Thứ Ba, 17 tháng 2, 2015

Con đường của Chúa Giêsu - Con đường của Giáo Hội - Quan tâm đến Người Xa Cách

"Tính khả tín của chúng ta được bộc lộ và tỏ rõ trên
Phúc Âm của những người bị khai trừ!"

Thánh Lễ với các tân Hồng Y (toàn văn)

Rôma – 15/02/2015 (Zenit.org)

"Tính khả tín của chúng ta được bộc lộ và tỏ rõ trên Phúc Âm của những người bị khai trừ", Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố và chỉ dẫn cho các tân Hồng Y thấy cái "lôgic của Chúa Giêsu" và "con đường của Giáo Hội" là: "Không những chỉ đón nhận và hội nhập, với một tấm lòng can đảm Phúc Âm, những người đang gõ cửa chúng ta, mà còn đi tìm, không thành kiến và không sợ hãi, những người đang ở xa bằng cách bầy tỏ vô điều kiện những điều chúng ta đã lãnh nhận cách nhưng không".
Cùng các tân Hồng Y, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cử hành Thánh Lễ đồng tế sáng Chúa Nhật, 15/02/2015 tại Đền Thánh Phêrô. Ngài đã tuyên bố với các vị Hồng Y  rằng: "Tước vị vinh dự duy nhất cũng như dấu chỉ đặc biệt của chúng ta là sự luôn luôn sẵn sàng phục vụ tha nhân"
Ngài đã chỉ ra khuôn mẫu là Chúa Giêsu, Đấng trong Phúc Âm ngày Chúa Nhật hôm nay đã chữa lành người bị bệnh phong hủi: "Lòng thương xót của Chúa Giêsu trước sự khai trừ và ý chí hội nhập của Người".
Ngài nhấn mạnh đến sự đón tiếp những người bị gạt ra bên lề xã hội, và viện dẫn gương thánh Phanxicô: "Tôi khuyến khích anh em hãy phụng sự Chúa Giêsu chịu đóng đinh nơi những người bị khai trừ, dù là với bất cứ lý do gì đi chăng nữa; hãy nhìn thấy Chúa trong những nguời bị khai trừ đang đói khát, trần truồng : Chúa cũng hiện diện trong những người đã mất đức tin, hay đã xa vời với đức tin của mình; Chúa đang ở trong tù, Người đang là bệnh nhân, Người đang bị thất nghiệp, Người đang bị bách hại; Chúa ở trong người phong hủi – trên thể xác cũng như trên thần trí của Người -, đang bị kỳ thị! Chúng ta sẽ không tìm thấy Chúa, nếu chúng ta không đón tiếp người bị khai trừ một cách thành thật!".
Sau đây là bản dịch tiếng Pháp của Tòa Thánh
A.B.
Bài giảng lễ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
"Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch"… Chúa Giêsu chạnh lòng thương, giơ tay đụng vào anh ta và bảo: "Tôi muốn, anh sạch đi!" (x. Mc 1, 40-41). Chúa Giêsu chạnh lòng thương! Sự "chạnh lòng thương" này đã khiến Người gần gũi với tất cả những người dau khổ! Chúa Giêsu, không từ nan, trái lại, Người đã can dự vào nỗi đau và nhu cầu của người ta… đơn giản, bởi vì Người biết và muốn "chạnh lòng thương", bởi vì Người có một tấm lòng không biết xấu hổ khi "chạnh lòng thương".
"Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành" (Mc 1, 45). Điều có nghĩa là, ngoài việc chữa lành người phong hủi, Chúa Giêsu cũng đã gánh lấy sự khai trừ mà luật Môsê ấn định (x. Lv 13, 1-2. 45-46). Chúa Giêsu không sợ rủi ro phải gánh chịu sự đau khổ của người khác, nhưng Người đã phải trả giá cho đến tận cùng (x. Is 53, 4).
Lòng trắc ẩn đã khiến Chúa Giêsu hành động cụ thể là : tái hội nhập cho kẻ bị khai trừ! Đó là 3 quan niệm then chốt mà Giáo Hội đề nghị với chúng ta ngày hôm nay trong phụng vụ Lời Chúa: lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu trước sự khai trừ và ý chí hội nhập của Người.
Sự khai trừ: Ông Môsê, khi xử lý trên mặt pháp lý vấn đề những người bị phong hủi, yêu cầu họ phải bị đưa đi xa và khai trừ ra khỏi cộng đoàn, bao lâu còn bệnh, và ông tuyên bố họ là những người "ô uế" (x. Lv 13, 1-2. 45-46)
Anh em hãy tưởng tượng một người bị phong hủi đã bị đau khổ và xấu hổ đến chừng nào: về mặt thể chất, xã hội, tâm lý và tinh thần! Anh ta không chỉ là nạn nhân của bệnh tật, mà còn cảm thấy mình là thủ phạm, bị hình phạt vì tội lỗi của mình! Thật là một kẻ chết chưa chôn, "như ai đó bị cha mình phỉ nhổ vào mặt" (x. Ds 12, 14).
Vả lại, người phong hủi khiến người ta cảm thấy sợ hãi, khinh khi, ghê tởm và vì thế người đó bị chính gia đình mình bỏ rơi, người khác né tránh, bị khai trừ ra khỏi xã hội, hay đúng hơn, chính xã hội đã xua đuổi người đó và bắt buộc người đó phải sống ở những nơi xa với những người lành mạnh, khai trừ họ. Và điều này đến độ một người mạnh khỏe mà tới gần một người phong hủi, thì cũng bị nghiêm phạt và thường hay, chính người đó cũng bị đối xử như người phong hủi.
Mục đích của sự quy định này là để "cứu những người mạnh khỏe", "bảo vệ những người công chính" và để giữ gìn cho họ khỏi mọi rủi ro, để khai trừ ''mối nguy", trong lúc đối xử tàn nhẫn với người bị lây bệnh. Như thế, quả thật, thượng tế Cai-pha đã hống hách tuyên bố: "Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt" (Ga 11, 50).

Sự hội nhập: Chúa Giêsu làm đảo lộn và lay động mạnh mẽ tâm thức khép kín trong sự sợ hãi và tự giới hạn bởi các định kiến này. Tuy nhiên, Người không bãi bỏ Luật Mô-sê, nhưng Người đưa nó tới sự kiện toàn của nó (x. Mt 5, 17), khi Người tuyên bố sự vô hiệu của luật ăn miếng trả miếng; tuyên bố rằng Thiên Chúa không ưa việc giữ ngày Sabbát vốn không tôn trọng con người và kết án con người; hay khi, trước mặt người phụ nữ tội lỗi, Người không kết án bà mà trái lại đã cứu bà khỏi cái hăng hái mù quáng của những người đang sẵn sàng ném đá bà không thương tiếc, vì nghĩ rằng mình áp dụng Luật Mô-sê. Chúa Giêsu cũng làm đảo lộn lương tâm trong Bài Giảng trên núi (x. Mt 5), mở ra những chân trời mới cho nhân loại và mặc khải đầy đủ lôgíc của Thiên Chúa. Lôgíc của tình yêu vốn không xây dựng trên sợ hãi mà trên tự do, trên bác ái, trên nhiệt tình lành mạnh và trên mong muốn cứu độ của Thiên Chúa: "Thiên Chúa Đấng Cứu Độ chúng ta muốn rằng tất cả mọi người đều được cứu độ và nhận biết chân lý" (1 Tm 2, 3-4). "Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế" (Mt 12, 7; Hs 6, 6). 
Chúa Giêsu, Mô-sê mới, đã muốn chữa lành người phong hủi, Người đã muốn chạm tới anh ta, Người đã muốn tái hội nhập anh ta vào cộng đoàn, mà không "tự hạn chể trong những định kiến; không thích hợp với tâm thức nổi trội của người ta; không lo lắng chút nào về lây bệnh. Chúa Giêsu đã không do dự và không hề thư hoãn để nghiên cứu tình hình và tất cả những hậu quả có thể xẩy ra, mà đáp lại lời cầu xin của người phong hủi! Theo Chúa Giêsu, điều đáng kể, trước hết, là tìm đến và cứu độ những người ở xa, săn sóc các thương tích của những người bệnh, tái hội nhập tất cả mọi người vào trong gia đình của Thiên Chúa! Và điều này làm nhiều người công phẫn! 
Chúa Giêsu không sợ công phẫn kiểu này! Người không nghĩ tới những kẻ hẹp hòi, công phẫn với cả một sự chữa lành, công phẫn với bất cứ một sự mở cửa nào, với bất cứ một bước nào không đi vào trong những sơ đồ tư tưởng và tinh thần của họ, với bất cứ sự vuốt ve, dịu dàng nào không tương ứng với những thói quen suy nghĩ và tính duy nghi lễ của họ. Người đã muốn hội nhập những người bị loại trừ, cứu độ những người đang bị cô lập ở bên ngoài trại (x. Ga 10)
Có hai lôgíc về suy nghĩ và về đức tin: sợ mất những người đã được cứu độ và mong muốn cứu độ những người bị mất. Ngày nay, đôi khi cũng xẩy ra hoàn cảnh chúng ta phải đứng giữa ngã ba đường của hai thứ lôgíc này: lôgíc của các kinh sư, nghĩa là loại trừ nguy hiểm bằng cách biệt lập những người nhiễm bệnh ra xa, và lôgíc của Thiên Chúa, Đấng với lòng thương xót, ôm ấp trong vòng tay Người và đón nhận bằng cách hội nhập và biến thể cái ác thành cái thiện, biến kết án thành cứu độ và biến sự khai trừ thành loan truyền.
Hai cái lôgíc này nằm rải rác trong suốt lịch sử Giáo Hội: loại trừ và hội nhập. Thánh Phaolô; thực hiện giới răn của Chúa mang Tin Mừng đi rao truyền đến tận cùng trái đất (x. Mt 28,19), gây công phẫn và gặp phản ứng mạnh mẽ và một sự thù nghịch nhất là từ những người cũng đòi hỏi môt sự tuân giữ Luật Mô-sê một cách vô điều kiện đối với những người ngoại trở lại đạo. Kể cả thánh Phêrô cũng đã bị cộng đoàn chỉ trích nặng nề khi ngài vào trong nhà của Đội Trưởng ngoại đạo Corneillô (x. Cv 10).
Hành trình của Giáo Hội, từ Công Đồng Giêrusalem, luôn vẫn là hành trình của Chúa Giêsu: hành trình của lòng thương xót và của hội nhập. Điều này không có nghĩa là đánh giá thấp những nguy cơ hay hiện tượng rước sói vào đàn trừu, mà là đón nhận đứa con hoang đàng hối cải; quyết tâm và can đảm chữa lành các thương tích của tội lỗi; săn tay áo lên và không đứng yên thụ động mà nhìn sự đau khổ của thế giới. Hành trình của Giáo Hội là hành trình không kết án ai vĩnh viễn; là hành trình trải rộng lòng thương xót của Thiên Chúa trên hết những ai cầu xin Người với lòng chân thành; hành trình của Giáo Hội chính là bước ra ngoài hàng rào để đi tìm những người ở xa ngoài "biên" của cuộc đời; là hành trình đi theo toàn diện lôgíc của Thiên Chúa; đi theo Thầy là Đấng đã phán rằng: "Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối, ăn năn" (Lc 5, 31-32).
Khi chữa lành người bị phong hủi, Chúa Giêsu không có làm hại gì đến những người lành mạnh, trái lại, Người giải thoát họ khỏi sự sợ hãi; Người không khiến họ gặp phải nguy hiểm mà ban cho họ một người anh em: Người không coi thường Lề Luật, nhưng Người ưa chuộng con người, chính vì con người mà Thiên Chúa đã gợi ý làm ra Lề Luật. Quả vậy, Chúa Giêsu giải thoát người lành mạnh khỏi cơn cám dỗ "của người anh cả" (x. Lc 15, 11-32) và khỏi gánh nặng ghen tỵ và những lờì phàn nàn của những người thợ đã "phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt". (Mt 20, 1-16).
Kết quả là: đức bác ái không thể trung lập, dửng dưng, ba phải hay vô tư! Đức bác ái lây lan, làm say mê, mạo hiểm và can dự! Bởi vì đức bác ái đích thực luôn không đòi xứng đáng, vô điều kiện và nhưng không! (x. 1 Cr 13). Đức bác ái sáng tạo để tìm ra lời nói chính đáng hầu truyền đạt tới tất cả những ai bị coi như không thể chữa lành và như vậy không thể đụng  chạm đến được. Sự tiếp xúc là ngôn ngữ truyền thông đích thực, cũng giống như ngôn ngữ tình cảm đã truyền đến cho người phong hủi sự chữa lành! Chính là người phong hủi và anh ta đã trở thành người rao truyền tình yêu thương của Thiên Chúa. Phúc Âm chép rằng: "Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi" (Mc 1, 45).
Các Tân Hồng Y thân mến, đây là lôgíc của Thiên Chúa, đây là hành trình của Giáo Hội: Không những đón nhận và hội nhập, với một lòng can đảm Phúc Âm, những người đang gõ cửa chúng ta, mà còn đi tìm, không thành kiến và không sợ hãi, những người đang ở xa bằng cách bầy tỏ vô điều kiện những điều chúng ta đã lãnh nhận cách nhưng không. "Ai nói rằng mình ở lại trong Đức Kitô, thì phải đi trên con đường Chúa Giêsu đã đi" (1 Ga 2, 6). Tước vị vinh dự duy nhất cũng như dấu chỉ đặc biệt của chúng ta là sự luôn luôn sẵn sàng phục vụ tha nhân!
Trong Thánh Lễ này đang hiệp nhất chúng ta xung quanh bàn thờ Chúa, chúng ta hãy khẩn nài lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ của Giáo Hội, chính Mẹ đã gánh chịu sự loại trừ bởi vì những vu khống (x. Ga 8, 41) và lưu vong (x. Mt 13-23), để Mẹ xin cho chúng ta được trở thành những đầy tớ trung thành của Thiên Chúa. Mẹ dậy chúng ta - Mẹ là Mẹ - đừng sợ đón nhận với lòng ưu ái những người bị loại trừ (nhưng đã bao lần chúng ta cứ sợ sự êm ái!); đừng sợ sự êm ái và lòng trắc ẩn; xin Mẹ mặc cho chúng ta tấm áo kiên nhẫn để đồng hành với họ trên hành trình của họ, không tìm kiếm kết quả của một sự thành công thế gian; xin Mẹ hãy cho chúng ta thấy được Chúa Giêsu và làm cho chúng ta bước đi như Người.
Thưa quý huynh, khi ngước mắt lên Chúa Giêsu và lên Đức Mẹ Maria của chúng ta, tôi kêu gọi quý huynh hãy phục vụ Giáo Hội, để cho các Kitô hữu – noi gương chúng ta - đừng bị cám dỗ ở lại với Chúa Giêsu mà lại không muốn ở lại với những người bị loại trừ, tự cô lập mình trong một đẳng cấp không có gì là thuộc về Giáo Hội một cách đích thực. Tôi khuyến khích anh em hãy phụng sự Chúa Giêsu chịu đóng đinh nơi những người bị khai trừ, dù là với bất cứ lý do gì đi chăng nữa; hãy nhìn thấy Chúa trong những nguời bị khai trừ đang đói khát, trần truồng: Chúa cũng hiện diện trong những người đã mất đức tin, hay đã xa vời với đức tin của mình; Chúa đang ở trong tù, Người đang là bệnh nhân, Người đang bị thất nghiệp, Người đang bị bách hại; Chúa ở trong người phong hủi – trên thể xác cũng như thần trí Người -, đang bị kỳ thị! Chúng ta sẽ không tìm thấy Chúa, nếu chúng ta không đón tiếp người bị khai trừ một cách thành thật! Chúng ta hãy nhớ lại hình ảnh thánh Phanxicô đã không sợ ôm hôn người phong hủi và đón nhận những người đang chịu đựng mọi kiểu loại trừ. Thực chất, tính khả tín của chúng ta được bộc lộ và tỏ rõ trên Phúc Âm của những người bị khai trừ.
[Bản gốc bằng tiếng Y]
Mai Khôi phỏng dịch từ bản tiếng Pháp
© Librairie éditrice vaticane
(15 février 2015) © Innovative Media Inc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét