THẬP GIÁ ĐỨC KITÔ
Thánh
giá khác với thập giá ở chỗ một đàng có Chúa bị đóng đinh trên đó, một đàng
không. Trên đồi Golgotha có ba thập giá nhưng chỉ có một Thánh Giá. Thập giá là
khổ hình chỉ để dành cho những kẻ phạm trọng tội trong thời La Mã xưa. Chúa Giêsu
bị người Do Thái không những liệt vào hạng phạm nhân đó mà còn nặng nề hơn.
Baraba là tên dấy loạn và giết người nhưng người ta lại xin tha cho hắn và một
mực đòi giết Giêsu “Tất cả mọi người đều la ó: "Giết nó đi, thả Ba-ra-ba cho chúng
tôi!" (Lc 23, 18).
Vì
lý do gì mà Chúa lại bị ghét bỏ cách dữ dội như thế Mặc dầu câu trả lời đã được ghi chép rành
rành trong Kinh Thánh nhưng người ta lại cố tình không hiểu và cho rằng Chúa Giêsu
đã bị kết một cái án chính trị bất công. Chính bởi quan niệm sai lầm ấy mà đã
không nhận ra được giá trị Thập Giá Đức Kitô. Còn nhớ vào năm 2002 có một nữ
công dân người Ý gốc Phần Lan tên là Soil Lautsi đã kiện ra tòa yêu cầu gỡ bỏ
thập giá khỏi các phòng học của các trường học ở Abano Terme tỉnh Padoue nơi
các con bà đang theo học với lý do vì đã vi phạm quyền…tự do tôn giáo. Vụ kiện ấy
chẳng biết ai thắng ai thua thế nào nhưng nó cũng nhắc nhở cho chúng ta những
ai theo Chúa sẽ bị ghét bỏ “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước.” (Ga 15, 18).
Sự
ghét bỏ Thập Giá Đức Kitô có thể thể hiện bằng nhiều cách thế khác nhau. Có người
chỉ vì vô tình coi Thánh Giá như đồ trang sức, đeo nó tòn ten bên tai, xâm trên
cánh tay hoặc đeo lủng lẳng trước ngực v.v…Tất cả những cái gọi là Thánh Giá đó
hoàn toàn chẳng phải Thánh Giá bởi không có Đức Kitô trên đó. Mặt khác sự coi thường
này còn thể hiện ngay ở nơi những người tự nhận mình…có đạo ở chỗ là không tuân
giữ các giới răn Chúa và Hội Thánh.
Thập
giá Đức Kitô vô cùng trọng yếu đối với cuộc sống tâm linh mỗi người đến nỗi
Thánh Phaolô đã phải cảm khái thốt lên “Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác
ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá.” (1Cr 2, 2). Lý do khiến
Phaolô con người trở lại ấy không còn biết đến sự gì khác ngoài Đức Kitô chịu
đóng đinh là vì ngài đã nhận biết Thập Giá Đức Kitô đích thị là dấu chỉ của sự
vui mừng. Cũng vì nhận biết Thập Giá Đức Kitô là dấu chỉ vui mừng thế nên Thánh
nhân đã hiến dâng hết cả cuộc đời còn lại của mình cho sứ vụ Tông đồ mà không hề quản ngại “Phần chúng tôi, chúng tôi chẳng làm gì gây cớ cho ai vấp phạm, để
không người nào có thể đàm tiếu về công việc phục vụ của chúng tôi.4 Trái lại, trong mọi sự,
chúng tôi luôn chứng tỏ mình là những thừa tác viên của Thiên Chúa: gian nan,
khốn quẫn, lo âu,5 đòn vọt, tù tội, loạn ly, nhọc nhằn, vất vả, mất ăn mất ngủ, chúng
tôi đều rất mực kiên trì chịu đựng.6 Chúng tôi còn chứng tỏ điều đó bằng cách ăn ở trong sạch, khôn
khéo, nhẫn nhục, nhân hậu, bằng một tinh thần thánh thiện, một tình thương
không giả dối” (2 Cr 6, 3-6).
Người
trước đây “tàn hại Hội Thánh” (x. Cv 8, 3) mà nay lại đã trở thành một con người
hoàn toàn mới, điều ấy chứng tỏ gì nếu chẳng phải đó là một chứng nhân đích thực
của chân lý? Dẫu vậy chân lý không bao giờ là cái có sẵn giống như quả sung
chín trên cây chỉ việc…há miệng chờ! Chân lý không bao giờ là cái có sẵn mà cần
phải tìm mới gặp. Chính bởi chân lý cần phải tìm thế nên Đức Kitô mới truyền dạy
“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng
ngày mà theo” (Lc 9, 23). Theo Chúa thì phải bỏ mình, ngược lại
không bỏ mình thì không thể theo “57 Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: "Thưa
Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo."58 Người trả lời: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con
Người không có chỗ tựa đầu." 59 Đức Giê-su nói với một người khác: "Anh hãy theo tôi!"
Người ấy thưa: "Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước
đã."60 Đức Giê-su bảo: "Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh,
anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa." 61 Một người khác nữa lại nói: "Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy,
nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã."62 Đức Giê-su bảo:
"Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với
Nước Thiên Chúa." (Lc 9, 57-62).
Tra
tay cầm cày có nghĩa là bước đi trên con đường tìm kiếm chân lý. Một khi đã dấn
thân trên con đường này thì không thể thoái lui hay tẽ ngang sẽ như Chúa nói =
Không xứng với Nước Trời. Tại sao vậy? Bởi vì nước mà Đức Kitô rao giảng là Nước
Trời mầu nhiệm siêu xuất thế gian “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18, 36). Nước Chúa không thuộc thế gian, vậy
nước ấy ở đâu? “Người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến.
Người trả lời: "Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan
sát được.21 Và người ta sẽ không nói: "Ở đây này! hay "Ở kia kìa! ,
vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” (Lc 17, 20 -21). Không thể nói đây này đó kia bởi
vì Nước Trời không thuộc thế gian tức cõi không gian thời gian hiện tượng này.
Nước
Trời không thuộc thế giới hiện tượng nay còn mai mất nhưng lại ở trong lòng tức
trong tâm mỗi người. Đối với Nước Trời tục hóa thì chẳng có chút chi liên hệ với
việc bỏ mình. Ngược lại với Nước Trời nội tại mà Đức Kitô rao giảng thì không thể
không bỏ mình tức vác thập giá mình hàng ngày mà theo Ngài. Thập giá gắn liền với
khổ đau, chấp nhận thập giá có nghĩa là chấp nhận khổ đau. Tuy nhiên việc theo
Chúa chấp nhận khổ đau như thế hoàn toàn không phải là cam chịu khổ đau chỉ vì
khổ đau nhưng là để bù đắp sự còn thiếu của thập giá Đức Kitô ở nơi chính mình “tôi vui mừng được chịu
đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin
mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1, 24).
Đức
Kitô đã hoàn tất công cuộc cứu chuộc của Ngài nhưng còn về phần Đức Kitô ở
trong ta và ở trong tất cả anh em ta thì vẫn còn thiếu. Tất cả chúng ta những
người đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội thì cũng đều nhận lãnh Đức Kito làm sản nghiệp
“Anh em chẳng nhận thấy là có Đức Giê-su Ki-tô ở trong anh em sao?“ (2 Cr 13, 5).
Chúa
Giêsu Kitô là Đấng…ở trong ta, điều ấy thực kỳ diệu và vĩ đại biết bao. Thế
nhưng thực sự thì chúng ta có nhận biết điều ấy không đang khi vẫn dự lễ, rước
lễ cũng như cầu nguyện mỗi ngày? Câu trả lời có lẽ là không. Dẫu vậy điều ấy quả
thật chẳng có chi quan trọng, điều cần thiết là ta có bỏ được mình hay không. Bỏ
mình có nghĩa cùng vác thập giá cùng chịu khổ vì Chúa, vì Giáo Hội. Chỉ có như
thế chúng ta mới được cùng sống lại với Chúa vì “Anh em đã cùng được mai táng với Đức Ki-tô khi chịu phép rửa, lại
cùng được trỗi dậy với Người” (Cl 2, 12).
Phùng Văn Hóa
(Cảm nghiệm khi nghe Cha Linh hướng chia
sẻ bài giảng lễ Suy Tôn Thánh Giá tại nhà thờ Gx Bùi Chu, nhân ngày Truyền Thống
của Phong Trào Cursillo Xuân Lộc 14.9.2013.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét