Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2015

Giáo lý ĐTC Phanxicô về Gia đình - Con cái là một hồng ân

Con cái là niềm vui của gia đình và của xã hội

Bài giáo lý ngày 11 tháng 02 năm 2015 (toàn văn)

Rôma – 11/02/2015 (Zenit.org)


Con cái là niềm vui của gia đình mình và của xã hội. Chúng không phải là một vấn đề sinh học sinh sản, cũng không phải là một phương cách nào khác để hiện hữu. Và chúng lại càng không phải là vật sở hữu của cha mẹ… Không, con cái là một ơn phúc, là một quà tặng": sự sống của một đứa trẻ là "dành riêng cho nó, cho thiện ích của nó, cho thiện ích của gia đình, của xã hội, của toàn thể nhân loại" Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẳng định.
Đức Giáo Hoàng đã tiếp tục chuỗi Bài giáo lý của ngài về gia đình với khuôn mặt của con cái, trong buổi triều kiến chung buổi sáng thứ tư, 11/02/2015, trên quảng trường thánh Phêrô.
Ngài nhấn mạnh rằng, kinh nghiệm của con cái, trước hết là kinh nghiệm của "sự nhưng không", kinh nghiệm của "cái đẹp được ưu tiên yêu thương" bởi vì con cái "được thương yêu ngay từ trước khi chúng làm được điều gì để xứng đáng sự yêu thương đó, trước khi biết nói hay biết suy nghĩ, và kể cả trước khi sinh ra trên đời này nữa".
Ở một thời đại mà "có vẻ khó khăn để cho con cái hình dung được tương lai của mình", ngài đã khuyến khích chúng "đừng sợ hãi dấn thân để xây dựng một thế giới mới", "không ngạo mạn, không tự mãn".
Đức Giáo Hoàng đã biện hộ cho một sự hài hòa giữa các thế hệ: "Cần phải biết thừa nhận giá trị của con cái mình và luôn cần phải thảo kính cha mẹ mình". Điều Răn thứ 4 "chứa đựng cái gì là thiêng liêng, cái gì là thần thần thánh, cái gì ở tận nguồn gốc của mọi hình thức thảo kính giữa con người", ngài đánh giá.
"Một xã hội mà con cái không thảo kính cha mẹ mình là một xã hội không có danh dự",  dành để "chất đầy những đứa trẻ khô cằn và hám lợi", ngài cảnh báo.
"Nhưng một xã hội keo kiệt về thế hệ, không thích có con cái xung quanh, coi con cái như một sự bận rộn, một gánh nặng, một rủi ro, là một xã hội suy tàn… Không thích có con là một lựa chọn ích kỷ. Sự sống làm cho trẻ lại nếu nó lãnh hội được những năng lực mới để phát triển: nó sẽ ngày càng phong phú, sẽ không nghèo đi!" Đức Giáo Hoàng nói tiếp.
Ngài đã kết luận bằng cách yêu cầu đám đông hãy dành "một phút im lặng" để nghĩ đến cha mẹ và con cái mình và để "tạ ơn Thiên Chúa đã ban ơn sự sống cho chúng ta".
A.K.
Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Thân chào quý anh chị em!
Sau khi suy nghĩ về hình ảnh người mẹ và người cha, trong bài giáo lý về gia đình này, tôi muốn nói về đứa con, đúng hơn về các con cái. Tôi lấy ý từ một hình ảnh đẹp của tiên tri Isaia. Ngôn sứ đã viết thế này: "tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi; con trai ngươi từ phương xa xôi, con gái ngươi được ẵm bên hông. Trước cảnh đó, mặt mày ngươi rạng rỡ, lòng ngươi rạo rực, vui như mở cờ" (Is 60, 4-5a). Thật là một hình ảnh lộng lẫy, một hình ảnh hạnh phúc được thể hiện ra trong sự quây quần giữa cha mẹ và con cái, cùng hướng tới một tương lai tự do và an bình, sau một thời gian dài nhớ nhung và xa cách, lúc dân Do Thái còn ở xa tổ quốc của mình.

Quả thật đã có một mối quan hệ chặt chẽ giữa niềm hy vọng của một dân tộc với sự hài hòa giữa các thế hệ. Điều này, chúng ta phải suy nghĩ cho kỹ. Có một mối quan hệ chặt chẽ giữa niềm hy vọng của một dân tộc với sự hài hòa giữa các thế hệ. Niềm vui của con cái làm rung động tấm lòng của cha mẹ và mở ra cho một tương lai mới. Con cái là niềm vui của gia đình và của xã hội. Chúng không phải là một vấn đề của sinh học chửa đẻ, cũng không phải là một phương cách nào khác để hiện hữu. Và chúng lại càng không phải là vật sở hữu của cha mẹ… Không, con cái là một ơn phúc, là một quà tặng: anh chị em hiểu không? Con cái là một ơn phúc. Mỗi đứa là độc nhất và không thay thế được và, đồng thời, đương nhiên là gắn liền với cội nguồn của mình. Quả vậy, là con cái, trai hay gái, theo kế hoạch của Thiên Chúa có nghĩa là mang trong mình ký ức và hy vọng của một tình yêu được thực hiện cụ thể bằng cách ban sự sống cho một con người khác, độc đáo và mới mẻ. Và đối với cha mẹ, mỗi đứa con là bản thân nó, là khác biệt, là riêng biệt. Anh chị em cho phép tôi nhắc một kỷ niệm gia đình. Tôi nhớ tới mẹ tôi, bà nói về chúng tôi –chúng tôi có 5 anh chị em - : "Tôi có 5 đứa con". Khi có người hỏi bà: "Bà thích đứa nào nhất ?", bà trả lời ; "Tôi có 5 đứa con, cũng như tôi có 5 ngón tay. [Đức Giáo Hoàng giơ 5 ngón tay]. Nếu ai đập lên ngón này, tôi đau; nếu đập lên ngón khác, tôi cũng đau. Cả năm ngón đều khiến tôi đau. Tất cả chúng nó đều là con cái tôi, nhưng tất cả không đứa nào giống hệt đứa nào như 5 ngón tay trên một bàn tay". Gia đình, chính là thế đó! Con cái đều khác nhau, nhưng chúng đều là con cái.
Người ta yêu con mình vì nó là con mình, chứ không vì nó đẹp hay vì nó như thế này, thế nọ. Không! Bởi vì đó là con mình! Không bởi vì nó nghĩ như tôi hay nó là hiện thân của những mong ước của tôi. Một đứa con là một đứa con: một sự sống được chúng ta sinh ra, nhưng dành riêng cho nó, cho thiện ích của nó, thiện ích của gia đình, của xã hội, của toàn thể nhân loại.
Chính từ đó cũng đã xuất hiện chiều sâu của kinh nghiệm làm con cái, trai hay gái, sẽ giúp chúng ta khám phá ra cái tầm vóc "nhưng không" của tình yêu, đã không ngừng khiến chúng ta ngạc nhìên. Đó là cái đẹp được ưu tiên yêu thương: con cái được yêu thương trước khi chúng ra đời. Trên quảng trường này, tôi rất thường thấy các bà mẹ khoe tôi cái bụng mang bầu của mình và xin được ban phép lành… những đứa con này thực đã được yêu thương trước khi ra đời. Và điều này, chính là tính nhưng không, chính là tình yêu; chúng được yêu thương trước khi sinh ra, như tình yêu Thiên Chúa là Đấng đã luôn yêu thương chúng ta trước tiên. Con cái được thương yêu trước khi chúng làm được điều gì để xứng đáng sự yêu thương đó, trước khi biết nói hay biết suy nghĩ, và kể cả trước khi sinh ra trên đời này nữa! Làm con cái là điều kiện cơ bản để biết được tình yêu của Thiên Chúa, vốn là nguồn mạch cuối cùng của phép lạ đích thực. Trong tâm hồn của tất cả các con cái, dù mỏng manh đến đâu, Thiên Chúa cũng đã ghi dấu ấn của tình yêu này, vốn là nền tảng của phẩm giá con người, một phẩm giá mà không có gì và cũng không có ai có thể phá hủy được.
Ngày hôm nay, dường như rất khó khăn đối với con cái để hình dung được tương lai của mình. Các bậc làm cha – tôi đã nhắc trong các bài giáo lý trước – có thể đã bước lùi một bước và con cái đã trở nên do dự để xông lên. Chúng ta có thể học biết được quan hệ tốt đẹp giữa các thế hệ của Cha chúng ta trên trời, Đấng đã để mỗi người trong chúng ta được tự do, nhưng không bao giờ bỏ chúng ta cô đơn. Và nếu chúng ta lầm lỗi, Người vẫn tiếp tục kiên nhẫn theo dõi chúng ta trong lúc tình yêu của Người ban cho chúng ta không hề giảm sút. Cha chúng ta trên trời không hề lùi bước trong tình yêu của Người với chúng ta, không bao giờ! Người luôn tiến tới và nếu Người không thể tiến được, Người đợi chờ chúng ta, nhưng Người không bao giờ lùi bước; Người muốn rằng con cái Người phải can đảm và xông lên.
Con cái, về phía mình, không được sợ hãi dấn thân để xây dựng thế giới mới; thật là chính đáng khi chúng muốn rằng thế giới này tốt đẹp hơn những gì chúng đã nhận thấy! Nhưng điều này phải được thực hiện không ngao mạn, không tự mãn. Cần phải biết thừa nhận giá trị của con cái mình và luôn cần phải thảo kính cha mẹ mình.
Điều răn thứ tư yêu cầu con cái – và chúng ta đều là con cái! - phải thờ kính cha mẹ mình (x. Xh 20, 12). Điều răn này đã đứng ngay sau những điều răn liên quan đến chính Thiên Chúa. Quả vậy, điều răn đó chứa đựng cái gì là thiêng liêng, cái gì là thần thần thánh, cái gì ở tận nguồn gốc của mọi hình thức thảo kính khác giữa con người. Và trong sự trình bày điều răn thứ tư trong Thánh Kinh, có thêm một câu: "để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi". Quan hệ nhân đức giữa các thế hệ là một bảo đảm cho tương lai, và chính là sự bảo đảm của một lịch sử thực sự nhân bản. Một xã hội mà con cái không thảo kính cha mẹ mình là một xã hội không có danh dự; khi người ta không thảo kính cha mẹ, người ta cũng mất đi danh dự! Đó là một xã hội dành để chất đầy những đứa trẻ khô cằn và hám lợi. Nhưng một xã hội keo kiệt về thế hệ, không thích có con cái xung quanh, coi con cái như một sự bận rộn, một gánh nặng, một rủi ro, là một xã hội suy tàn. Chúng ta hãy nghĩ tới những xã hội mà chúng ta biết ở Châu Âu này: đó là những xã hội suy tàn bởi vì chúng không muốn con cái, chúng không có con cái, tỷ lệ sinh sản không đạt nổi 1%. Tại sao? Mong mọi người hãy suy nghĩ và trả lời. Nếu một gia đình có nhiều con cái bị coi như là một gánh nặng, thì thật là đã có chuyện gì không xong rồi! Thế hệ con cái phải có trách nhiệm, như sứ điệp Humanae vitae của chân phước Phaolô VI đã dạy; nhưng có thêm con cái không thể đương nhiên trở thành một sự lựa chọn vô trách nhiệm. Không có con cái là một lựa chọn ích kỷ. Sự sống làm cho trẻ lại nếu nó lãnh hội được những năng lực mới để phát triển: nó sẽ ngày càng phong phú, sẽ không nghèo đi! Con cái học cách chăm lo cho gia đình mình, chúng chín mùi khi chia sẻ những hy sinh của gia đình, chúng lớn lên khi đánh giá những quà tặng mà gia đình thể hiện. Kinh nghiệm vui vẻ của tình huynh đệ gợi ý cho sự kính trọng và chăm sóc đối với cha mẹ, mà chúng ta phải mang ơn.
Nhiều người trong chúng ta, ở đây, có con cái và tất cả chúng ta cũng đều là con cái. Chúng ta hãy làm chuyện này, một phút im lặng. Mỗi người trong chúng ta hãy nghĩ thầm trong lòng về con cái mình - nếu có -; và nghĩ trong im lặng. Và tất cả chúng ta, chúng ta hãy nghĩ về cha mẹ chúng ta và cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống. Trong im lặng, những ai có con, hãy nghĩ tới chúng và tất cả chúng ta cùng nghĩ đến cha mẹ chúng ta. [Một phút im lặng]. Xin Chúa ban phúc lành cho cha mẹ chúng con và ban phép lành cho con cái chúng con.
Cầu mong Chúa Giêsu, Ngôi Con đời đời, đã xuống thế làm con trong lịch sử, hộ phù chúng ta tim được con đường có một sự tỏa sáng mới của kinh nghiệm nhân bản thật là đơn giản và vĩ đại này, là sự kiện đưọc làm con cái. Trong sự sinh sôi của các thế hệ, có một mầu nhiệm phong phú hóa sự sống đến từ chính Thiên Chúa. Chúng ta phải tái khám phá nó và bất chấp định kiến; và sống, trong đức tin, trong một niềm vui toàn hảo. Và tôi cũng nói với anh chị em điều này : thật là đẹp biết bao, khi tôi đi qua giữa anh chị em và tôi nhìn thấy những ông cha, bà mẹ đưa cao con cái mình lên để nhận phép lành; đó quả là một cử chỉ gần như thần thánh. Cảm ơn vì đã làm điều đó.
Traduction de Zenit, Constance Roques
Bản dịch tiếng Pháp : Constance Roques (Zenit)
Bản dịch tiếng Việt : Mạc Khải (ghxhcg.com)
(11 février 2015) © Innovative Media Inc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét