Thứ Tư, 4 tháng 2, 2015

Bài giảng ĐTC Phanxicô ngày Thế Giới Đời Sống Thánh Hiến - 2.2.2015

Niềm vui của người thánh hiến là hạ mình làm đầy tớ

Ngày Đời Sống Thánh Hiến trên quảng trường thánh Phêrô (toàn văn)

Rôma – 02/02/2015 (Zenit.org)


"Hạ mình làm đầy tớ" như Đức Kitô, đó là nguồn vui của những người thánh hiến, Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích.
Đức Giáo Hoàng đã chủ tọa trên quảng trường thánh Phêrô, lúc 17giờ30, Thánh Lễ mừng Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh Giêrusalem, cũng là Ngày Thế Giới Đời Sống Thánh Hiến. Nhiều ngàn người thánh hiến hiện diện tại Rôma đã tham dự Thánh Lễ của Đức Giáo Hoàng.
Đức Giáo Hoàng đã có bài giảng, chủ yếu xoáy vào một trong ba lời khuyên Phúc Âm được ghi khắc trong đời sống thánh hiến: Đức Vâng Phục thiêng liêng đối với Chúa Thánh Linh.
Một sự vâng phục và ngoan hiền "cụ thể" mà ngài đã triển khai trong 4 điểm: "ngoan hiền và vâng phục đối với một vị sáng lập, ngoan hiền và vâng phục đối với một lề luật cụ thể, ngoan hiền và vâng phục đối với một vị bề trên, ngoan hiền và vâng phục đối với Giáo Hội".
Ngài đã nhấn mạnh về hành trình phục vụ như là nguồn mạch của "sự khôn ngoan" trong Chúa Thánh Linh: "Với người tu sĩ, thăng tiến chính là hạ mình để phục vụ. Một hành trình như hành trình của Chúa Giêsu (…). Hạ mình làm đầy tớ để phục vụ".
Theo Đức Giáo Hoàng, đó chính là nguồn vui: "Niềm vui của người tu sĩ là hậu quả của con đường hạ mình này của Chúa Giêsu…".
"Sự tiếp sức sống mới và canh tân của đời sống thánh hiến có được là nhờ một tình yêu mến luật lệ và cũng nhờ khả năng suy niệm và lắng nghe những vị trưởng lão của nhà dòng", Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích. Bình giảng Phúc Âm lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh, Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh tới hai vị cao niên, cụ ông Simêon và nữ ngôn sứ An-na: chính hai vị này là những người "sáng tạo". 
Trái lại, có một bức "biếm họa" về đời sống thánh hiến mà Đức Giáo Hoàng đã chỉ ra 5 triệu chứng: khi "người ta đi theo Chúa" mà không xả bỏ, cầu nguyện mà không gặp gỡ, anh em trong dòng mà không hiệp thông, vâng phục mà không tin tưởng, bác ái mà không hướng thượng"
Các lời nguyện giáo dân đã được xướng lên bằng tiếng Tamil, tiếng Tầu, Tiếng Anh, tiếng Tagalog của Phi Luật Tân, bằng tiếng Swahili.
A.B.
Bài huấn đức của Đức Giáo Hoàng Phanxicô phải e
Chúng ta đang ngắm hình Mẹ chúng ta, Đức Mẹ Maria ẵm Chúa Giêsu tiến vào Đền Thánh, Mẹ đưa Người tới với dân chúng, Mẹ đưa Người đến gặp dân Người.
Đôi tay của Mẹ chúng ta giống như "cái thang" đưa Con Thiên Chúa xuống với chúng ta, cái thang ban ơn của Thiên Chúa. Chúng ta đã nghe trong bài đọc Một, Thư gửi tín hữu Do Thái: Đức Kitô "đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín" (Dt 2, 17). Đó là hai con đường của Chúa Giêsu : Người đã đi xuống, Người đã trở nên giống như chúng ta, để đi lên Chúa Cha cùng với chúng ta, làm cho chúng ta giống như Người.
Chúng ta có thể chiêm ngắm trong lòng động thái này, khi hình dung cảnh tượng trong Phúc Âm, Đức Maria ẵm Con Mẹ trên tay bước lên Đền Thánh. Đức Trinh Nữ Maria bước đi, nhưng chính là Con Mẹ đã đi trước Mẹ. Mẹ ẵm Người, nhưng thật ra chính Người đã nâng đỡ Mẹ trên con đường này của Thiên Chúa đã đến với chúng ta để chúng ta có thể đến với Người.

Chúa Giêsu đã bước đi trên cùng con đường với chúng ta, và Người đã chỉ cho chúng ta con đường mới, "một đường mới và sống động" (x. Dt 10, 20) vốn là chính Người. Với chúng ta là những người thánh hiến cũng vậy, Người đã mở ra một con đường. (…)
Phúc Âm nhấn mạnh 5 lần đến đức vâng phục của Mẹ Maria và thánh Giuse đối với "Lề Luật của Chúa" (x. Lc 2, 22.23.24.27.39). Chúa Giêsu không đến để làm theo ý của Người, nhưng là theo ý của Cha; và điều này, như Người đã phán, đã chính là "lương thực" của Người (x. Ga 4, 34). Như vậy, người đi theo Chúa Giêsu bước lên con đường vâng phục, như để noi theo sự "hạ cố" của Chúa, hạ mình lấy ý của Cha Người làm ý của mình, kể cả đến độ chịu chết và nhục nhã cho chính mình (x. Pl 2, 7-8). Với một tu sĩ, tiến bộ chính là hạ mình để phục vụ. Một hành trình giống như hành trình của Chúa Giêsu là đấng "đã không nghĩ phải nhất quyết duy tri địa vị ngang hàng với Thiên Chúa"(Pl 2, 6). Hạ mình để làm đầy tớ để phục vụ.
Và con đường này có hình thức là luật dòng, mang đặc tính uy tín của người sáng lập. Luật lệ không thể thay thế, đối với mọi người, vẫn là Phúc Âm, sự hạ mình của Đức Kitô, nhưng Chúa Thánh Linh, trong sự sáng tạo vô biên của Người, cũng đã biểu lộ trong các luật lệ khác nhau của đời sống thánh hiến, nhưng tất cả các luật đều phát sinh từ "gương Chúa Kitô", từ con đường này vốn cần phải hạ mình để phục vụ.
Qua "luật" này, người thánh hiến có thể đạt tới sự khôn ngoan, vốn không phải là một thái độ trừu tượng, mà là công trình và ân điển của Chúa Thánh Linh, và dấu chỉ rõ ràng nhất là niềm vui. Phải, niềm vui của người tu sĩ là hệ quả của hành trình hạ mình với Chúa Giêsu… Và, khi chúng ta cảm thấy buồn, điều này sẽ có ích cho chúng ta khi tự hỏi, chúng ta đã sống xả bỏ đến tầm vóc nào.
Trong bài viết về sự kiện Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh, lòng khôn ngoan được tượng trưng bằng 2 người lớn tuổi, cụ ông Simêon và nữ ngôn sứ Anna: những con người ngoan hiền với Chúa Thánh Linh (Người được nhắc đến 4 lần) được Người dẫn dắt, được Người thôi thúc. Chúa đã ban cho các vị đó lòng khôn ngoan qua một hành trình dài trên con đường vâng phục luật lệ của Người, đức vâng phục vốn một mặt sỉ nhục và làm tiêu tan, nhưng mặt khác, đức vâng phục gìn giữ và bảo đảm hy vọng; và bây giờ, hai vị đã có khả năng sáng tạo, bởi vì được tràn đầy ơn Chúa Thánh Linh. Các vị đã tạo ra một hình thức phụng vụ xung quanh Hài Nhi lúc tiến lên Đền Thánh: cụ ông Simêon ca tụng Chúa và nữ ngôn sứ Anna "tiên đoán" sự cứu độ (x. Lc 2, 28-32.38). Cũng như trong trường hợp Đức Mẹ Maria, cụ già cũng ẵm Hài Nhi, nhưng thực chất, chính Hài Nhi đã dẫn dắt cụ già. Phụng vụ kinh chiều thứ nhất ngày lễ hôm nay biểu lộ điều này cách rõ ràng và thật đẹp: "senex puerum portabat, puer autem senem regebat" (có nghĩa là "người già bế Hài Nhi, nhưng Hài Nhi dẫn dắt người già"bbt). Đức Maria, người mẹ trẻ tuổi, cũng như cụ Simêon, "ông cụ" già, ẵm Hài nhi trên tay, nhưng kỳ thật, chính Hài Nhi đã dẫn dắt cả hai người.
Thật là kỳ lạ, ở dây, không phải là những người trẻ mới có óc sáng tạo: người trẻ như Đức Mẹ Maria và thánh Giuse, tuân thủ luật Chúa, con đường vâng phục. Và Chúa đã biến đổi vâng phục thành khôn ngoan, nhờ tác động của Chúa Thánh Linh. Đôi khi, Thiên Chúa có thể ban ơn khôn ngoan cho một người trẻ, nhưng luôn thông qua con đường vâng phục và ngoan hiền đối với Chúa Thánh Linh. Sự vâng phục này, sự ngoan hiền này không phải là điều gì mang tính lý thuyết, nhưng nó cũng được đặt dưới nhịp độ của Ngôi Lời nhập thể: ngoan hiền và vâng phục đối với một vị sáng lập, ngoan hiền và vâng phục đối với một lề luật cụ thể, ngoan hiền và vâng phục đối với một vị bề trên, ngoan hiền và vâng phục đối với Giáo Hội. Đó mới chính là một sự ngoan hiền và vâng phục cụ thể.
Thông qua hành trình kiên trì trong vâng phục, sự khôn ngoan cá nhân và cộng đoàn sẽ chín chắn, và khi đó, nó cũng có thể làm thích hợp các luật lệ với thời gian: "sự nhật tu" đích thực, quả thật, là công trình khôn ngoan, được nung rèn trong sự ngoan hiền và vâng phục.
Sự tiếp sức sống mới và canh tân của đời sống thánh hiến có được là nhờ một tình yêu mến luật lệ và cũng nhờ khả năng suy niệm và lắng nghe những vị trưởng lão của nhà dòng. Như thế, "sự quản thủ", ơn đoàn sủng của cả gia đình tu viện được lưu giữ bởi cả vâng phục lẫn khôn ngoan. Và, thông qua hành trình này, chúng ta được gìn giữ khỏi một sự sống đời sống thánh hiến cách hời hợt, cách không thực, như thể một cách giác ngộ giống như một bức "biếm họa" về đời sống tu trì, trong đó người ta "theo Chúa" mà không xả bỏ, cầu nguyện mà không gặp gỡ, anh em trong dòng mà không hiệp thông, vâng phục mà không tin tưởng, bác ái mà không hướng thượng. 
Ngày hôm nay, chúng ta cũng vậy, như Đức Mẹ Maria và như cụ ông Simêon, chúng ta muốn ẵm bồng Chúa Giêsu trong vòng tay chúng ta để Người đến gặp dân Người và chắc chắn chúng ta có thể có được Người nếu chúng ta bước vào mầu nhiệm qua đó, chính Chúa Giêsu là Đấng dẫn dắt chúng ta. Chúng ta dẫn tới Chúa Giêsu, nhưng chúng ta đã để được Người dẫn dắt. Đó là điều chúng ta phải làm: những người hướng dẫn được dẫn dắt.
Nguyện xin Chúa, nhờ lời cầu bầu của Mẹ chúng ta, của thánh cả Giuse và các thánh Simêon và Anna, ban cho chúng ta điều mà chúng ta cầu xin trong Lời nguyện Nhập Lễ: để chúng ta  được "dâng tiến lên Người hoàn toàn đổi mới trong Chúa Thánh Linh". Amen.
Bản dịch tiếng Pháp : Constances Roques (Zenit)
Bàn dịch tiếng Việt : Mạc Khải (ghxhcg.com)
(2 février 2015) © Innovative Media Inc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét