Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2016

PTXL: Hội thảo - Tĩnh Tâm - Hành Hương Năm Thánh LTX 16-17.04.2016

HỘI THẢO – TĨNH TÂM - HÀNH HƯƠNG
PT CURSILLO GP XUÂN LỘC
16-17/4/2016

Năm 2016, PT Cursillo Xuân Lộc không mở Khóa Ba Ngày mà tập trung vào việc củng cố Hậu Cursillo, đào tạo những người Lãnh đạo PT. Thực hiện kế hoạch đó, ngày thứ Bảy 16/4 vừa qua, 130 cursillistas đã quy tụ lại tại mái ấm Phú Dòng để cùng nhau học hỏi, sinh hoạt.
Ngay từ sáng sớm, ACE từ 11 Liên nhóm đã lần lượt tập trung tại Tu hội. Cha LH GP dù rất bận rộn với công tác mục vụ của một giáo xứ lớn, nhưng ngài vẫn theo sát đàn con của mình trong mọi sinh hoạt. Sau khi ghi danh đăng ký, đúng 8g30, chương trình Hội thảo bắt đầu. Cha LH chia sẻ đôi điều về buổi hội thảo và chúc tất cả nhận ra được thánh ý Chúa gởi gắm đến mỗi cá nhân, để có hướng dấn thân phục vụ. Anh Chủ tịch PT cũng có đôi lời tâm sự với ACE và tuyên bố khai mạc buổi Hội thảo.
Mở đầu, anh Gioakim Lâm Sơn Hòa – Nhóm Khối Tiền với chủ đề “Tiền Cursillo”. Ngoài phần lý thuyết, anh đã chia sẻ cụ thể công việc nghiên cứu môi trường và tìm kiếm ứng viên nơi Liên nhóm anh đang sinh hoạt. Anh nhấn mạnh đến tầm quan trọng của người Bảo trợ trước, trong và sau khóa; anh hy vọng mọi người sẽ lưu tâm đến vấn đề này trong thời gian sắp tới.

Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

Sứ điệp ngày TG cầu cho Ơn Thiên Triệu 17.04.2016

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
NHÂN NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI THÁNH HIẾN
NGÀY 17 THÁNG 04 NĂM 2016

Anh chị em thân mến,
Tôi đang rất hi vọng trong suốt Năm Thánh Ngoại thường Lòng Thương Xót này, tất cả những ai đã chịu Phép Rửa đều trải nghiệm được niềm vui thuộc về Giáo Hội và tái khám phá ơn gọi Kitô hữu, là ơn gọi được sinh ra trong Dân Chúa, và đây là ân ban của lòng thương xót. Giáo hội là nhà của lòng thương xót và là “mảnh đất” để ơn gọi đâm rễ, phát triển và trổ sinh hoa trái.
Vì lý do này, nhân dịp 53 năm, ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi, tôi mời gọi tất cả các tín hữu suy ngẫm về cộng đoàn tông đồ, và cám ơn vai trò của cộng đoàn này trong hành trình ơn gọi của mỗi người. Trong Ân Xá của Năm thánh Ngoại thường Lòng Thương Xót, tôi tưởng nhớ lại lời của Thánh Beda Khả kính, mô tả ơn gọi của thánh Matthêu: “Miserando atque eligendo” [Xót thương và kêu gọi]. Hành động đầy lòng thương xót của Thiên Chúa tha thứ tội lỗi chúng ta và dẫn chúng ta bước vào đời sống mới hình thành trong lời mời gọi làm môn đệ và thực thi sứ vụ. Mỗi ơn gọi trong Giáo hội bắt nguồn từ khóe nhìn đầy thương xót của Chúa Giêsu. Đối thoại và ơn gọi là hai mặt của cùng vấn đề, và tiếp tục duy trì sự hiệp thông trong suốt đời sống tông đồ.
Trong Tông huấn Loan Báo Tin Mừng, chân phúc Phaolô VI mô tả những bước khác nhau trong việc Phúc Âm hóa. Một trong những bước này là thuộc về cộng đoàn Kitô hữu, là cộng đoàn mà chúng ta nhận được nhân chứng đức tin đầu tiên và công bố lòng thương xót của Thiên Chúa.[1] Áp dụng vào cộng đoàn Kitô hữu mang đến sự phong phú trong đời sống Giáo hội, đặc biệt là các bí tích. Thực vậy, Hội Thánh không chỉ là một nơi chúng ta tin, nhưng còn là một đối tượng của đức tin, vì lý do này mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: “Tôi tin Hội Thánh”.
Lời mời gọi của Thiên Chúa đến với chúng ta qua các phương tiện của hòa giải là cộng đoàn. Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở nên chi thể của Hội Thánh, và sau khi chúng ta đạt đến độ trưởng thành nhất định, Ngài ban cho chúng ta một ơn gọi đặc biệt. Hành trình ơn gọi được thực hiện cùng với các anh chị em, những người mà Chúa lôi kéo đến với chúng ta: Đó là cùng một ơn kêu gọi. Sự năng động của Giáo Hội trong lời kêu gọi là liều thuốc giải cho sự vô cảm và chủ nghĩa cá nhân. Nó thiết lập sự hiệp thông trong đó sự vô cảm bị tình yêu thương đánh bại, bởi vì nó đòi hỏi chúng ta vượt qua khỏi bản thân và đặt cuộc sống chúng ta vào kế hoạch của Thiên Chúa, ôm lấy hoàn cảnh lịch sử của dân thánh Người.
Trong ngày đặc biệt cầu nguyện cho ơn gọi này, tôi khẩn thiết tất cả các tín hữu đảm nhận trách nhiệm quan tâm và biện phân ơn gọi. Khi các tông đồ tìm kiếm người thay thế cho Giuda Iscariot, Thánh Phêrô đưa ra 120 anh em (x. Cv 1:15) để chọn ra 7 phó tế, một nhóm các môn đệ được tập hợp (x. 6:2). Thánh Phaolô đưa cho Titô tiêu chí cho việc chọn lựa tông đồ (x. Tt 1:5-9). Ngày nay vẫn vậy, cộng đồng Kitô hữu luôn hiện diện trong việc biện phân ơn gọi, trong việc đào tạo và sự bền đỗ của các ơn gọi.[2]

Suy tư và Cảm nhận về THĐGM về Gia đình 2015 - Đức Cha Phó Giuse

THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC THẾ GIỚI VỀ GIA ĐÌNH
4 – 25/10/2015
Video phỏng vấn Đức Cha Giuse tại Thượng HĐGM về Gia đình 2015
Cảm nhận và suy tư
+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Phó Gp Xuân Lộc

Từ ngày 4 – 25 tháng 10 năm 2015, cùng với Đức Tổng Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, tôi đã tham dự Thượng Hội đồng Giám mục thế giới tại Roma, với chủ đề “Gia đình – Ơn gọi và sứ mạng trong Giáo hội và Thế giới”. Dưới đây là một số cảm nhận và suy tư, sẽ được trình bày qua 4 đề mục sau đây:
-       Thành phần, phương thức làm việc của THĐGM
-       Những dấu nhấn trong THĐGM
-       Những vấn đề đặt ra
-       Những bài học

I.        Thành phần, phương thức làm việc
1. Thành phần
Các thành phần tham dự THĐGM gồm:
+       270 nghị phụ: những thành viên chính thức của THĐGM. Các vị này có quyền phát biểu và biểu quyết.
+       108 người: gồm các phái đoàn Giáo hội anh em, các dự thính viên và các chuyên viên. Các Phái đoàn Giáo hội Anh Em và các dự thính viên có thể phát biểu, nhưng không có quyền biểu quyết.
+       35 chủng sinh và tu sĩ: những người phục vụ cho THĐGM.
Tổng cộng có 413 người, không kể các chuyên viên kỹ thuật, các thông dịch viên và nhân viên an ninh.

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2016

Giáo lý ĐTC về LTX (tt) - 30.03.2016

Thiên Chúa thực sự xoá bỏ tất cả tội lỗi chúng ta từ gốc rễ
Suy ngẫm Thánh Vịnh 51 "Xin xót thương con"
(Bài giáo lý ngày 30 tháng3 năm 2016)

Thiên Chúa "không che dấu tội lỗi, nhưng phá hủy nó và xóa bỏ nó; Người thực sự xóa bỏ nó từ gốc rễ, không phải như tiệm giặt ủi khi chúng ta đem quần áo tới đễ tẩy xóa một vết nhơ. Không! Thiên Chúa thực sự xóa bỏ tất cả tội lỗi chúng ta!", Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tập trung bài suy ngẫm của ngài vào Thánh Vịnh 51, "Miserere" (Xin xót thương con), bài kết thúc các Bài giáo lý về lòng thương xót trong Cựu Ước, nhân buổi triều kiến chung, sáng ngày thứ Tư 30 tháng 3 năm 2016, trên quảng trường Thánh Phêrô.
Ngài đã mời gọi đám đông nhận biết sự cao cả của Thiên Chúa và của sự tha thứ của Người: "Thiên Chúa cao cả hơn tất cả tội lỗi mà chúng ta có thể phạm phải. Thiên Chúa cao cả hơn tội lỗi chúng ta. Chúng ta cùng nói nào! Tất cả cùng nói! Thiên Chúa cao cả hơn tội lỗi chúng ta. Lần nữa nào! Thiên Chúa cao cả hơn tội lỗi chúng ta! Một lần nữa đi! Thiên Chúa cao cả hơn tội lỗi chúng ta!"
Ngài đã kết luận với lời kêu gọi tha thứ này: "Thật là đẹp khi được thứ tha, nhưng bạn cũng vậy, nếu bạn muốn được thứ tha, bạn cũng phải tha thứ. Bạn hãy tha thứ!"
Sau đây là bản dịch đầy đủ bài nói chuyện được đọc bằng tiếng Ý, kể cả những đoạn ứng khẩu.

Huấn từ ĐTC Phanxicô sau lễ Phục Sinh - 28.03.2016

Đức Kitô đã sống lại, lòng thương xót hành động trong lịch sử
"Đức Kitô, nguồn hy vọng của tôi đã sống lại"
(Kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng ngày 28 tháng 3 năm 2016)

Chúa chịu đóng đinh và đã sống lại là hiện thân của lòng thương xót, hiện diện và hành động trong lịch sử", Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích.
Đức Giáo Hoàng đã chủ sự buổi Kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng, ngày thứ Hai Phục Sinh, 28/3 trên quảng trường Thánh Phêrô.
"Thời gian đen tối, thất bại và tội lỗi có thể thay đổi và loan báo một con đường mới. Khi chúng ta đã chạm đến đáy sự cùng khổ và sự yếu đuối của chúng ta, Đức Kitô Phục Sinh ban cho chúng ta sức mạnh để chúng ta đứng lên lại", ngài nhấn mạnh, trước Kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng.
Sau Kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Giáo Hoàng đã mời gọi cầu nguyện cho các nạn nhân cuộc đánh bom khủng bố chống người công giáo tại Pakistan, và ngài đã nhắc lại lời kêu van trong phụng vụ: "Đức Kitô, nguồn hy vọng của tôi, đã sống lại!".
Và ngài đã khuyên, mỗi ngày hãy đọc trong vòng 5 phút một đoạn nói về Phục Sinh.
Sau đây là bản dịch những lời của Đức Giáo Hoàng trước và sau Kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng.

Lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước Kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng
Thân chào quý anh chị em!
Trong ngày Thứ Hai Phục Sinh, người ta còn gọi là "Ngày Thứ Hai Thiên Thần", tâm hồn chúng còn đầy tràn niềm vui Phục Sinh.
Sau Mùa Chay, mùa đền tội và sám hối, Giáo Hội đã đặc biệt sống tích cực Năm Thánh Lòng Thương Xót này, sau khi cử hành Tam Nhật Thánh, hôm nay, chúng ta còn dừng chân bên cạnh nấm mộ Chúa Giêsu, trống rỗng, và chúng ta vẫn còn sững sờ và tạ ơn mà suy ngẫm về mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa.
Sự sống đã chiến thắng sự chết. Lòng thương xót và tình yêu thương đã thắng tội lỗi! Người ta cần có đức tin và đức cậy để mở ra đến chân trời mới mẻ và tuyệt diệu này.
Chúng ta hãy để lòng mình bị xâm lấn bởi những cảm xúc đang vang lên trong ca khúc Phục Sinh: "Phải, chúng tôi xác tín: Đức Kitô đã thực sự phục sinh!"

Sứ điệp Phục Sinh 2016

Toàn văn Sứ điệp Phục Sinh 2016 của Đức Thánh Cha Phanxicô
“Hãy chúc tụng Chúa vì Chúa nhân từ
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 135,1)
 
Anh chị em rất thân mến, Mừng Chúa Phục Sinh.
Đức Giêsu Kitô, hiện thân của Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, vì yêu nên Ngài đã chết trên thập giá và cũng vì yêu nên Ngài đã trỗi dậy từ cõi chết. Chính vì thế ngày hôm nay chúng ta tuyên xưng: Đức Giêsu là Thiên Chúa!
Sự sống lại của Người được kiện toàn cách viên mãn qua lời tiên báo của Thánh Vịnh: Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, tình yêu của Ngài là vĩnh hằng và bất diệt. Chúng ta có thể hoàn toàn tín thác nơi Chúa và chúng ta cảm tạ Chúa vì đã đi xuống tận cùng hố sâu vì chúng ta.
Đối diện với những vực thẳm thiêng liêng và luân lý của nhân loại, đối diện với những hố sâu con người đào khoét trong cõi lòng và kích động tinh thần oán ghét và sự chết, thì chỉ một lòng thương xót vô ngần vô hạn mới có thể mang lại ơn cứu độ cho chúng ta. Duy chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể lấp đầy những hố sâu và vực thẳm này bằng tình yêu, và cho phép chúng ta không những không lún sâu nhưng còn tiếp tục lữ hành cùng nhau hướng đến vùng đất của tự do và sự sống.
Đức Giêsu, Đấng bị đóng đinh, không còn ở đây nữa, nhưng đã trỗi dậy (x. Mt 28, 5-6), lời loan báo tin vui của Phục Sinh này đem lại cho chúng ta sự bảo đảm đầy an ủi để rồi cả biển sâu của tử thần cũng đã bị vượt qua và cùng với Người, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa (x. Kh 1, 4). Thiên Chúa, Đấng đã chịu sự ruồng bỏ của các môn đệ, cũng như gánh nặng của một bản án đầy bất công và cả nỗi nhục nhã của một cái chết đầy ê chề, Đấng ấy giờ đây cho chúng ta được dự phần vào sự sống bất diệt của Người và làm cho chúng ta biết ghé mắt đoái nhìn với lòng từ ái và lòng thương cảm đối với những người đói ăn và khát uống, những khách ngoại kiều và tù nhân, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội và loại trừ, những nạn nhân của chuyên quyền và bạo lực. Thế giới đầy những người đau khổ trong thân xác và tinh thần, trong khi thời sự hằng ngày đầy những tin về các tội ác ghê tởm, nhiều khi xảy ra ngay trong bốn bức tường gia đình, và về những cuộc xung đột võ trang đại qui mô tạo nên những thử thách khôn tả cho toàn bộ nhiều dân tộc.