động truyền giáo của Ngài dựa trên bốn nguyên tắc: ưu tiên của kerygma, chứng tá đời sống, sự thích nghi và thiết lập các cộng đoàn. Công Đồng Vaticanô II, khởi sự từ năm 1962, khẳng định Giáo hội mang bản chất truyền giáo và đã vạch ra một hướng mới trong việc Phúc Âm hóa qua ba văn kiện căn bản là: Hiến Chế Tín Lý về Giáo hội (Lumen Gentium) Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội (Ad Gentes) và Sắc Lệnh về Tông Đồ Giáo Dân (Apostolicam Actuositatem). Khóa họp Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1974 đã chọn việc Rao Giảng Tin Mừng làm chủ đề và Tông Huấn Evangelii Nuntiandi (1975) là kết quả của kỳ họp đó.
Đức Gioan Phaolô II là vị Giáo hoàng đã tích cực rao giảng Tin Mừng nhất so với 20 thế kỷ vừa qua. Năm 1985, ngài công bố thông điệp Slovarum Apostoli nói về công việc truyền giáo mẫu mực; năm 1986, ngài ban hành thông điệp Dominum et Vivificantem nói về Thần Khí và việc truyền giáo; tới năm 1990 trong tông thư Redemptoris missio, ngài phác họa một luận thuyết hoàn chỉnh về truyền giáo học; và năm 1995, trong tông thư Utunum sint ngài đề cập tới vấn đề đại kết và truyền giáo. Sau cùng, trong các Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi Châu (1995), Á Châu và Mỹ Châu (1999), Úc châu (2001) cũng như tông thư "Bước Vào Thiên Niên Kỉ Mới", Novo millennio ineunte (2001), ngài luôn luôn nhắc đến công tác Phúc Âm hóa như là sứ mệnh quan trong nhất trong thế kỷ 21. Các tài liệu của Phong Trào Cursillo cũng chỉ dẫn khá tường tận về việc Phúc Âm hóa môi trường.
Quan niệm về Phúc Âm hóa, đứng trên phương diện thần học, khá phức tạp. Chúng tôi đã hơn một lần đề cập đến vấn đề này. Từ thời xa xưa, chưa xuất hiện danh từ Phúc Âm hóa mà chỉ dùng từ truyền giáo, và truyền giáo được hiểu là kitô hóa, nghĩa là làm sao rửa tội hay đem vào Kitô giáo được càng nhiều người càng tốt. Quan niệm như thế chỉ nhắm tới số lượng hơn chất lượng. Ngày nay, truyền giáo chủ yếu được hiểu là Phúc Âm hóa, nghĩa là không chỉ nhắm đến việc rửa tội cho nhiều người, mà quan trọng hơn là làm cho tinh thần yêu thương và những lời chỉ dậy của Chúa Kitô thấm nhập vào tâm hồn mọi người, trong đời sống xã hội, chính trị, kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Trong tông huấn Rao Giảng Tin Mừng, Evangelii Nuntiandi, Đức Phaolô VI đã định nghĩa: "Đối với Giáo hội, Phúc Âm hóa là đem Tin Mừng đến mọi giai tầng trong nhân loại, và qua ảnh hưởng của Tin Mừng, biến đổi và canh tân nhân loại". Ngài muốn nhắn nhủ chúng ta, hãy biến đổi môi trường sống bằng ánh sáng Phúc Âm, mà bước đầu tiên là tạo được những liên hệ yêu thương bằng sự dấn thân của mỗi người chúng ta.

Linh mục Pierre Charles, S.J., chủ trương rằng mục tiêu của việc truyền giáo không phải là "cứu rỗi các linh hồn", hoặc "làm cho mọi người trở về với Chúa" mà là "mở rộng biên cương Giáo hội hữu hình, nhằm hoàn tất tiến trình lớn lên, hầu bao phủ toàn thế giới với lời cầu nguyện và việc phụng thờ, tức là để mang lại cho Đấng Cứu Thế toàn bộ gia sản của Ngài". Linh mục thần học gia Phan Đình Cho, trong nhiều bài giảng thuyết, cho rằng song song với việc truyền giáo, điều chính yếu là làm sao cho hàng tỷ người ngoài Kitô giáo chấp nhận sống tinh thần Phúc Âm và không cần thuyết phục họ cải đạo.
Khi đề cập tới việc Phúc Âm hóa, ta không thể không đề cập tới khía cạnh văn hóa của mỗi dân tộc và việc hội nhập văn hóa được hiểu như là một sự giao thoa giữa Tin Mừng và văn hóa. Theo Tylor, văn hóa là một "tổng hợp các tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, luân lý, pháp luật, phong tục và mọi khả năng và tập quán do con người sở đắc đang khi là một phần tử của xã hội." Lowie cũng định nghĩa tượng tự: "Văn hóa là tổng hợp tất cả những gì một cá nhân nhận được từ xã hội : tín ngưỡng, phong tục, chuẩn mực cho nghệ thuật, tập quán, năng khiếu, thừa hưởng nhờ di sản của quá khứ truyền lại, nhờ đươc giáo dục ngấm ngầm hay tỏ tường. ". Luzbetak quan niệm rằng "văn hóa là một khái niệm về cuộc sống, thậm chí là một kế hoạch sống, không phải của cá nhân mà là của một tập thể xã hội ; do đó, văn hóa được kết thành một hệ thống chức năng và được hấp thụ bằng tập luyện'."
Hội nhập văn hóa (Inculturation) là một từ ngữ mới, chỉ được dùng trong các văn kiện chính thức của Giáo Hội từ năm 1974. Ý nghĩa của từ ngữ này bắt nguồn từ Mầu nhiệm Nhập Thể: Ngôi Lời nhập thể làm người - một cách hội nhập đích thực - để Lời của Thiên Chúa nhập thể vào ngôn ngữ loài người, được chuyển dịch hay diễn tả bằng ngôn ngữ của con người, qua Đức Giêsu Kitô. Để hội nhập văn hóa, cần phân biệt nội dung sứ điệp mà mình muốn rao giảng với cách thức mình dùng để diễn tả nội dung ấy.
Có người lại muốn phân biệt hội nhập văn hóa với thích ứng văn hóa. Họ cho rằng thích ứng văn hóa (Acculturation) có nghĩa tổng quát hơn hội nhập văn hóa. Thích ứng là tùy theo từng tình huống cá biệt mà thay đổi cách ứng xử cho phù hợp từng tình huống một. Hội nhập văn hóa sứ điệp Kitô giáo là đưa sứ điệp Kitô giáo vào trong nền văn hóa của dân tộc bằng cách diễn tả sứ điệp Kitô giáo một cách thích ứng với nền văn hóa đó, đồng thời hoàn chỉnh nền văn hóa đó theo tinh thần Kitô giáo. Như vậy hội nhập văn hóa là một cuộc hội thoại giữa đức tin và văn hóa.

Những nét chính trong tông huấn Rao Giảng Tin Mừng
Tới đây, thiết tưởng nên nhắc lại mấy điểm chính yếu trong Tông Huấn Rao Giảng Tin Mừng, Evangelii Nuntiandi, của Đức Phaolô VI.
Trong chương I, khi đề cập tới sứ mạng của Giáo hội, tông huấn ghi rằng, qua sức mạnh của niềm tin, các Tông Đồ đã hình thành một cộng đồng là Giáo hội để tiếp tục rao giảng Tin Mừng. Giáo hội được diễm phúc rao giảng Tin Mừng và Giáo hội gắn bó với chương trình Phúc Âm hóa. Giữa Chúa Kitô, Giáo hội và chương trình Phúc Âm hóa có một sự ràng buộc thâm sâu.
Để làm sáng tỏ ý nghĩa Phúc Âm hóa, chương II đề cập tới những yếu tố căn bản của chương trình Phúc Âm hóa và đặt ra vấn đề người mới để xây dựng xã hội mới. Vai trò quyền lực của Tin Mừng đưa tới sự đảo lộn các tiêu chuẩn phán đoán của con người và vai trò ấy khác biệt với văn hóa nhưng không nhất thiết tương phản lại chúng. Tông huấn nêu lên tiến trình 6 bước thực hiện Phúc Âm hóa là: chứng nhân đời sống, tuyên xưng công khai, gắn bó chân thành, gia nhập cộng đồng, đón nhận các dấu chỉ thời đại, và khởi xướng công tác tông đồ.
Nội dung Phúc Âm hóa được ghi trong chương III, việc rao giảng là làm chứng nhân về Thiên Chúa qua con Ngài là Đức Kitô đã đến với nhân loại qua sự cứu rỗi, một ân sủng, được thăng hoa trong niềm hy vọng và kéo dài tới ngày tận thế. Sứ điệp của Tin Mừng mang lại cho đời sống những bổn phận và quyền lợi của con người, trong gia đình và ngoài xã hội, nhằm đem lại hòa bình, công lý và phát triển. Đây là một sứ điệp giải phóng, không riêng về kinh tế, chính trị, văn hóa, và xã hội mà là sự giải phóng con người toàn diện.
Các phương tiện rao giảng Tin Mừng trong chương IV, nhấn mạnh đến việc dùng chính cá nhân làm chứng tá của sự thánh thiện để truyền đạt đến người nghe và từ đó có được sự nhạy cảm tâm linh để đọc được sứ điệp của Chúa qua các biến cố trong đời.
Những người thụ hưởng chương trình Phúc Âm hóa trong chương V, đề cập tới những ai chưa biết đến ánh sáng Phúc Âm, kể cả những người đã chịu Phép Rửa mà đứng ngoài cuộc sống Kitô, những người chất phác trong đức tin, và những tín hữu không hiệp thông với Giáo hội. Sau hết là những người đang nỗ lực tìm gặp Chúa, một sự tìm kiếm không trọn vẹn nhưng thường rất thành tâm và công minh tự đáy lòng. Đây cũng chính là đối tượng cần được Phúc Âm hóa.
Chương VI dề cập tới những người hoạt động cho chương trình Phúc Âm hóa và chương VII nói tới tinh thần Phúc Âm hóa với lời kêu gọi khẩn thiết không nên sao lãng việc rao giảng Tin Mừng, phải làm nhân chứng chân chính về đời sống để lớn lên trong thánh thiện và đồng thời tìm kiếm sự hiệp nhất. Tinh thần Phúc Âm hóa phải là tôi tớ sự thật và được đánh động bởi tình yêu qua tác động của Thánh Linh, sự tự hiến để tuyên xưng Chúa và hiệp nhất trong lòng sốt mến của các Thánh cùng thông công.
Đức Phaolô VI đặt ra 3 câu hỏi nóng bỏng, đó là:
1.      Trong thời đại chúng ta, điều gì xảy ra đối với năng lực tiềm ẩn của Tin Mừng, có thể mang lại hiệu quả sức mạnh trên lương tâm con người?
2.      Từ khoảng cách nào và trong chiều hướng nào sức mạnh Phúc Âm hóa có khả năng thực sự thay đổi con người trong thể kỷ này?
3.      Những phương cách nào cần theo đuổi để sức mạnh của Tin mừng mang lại kết quả?

Học thuyết xã hội công giáo
Trong khi thực hiện công tác Phúc Âm hóa môi trường, ngoài những điều chỉ dậy nêu trên, ta còn phải lưu tâm đến học thuyết xã hội công giáo nữa vì đó là những nguyên tắc thực hành trong đời sống. Tông huấn Thượng Hội Đồng Giám Mục Á châu, số 32, ghi như sau: "Học thuyết xã hội của Giáo hội, đề nghị một tổng thể những nguyên lý để suy tư, những tiêu chuẩn để phán đoán và những chỉ thị để hành động, trước tiên nhắm tới những thành viên của Giáo hội. Điều thiết yếu là người tín hữu dấn thân trong việc thăng tiến nhân loại, phải có một sự hiểu biết vững chắc toàn bộ quí báu này của huấn giáo và coi nó như là một phần nguyên vẹn của sứ mạng rao giảng Tin Mừng của mình … Những Kitô hữu có trách nhiệm trong Giáo hội và trong xã hội, đặc biệt những giáo dân nam nữ đang nắm trách nhiệm trong đời sống công cộng, cần được huấn luyện vững chắc về huấn giáo này, để họ có thể tác động và đem lại sức sống cho xã hội dân sự và các cơ cấu của nó bằng chất men Tin Mừng."

Mấy điểm hướng dẫn trong Thông Điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu của Đức Bênêdictô XVI
Ngày 25 tháng 12 năm 2005, Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI đã ban hành bức Thông Điệp đầu tiên có tên là “Deus Caritas Est” – God Is Love - Thiên Chúa là Tình Yêu -  đựơc dịch từ nguyên bản Đức ngữ ra tiếng La-tinh, Anh, Pháp v.v.. và chính thức công bố ngày 25 tháng Giêng năm 2006. Thông thường thông điệp đầu tiên của một vị giáo chủ Công Giáo được coi như là những nét phác họa về giáo huấn của ngài trong suốt triều đại. Ở đây chúng ta không bàn tới toàn bộ thông điệp liên quan tới ba trách vụ: rao giảng Lời Chúa (kêrygma-martyria), cử hành các bí tích (leiturgia) và phục vụ bác ái (diakônia), tính cách đa dạng về tình yêu “eros”, “philia”, phong phú về tình yêu “agapé”, thực thi qua tình yêu “caritas”, cùng những vấn đề liên quan tới công bình và bác ái, tới lý trí và đức tin, tới Giáo Hội và Quốc Gia,  …cùng rất nhiều điều mới lạ được đề cập đến trong bức thông điệp.
Chúng tôi chỉ muốn đề cập đến việc thực thi tình yêu của Thiên Chúa nói trong thông điệp như là một soi dẫn của việc Phúc Âm hóa môi trường, được ghi trong phần cuối đoạn 27 như sau:
“Đối diện với những hoàn cảnh và những vấn đề mới, giáo huấn xã hội của Công giáo đã phát triển dần dần, và giờ đây đã có một trình bày dễ hiểu trong Cuốn Tóm lược giáo huấn xã hội của Giáo hội do Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình xuất bản năm 2004 [1]. Thuyết Mácxít đã xem cách mạng thế giới và các biện pháp sơ bộ như là thuốc chữa kỳ diệu cho vấn đề xã hội: cách mạng và tập thể hoá các phương tiện sản xuất đến theo sau, như đã được khẳng định, sẽ lập tức biến đổi sự việc cho tốt hơn. Ảo tưởng này đã tan biến. Trong hoàn cảnh phức tạp của ngày hôm nay, cũng vì sự tăng trưởng của việc toàn cầu hoá kinh tế, giáo huấn xã hội của Giáo hội đã trở nên một hướng dẫn căn bản, khi đề nghị những định hướng có giá trị vượt quá giới hạn của Giáo hội: đối diện với sự phát triển liên tục, những nguyên tắc chỉ đạo này cần được đề cập đến trong bối cảnh đối thoại với tất cả những ai thật sự quan tâm đến nhân loại và thế giới chúng ta đang sống”.[2]

Vài nét về môi trường
Bên cạnh những sa đọa luân lý trên nhiều khía cạnh và thuộc nhiều tầng lớp xã hội, trong cộng đồng người Việt, xin đan cử môi trường truyền thông, trong đó có báo chí, truyền thanh, truyền hình, sách vở, quảng cáo. Rõ ràng người ta đang lạm dụng tự do ngôn luận để xuyên tạc, thóa mạ, hạ nhục bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào, kể cả tôn giáo. Từ năm 1988 đến nay đã có khoảng 40 tác phẩm đánh phá đạo Công giáo và một số trí thức công giáo có tiếng tăm như Pétrus Ký, Nguyễn Trường Tộ, Trần Lục. Trên các trang báo và radio, trong đó có người công giáo chủ trương, đôi khi ta thấy những quảng cáo cổ võ phá thai, quảng cáo dùng thuốc "bách bệnh". Nạn băng đảng gây nên tội ác giết người vẫn còn thấy trong cộng đồng.

Nghiên cứu và Phúc Âm hóa môi trường
Tài liệu đề nghị 4 bước nghiên cứu môi trường: (1) Nghiên cứu môi trường để quyết định một sách lược cải đổi, (2) Nghiên cứu tinh thần môi trường, (3) Nghiên cứu nhân sự và vai trò của họ trong môi trường, và (4) Nghiên cứu hoàn cảnh.
Tiếp theo là Phúc Âm hóa môi trường. Để biến đổi môi trường, chúng ta cần tiến hành 4 bước là: (1) Thay đổi chính mình rồi thay đổi người mình chinh phục, (2) Quan sát, kết hợp và tạo âm hưởng mới trong môi trường (3) Làm trong tinh thần muối, men và ánh sáng, (4) Cầu nguyện.
Phương pháp Cursillo gồm ba giai đoạn: Chọn lựa và nghiên cứu các môi trường cần Phúc Âm hóa. Sau đó, tìm tòi và chọn lựa các cá nhân nồng cốt trong các môi trường đó và mời họ tham dự vào các khóa Cursillo.  Trong Khóa Cursillo, ba điểm căn bản cần được nhấn mạnh trong ba ngày tĩnh huấn như một tiến trình cải đổi: gặp gỡ chính mình, gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ tha nhân để trở thành một Kitô hữu đích thực. Sau đó, Phong trào phải đem họ trở lại môi trường của họ, đồng thời giúp họ tìm người cùng chí hướng qua các buổi hội nhóm và Ultreya để thực hiện công tác Phúc Âm hóa môi trường.
Người cursillista cần ý thức vai trò Phúc Âm hóa môi trường của mình. Họ có thể tìm thêm các người đồng chí hướng đề tạo thành một cộng đồng Kitô, qua sự cầu nguyện chung, qua tinh thần sinh hoạt tập thể, tìm ra những phương cách hữu hiệu cho công cuộc Phúc Âm hóa của mình. Ngoài ra, đối với các môi trường đông đảo, rộng lớn, một nhóm nhỏ không thể hoàn thành công tác, nên họ có thể cộng tác, mời gọi nhiều cá nhân, tập thể khác cùng chung lý tưởng tham dự vào công tác Phúc Âm hóa này. Khi đã mở rộng như vậy, người cursillista có thể liên kết với những người công giáo khác, kể cả những người không cùng tôn giáo, miễn là họ có cùng một lập trường hướng đến việc thay đổi môi trường theo chiều hướng mà nhóm môi trường của người cursillista mong muốn.
Cursillista Việt nam rải rác ở hải ngoại hiện nay, thường chỉ rất giới hạn công tác tông đồ của mình vào các sinh hoạt giáo xứ, như: đọc sách thánh, thừa tác viên Thánh Thể, giúp các việc trong nhà thờ. Có người tham gia một số công tác bác ái, từ thiện, như: đi thăm người bệnh trong các nhà thương, thăm tù nhân trong các trại cải huấn, giúp đỡ những người nghèo, hoặc những người mới tới định cư. Có những người lại tham gia vào các đoàn thể Công Giáo Tiến Hành khác. Những hoạt động này tuy rất cần thiết và tốt lành nhưng thực ra chưa phải là công tác tông đồ đích thực của người cursillista. Nếu chúng ta chỉ làm như vậy thì ai cũng làm được và công tác Phúc Âm hóa kể như chưa thành công về mặt trần thế.
Trong tài liệu Hội thảo về Tiền Cursillo của Văn phòng Quốc gia Hoa kỳ, khi đề cập tới Khóa Cursillo, có ghi: "Nếu những người đến tham dự Khóa Cuối Tuần mà quá miệt mài trong những vấn đề riêng tư và gia đình, nhưng lơ là đối với những vấn đề thuộc môi trường xã hội chung quanh họ thì có thể khi ra khỏi khóa học họ rất mãn nguyện và hài lòng với phương cách giải quyết vấn đề riêng tư của mình, nhưng có lẽ cũng ít quan tâm đến những vấn đề của chính cộng đồng họ hay bất cứ cộng đồng nào khác."
Xét trên một phương diện khác, nếu người cursillista đã cải đổi cá nhân, đã cố gắng Phúc Âm hóa gia đình, và Phúc Âm hóa sở làm và lối xóm ít nhiều, thì đa số cursillista đã không lưu tâm hay không thành công trong việc Phúc Âm hóa môi trường xã hội trên bình diện rộng lớn hơn, như chính trị, luật pháp, truyền thông, quảng cáo, giáo dục, y tế là những lãnh vực gây sức ép, đánh giá mức thang giá trị và tạo ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống con người trong xã hội. Trên thực tế, công tác này rất khó khăn, nếu những người dấn thân thiếu khôn ngoan, và nếu Phong Trào không phối hợp và hỗ trợ những nhóm môi trường, để cho các cursillista tự làm lấy, sẽ tạo nên những va chạm ngay trong những cursillista với nhau. Mặt khác, Phúc Âm hóa những mội trường khó khăn mà thiếu cầu nguyện và thiếu thận trọng, sẽ tạo nên cảnh "âm binh vật ngược".
Toàn cầu hóa là một khuynh hướng mới của thế kỷ XXI với những ưu và khuyết điểm của nó, từ đó đang gây tác động mạnh trong xã hội. Nhiều người không ưa thích việc toàn cầu hóa nhưng việc toàn cầu hóa phong tục, tập quán kể cả một loại ngôn ngữ, trước hết là ngôn ngữ kỹ thuật, cũng có vẻ đang hướng về tình trạng đồng nhất hóa. Chúng ta biết rằng việc toàn cầu hóa sẽ bóp nghẹt cuộc sống đặc thù của các dân tộc, nhưng một khi nó sẩy đến thì ta cũng phải dùng nó như một phương tiện Phúc Âm hóa, trước hết là để ngăn ngừa những khuynh hướng xấu xa của việc toàn cầu hóa. Nước Mỹ ngày nay được coi như là tiêu biểu cho nếp sống toàn cầu hóa. Từ kỹ thuật cao đáng noi theo, nhưng nếp sống xã hội, qua phim ảnh chẳng hạn, thể hiện một lối sống duy vật thực tiễn đang tác hại không những xã hội Mỹ mà toàn cầu. Nhiều người nghĩ rằng, nếu Phúc Âm hóa được nước Mỹ thì ảnh hưởng sẽ rất rộng lớn trên thế giới bởi tấm gương tốt ấy phản chiếu trên toàn cầu, đặc biệt là thế hệ trẻ.
***
Phúc Âm hóa môi trường được coi như là hoạt động nòng cốt của Phong Trào Cursillo. Kiểm điểm lại những sinh hoạt của các Phong trào Giáo phận, ta thấy những nơi có khả năng mở Khóa, đã thực hiện công tác này khá ngoạn mục. Nhưng sinh hoạt ngày Thứ Tư nói chung và Phúc Âm hóa môi trường nói riêng, hầu như còn thiếu sót. Qua các buổi chia sẻ Liên nhóm và đại Ultreya, người ta chỉ thấy tăng tiến về mặt Sùng Đạo, còn mặt Học Đạo và Phúc Âm hóa, hầu như ít được lưu tâm.
Một lý do khác là các Phong trào Giáo phận ít quan tâm tới Kế Hoạch Mục Vụ. Không có Kế Hoạch Mục Vụ hàng năm thì làm sao có chương trình Phúc Âm hóa môi trường, để hướng dẫn và hỗ trợ những nhóm môi trường. Một điểm then chốt cần lưu tâm là làm sao tạo được không khí dấn thân và hào hứng nơi những người trẻ trong sinh hoạt Cursillo, đăc biệt là công tác Phúc Âm hóa môi trường.
Xin hãy suy nghĩ về con số trên 10,000 cursillistas Việt nam trên thế giới. Còn bao nhiêu phần trăm gắn bó với Phong Trào?
Lý do cuối cùng là người cursillista hình như không nhận chân được sứ mạng của mình sau khi dự Khóa, không chuyên tâm thi hành sứ mạng Phúc Âm hóa môi trường, mà lại thích tham gia vào nhiều đoàn thể. Nếu chúng ta có thể tham gia nhiều đoàn thể và cam kết chu toàn nhiệm vụ đối với mỗi đoàn thể thì nên tham gia, bằng không, xin xét lại. Một điểm khác không kém phần quan trọng, đó là nếu chúng ta có thì giờ tham gia các buổi hội họp với từng đoàn thể thì chúng ta còn thì giờ đâu làm công tác tông đồ ngoài xã hội. Đây mới là điểm then chốt. Có nhiều cursillista có khuynh hướng sống đời chiêm niệm. Đó là một việc tốt. Nhưng dường như Chúa lại muốn chúng ta chu toàn bổn phận một người tín hữu, đem Tin Mừng đến với mọi người. Nói như vậy chúng tôi không hề phủ nhận sự cần thiết của việc cầu nguyện và hy sinh là những đòn bẩy trọng yếu cho công tác Phúc Âm hóa môi trường.

Tóm lại, thách đố của Phong Trào Cursillo trong thế kỷ XXI, đòi hỏi các Phong trào Giáo phận và mỗi người cursillista phải tự xét mình để canh tân, thay đổi tư duy và hành động.

 (Nguyễn Đức Tuyên) 



[1] Bản Việt Ngữ mang tiêu đề “Học Thuyết Xã Hội Công Giáo” do Đức Ông Nguyễn Quang Sách dịch thuật, đã được Nguyệt San Diễn Đàn Giáo Dân ấn hành năm 2004.
[2] Faced with new situations and issues, Catholic social teaching thus gradually developed, and has now found a comprehensive presentation in the Compendium of the Social Doctrine of the Church published in 2004 by the Pontifical Council Iustitia et Pax. Marxism had seen world revolution and its preliminaries as the panacea for the social problem: revolution and the subsequent collectivization of the means of production, so it was claimed, would immediately change things for the better. This illusion has vanished. In today's complex situation, not least because of the growth of a globalized economy, the Church's social doctrine has become a set of fundamental guidelines offering approaches that are valid even beyond the confines of the Church: in the face of ongoing development these guidelines need to be addressed in the context of dialogue with all those seriously concerned for humanity and for the world in which we live.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét