Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

Kinh truyền tin với ĐTC ngày 28.02.2016

Đừng quên cầu nguyện cho tôi

Kinh Truyền Tin ngày 28 tháng 02 năm 2016 (toàn văn)
Angélus Du 28 Février 2016, Capture D'écran CTV
"Xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi": Đức Giáo Hoàng Phanxicô vẫn kết thúc bài giảng của ngài bằng câu nói này như trước và sau Kinh Truyền Tin ngày Chúa Nhật vừa qua, ngày 28/02/2016, trên quảng trường Thánh Phêrô. Trước Kinh Truyền Tin, ngài đã giảng về bài Phúc Âm ngày Chúa Nhật. Sau Kinh Truyền Tin, ngài đã nhắc tới cuộc khủng hoảng di dân, hòa bình ở Syria, cơn bão lốc giáng xuống đảo Fidji và Ngày các bệnh nhân mắc bệnh hiếm thấy.
Ngài đã mời gọi cầu xin Đức Trinh Nữ Maria để biết xét mình Mùa Chay: "Cầu mong Đức Trinh Nữ Maria nâng đỡ chúng ta, để chúng ta có thể mở rộng tâm hồn chúng ta đón nhận hồng ân của Thiên Chúa, mở ra với lòng thương xót của Người; và mong Mẹ giúp đỡ chúng ta để đừng bao giờ xét đoán người khác, mà để chúng ta biết động lòng bởi những nỗi khốn khổ hàng ngày để làm một cuộc xét mình nghiêm túc để chấn chỉnh bản thân chúng ta".
Sau đây là bản dịch tiếng Pháp lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô được ngài đọc bằng tiếng Ý.
A.B.
Lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước Kinh Truyền Tin
Thân chào quý anh chị em!
Khốn thay, ngày nào cũng vậy, thời sự mang đến toàn những tin xấu: giết người, tai nạn, thiên tai… Trong bài Phúc Âm ngày hôm nay, Chúa Giêsu nhắc tới hai sự kiện bi thảm, ở thời đại đó, đã làm xôn xao dư luận: một cuộc đàn áp bởi quân lính La Mã ngay trong Đền Thờ và vụ Tháp Si-lô-ác ở Giêrusalem sụp đổ khiến 18 người thiệt mạng (x. Lc 13 1-5).
Chúa Giêsu biết rõ tâm tính dị đoan của những người đang nghe Người và Người biết rõ cái kiểu họ suy diễn biến cố này một cách sai lạc. Quả thật, họ nghĩ rằng nếu những người đó bị chết dữ dằn như thế, đó là dấu chỉ Thiên Chúa đã trừng phạt họ vì họ đã phạm tội lỗi gì nặng lắm; môt cách để nói rằng "họ chết là đáng lắm". Và trái lại, sự kiện thoát được tai họa này tương đương với việc có thể coi như mình "hợp lệ". Họ "đáng đời"; tôi "hợp lệ". 

Chúa Giêsu thẳng tay bác bỏ cách nhìn đó, bởi vì Thiên Chúa không cho phép dùng những thảm họa để trừng phạt tội lỗi, và Người khẳng định rằng những nạn nhân đáng thương đó không xấu xa gì hơn người khác. Người mời gọi họ tốt nhất là rút ra từ những sự kiện đau buồn này, một lời cảnh cáo có liên quan đến hết thẩy mọi người, bởi vì tất cả chúng ta đều là những kẻ có tội; quá thế, Người phán với những kẻ chất vấn Người rằng: "Nếu các ông không sám hối, các ông sẽ chết hết như vậy" (c. 3).
Ngày hôm nay nữa, trước nhiều tai họa và nhiều biến cố đau buồn, có thể có cám dỗ "đổ" hết trách nhiệm lên đầu các nạn nhân, hay đổ thẳng cho chính Thiên Chúa. Nhưng bài Phúc Âm mời gọi chúng ta hãy suy nghĩ: chúng ta nghĩ thế nào về Thiên Chúa? Chúng ta có xác tín Thiên Chúa là như thế, hay thay vào đó, Người chỉ là một phóng ảnh mà chúng ta làm ra, về một Thiên Chúa được làm ra "giống hình ảnh và giống chúng ta"? Trái lại, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta hãy cải đổi tâm hồn chúng ta, hãy thực hiện một cuộc sám hối dứt khoát trên con đường đời của chúng ta, bỏ đi những thỏa hiệp với sự ác (và đều này, tất cả chúng ta đều đã làm, thỏa hiệp với cái ác), những hành động giả hình (tôi tin là hầu hết chúng ta đều có, ít là một mẩu giả hình), để bước theo con đường Phúc Âm một cách quyết tâm.
Khốn thay, mỗi người trong chúng ta đều giống hệt như một cây xanh, trong nhiều năm qua đã cho nhiều bằng chứng vô sinh của nó. Nhưng, may mắn cho chúng ta, Chúa Giêsu giống như người nông gia kia, vì một tính kiên nhẫn vô bờ bến, còn xin được một sự triển hạn cho cây sung không hoa quả: "Xin cứ để nó lại năm nay nữa, ông ta nói với người chủ […] May ra sang năm nó có trái" (x. c. 9). Một "năm" ân hụê: thời gian tác vụ của Đức Kitô, thời gian của Giáo Hội trước khi vinh quang trở về, thời gian cuộc đời chúng ta, nhịp theo một số Mùa Chay, được cống hiến cho chúng ta như những cơ hội chuộc tội và cứu độ, thời gian của một Năm Thánh Lòng Thương Xót. Lòng kiên nhẫn vô địch của Chúa Giêsu! Anh chị em  có nghĩ tới lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa không? Anh chị em cũng có nghĩ tới sự bận tâm không hề giảm sút của Người cho những kẻ tội lỗi, cũng như chuyện đó có thể khiến chúng ta nản lòng đối với chính chúng ta hay không? Không bao giờ là quá muộn để cho chúng ta sám hối, không bao giờ! Cho đến giờ phút chót: lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa đợi chờ chúng ta. Anh chị em có nhớ câu chuyện của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, khi chị cầu nguyện cho cái anh chàng bị kết án tử hình, một kẻ tội phạm, một kẻ không muốn nhận sự an ủi của Giáo Hội, một kẻ xua đuổi linh mục, một kẻ không muốn gi cả: hắn muốn chết như thế. Và chị đã cầu nguyện, trong nhà dòng kín của chị. Và khi gã đàn ông kia ra chỗ đó, ngay trước lúc bị hành quyết, anh ta đã quay về phía vị linh mục, anh ta cầm lấy Thánh Giá  và anh hôn Thánh Giá. Lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa. Và Người cũng làm điều đó với chúng ta, với tất cả chúng ta! Bao nhiêu lần – chúng ta không biết, khi lên trời chúng ta sẽ biết – bao nhiêu lần chúng ta đã ở đó, chỗ đó… [sắp ngã gục] và Chúa đã cứu chúng ta: Người cứu chúng ta vì một lòng nhẫn nại to lớn đối với chúng ta. Và chính là chuyện này, là lòng thương xót của Người. Không bao giờ muộn màng đối với chúng ta để chúng ta sám hối, nhưng mà thật là cấp bách, là ngay bây giờ! Chúng ta hãy bắt đầu ngay ngày hôm nay!
Cầu mong Đức Trinh Nữ Maria nâng đỡ chúng ta, để chúng ta có thể mở rộng tâm hồn chúng ta đón nhận hồng ân của Thiên Chúa, mở ra với lòng thương xót của Người; và mong Mẹ giúp đỡ chúng ta để đừng bao giờ xét đoán người khác, mà để chúng ta biết động lòng bởi những nỗi khốn khổ hàng ngày để làm một cuộc xét mình nghiêm túc để chấn chỉnh bản thân chúng ta.
Đức Chúa Trời sai thánh Thiên Thần…
Lời Đức Giáo Hoàng sau Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến,
Trong kinh nguyện của tôi cũng như của anh chị em, thảm kịch các người tỵ nạn trốn chạy chiến tranh và những tình huống vô nhân đạo luôn hiện diện. Đặc biệt, nước Hy Lạp và những quốc gia khác đang ở tuyến đầu và cung cấp cho họ một sự cứu trợ rộng lượng, cũng như đang cần sự hợp tác của tất cả mọi quốc gia. Một câu trả lời nhất trí có thể hữu dụng và chia đều gánh nặng. Để được chuyện này, phải cương quyết và hết mình dựa trên thương thuyết.
Cùng thời gian đó, tôi đã đón nhận với niềm hy vọng tin tức về sự chấm dứt giao tranh tại Syria, và tôi mời gọi tất cả anh chị em hãy cầu nguyện để tia sáng này có thể nâng đỡ dân chúng đang chịu đau khổ, và tạo điều kiện cho những cứu trợ nhân đạo cần thiết, và nó mở ra con đường đối thoại và hòa bình đang được mong muốn.
Tôi cũng muốn cam kết sự gần gũi của tôi với dân chúng trên đảo Fifji, bị một cơn bão lốc tàn phá. Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và cho tất cả những ai đã dấn thân trong việc cứu trợ họ. Tôi gửi lời thân ái chào mừng đến tất cả anh chị em, các khách hành hương của Rôma, của Italia và nhiều nước khác. Tôi chào mừng các tín hữu đến từ Gdansk, các thổ dân của Biafra, các sinh viên của Saragosse, Huelva, Cordova và Zafra, những người trẻ của Formentera và các tín hữu của Jaén. Tôi chào mừng nhóm đến đây nhân dịp "Ngày các bệnh nhân mắc bệnh hiếm thấy", với một lời cầu nguyện đặc biệt và một sự khuyến khích cho các hiệp hội tương trợ của anh chị em. Tôi chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt đẹp. Xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi. Tạm biệt!
Bản dịch tiếng Pháp : Constance Roques (Zenit)
Mạc Khải dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét