Thứ Tư, 4 tháng 2, 2015

Bài giảng ĐTC ngày 2.2.2015 - Phúc Âm có sức biến đổi

Phúc Âm biến đổi khuynh hướng
theo sự xấu thành những quyết định tốt

Kinh Truyền Tin ngày 02 tháng 02 năm 2015 (toàn văn)

Rôma – 02/02/2015 (Zenit.org)


"Phúc Âm làm thay đổi tâm hồn, thay đổi đời sống, biến những khuynh hướng theo sự xấu thành những quyết định tốt. Phúc Âm có khả năng làm thay đổi con người", Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố.
Sau đây là bản dịch toàn văn lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong giờ Kinh Truyền Tin ngày Chúa Nhật 01/02/2015.
A.B.
Lời Đức Giáo Hoàng trước Kinh Truyền Tin
Thân chào quý anh chị em!
Đoạn Tin Mừng ngày Chúa Nhật này (x. Mc 1, 21-28) trình bầy lúc Chúa Giêsu, với cộng đoàn môn đệ nhỏ bé của Người, vào thành Ca-phác-na-um, thành phố nơi ông Phêrô cư ngụ, vào thời đó, là thành phố lớn nhất xứ Ga-li-lê-a. Và Chúa Giêsu đi vào thành phố này.
Thánh sử gia Mác-cô kể rằng, vì là một ngày sa-bát, Chúa Giêsu đã tới ngay hội đường và bắt đầu giảng dạy (x. Mc 1, 21). Điều này khiến người ta nghĩ đến vị giáo trưởng về Lời của Thiên Chúa, Lời phải lắng nghe, Lời phải đón nhận, Lời phải loan truyền. Khi Người tới Ca-phác-na-um, Chúa Giêsu đã không chần chờ loan truyền Phúc Âm, Người không nghĩ cần phải tổ chức yểm trợ trước, chắc chắn là cần thiết, cho cộng đoàn nhỏ bé của Người, Người không bị chậm trễ với việc tổ chức. Mối bận tâm chính của Người, là truyền đạt Lời của Thiên Chúa với sức mạnh của Chúa Thánh Linh. Và trong hội đường, người ta đã sửng sốt bởi Chúa Giêsu đã giảng dạy "như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư" (Mc 1, 22).

"Có thẩm quyền" nghĩa là gì? Có nghĩa là, trong những lời nói con người của Chúa Giêsu, người ta đã cảm nhận được tất cả sức mạnh của Lời Thiên Chúa, người ta cảm nhận được cả thẩm quyền của Thiên Chúa, Đấng đã khởi xướng Thánh Kinh. Và một trong những đặc tính của Lời Thiên Chúa chính là Lời thực hiện những gì Lời phán, bởi vì Lời Thiên Chúa tương ứng với Thánh Ý của Người. Chúng ta thì trái lại, nhiều khi chúng ta hay nói những lời trống rỗng, không căn nguyên, hay những lời thừa thãi, những lời không tương ứng với sự thật. Lời Thiên Chúa, trái lại, tương ứng với chân lý, Lời thống nhất với Ý và thực hiện những gì đã nói ra. Quả thế, sau khi giảng dạy, Chúa Giêsu đã chứng minh ngay quyền năng của Người  khi giải thoát một kẻ bị quỷ ám và có mặt trong hội đường (x. Mc 1, 23-26). Chính là uy quyền Thiên Chúa của Đức Kitô đã gây ra phản ứng của quỷ Satan, ẩn nấp trong người đó; lúc đó Chúa Giêsu đã nhận ngay ra tiếng của ác thần và ra lệnh cho nó: "Câm đi! Hãy xuất khỏi người này" (Mc 1, 25). Chỉ với sức mạnh lời phán của Người, Chúa Giêsu đã giải thoát người đó khỏi ác thần. Và một lần nữa, những người có mặt đã kinh ngạc: "Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh" (Mc 1, 27). Lời Thiên Chúa tạo ra trong chúng ta sự kinh ngạc. Lời Thiên Chúa có sức mạnh khiến chúng ta ngạc nhiên.
Phúc Âm là lời hằng sống; Phúc Âm không đàn áp con người, trái lại, giải thoát những ai đang làm nô lệ cho nhiều thần ô uế của thế gian này: thần kiêu căng, thần mê tiền bạn, thần kiêu ngạo, thần dâm dục… Phúc Âm làm thay đổi tâm hồn, làm thay đổi cuộc đời, biến những khuynh hướng theo sự xấu thành những quyết định tốt. Phúc Âm có khả năng làm thay đổi con người! Như vậy, bổn phận các Kitô hữu là phổ biến khắp nơi sức mạnh cứu chuộc, trở thành những nhà truyền giáo và những người tuyên cáo Lời Thiên Chúa. Đó cũng là điều mà đoạn Phúc Âm ngày hôm nay gợi ý cho chúng ta khi nó kết thúc bằng cách mở ra sứ vụ truyền giáo: "Danh tiếng Người – danh tiếng Chúa Giêsu - đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê-a" (Mc 1, 28). Tín lý mới được Chúa Giêsu giảng dạy với thẩm quyền là tín lý mà Giáo Hội mang đến cho thế gian, với những dấu chỉ rõ ràng sự hiện diện của Người: sự giảng dạy với thẩm quyền và hành động giải thoát của Con Thiên Chúa trở thành những lời lẽ cứu độ và những cử chỉ tình yêu của Giáo Hội truyền giáo.
Anh chị em hãy luôn nhớ rằng Phúc Âm có sức mạnh thay đổi cuộc đời! Anh chị em đừng quên điều đó! Đó là Tin Mừng làm biến đổi chúng ta, chỉ khi nào chúng ta để cho Tin Mừng  biến đổi mình. Đó là lý do tại sao tôi yêu cầu anh chị em tiếp cận mỗi ngày với Phúc Âm, để đọc Phúc Âm hàng ngày, một chương, một đoạn, để suy ngẫm và cũng để mang theo anh chị em đi khắp mọi nơi : trong túi hay trong xách tay… Nghĩa là nuôi dưỡng mình mỗi ngày nơi nguồn mạch bất tận của ơn cứu độ. Anh chị em đừng quên! Hãy đọc mỗi ngày một đoạn Phúc Âm! Phúc Âm là sức mạnh thay đổi chúng ta, biến đổi chúng ta: Phúc Âm thay đổi cuộc đời, thay đổi tâm hồn.
Chúng ta hãy khẩn xin sự chuyển cầu từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ đã đón nhận Ngôi Lời và đã hạ sinh Người cho thế gian, cho tất cả mọi người. Xin Mẹ dạy chúng ta hãy là những dự thính viên chăm chỉ và những người loan truyền có thẩm quyền Phúc Âm của Chúa Giêsu.
Sau Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến,
Tôi muốn thông báo rằng ngày thứ bẩy 06 tháng 6 tới đây, nếu đẹp lòng Chúa, tôi sẽ đi đến Sarajevo, thủ đô của Bosnia-Herzégovina. Tôi xin anh chị em, ngay từ bây giờ, cầu nguyện cho chuyến viếng thăm của tôi, đến với các dân tộc thân mến này, là một sự khuyến khích cho các tín hữu công giáo, cho nó gợi lên điều tốt lành và đóng góp vào sự củng cố tình huynh đệ và hòa bình, đối thoại liên tôn, tình bằng hữu.
Tôi chào mừng các tham dự viên Đại Hội Thé Giới lần thứ 4 được tổ chức bởi Scholas Occurrentes, sẽ diễn ra tại Vatican từ ngày 02 đếng ngày 05/02 với chủ đề  "Trách nhiệm của mọi người trong việc giáo dục một nền văn hóa gặp gỡ'. Tôi chào mừng các gia đình, các giáo xứ, các hội đoàn và tất cả mọi người đến từ Ý và từ khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt, các khách hành hương đến từ Liban và Ai-cập, các sinh viên của Zafra và Badajoz (Tây Ban Nha), các tín hữu của Sassari, Salerne, Verona, Modena; Scano Montiferro và Tarante.
Ngày hôm nay, ở Ý, người ta mừng Ngày Bảo Vê Sự Sống với chủ đề "Liên đới cho sự sống". Tôi gửi lời cảm ơn đến các hội đoàn, các phong trào và tất cả những ai bảo vệ sự sống con người. Tôi thống hợp với các giám mục Ý để yêu cầu "một sự tái công nhận nhân phẩm và một sự chăm sóc thích đáng hơn cho sự sống, từ lúc thụ thai cho đến lúc kết thúc tự nhiên" (Thông điệp Ngày Thế Giới Bảo Vệ Sự Sống lần thứ 37). Khi người ta mở ra với sự sống và phục vụ sự sống, người ta trải nghiệm một sức mạnh của tình yêu và của sự trìu mến mang tính cách mạng (x. Tông Huấn Evangelii gaudium, 288) và người ta khánh thành một chủ nghĩa nhân bản mới: chủ nghĩa nhân bản của tình liên đới, chủ nghĩa nhân bản của sự sống.
Tôi chào mừng Đức Hồng Y tổng đại diện, các giáo sư đại học Rôma và những người dấn thân trong việc cổ vũ nền văn hóa sự sống.
Tôi chúc tất cả một ngày Chúa Nhật tốt đẹp. Xin anh chị em vui lòng, đừng quên cầu nguyện cho tôi. Tạm biệt!
Bản dịch tiếng Pháp : Constance Roques (Zenit)
Bản dịch tiếng Việt : Mạc Khải (ghxhcg.com)
(2 février 2015) © Innovative Media Inc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét