Thứ Hai, 16 tháng 2, 2015

Đặc Sủng Cursillo


Đặc sủng sáng lập PT Cursillo
do Eduardo Bonnin

Bản dịch bài phát biểu của người sáng lập chính PT Cursillo, nhân cuộc Hội Ngộ Toàn Cầu lần thứ V tại Séoul Kinh Đô Hàn Quốc, ngày 4 tháng 10 năm 1997.
Nhập đề
Trước khi nói đến đặc sủng sáng lập trong Phong Trào Cursillo, phải nói rõ thế nào là đặc sủng. Theo Tự Điển Mục Vụ (1988), chữ «Karisma» có nghĩa là: vật tặng hiến, quà tặng, ân huệ, cũng có nghĩa tương đương với lời kêu gọi và ơn gọi.Trên thực tế từ ngữ này đồng nghĩa với những nhiệm vụ và những sinh hoạt. «Đặc sủng là tác động của Thánh Linh trên người có đức tin, con người không thể đòi hỏi những tác động này, các cơ quan chính thức của Giáo Hội cũng thế, và càng không phải tìm lãnh nhận các bí tích để được có nó. Chính xác hơn đặc sủng có thể được định nghĩa như một ơn gọi cụ thể và liên tục (bao gồm cả thời nay và vĩnh hằng) tác động trên cộng đồng Ki-tô, túc trực xây dựng cộng đồng và để phục vụ tha nhân trong tình yêu. Không ai tiên đoán được các hình thức của đặc sủng, nhưng cần phải được phát hiện ra rồi sau đó mỗi lần  như thế công nhận nó. Điều này đòi hỏi chúng ta tế nhị nhận định và lắng nghe Chúa Thánh Thần trong cộng đồng Giáo hội».
Trên lý thuyết còn có thể nói đặc sủng là "một món quà của Thiên Chúa trao ban cho người nào Ngài muốn, không phải để người lãnh nhận sử dụng cho riêng mình, nhưng để người ấy cho cả cộng đồng và Giáo hội thừa hưởng".
Trong đặc sủng có thể phân ra làm bốn yếu tố:
1-     Đó là món quà của Thiên Chúa.
2-     Tác động trên những con người cụ thể rõ ràng.
3-     Cho những người khác và Giáo hội thừa hưởng.
4-     Được giáo quyền công nhận.
Một món quà của Thiên Chúa.
Không thể nghi ngờ được Phong Trào Cursillo là một đặc sủng cá biệt vì đó là món quà Chúa Thánh Thần trao ban  cho Giáo hội, vào buổi ban đầu, năm 1944 tại Majorca nhờ một nhóm giáo dân, «làm cho nhiều người gặp gỡ chính mình, gặp gỡ Chúa Giêsu Ki-tô và gặp gỡ tha nhân»; và được giáo quyền công nhận.
Một món quà tác động trên những con người cụ thể rõ ràng.
Để hiểu rõ hơn đặc sủng của chúng ta, có lẽ cần xác định những hoàn cảnh thuộc về bản chất con người trong những ngày phôi thai. Thật vậy, chính những giáo dân trẻ tuổi, những con người cụ thể rõ ràng, trong một thời điểm nhất định, sau nhiều ngày cầu nguyện, nghiên cứu và suy nghĩ nhiều, đã cấu trúc và khởi động Phong Trào Cursillo.

Không thể nào nghi ngờ được Phong Trào Cursillo là món quà của Thiên Chúa, thế nhưng cũng như bất cứ công trình nào của con người, Phong trào Cursillo cũng có một thời kỳ thai nghén. Để dễ nắm bắt, cần hiểu rõ câu sau đây của Ellermeier: «Muốn hiểu một cách thích đáng một hiện tượng lịch sử thì phải làm cho sáng tỏ những lúc khởi đầu».
Lúc khởi đầu, có thể gọi là giai đoạn thứ nhất, tồn tại hai cuộc chiến: Nội chiến Tây Ban Nha và Đệ Nhị Thế Chiến, chúng tạo ra nơi nơi một bầu khí mất định hướng. Lúc ấy chúng tôi cầu nguyện nhiều và trong lòng lo lắng tự hỏi: Chuyện gì sẽ xảy ra đây. Nhưng, có một người và sau này nhiều người cùng đặt câu hỏi: Chúng ta có thể làm gì khác hơn không, hay chỉ cầu nguyện. Chúng tôi tập họp nhau lại, cầu nguyện và suy nghĩ, tư duy và nghiên cứu, và rồi trở lại cầu nguyện. Có một người, lúc ấy chưa phải là thành viên của Công Giáo Tiến Hành, bắt đầu nghiên cứu tình thế một cách có hệ thống. Người ấy và nhiều người sau đó, được đánh động mạnh bởi bài giảng của Đức Giáo Hoàng Piô XII tuyên bố ngày 6 tháng Hai năm 1940 trước các linh mục chánh xứ tại Roma:
«Phải miêu tả một cách chính xác và tỉ mỉ với một tầm nhìn sáng suốt và sâu sắc, nơi từng khu xóm, từng đường phố, trước tiên là cộng đồng các tín hữu, trong đó đặc biệt chú ý tuyển chọn những thành viên sau này là những phần tử sẽ vận động phát triển tổ chức Công Giáo Tiến Hành, và sau đó lập ra danh sách những nhóm đang xa cách đời sống Ki-tô. Nguyên do cũng vì những nhóm này, và chủ yếu dành cho các nhóm này mà các bạn được gọi làm chủ chăn »…  
Được đọc bài giảng của Đức Giáo Hoàng khuyến khích chúng tôi nghiên cứu «môi trường» một cách sâu sắc hơn, nghiêm túc, có hệ thống, và thảo ra trong một bài viết cụ thể, mà ngay từ «năm 1940» chúng tôi đã gọi bài ấy là «nghiên cứu môi trường», chúng tôi tự hỏi làm sao thấm nhập vào môi trường, làm sao Ki-tô hoá nó. Sau đó chúng tôi thực hiện một tài liệu nghiên cứu khác mà lúc ấy được đặt cho cái tên là «những người trong nhà». Đó là lối thể hiện úp mở cách nói mỉa mai đặc thù của tuổi trẻ chúng tôi thời ấy. Cuối cùng đi đến kết luận rằng thứ men mà chúng tôi có ý định dựa vào, «không phải là thứ men thích hợp nhất».
Năm 1941, Hội đồng tối cao của giới trẻ Công Giáo Tiến Hành được vị chủ tịch toàn quốc Manuel Aparici thuyết phục đứng ra tập hợp 100 000 thanh niên trong ân sủng Chúa, quy tụ về thành phố Santiago de Compostelle. Anh Manuel Aparici sau này được chịu chức linh mục và trở thành Linh Hướng toàn quốc. Làm như thế là để đáp lại lời quả quyết của Đức Giáo Hoàng Piô XI trong tông huấn của ngài năm 1937, có đề tựa: «Mãnh liệt Bận tâm», về tình trạng của Giáo Hội tại nước Đức, trong bức tông huấn ngài khẳng định rằng thế giới cần dựa vào một cộng đồng Ki-tô hữu có thể làm gương và hướng dẫn thế giới bằng những nhân đức Ki-tô vững chắc. Một phái đoàn những người trẻ còn đi đến tận Roma để dâng lời hứa với Đức Thánh Cha rằng chính tại Tây Ban Nha, Công Giáo Tiến Hành sẽ cố gắng thành lập cộng đồng Ki-tô hữu mà ngài mong muốn. Lợi dụng những ngày nghỉ lễ Giáng sinh và Phục sinh các người trẻ ấy đến nhiều giáo phận rao giảng những khoá (Cursillos) một tuần mang tên là «Khoá học Hành hương» nếu là trong các giáo phận, còn trong các giáo xứ thì gọi là «Khoá học Hướng dẫn Hành hương». Mục đích của họ là gây hào hứng cho một số thanh niên càng đông càng tốt để ghi tên hành hương đi Côm-pốt-ten-la và những khẩu hiệu sau đây đã trở thành nỗi tiếng tại Tây Ban Nha: «Hãy cho Santiago, các thánh!». «Hành hương đi bộ chẳng là chi, đi với đức tin là mở một con đường!».
Lần đầu tiên các «Khoá học Hành hương» được diễn ra tại Majorca, tôi không muốn tham dự, mặc dù tôi được mời. Lý do là tôi chưa gia nhập «Công Giáo Tiến Hành»; vả lại cách hành động của các thành viên CGTH không khuyến khích tôi cho lắm. Nhưng năm sau, lúc sắp mở khoá thứ hai, người chủ tịch cấp giáo phận cố nài nỉ tôi, nên cuối cùng tôi cũng nhận lời. Tôi nhận thấy nơi những người trẻ này có một phong cách và một lòng nhiệt tình vui tươi, điều này đã thuyết phục tôi, đến nỗi khi người ta muốn chuẩn bị một khoá thứ ba tương tự như thế, họ mời tôi cộng tác. Chính lúc bấy giờ, tôi lợi dụng cơ hội thêm vào chương trình tất cả những suy nghĩ đã qua về «nghiên cứu môi trường», và những điều liên quan khác, tức nhiên với một tầm nhìn khác với họ. Thật vậy, tôi không bao giờ tự giải thoát ra được những ý nghĩ làm tất cả chúng tôi đều trăn trở: «Sau cuộc hành hương Santiago những gì sẽ xảy ra?».
Chúng tôi rút ra từ những khoá «Cursillo» đầu tiên rằng muốn thu hút được sự chú ý của những người trẻ này và để sứ điệp mà chúng tôi muốn truyền đạt, đánh động mạnh nơi họ thì phải truyền cho họ những ý tưởng của chúng tôi chứ không phải những kinh nghiệm ban đầu của Công Giáo Tiến Hành. Như tôi vừa nói, họ có một mục đích khác hẳn (đó là đào luyện những người hành hương). Chúng tôi đi đến kết luận rằng phải thực hiện theo định hướng như sau: chủ yếu không phải là những bài tuyên giảng và giải thích lý thuyết, mà chính là chia sẻ, trong tình bằng hữu, với những người mà chúng tôi muốn truyền cho họ thấm từ lòng phấn chấn của chúng tôi, đem họ tới một nơi xa vắng, tập họp thành từng nhóm để tạo điều kiện thuận lợi cho những đối thoại giữa tất cả chúng tôi. 
Ban đầu chúng tôi cũng dùng một số đề cương của họ, vì không thể sáng tạo ra tất cả. Chúng tôi phải thích nghi với nhịp độ của họ, đồng thời cũng nghĩ tới tăng tốc độ. Nhận xét đầu tiên của chúng tôi về những khoá «Cursillo» lúc bấy giờ là thời gian kéo quá dài: một tuần, điều này có thể làm thiệt thòi đến thành phần những người chúng tôi muốn với tới, bằng sứ điệp của chúng tôi. Lúc ấy chúng tôi nghĩ rằng ba ngày trọn, là lý tưởng và ba ngày gồm cả thứ Bảy, Chúa Nhật sẽ đơn giản hoá phần nào cho một số người. Nhưng điều làm chúng tôi bận tâm hơn là nghiên cứu thấu đáo những ý tưởng được truyền đạt trong sứ điệp và phương cách trình bày phải khéo léo và liêm chính, súc tích và hấp dẫn, chính xác và linh hoạt làm sao để đạt tới càng nhiều người càng tốt.
Càng suy nghĩ và cầu nguyện, càng nghiên cứu và lại cầu nguyện, dần dần chúng tôi hình thành, để cho ra đời và phát triển cái sau này được gọi là «Học hội Ki-tô Giáo», mà lúc đầu chỉ mang tên là «Cursillo» không có một nhãn hiệu nào khác.  Không phải chúng tôi mà vì chính những người khác, muốn phân biệt với các khoá học khác thời bấy giờ nên mới có: Cursillo cho giáo viên, cho các hạ sĩ quan, cho bất cứ ai, ban đầu cũng vì lý do trên, họ còn gọi là «Cursillo de Conquista», có thể dịch là «Cursillo những người chinh phục», tên gọi này làm cho chúng tôi, là những người sáng lập Phong Trào, không vui chút nào. 
Thời ấy, tôi đã thuộc về Công Giáo Tiến Hành nhưng tôi không thích những hành động máy móc và đơn điệu thụ động hằng ngày của họ, và còn phải tỏ vẻ đạo đức để cho mọi người thấy trong mọi sinh hoạt hầu khỏi bị lạc điệu với mọi người! Nhóm chúng tôi theo một nhịp độ khác và trong một chiều hướng khác, luôn luôn quan tâm trước tiên đến một ý định, đó là tìm gặp lại những người xa cách. Chúng tôi không có ý muốn chống lại Công Giáo Tiến Hành, mà song bước cùng họ với ngụ ý làm cho tốt hơn, nên để tránh căng thẳng với họ, cuối cùng chúng tôi hiểu rằng nên tạo khoảng cách với họ, hầu có thể nhìn mọi sự với một triển vọng mới mẻ.
Chúng tôi hăng say đọc sách của các tác giả Ki-tô rất thịnh hành thời ấy: Cả hai vị cùng họ Rahner, Hugo và Carl, Romani Guardini, Đức Hồng Y Mercier, Jacques Leclercq, P. Plus, vv…Mọi người họp tại nhà tôi, để nghiên cứu học thuyết của chúng tôi một cách trung thực và sâu sắc nhất có thể. Thêm vào đó nghiên cứu những hoàn cảnh cụ thể của những ứng viên đang sống, ao ước truyền cho họ sứ điệp ấy một cách cá biệt nhất có thể. Bắt đầu  bằng từng nhóm nghiên cứu môi trường và ở đây tôi đóng góp những gì tôi đã soạn thảo trước đó về đề tài này. Để có thể nghiên cứu một cách chính xác, chúng tôi gom lại bằng óc tưởng tượng vào những «chòm sao», bắt đầu bằng những Ki-tô hữu có lối sống thích hợp, họ suy nghĩ và hành động như người công giáo, cho đến những người vô thần trí thức hay vô thần trong lý thuyết. Chúng tôi thảo ra những phiếu cá nhân, dĩ nhiên trong tưởng tượng nhưng dựa trên thực tế. Ví dụ cái phiếu sau đây của một người lính trẻ: «Anh vâng lời trước mặt sếp vì anh không làm gì khác hơn được, nhưng sau lưng anh lầm bầm trong miệng vì anh không chịu nổi nữa».
Vài giai thoại thời ấy có thể soi sáng những ý định của chúng tôi. Khi ấy chúng tôi nói rằng PT Cursillo mới, thành phần không được đồng nhất, phải qui tụ trong cuộc phiêu lưu này tất cả các người gần và những người xa cách, người giàu và người nghèo, người thông minh và người ít học,  người chuyên nghiệp và thợ thuyền, sinh viên và giáo sư, v.v… Phong cách giáo dân cá biệt của chúng tôi và sức mạnh luôn canh tân sứ điệp rao giảng Tin Mừng, lúc nào cũng mới mẻ, dẫn đến va chạm với tập tính khép kín và còn tệ hơn, cứng nhắc của một số  không ít người trong xã hội đảo Majorca thời bấy giờ, kể cả một nhóm bảo thủ của Giáo hội địa phương. Đó là nguyên do của tình trạng căng thẳng liên lỉ và vẫn tiếp diễn, âm ỉ, tiềm tàng, giữa các linh mục và PT Cursillo, ngay trong giáo phận đã khai sinh ra PT. Nguồn gốc của sự xung đột là chối từ không chấp nhận hoặc không hiểu vai trò chính xác của người giáo dân trong sứ mạng của Giáo hội, hoặc chối từ không nhìn nhận giá trị của sự độc lập của người tông đồ giáo dân đối với giáo quyền. Và điều tệ hơn là nhầm lẫn sự vâng lời của một thành viên tích cực của PT với sự vâng lời của một linh mục, một tu sĩ hay một ẩn tu. Hợp lý nhất, đứng trước một đòi hỏi viển vông, hay một sự vâng lời thiếu nhận định, phản ứng đúng đắn nhất là vâng lời có kiểm soát, hay đúng hơn là vâng lời chỉ đủ để không cắt đứt quan hệ với giáo quyền.
Cho con người và cho Giáo hội.
Sứ điệp mà chúng ta từng nghe và còn nghe rao giảng, chỉ tóm lại trong vài khái niệm đã làm cho chúng tôi quan tâm lúc ban đầu và nay cũng vẫn còn làm cho chúng tôi quan tâm. Tôi xin tổng hợp lại như thế này:
«Những nhà khoa học với sự trợ giúp của kinh tế đã đi khắp quãng đường từ con người đến cung trăng. Còn chúng ta, chúng ta muốn thực hiện một thành tích lớn lao hơn nữa: khởi từ con người đi đến tận bên trong, để am hiểu con đường đi về chính mình và con đường đến với người khác, ngõ hầu ý thức sự kỳ diệu của đời sống chúng ta, và biết chia sẻ nhiều hơn với tha nhân cuộc phiêu lưu của mỗi người trong thân phận con người của mình».   
  • Muốn được như thế phải tạo ra một bầu khí thích hợp cho sự giao tiếp với người khác được dễ dàng và đem lại cho các tham dự viên một quan niệm đơn giản, toàn diện về những thực tại cốt lõi của Kitô Giáo: những thực tại này được phát biểu một cách trực tiếp do những người có thể trở thành men trong môi trường mà họ cố gắng sống. Sống vừa nghiêm túc vừa vui vẻ, hồn nhiên, làm cho các thực tế ấy thành điều hiển nhiên trong lối sống của họ.
  • Con số các ứng viên không nên quá 35 để cho các trao đổi được cá biệt: các ứng viên được mời phải tới từ những môi trường không thuần nhất, thành phần khác nhau và không bằng nhau trong tất cả ý nghĩa của cụm từ này; phải tập họp họ trong một nơi xa vắng để tạo một khoảng cách và tạm thời bỏ qua thế giới bên ngoài, điều này thuận tiện cho việc suy nghĩ nghiêm túc và sâu sắc.
  • Khoá ấy phải:
  1. có tính cách tâm lý thực nghiệm, có ý nghĩa là phải là những trải nghiệm trong cuộc sống và dễ dàng lây lan ra người khác.
  2. ngắn hạn, trong thời gian ba ngày,
  3. chỉ gồm một cách hấp dẫn, các điều căn bản của Kitô giáo và chỉ là căn bản mà thôi,
  4. cuối cùng, chỉ nên dừng lại ở cái “thế nào”, không phải ở cái “tại sao”, vì thông thường khi một người muốn biết “thế nào”, người ta trả lời “tại sao”. Làm như thế đánh mất vẻ đẹp của thế gian vì người ta tước đi nét độc đáo của sự đóng góp sáng tạo cá nhân.  
  • Các khoá Cursillo cho người lớn, nên và hơn thế nữa, cần có những người trẻ, để họ học đối thoại với những người lớn và những người lớn với họ, vì hơn nữa họ sẽ là những người bảo đảm cho tương lai Phong Trào. Một người cha gia đình nói chuyện với một người trẻ không phải là con của mình, sẽ dẫn tới họ con đường dễ dàng hiểu chính con của họ, và ngược lại cũng như thế cho người trẻ đối với cha của mình. Điều quan trọng là phải tìm kiếm và tiếp nhận những người trẻ có cá tính, nhưng không nên can ngăn bằng yếu tố tuổi tác, điều này chỉ làm cho phức tạp thêm.
  • Các ứng viên phải là những người nam cho khoá Cursillo Nam, là nữ cho Cursillo Nữ, nhóm trợ tá cũng như thế. Thật vậy, nam cũng như nữ đứng trước người khác giới, chỉ quá lo lắng cho «cái bề ngoài» trong lúc Phong Trào Cursillo nhắm tới sự thật và lòng chân thành.
  • Phải cổ vũ sự gặp gỡ với chính mình, trước hết là kiểm điểm những đức tính của mình để cảm tạ Chúa, và đó là con đường tốt nhất đi đến chấp nhận những giới hạn của mình. Cổ vũ đến gặp gỡ riêng biệt với Chúa Kitô, đấng hằng sống, hiện hữu, gần gũi, bạn của Phúc Âm, một cuộc gặp gỡ của «bạn với chính bạn» sâu sắc, thành thật, đó là con đường ngắn nhất để cảm nhận là bạn với Chúa, và đôi khi đó là một trải nghiệm lần đầu.
  • Phải tạo điều kiện cho sự thật của lời xác quyết sau đây: «Thiên Chúa, trong Đấng Ki-tô yêu tôi» lời này phải thấm sâu vào mỗi tham dự viên và trở thành một xác tín cho mỗi người để thúc đẩy họ lấy quyết định, nâng đỡ họ và gìn giữ họ. Họ sẽ khám phá ra đời sống Ki-tô hữu đích thực là một niềm vui thật sự.
  • Tin mừng tình yêu cá biệt với Chúa sẽ có tác động bằng cách khởi động nơi họ một quá trình hoán cải. Phản ứng đầu tiên của tham dự viên xuất phát từ bên trong họ, sau đó ở nơi mà Chúa đặt để họ trong thế gian, chứ không phải làm cho họ vướng víu bên ngoài trong các «ấn thân tông đồ» chỉ làm cho đời sống của họ phức tạp mà không giải thoát họ.   
  • Từ bỏ cách nhìn thực dụng thức thời của lợi ích, kiểu như: «Đáng gíá bao nhiêu» hay «Để làm chi» (Thường áp dụng nơi chính con người), ứng viên phải tập đi trên con đường của các giá trị đạo đức.
  • Trong Cursillo, làm sao cho người ta hiểu nhau hơn một chút và khám phá ra Chúa và anh chị em, không như một Thiên Chúa xa xôi và trừu tượng, nhưng là một Thiên Chúa gần gũi, là người bạn: chính vì thế mà ngay từ đầu chúng tôi định nghĩa là một Đấng hằng sống, riêng tư cho mỗi người, đã đặt hết hy vọng vào bạn. Ngài yêu điều tốt lành, và bởi thế, Ngài muốn điều tốt lành cho bạn và Ngài có thể thực hiện được vì Ngài là Đấng phép tắc vô cùng.     
  • Sau ba ngày tham dự viên phải thấy rằng điều đương nhiên quan trọng, phải là một Kitô hữu trong Thần Khí và trong Sự Thật, bắt đầu bằng chính bản thân và ngay sau đó phải khám phá ra lý tưởng cho cuộc sống của mình.
  • Người ấy phải thấy rằng Cursillo là một cơ hội để gặp gỡ chính mình, với Chúa và với tha nhân, điều này có thể kéo dài mãi mãi. Phong Trào có thể mang lại tình bạn và để được như thế Phong Trào cống hiến những phương thức cụ thể:
  1. Hội Nhóm, cuộc sống là một hiện thực được chia sẻ giữa bạn hữu.
  2. Ultreya là một sự kiện trong đó điều tốt nhất của mỗi người được chia sẻ cho một số đông người nhất có thể.
  • Tổ chức tối thiểu cần thiết, phải phục vụ cho cái gọi nôm na là ý nghĩa chung: điều này để mọi việc thăng tiến nhanh hơn bằng cách soi sáng dần dần các sứ điệp đề xướng. Tuy nhiên nên gìn giữ tránh những sáng kiến tuỳ hứng có vẻ tuyệt vời hay những cập nhật nhất thời.
Nói tóm lại, rễ cây cổ thụ Phong Trào Cursillo bắt nguồn từ những nỗi day dứt miêu tả ở phần trên và thân của nó là nơi quy tụ những khát vọng được kết nối với nhau bằng tính thuần nhất của sứ điệp.
Và được giáo quyền công nhận.
Nhóm ban đầu, thời ấy, gồm các giáo dân vì những lý do được giải thích ở phần trên, rất hân hoan đón nhận tin mới là toà thánh Roma vừa bổ nhiệm Đức Cha Juan Hervás làm giám mục phụ tá đảo Majorca, với quyền kế vị. Cùng vui với họ có vài linh mục đã tín nhiệm nơi họ, hiểu họ và đã giúp tổ chức những khoá Cursillo. 
Mặc dù thời bấy giờ Phong Trào Cursillo đã được hình thành và được trắc nghiệm vài năm trước, việc đức cha Hervas làm phó tổng giám mục năm 1946, và tổng giám mục năm 1947 đã mang lại thêm cho Phong Trào một sự giúp đỡ và một lòng hăm hở tuyệt vời. Nhóm linh mục và giáo dân cảm thấy được ĐGM đón tiếp và lắng nghe, được sống với ngài và bên ngài, đó là những ngày lịch sử sốt sắng. Chính lúc bấy giờ nhờ sự nâng đỡ và cộng tác nhiệt tình của ngài mà Phong Trào Cursillo đạt được sự công nhận chính thức của Toà Thánh. Cho tới ngày ấy không ai nghĩ đánh số các khoá Cursillo mà chúng tôi đã tổ chức. Chỉ từ khi được công bố chính thức chúng tôi mới bắt đầu đánh số.
Lúc này và chính lúc này mà thôi, vài linh mục và tu sĩ quy tụ nhau lại, một cách có tổ chức chung quanh nhóm giáo dân, và nhóm này đứng ra xin ĐGM một linh hướng. Đức cha Hervas bổ nhiệm cha Sebastian Gaya, và một ít lâu sau, cha Juan Capo từ Roma về làm phụ tá linh hướng Phong Trào Cursillo.
Kết luận
Tôi thiết tưởng khái niệm đặc sủng sáng lập Phong Trào Cursillo đã được làm sáng tỏ qua phần trình bày này, vì tôi đã chứng minh rằng Phong Trào hội đủ bốn yếu tố do các nhà thần học xác định để có thể gọi là một đặc sủng sáng lập.
Cây Cursillo có thể lớn lên và thăng trưởng một khi nó trung thành với căn tính của nó, khi nó bám vào gốc rễ và không xa lìa với thân cây. Có những cành ghép nhất thời, thỉnh thoảng là hậu quả của một bất đồng sâu sắc, điều này gần như lúc nào cũng dẫn đưa tới những điều phức tạp.
Dĩ nhiên là phải có tầm nhìn đủ quảng đại để tìm về ý nghĩa trọn vẹn các ý tưởng và những thái độ phôi thai, của một thế giới quyến rũ và phong phú mà những nguồn gốc của nó đã cấu trúc trong lúc ban đầu. Và cũng dĩ nhiên là các cơ quan được tạo nên để duy trì căn tính của Phong Trào Cursillo, lúc nào cũng phải được nhận định làm cho thích hợp, nhận định đây không phải là cắt hết gốc rễ của các Phong Trào  hầu «cha cố» hoá các Phong Trào, hướng về những người «tốt» hoặc đặt Phong Trào dưới quyền sử dụng của nhóm trực thuộc giáo quyền, là nhóm họ ưa chuộng nhất. Phong Trào Cursillo trước hết phải hướng về các thành phần xa cách, tuy không phải chỉ dành riêng cho họ.
Phong Trào Cursillo không nên chuyển dạng như con kỳ nhông, không những thay màu da mà còn thay cả nội dung, lấy cớ để thích hợp với “mốt mới” nhất. Họ quên rằng muốn luôn theo «mốt» mới nhất có khi lại là «mốt» áp chót. Không nên biến tính các Phong Trào Cursillo, viện cớ là phải cập nhật với «dấu chỉ của thời đại», nhưng phải phân tích, nghiên cứu và tìm hiểu sâu sắc đặc sủng sáng lập Phong Trào «với ánh sáng của thời đại». Đó là sự khác biệt với lòng mong muốn không ngơi, ngày qua ngày, tìm cách lồng vào một cách lố bịch và không phân định những gì Đức Thánh Cha tuyên bố qua các bài giảng trong Phong Trào Cursillo, hoặc tất cả các quyết định đây đó trong các buổi họp trên khắp hoàn cầu.
Và đây là những ví dụ:
Thay đổi các tên của các Rollo làm cho những người xa cách khó hiểu, không tìm hiểu vì sao các người sáng lập đã dùng các tên cũ ấy như thế.
Người ta thoải mái quả quyết rằng, phải qui hướng cho đúng lòng quảng đại các Cursillista, để áp đặt những sinh hoạt cụ thể, trong lúc anh chị em không đòi hỏi gì.
Các cập nhật cho Phong Trào Cursillo - dù xuất phát từ những diễn giải cá nhân hay từ các văn phòng quốc gia- sẽ hữu ích nếu những điều đó không quá khác biệt với tính đơn giản của kinh «Lạy Cha» và sự tươi mát của «các Mối Phúc Thật». Đấy là cách chúng tôi hiểu về lòng trung tín với đặc sủng sáng lập, mà vẫn trung thành với những dấu chỉ của thời đại.
Eduardo Bonnin
(Chuyển ngữ từ Pháp văn: E. Marco Lương Huỳnh Ngân - Khóa #16 Paris)

French: http://cursillos.ca/formation/fondateurs/02bonni1.htm
English:
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét