Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2015

Bài giảng ĐTC Phanxicô - Thứ Tư Lễ Tro 18.02.2015

Ơn nước mắt để hối cải không đạo đức giả

Bài giảng lễ Thứ Tư Lễ Tro (toàn văn bản dịch)

Rôma – 18/02/2015 (Zenit.org)



Đầu Mùa Chay này, Đức Giáo Hoàng khuyến khích "hãy cầu xin ơn khóc lóc, để khiến cho kinh nguyện và hành trình sám hối của chúng ta luôn mang tính thành thật và không đạo đức giả".
Mùa Chay bắt đầu ngày Thứ Tư Lễ Tro, 18/02/2015 này, theo truyền thống cũng là "chặng thứ nhất" của Mùa Chay ở Rôma: một truyền thống cổ đại đề nghị một cuộc hành hương mỗi ngày đến viếng các nhà thờ khác nhau của thành phố Rôma, trong Mùa Chay, Tuần Thánh, và Tuần Lễ Đầu Phục Sinh.
Đức Giáo Hoàng đã chủ sự chặng này trước lúc 16giờ30, tại nhà thờ Biển Đức Thánh Anselme, trên ngọn đồi Aventin. Sau cuộc rước kiệu đền tội cổ truyền - với các Đức Hồng Y, tổng giám mục và giám mục, các tu sĩ dòng Thánh Anselme, các Cha dòng Đa Minh của dòng Thánh Nữ Sabina, và các giáo dân - từ Anselme đến Sabina, Đức Giáo Hoàng đã chủ tế Thánh Lễ trong đó ngài đã làm phép và đặt tro.
"Hòa giải giữa chúng ta và Thiên Chúa chỉ có thể thực hiện nhờ vào lòng thương xót của Cha, là Đấng, vì yêu thương chúng ta, đã không ngần ngại hy sinh Con Một của Người", Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh trong bài giảng lễ của ngài.
Ngài đã mời gọi hãy tự hỏi "Tôi có khóc không ?... Khóc lóc có là cầu nguyện không?". Quả vậy, nước mắt giúp "thanh tẩy" tâm hồn. "Những kẻ đạo đức giả không biết khóc; họ đã quên khóc như thế nào; họ không cầu xin ơn biết khóc".
A.K.
Bài giảng lễ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Là dân của Thiên Chúa, hôm nay chúng ta bắt đầu hành trình Mùa Chay, mùa để chúng ta tìm cách thống hợp chặt chẽ hơn với Chúa Giêsu, để chia sẻ mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Người.
Phụng vụ Ngày Thứ Tư Lễ Tro đề nghị với chúng ta trước hết một đoạn sách tiên tri Giô-en, được Thiên Chúa sai đến để kêu gọi dân chúng đền tội và xám hối, bởi vì một trận thiên tai (nạn châu chấu tràn ngập) đã tàn phá vùng Juđêa. Chỉ có Chúa có thể cứu khỏi tai họa này và vì thế cần phải cầu khẩn Người bằng kinh nguyện và bằng chay tịnh, và tự thú nhận tội lỗi mình ra.
Ngôn sứ nhấn mạnh phải sám hối từ nội tâm: "Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta" (Ge 2, 12)


"Hết lòng" trở về với Chúa có nghĩa là bắt đầu hành trình của một sự hối cải không phải hời hợt và tạm bợ, mà thay vào đó là một lộ trình thiêng liêng ở nơi sâu thẳm nhất của con người chúng ta. Tâm hồn là trung khu của tình cảm chúng ta, là trung tâm nơi những chọn lựa và thái độ của chúng ta chín mùi.
Câu nói "Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta" này không chỉ liên hệ tới những con người riêng lẻ, mà còn lan rộng ra đến toàn thể cộng đoàn, đó là một sự hối cải được gửi đến tất cả mọi người: "Hãy tụ tập chúng dân, mời dự đại hội thánh, triệu tập các cụ già, tụ họp đám thiếu nhi cũng như trẻ thơ còn đang bú! Tân lang hãy ra khỏi loan phòng, tân nương hãy rời bỏ phòng khuê! (Ge 2, 16)
Ngôn sứ đặc biệt dừng ở kinh cầu của các linh mục, lưu ý là kinh cầu phải kèm theo nước mắt. Điều này có ích, cho tất cả, nhưng đặc biệt cho chúng tôi, các linh mục, ở đầu Mùa Chay này, ơn nước mắt, để khiến cho lời cầu nguyện của chúng ta và cho con đường hối cải của chúng ta luôn đích thực hơn và không đạo đức giả. Cũng sẽ có ích cho chúng ta nếu tự đặt câu hỏi: "Tôi có khóc không? Đức Giáo Hoàng có khóc không? Các Đức Hồng Y có khóc không? Các Đức Giám Mục có khóc không? Các đấng thánh hiến có khóc không? Các linh mục có khóc không? Khóc có là cầu nguyện không?
Đó chính là thông điệp của bài Phúc Âm ngày hôm nay. Trong đoạn Tin Mừng theo thánh Mátthêu, Chúa Giêsu đọc lại ba công việc đạo đức được dự trù bởi Luật Mô-sê: bố thí, cầu nguyện và chay tịnh. Theo thời gian, những lề luật đó đã bị han gỉ của chủ nghĩa hình thức bề ngoài ăn mòn, hay kể cả đã biến thành một dấu chỉ danh vọng xã hội. Chúa Giêsu làm nổi bật một cám dỗ chung trong ba công việc này, được tóm gọn trong tính đạo đức giả (Người đã nêu lên ba lần): "Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy… Khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống như bọn đạ đức giả… Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng… cho người ta thấy… Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rỉ như bọn đạo đức giả" (Mt 6, 1.2.5.16). Thưa anh em, như anh em biết, bọn đạo đức giả không biết khóc; họ đã quên không biết khóc như thế nào: họ không cầu xin ơn nước mắt.
Khi làm việc thiện, trong lòng chúng ta phát sinh một cách gần như là bản năng, mong muốn được khen ngợi và thán phục vì việc thiện đó, muốn thỏa mãn vì công việc đó. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy làm những việc đó không hề phô trương, và chỉ duy nhất trông cậy vào phần thưởng của Cha "Đấng thấu suốt những gì kín đáo" (Mt 6, 4.6.18).
Anh chị em thân mến, Chúa thương xót chúng ta không hề mệt mỏi, Người muốn ban chúng ta thêm một lần nữa sự tha thứ của Người - tất cả chúng ta đều cần – khi mời gọi chúng ta trở về với Người với một tâm hồn mới mẻ, được thanh tẩy khỏi sự dữ, được thanh tẩy bởi nước mắt, để can dự vào niềm vui của Người. Làm thế nào để đón nhận sự mời gọi này?  Thánh Phaolô gợi ý cho chúng ta trong bài đọc Hai ngày lễ hôm nay: "Nhân danh Đức Kitô; chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa" (2 Cr 5, 20). Nỗ lực sám hối này không chỉ là một việc của con người. Chính là "để cho mình được hòa giải". Sự hòa giải giữa chúng ta và Thiên Chúa chỉ có thể thực hiện nhờ lòng thương xót của Cha là Đấng, vì yêu thương chúng ta, đã không ngần ngại hy sinh Con Một của Người. Quả vậy, Đức Kitô là Đấng công chính và không hề tội lỗi đã bị Thiên Chúa biến thành hiện thân của tội lỗi cho chúng ta (x. 2 Cr 5, 21) khi Người gánh lấy tội lỗi của chúng ta trên cây Thánh Giá, và như thế Người đã cứu chuộc chúng ta và biện minh cho chúng ta trước ngai Thiên Chúa. "Nơi Người" chúng ta có thể trở nên công chính, "nơi Người", chúng ta có thể thay đổi, nếu chúng ta đón nhận ơn phúc của Thiên Chúa và đừng để qua đi một cách vô ích "thời thi ân" (2 Cr 6, 2). Xin anh chị em hãy vui lòng dừng chân giây lát để chúng ta được hòa giải với Thiên Chúa.
Với ý thức này, chúng ta hãy khởi sự hành trình Mùa Chay, tin tưởng và vui tươi. Mong Đức Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội ủng hộ trận chiến thiêng liêng của chúng ta chống lại tội lỗi, xin Mẹ đồng hành với chúng ta trong cái thời thi ân, để chúng ta có thể cùng hát lên niềm vui chiến thắng trong ngày Phục Sinh.
Như dấu chỉ ý chí muốn để được hòa giải với Thiên Chúa, ngoài nước mắt sẽ được che dấu, trước mọi người, chúng ta thực hành cử chỉ đặt tro trên đầu. Chủ tế đọc những lời này: "Ngươi là bụi đất và sẽ trở về với bụi đất" (St 3, 19), hay nhắc lại lời kêu gọi của Chúa Giêsu: "Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng" (Mc 1, 15). Hai câu nghi thức này là một sự nhắc nhở về thực tế của kiếp sống con người: chúng ta là những tạo vật có giới hạn, tội lỗi, luôn cần sám hối và hoán cải. Trong thời đại của chúng ta, lắng nghe và đón nhận sự nhắc nhở này thật là quan trọng biết bao! Lời mời gọi sám hối như vậy thúc đẩy sự trở lại, như người con trong chuyện dụ ngôn, trong vòng tay của Thiên Chúa, là Cha nhân từ và giầu lòng thương xót, để khóc trong vòng tay Người, để phó thác cho Người và trông cậy vào Người.
Bản dịch tiếng Pháp: Anne Kurian (Zenit)
Bản dịch tiếng Việt: Mạc Khải (ghxhcg.com)
(18 février 2015) © Innovative Media Inc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét