Sứ điệp Mùa Chay 2015 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
"Thiên Chúa không thờ ơ với thế gian" (toàn văn)
Rôma – 27/01/2015 (Zenit.org)
"Anh em hãy bền tâm vững chí" (Gc 5, 8)
Anh chị em thân mến,
Mùa Chay là một thời đổi mới cho Giáo Hội, cho các cộng đoàn và cho mỗi
tín hữu. Nhưng trước hết đó là một
"thời Thiên Chúa thi ân" (2 Cr
6, 2). Thiên Chúa không đòi hỏi chúng ta cái gì mà Người đã không ban cho chúng
ta trước đó: "Chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng
ta trước" (1 Ga 4, 19). Người
không thờ ơ với chúng ta. Người mang mỗi người chúng ta trong trái tim Người,
Người biết tên của từng người chúng ta, Người săn sóc chúng ta và Người đi tìm
chúng ta khi chúng ta bỏ người. Người tha thiết với mỗi người trong chúng ta;
tình yêu của Người ngăn cản Người thờ ơ với những gì xẩy ra với chúng ta. Nhưng
đã xẩy ra rằng, khi chúng ta mạnh giỏi và thoải mái, chắc chắn chúng ta đã quên
nghĩ đến người khác (điều mà Thiên Chúa Cha không bao giờ làm), chúng ta không
còn tha thiết đến những vấn đề, những đau khổ của họ và đến những bất công họ
phải gánh chịu… trái tim chúng ta, như thế, đã rơi vào thờ ơ: trong lúc tôi
tương đối mạnh giỏi, cái gì cũng thành công, tôi quên đi những người không được
mạnh giỏi. Thái độ ích kỷ, thờ ơ này, ngày nay đã có tầm vóc thế giới, đến độ
chúng ta có thể nói đến một cuộc toàn cầu hóa sự thờ ơ. Đó là một sự bất ổn mà,
là người Kitô hữu, chúng ta phải đối phó.
Vatican ngày 04 tháng 10 năm 2014
Khi trở lại với tình
yêu Người, dân của Thiên Chúa tìm được giải đáp cho những vấn đề mà lịch sử
không ngừng đặt ra cho mình. Một trong những thách thức khẩn trương nhất tôi
muốn đề cập trong sứ điệp này, là thách thức toàn cầu hóa sự thờ ơ.
Sự thờ ơ đối với tha
nhân và đối với Thiên Chúa là một cám dỗ có thật cho những người Kitô hữu chúng
ta. Chính vì vậy mà chúng ta cần phải lắng nghe, trong mỗi Mùa Chay, tiếng kêu
gọi của các ngôn sứ đã lớn tiếng thức tỉnh chúng ta.
Thiên Chúa không thờ ơ
đối với thế gian, mà Người yêu thương nó đến độ ban Con của Người để cứu độ mọi
người. Qua mầu nhiệm nhập thể với cuộc sống trần gian, cái chết và sự sống lại
của Ngôi Con Thiên Chúa, cánh cửa giữa Thiên Chúa và con người, giữa trời và
đất, đã được mở ra vĩnh viễn. Và Giáo Hội như bàn tay đã giữ cho cánh cửa mở
nhờ vào sự loan truyền Lời Chúa, nhờ cử hành các phép bí tích, nhờ việc làm
chứng cho đức tin đang hành động trong tình yêu (x. Gl 5,6). Tuy nhiên, thế gian có xu hướng khép kín và đóng chặt cánh
cửa qua đó Thiên Chúa có thể đến với thế gian và thế gian đến với Người. Vì vậy,
Giáo Hội vốn là bàn tay giữ cửa không bao giờ được ngạc nhiên nếu thấy bàn tay
mình bị đẩy ra, bị dẫm nát và bị đả thương.
Bởi vậy, dân của Thiên
Chúa cần phải đổi mới, để không trở thành thờ ơ và khép kín mình lại. Tôi muốn
đề nghị với anh chị em ba hướng suy nghĩ cho việc đổi mới này.
1. "Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cũng
đau" (1Cr 12,26) - Giáo Hội
Lòng yêu thương của
Thiên Chúa, đập tan cái co cụm này là sự thờ ơ, và đã được ban cho chúng ta nhờ
Giáo Hội trong giáo huấn của mình, và nhất là, trong việc làm chứng của mình.
Tuy nhiên, người ta chỉ có thể làm chứng điều gì mà người ta đã trải nghiệm
trước đó. Người Kitô hữu là người đã để cho Thiên Chúa mặc lên cho mình lòng
nhân từ và thương xót của Người, mặc lấy Chúa Kitô, để trở nên như Chúa Kitô,
tôi tớ của Thiên Chúa và tôi tớ người ta. Phụng vụ Thứ Năm Tuần Thánh, với nghi
thức rửa chân, đã nhắc nhở chúng ta điều này. Thánh Phêrô đã không muốn Chúa
Giêsu rửa chân cho ngài, nhưng ngài đã hiểu ra sau đó, là Chúa Giêsu không muốn
chỉ là một tấm gương cách thức chúng ta rửa chân cho nhau. Công việc phục vụ
này chỉ có thể thực hiện được bởi những ai đã được Đức Kitô rửa chân cho. Chỉ
có ai "chung phần" với Người (Ga
13,8) mới có thể phục vụ người ta như thế.
Mùa Chay là thời gian
thuận lợi cho chúng ta để được Đức Kitô phục vụ và như thế, để học tập phục vụ
giống như Người. Điều này xẩy đến khi chúng ta lắng nghe Lời Thiên Chúa và lãnh
nhận các phép bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể. Nơi phép Thánh Thể, chúng
ta trở nên thức ăn chúng ta lãnh nhận: đó là Mình Thánh Chúa Kitô. Nhờ vào Mình
Thánh, cái thờ ơ đó, đã từng nhiều khi thống trị con tim chúng ta, sẽ không còn
chỗ đứng trong chúng ta nữa. Vì rằng những người ở trong Đức Kitô thì chỉ duy
nhất thuộc về thân mình Đức Kitô và nơi Người không có ai thờ ơ với ai.
"Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cũng đau; nếu một bộ phận nào
được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng chung vui" (1Cr 12, 26).
Giáo Hội là một cộng
đồng các thánh thông công bởi vì các
thánh đã là thành phần của cộng đồng đó, nhưng cũng bởi vì Giáo Hội là sự hiệp
thông các sự thánh thiện: tình yêu của Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta trong
Đức Kitô cũng như tất cả những ơn ích thiêng liêng. Trong sự hiệp thông các
thánh và trong sự tham gia những điều thánh thiện, không ai có của riêng, và
cái người ta có, là dành cho tất cả mọi người. Và bởi vì chúng ta liên kết với
nhau trong Thiên Chúa, chúng ta cũng có thể làm điều gì đó cho những người ở
xa, cũng như cho những người mà chúng ta không bao giờ có thể gặp lại được với
sức lực của chúng ta, bởi vì chúng ta cầu nguyện Thiên Chúa cùng với họ và cầu
cho họ, để cho tất cả chúng ta cùng mở ra với công trình cứu độ của Người.
2. "Em ngươi đâu
rồi?" (St 4, 9) - Giáo xứ và
cộng đoàn
Cần thiết phải chuyển
dịch tất cả giáo huấn của Giáo Hội hoàn vũ vào trong đời sống cụ thể của các
giáo xứ và các cộng đoàn Kitô hữu. Liệu người ta có thể trải nghiệm sự thống
thuộc vào duy nhất một thân thể ở giữa những thực tại Giáo Hội này không? Một
thân thể đồng thời lãnh nhận và chia sẻ tất cả những gì Thiên Chúa muốn ban cho
hay không? Một thân thể biết rõ và chăm sóc các bộ phận yếu kém nhất, nghèo khó
nhất, và bé mọn nhất của mình hay không? Hay là chúng ta ẩn náu trong một tình
yêu chung chung, dấn thân cho một thế giới xa vời mà quên đi ông Lazarô đang
ngồi trước cửa nhà mình đang đóng chặt (x. Lc
16, 19-31).
Để nhận lãnh và làm
sinh hoa kết trái một cách đầy đủ điều mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, phải
vượt qua các biên giới của Giáo Hội hữu hình trong hai chiều hướng.
Một mặt, bằng cách chúng
ta hiệp nhất với Giáo Hội trên trời trong cầu nguyện. Khi Giáo Hội dưới đất cầu
nguyện, sẽ hình thành ngay một sự hiệp thông cầu nguyện và công ích dâng lên
đến tận trước nhan Thiên Chúa. Với các thánh là những người đã tìm được sự viên
mãn nơi Thiên Chúa, chúng ta dự phần vào sự hiệp thông trong đó, sự thờ ơ đã bị
tình yêu đánh thắng. Giáo Hội trên trời không phải là Giáo Hội chiến thắng bởi
vì quay lưng lại với những đau khổ của thể gian và vui mừng một mình. Trái lại,
các thánh có thể đã chiêm ngắm và vui mừng vì, với cái chết và sự sống lại của
Chúa Giêsu, các ngài đã vĩnh viễn chiến thắng sự thờ ơ, sự cứng lòng và sự thù
hận. Bao lâu mà chiến thắng của tình yêu chưa thấm nhập trên toàn thế giới, các
thánh vẫn đồng hành với chúng ta còn là những kẻ hành hương. Thánh nữ Têrêxa
thành Lisieux, tiến sĩ Hội Thánh, với lòng xác tín rằng niềm vui trên trời bằng
chiến thắng của tình yêu bị đóng đinh trên thập giá sẽ không trọn vẹn bao lâu
còn có, dù chỉ một người trên thế gian, đang đau khổ, rên xiết, đã viết:
"Con tính sẽ không ở yên trên trời, mong muốn cua con là còn được làm việc
cho Giáo Hội và cho các linh hồn" (Thư
254, 14 tháng 7 năm 1897).
Chúng ta cũng vậy,
chúng ta can dự vào các công đức và niềm vui của các thánh và các ngài can dự
vào cuộc chiến đấu và mong muốn bình an và hoà giải của chúng ta. Hạnh phúc của
các ngài được mừng vui chiến thắng của Đức Kitô phục sinh là lý do sức mạnh cho
chúng ta để vượt qua bao hình thức thờ ơ và cứng lòng.
Mặt khác, mỗi cộng đoàn
Kitô hữu được kêu gọi hãy bước ra khỏi ngưỡng cửa mở ra với xã hội xung quanh,
với những người nghèo và những người ở xa. Tự bản chất, Giáo Hội là có sứ vụ
truyền giáo, và không hề khép kín, nhưng được sai đi đến tất cả mọi người.
Sứ vụ này là sự tuyên
chứng kiên trì của Đấng đã muốn mang tới cho Cha tất cả thực tại nhân loại và
mỗi người cách riêng. Sứ vụ là điều mà tình yêu không thể im tiếng. Giáo Hội
theo chân Chúa Giêsu Kitô trên con đường dẫn đến mọi người, cho đến tận cùng
trái đất (x. Cv 1, 8). Như thế, chúng
ta có thể thấy trong tha nhân, người anh chị em mình, vì những người đó mà Đức
Kitô đã chịu chết và đã sống lại. Tất cả những điều chúng ta đã nhận lãnh,
chúng ta cũng đã lãnh nhận cho họ. Và cũng như vậy, điều mà các anh em này có
được là ơn phúc cho Giáo Hội và cho toàn thể loài người.
Anh chị em thân mến,
tôi tha thiết mong muốn rằng các nơi mà Giáo Hội thể hiện, đặc biệt là các giáo
xứ và các cộng đoàn, trở thành các hải đảo của lòng thương xót ở giữa đại dương
của sự thờ ơ.
3. "Anh em hãy bền tâm vững chí" (Gc 5, 8) - Mỗi tín hữu
Kể cả dưới danh nghĩa
những con người riêng lẻ, chúng ta thường bị cám dỗ thờ ơ với sự khốn cùng của
người khác. Chúng ta bị bội thực bởi tin tức và hình ảnh chấn động kể cho chúng
ta sự đau khổ của con người và chúng ta đồng thời cảm thấy sự bất lực hoàn toàn
của chúng ta để can thiệp vào. Làm gì để đừng bị lôi cuốn vào cái vòng xoáy của
sự sợ hãi và bất lực?
Trước hết, chúng ta có
thể cầu nguyện trong sự hiệp thông của Giáo Hội dưới đất và Giáo Hội trên trời.
Chúng ta đừng coi thường sức mạnh của cầu nguyện với danh nghĩa cá nhân con
người! Sáng kiến 24 giờ cho Chúa, mà
tôi hy vọng, sẽ diễn ra trong toàn thể Giáo Hội, kể cả ở cấp giáo phận, trong
những ngày 13 và 14 tháng Ba tới đây, nói lên sự cần thiết của cầu nguyện.
Tiếp theo, chúng ta có
thể giúp đỡ bằng những cử chỉ bác ái, đến với những người ở gần cũng như những
người ở xa, nhờ vào nhiều tổ chức bác ái của Giáo Hội. Mùa Chay là thời gian
thuận lợi để chứng tỏ sự quan tâm của mình với người khác bằng một dấu hiệu, dù
là nhỏ bé, nhưng cụ thể, của sự can dự của chúng ta vào với chung cả nhân loại.
Sau cùng, sự đau khổ
của người khác làm thành tiếng gọi xám hối, trở lại bởi vì nhu cầu của người
anh em nhắc nhở tôi sự mong manh của đời tôi, sự lệ thuộc vào Thiên Chúa và anh
chị em tôi. Nếu chúng ta khiêm nhường cầu xin Thiên Chúa và nếu chúng ta chấp
nhận những giới hạn của khả năng chúng ta, lúc đó, chúng ta sẽ tin tưởng vào
những khả năng vô biên mà tình yêu Thiên Chúa còn dự trữ. Và chúng ta sẽ có thể
chống trả lại cám dỗ của ma quỷ muốn khiến chúng ta tin rằng chúng ta có thể
một mình tự cứu và cứu độ thế gian.
Để vượt lên sự thờ ơ và
những tham vọng toàn năng của chúng ta, tôi muốn yêu cầu tất cả chúng ta hãy
sống Mùa Chay như một hành trình đào tạo trái tim, như ĐGH Biển Đức XVI đã nói
(x. Tông Thư Deus caritas est, số
31).. Có một trái tim từ bi không có nghĩa là một trái tim yếu đuối. Người nào
muốn tư bi cần phải có một trái tim mạnh mẽ, vững vàng, đóng cửa với ma quỷ cám
dỗ, nhưng mở rộng ra với Thiên Chúa. Một trái tim để Thần Khí thâm nhập và
hướng lên những hành trình tình yêu dẫn tới những anh chị em chúng ta. Thực
chất, một trái tim nghèo khó, biết rõ thực chất những sự khó nghèo của mình và
sẵn sàng sả thân cho người khác.
Để được vậy, thưa anh
chị em thân mến, tôi muốn cùng anh chị em cầu nguyện Đức Kitô trong Mùa Chay
này: "Fac cor nostrum secundum cor
tuum" nghĩa là: "Xin làm
cho trái tim chúng con nên giống trái tim Người" (Kinh cầu Thánh Tâm
Chúa Giêsu). Như thế chúng ta sẽ có một trái tim mạnh mẽ và từ bi, cảnh giác và
đại lượng, không để bị khép kín và không bị rơi vào trong cái vòng xoáy của
toàn cầu hóa sự thờ ơ.
Với lời cầu chúc này,
tôi cam kết với anh chị em cầu nguyện để mỗi tín hữu và mỗi cộng đoàn Giáo Hội
cùng bước đi trên con đường Mùa Chay được nhiều hoa trái, tôi xin anh chị em
cầu nguyện cho tôi. Xin Chúa ban phúc lành cho anh chị em và xin Đức Trinh Nữ
Maria gìn giữ anh chị em.
Lễ Thánh
Phanxicô Assisi
PHANXICÔ
Giáo Hoàng
[00144-03.01]
[Bản gốc bằng tiếng Ý]
Mai Khôi phỏng dịch từ bản tiếng Pháp của
Zenit
(27 janvier 2015) ©
Innovative Media Inc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét