Gặp gỡ Chúa Giêsu "làm rạng rỡ
mọi ngày của cuộc đời"
Cuộc nói chuyện của Đức Giáo Hoàng
Phanxicô về Phép Thánh Thể
trước và sau Kinh Truyền Tin. Bản dịch toàn văn.
Rôma
– 03/8/2015 (ZENIT.org) Anita Bourdin
"Gặp gỡ Chúa Giêsu làm rạng rỡ mọi ngày
trong cuộc sống", Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên bố.
Trong giờ Kinh Truyền Tin trưa ngày
02/8/2015, Đức Giáo Hoàng đã bình giảng Bài Phúc Âm Chúa Nhật này trên quảng
trường Thánh Phêrô.
Gặp gỡ Chúa Giêsu không loại bỏ "khổ
đau" cũng như "lo lắng", Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích,
nhưng "nếu chúng ta nghĩ đến sự gặp gỡ đó, tới ơn phúc đó, những món quà
nhỏ bé của cuộc đời, thì kể cả những đau khổ, những lo lắng, cũng sẽ được làm
rạng rỡ lên bằng niềm hy vọng của sự gặp gỡ đó".
Sau đây là bản dịch toàn văn bài nói chuyện
của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước và sau Kinh Truyền Tin.
Trước Kinh Truyền Tin
Thân chào quý anh chị
em!
Chúa Nhật này, chúng ta
tiếp tục đọc chương 6 Phúc Âm theo thánh Gioan.
Sau phép lạ nhân bánh
thành nhiều, dân chúng đi tìm Chúa Giêsu và cuối cùng họ đã gặp được Người ở
Capharnaum. Người hiểu rõ lý do của sự hăng hái đi theo Người và Người bộc lộ
rõ ràng: "Các ông đã đi tìm tôi, không phải vì các ông đã thấy dấu lạ,
nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê" (Ga 6, 26). Thực chất, những người này đi theo Người vì của ăn vật
chất đã làm giảm cơn đói của họ hôm trước, khi Chúa Giêsu nhân bánh thành
nhiều. Họ không hiểu rằng bánh đó, bẻ ra cho biết bao người, cho quần chúng, là
sự thể hiện của tình yêu của chính
Chúa Giêsu. Họ đã đánh giá tấm bánh cao hơn Đấng đã ban bánh.
Trước sự ngu tối tinh
thần đó, Chúa Giêsu làm nổi bật sự cần thiết phải đi xa hơn quà tặng và khám
phá và nhận ra Đấng đã ban cho quà đó. Thiên Chúa vừa chính là của ban vừa là
Đấng trao ban. Và như thế, qua tấm bánh, qua cử chỉ, mọi người có thể thấy được
Đấng đã ban cho, và đó là Thiên Chúa. Điều này mời gọi hãy mở ra với một viễn
cảnh không chỉ là những lo lắng hàng ngày về cái ăn, cái mặc, thành công, nghề
nghiệp. Chúa Giêsu phán về một của ăn khác, Người phán về một của ăn không bị
hư nát, cần phải đi tìm và lãnh nhận. Người dạy rằng: "Các ông hãy ra công
làm việc, không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường
tồn, đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các
ông" (Ga 6, 27). Nghĩa là:
"Hãy đi tìm sự cứu rỗi, tìm đến với Thiên Chúa". Bằng những lời đó,
Người muốn làm cho chúng ta hiểu rằng bên ngoài cái đói thể chất, con người
mang trong mình một cái đói khác - tất cả chúng ta đều có cái đói này - một cái
đói quan trọng hơn, không thể no nê bằng lương thực bình thường. Đó là cái đói
sự sống, cái đói đời sống vĩnh cửu, mà chỉ có Người mới có thể là dịu, bởi vì
Người là "Bánh trường sinh" (Ga
6, 35).
Chúa Giêsu không loại
bỏ sợ lo lắng cũng như sự tìm kiếm của ăn hàng ngày, không, Người không loại bỏ
mối lo cho tất cả những gì làm cho cuộc sống được thăng tiến hơn. Nhưng Chúa
Giêsu nhắc cho chúng ta rằng ý nghĩa đích thực của cuộc sống trên đời, rốt cuộc
là trong vĩnh cửu, trong sự gặp gỡ Người, vốn là một của ban và là Đấng trao
ban, và Người cũng nhắc cho chúng ta rằng lịch sử loài người với những đau khổ
và vui sướng, phải được nhìn trên tương
lai của sự sống đời đời, nghĩa là sự gặp gỡ vĩnh cửu với Người.
Cuộc gặp gỡ này làm
rạng rỡ mọi ngày trong cuộc sống chúng ta. Nếu chúng ta nghĩ tới cuộc gặp gỡ
đó, tới ơn phúc to lớn đó, những món quà nhỏ bé của cuộc đời, kể cả những đớn
đau, những lo lắng, cũng sẽ được làm rạng rỡ bởi niềm hy vọng của cuộc gặp gỡ
đó.
"Chính tôi là bánh
trường sinh. Ai đến với tôi không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao
giờ" (Ga 6, 35). Đó là lời dẫn
giải của phép Thánh Thể, ơn phúc trọng đại nhất làm cho tâm hồn và thể xác no
nê. Gặp gỡ và đón nhận Chúa Giêsu vào lòng chúng ta, "bánh trường
sinh", mang đến ý nghĩa và hy vọng cho con đường nhiều khi khúc khuỷu của
cuộc đời. Nhưng "bánh trường sinh" này được ban cho chúng ta với một
nhiệm vụ, nghĩa là đến lượt mình, chúng ta có thể làm nguôi cơn đói tinh thần
và thể chất của anh em chúng ta, bằng cách loan truyền Phúc Âm ở khắp mọi nơi.
Bằng chứng từ của thái độ huynh đệ chúng ta đối với tha nhân, chúng ta làm cho
Chúa Giêsu và tình yêu thương của Người hiện diện giữa mọi người.
Cầu mong Đức Trinh Nữ
nâng đỡ chúng ta trong việc tìm kiếm và theo gót Con Giêsu của Mẹ, bánh đích
thực, bánh trường sinh không bị hư nát và trường tồn trong cuộc đời vĩnh cửu.
Đức Chúa Trời sai thánh thiên thần…
Sau Kinh
Truyền Tin
Anh chị em thân mến
Eôi chào mừng tất cả anh chị em, các tín hữu Rôma và khách hành hương
các nước.
Tôi chào mừng các bạn trẻ Tây Ban Nha của Zizur Mayor, Elizondo và
Pamplune; và các bạn trẻ Ý của Badia, Săn Matteo della Decima, Zugliano và
Grumolo Pedemonte.
Và tôi chào mừng cuộc hành hương trên lưng ngựa của tổng giáo đoàn
"Parte Guelfa" ở Firenze
Hôm nay là lễ "Ân
Xá Assisi". Đây là lời gọi mạnh mẽ hãy đến gần Chúa trong bí tích Thương
Xót và Rước Lễ. Có nhiều người sợ đi xưng tội, và quên rằng, nơi đó, chúng ta
không gặp một vị quan tòa nghiêm khắc, mà một người Cha nhân lành vô biên. Thật
ra, khi chúng ta đến tòa giải tội, chúng ta cảm thấy hơi xấu hổ. Điều này, tất
cả chúng ta ai cũng thế, nhưng chúng ta phải nhớ rằng kể cả sự xấu hổ cũng là
một ân điển chuẩn bị cho chúng ta, để được Cha chúng ta ôm vào lòng, Người luôn
tha tthứ và luôn tha thứ tất cả mọi tội lỗi.
Tôi cầu chúc mọi người
một ngày chúa nhật tốt đẹp. Và xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi. Tạm
biệt!
Bản
dịch tiếng Pháp : Anita Bourdin (Zenit)
Bản dịch tiếng Việt : Mạc Khải (ghxhcg.com)
(3 août 2015) © Innovative Media Inc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét