Sứ điệp của ĐTC nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2015
“Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn
thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8)
Các bạn trẻ thân mến,
Chúng ta tiếp tục cuộc hành hương
thiêng liêng tiến về Krakow [Ba Lan], nơi mà vào tháng 7.2016 sẽ diễn ra Ngày
Giới Trẻ Thế Giới. Chúng ta đã chọn các mối phúc trong Tin Mừng làm kim chỉ nam
cho chuyến hành trình này. Năm ngoái, chúng ta đã suy tư về mối phúc tinh thần
khó nghèo, trong một bối cảnh rộng lớn hơn của “Bài Giảng Trên Núi”. Chúng ta
đã cùng nhau khám phá ra ý nghĩa mang tính cách mạng của Các Mối Phúc và lời
mời gọi hùng hồn của Đức Giêsu muốn chúng ta lao mình về tương lai với lòng can
đảm để tìm kiếm hạnh phúc. Năm nay, chúng ta sẽ suy tư về mối phúc thứ sáu:
“Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt
5,8).
1.
Khao khát hạnh phúc
Từ “phúc lộc” hay “hạnh
phúc” được nhắc đến chín lần trong bài giảng lớn đầu tiên của Đức Giêsu (x.
Mt 5,1-12). Nó giống như một điệp khúc nhắc nhở chúng ta về lời mời gọi của
Chúa để tiến về phía trước cùng với Ngài trên con đường dẫn tới hạnh phúc đích
thực, dù phải trải qua nhiều thử thách.
Các bạn trẻ thân mến, con người mọi
thời và mọi lứa tuổi đều mưu cầu hạnh phúc. Thiên Chúa đã đặt để trong con tim
của mỗi người nam nữ một khao khát mãnh liệt mong có được hạnh phúc, có được sự
tròn đầy. Các bạn có nhận thấy rằng con tim mình không bao giờ nghỉ yên, nhưng
lúc nào cũng tìm kiếm một sự thiện giúp thỏa mãn cơn khát sự vĩnh hằng không?
Những chương đầu của sách Sáng Thế Ký
trình bày cho chúng ta “phúc lành lớn lao” tuyệt mỹ mà chúng ta được mời gọi
hướng đến. Nó bao hàm một sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa, với người
khác, với tự nhiên và với chính mình. Tự do đến gần Thiên Chúa, thân thiết với
Ngài, và chiêm ngưỡng Ngài là những điều nằm trong kế hoạch mà Thiên Chúa dành
cho nhân loại ngay từ khởi thủy, và ánh sáng thần linh của Ngài đã chiếu rọi vào
tất cả các tương quan nhân loại bằng chân lý và sự ngay thẳng. Trong tình trạng
công chính nguyên thủy, không cần phải “đeo mặt nạ”, không cần dùng thủ đoạn
hay cố gắng che giấu chính mình với người khác. Mọi thứ rất trong sáng và rõ
ràng.
Khi Adam và Eva sa cơn cám dỗ và phá
vỡ tương quan hiệp thông tin tưởng với Thiên Chúa, tội lỗi bắt đầu xâm nhập vào
lịch sử con người (x. St 3). Ngay lập tức, nhiều hậu quả xảy đến, trong tương
quan giữa họ với chính mình, tương quan giữa người này với người kia và với
thiên nhiên. Hậu quả ấy thật bi thảm biết bao! Tình trạng công chính nguyên
thủy đã bị nhiễm uế. Từ đó trở đi, chúng ta không còn được trực tiếp diện kiến
Thiên Chúa nữa. Người nam và người nữ bắt đầu che giấu chính mình, che giấu sự
trần truồng của mình. Thiếu đi ánh sáng đến từ việc chiêm ngắm Thiên Chúa, họ
nhìn thấy thực tại chung quanh mình một cách móp méo, thiển cận. Chiếc “la bàn”
nội tâm hướng họ đến việc truy tìm hạnh phúc mất đi điểm quy chiếu và những mời
mọc hướng đến quyền lực, sở hữu và khao khát thỏa mãn bằng mọi giá đưa dẫn họ
đến hố sâu của đau buồn và phiền não.
Trong các Thánh Vịnh, chúng ta nghe
thấy lời kêu xin con người khẩn nài Thiên Chúa từ sâu thẳm linh hồn mình: “Ai
sẽ cho ta thấy hạnh phúc? Lạy Chúa, xin tỏa ánh tôn nhan Ngài trên chúng con.”
(Tv 4,7). Chúa Cha, trong sự tốt lành vô biên của Ngài, đã đáp lại lời khẩn cầu
ấy bằng cách ban cho nhân loại Người Con của mình. Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đã
mang lấy một khuôn mặt con người. Qua việc nhập thể, cuộc sống, cái chết và sự phục
sinh của Ngài, Đức Giêsu đã cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi và mở ra cho chúng
ta những chân trời mới, cho đến nay chẳng thể nào nghĩ tới.
Các con, những người trẻ thân mến,
nơi Đức Kitô, người ta thấy mình được đong đầy từng khao khát hướng về sự tốt lành
và hạnh phúc của mình. Chỉ mình Ngài mới có thể thỏa mãn những khát vọng sâu
thẳm nhất của các con, vốn thường bị những lời hứa hão huyền của thế gian che
mờ. Như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã từng nói: “Ngài [Đức Giêsu] chính
là nét tuyệt mỹ cuốn hút chúng ta; chính Ngài khơi lên trong chúng ta lòng khao
khát hướng về sự tròn đầy không phải do thỏa hiệp mà có; chính Ngài thôi thúc
các con cởi bỏ cái mặt nạ của một cuộc sống giả dối; chính Ngài đọc thấy trong
tâm hồn của các con những chọn lựa chân thực nhất, mà người khác đang cố gắng
bóp nghẹt. Chính Đức Giêsu khơi lên trong các con khao khát làm một cái gì đó
vĩ đại bằng cuộc sống của các con” (x. Diễn từ tại Buổi cầu nguyện canh thức
tại Tor Vergata, 19.8.2000: Giáo Huấn XXIII/2, [2000], 212)
2.
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch…
Bây giờ chúng ta hãy cố gắng hiểu kỹ
hơn làm thế nào một tâm hồn trong sạch có thể giúp mang đến phúc lành này.
Trước hết, chúng ta cần phải hiểu ý nghĩa Kinh Thánh của từ “tâm hồn/trái
tim”. Trong văn hóa Do Thái, tâm hồn là trung tâm mọi cảm xúc, tư tưởng và
ý hướng của con người. Khi Kinh Thánh dạy chúng ta rằng Thiên Chúa không nhìn
đến cái bên ngoài, nhưng nhìn đến tâm hồn (x. 1Sm 16,7), điều đó có nghĩa là
chính từ tâm hồn mà chúng ta có thể nhìn thấy Thiên Chúa. Là bởi vì, tâm hồn là
con người trong chính sự trọn vẹn của người ấy và là một thể hiệp nhất của xác
và hồn, trong khả năng yêu và được yêu của người ấy.
Thay vào đó, liên quan đến định nghĩa
của từ “trong sạch”, từ Hy Lạp mà Thánh Sử Matthêu dùng là katharos,
có nghĩa cơ bản là thanh sạch, trong lành, không có vết nhơ. Trong
Tin Mừng, chúng ta thấy Đức Giêsu loại bỏ một vài quan niệm về sự thanh sạch
theo nghi thức liên quan đến những cái bên ngoài, cấm tiếp xúc với những vật và
người (kể cả người cùi và người lạ), bị cho là không thanh sạch. Đức Giêsu đã
trở lời một cách dứt khoát với những người Pharisêu, cũng như bao người Do Thái
cùng thời khác, là những người không ăn bất cứ thứ gì mà trước đó không thực
hiện nghi thức rửa tay và tuân giữ nhiều truyền thống liên quan đến việc rửa
sạch bát đĩa, rằng: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có
thể làm cho con người ra ô uế được, nhưng chính cái từ con người xuất ra là cái
làm cho con người ô uế… Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định
xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác
táng, ganh tỵ, phỉ bang, kiêu ngạo, không cuồng” (Mc 7,15.21-22)
Như thế, sự hạnh phúc có được từ tâm
hồn trong sạch như thế nào? Tự một loạt những sự dữ làm cho người ta ô uế mà
Đức Giêsu vạch ra, chúng ta thấy rằng vấn đề này trước hết đụng chạm đến các
mối tương quan của chúng ta. Mỗi người trong chúng ta phải học cách
phân định điều gì có thể “làm vẩn đục” tâm hồn của mình và học cách làm cho
tương tâm của mình công chính và nhạy bén để có thể “nhận định ý Chúa, biết
được điều gì tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2). Nếu chúng
ta cần phải bận tâm chăm lo bảo vệ thiên nhiên, làm sạch bầu không khí, nước,
thức ăn, thì chúng ta càng cần phải lo bảo vệ hơn nữa sự trong sạch của điều
quý giá nhất: tâm hồn của chúng ta và các mối tương quan của chúng ta.
“Sinh thái học con người” này sẽ giúp chúng ta hít thở bầu không khí trong lành
đến từ những điều tuyệt mỹ, tình yêu chân thực và từ sự linh thánh.
Có lần cha hỏi các con câu hỏi: “Kho
tàng của các con ở đâu? Tâm hồn các con tìm thấy nghỉ ngơi ở đâu?” (x. Trả
lời phỏng vấn với Giới Trẻ ở Bỉ, 31.3.2014). Vâng, tâm hồn của chúng ta
đang bám víu vào gia tài thật hay gia tài giả, chúng ta tìm thấy sự nghỉ ngơi
đích thật hay chỉ là thiếp đi thôi, rồi trở nên lười biếng và uể oải. Điều quý
giá nhất mà chúng ta có thể tìm thấy trong cuộc sống là tương quan của chúng ta
với Thiên Chúa. Các con có được thuyết phục về điều này không? Các con có nhận
ra là mình giá trị thế nào trong mắt Thiên Chúa không? Các con có biết là mình
được Ngài yêu thương và chào đón một cách vô vị lợi như các con là, hay không?
Một khi đánh mất ý nghĩa này, con người sẽ trở nên một điều bí ẩn không thể
hiểu nỗi, bởi vì chính nhờ biết mình được Thiên Chúa yêu thương vô điều kiện mà
chúng ta nhận được ý nghĩa của đời sống mình. Các con có nhớ cuộc đối thoại
giữa Đức Giêsu với chàng thanh niên giàu có không (x.Mc 10,17-22)? Thánh Sử
Maccô đã mô tả rằng Chúa Giêsu nhìn anh và đem lòng yêu mến anh (c.21), và sau
đó mời gọi anh hãy theo Ngài để tìm kiếm sự giàu có thực sự. Các bạn trẻ thân
mến, cha hy vọng rằng cái nhìn đầy yêu thương này của Đức Kitô sẽ đồng hành với
mỗi người trong các con trong suốt cuộc đời.
Tuổi trẻ là một khoảng thời gian mà
khao khát tìm kiếm một tình yêu chân thực, tuyệt đẹp và mở rộng bắt đầu nở hoa
trong tâm hồn của các con. Có thể yêu và được yêu làm cho người ta trở nên mạnh
mẽ biết dường nào! Đừng để gia tài quý báu này bị hạ thấp, bị phá hủy hay bị hư
hoại. Điều đó xảy ra khi chúng ta bắt đầu trục lợi người thân cận cho những mục
đích ích kỷ của chúng ta, thậm chí là sử dụng họ như đối tượng để ta tìm thỏa
mãn cho mình. Bao tâm hồn đã bị tan vỡ và tiếp đó là đau buồn do những kinh
nghiệm tiêu cực này. Cha khuyến khích các con: Đừng sợ một tình yêu đúng đắn,
tình yêu mà Đức Giêsu truyền dạy cho chúng ta và Thánh Phaolo đã phác họa rằng:
“Ðức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự
đắc, không làm điều bất chính, không tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận
thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Ðức mến
tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1 Cr 13,4-8)
Khi mời gọi các con tái khám phá nét
đẹp của ơn gọi hướng đến tình yêu của con người, cha cũng thôi thúc các con
chống lại một khuynh hướng đang lan tràn là giảm thiểu tình yêu thành một cái
gì đó sáo rỗng, khi người ta chỉ xem nó dưới khía cạnh tình dục, tách nó ra
khỏi những đặc tính thiết yếu như nét đẹp, sự hiệp thông, sự trung tín và trách
nhiệm. Các bạn trẻ thân mến, “trong một nền văn hóa cho rằng cái gì cũng tạm
thời và tương đối này, nhiều người đã hô hào tầm quan trọng của việc “hưởng
thụ” từng khoảnh khắc. Họ nói rằng chẳng đáng để dấn thân suốt cuộc đời, hay đưa
ra những quyết định dứt khoát, “mãi mãi”, vì chẳng ai biết ngày mai chuyện gì
sẽ xảy ra. Thay vào đó, cha mời gọi các con hãy trở thành những nhà cách mạng,
cha mời gọi các con hãy lội ngược dòng; cha mời gọi các con hãy đứng lên, chống
lại nền văn hóa này, một nền văn hóa xem mọi thứ là tạm thời, và hơn hết, nó
khiến các con tin rằng các con không thể chịu trách nhiện gì cả, các con không
thể có được một tình yêu thực sự. Cha tin tưởng các con và cha cầu nguyện cho
các con. Hãy có dũng lực để “lội ngược dòng”. Và cũng hãy có dũng lực để hưởng
hạnh phúc” (Cuộc gặp gỡ với các tình nguyện viên tại Ngài Quốc Tế Giới Trẻ
XXVIII, 28.7.2013)
Các con, những người trẻ, là những
nhà thám hiểm tài ba! Nếu các con để mình khám phá ra những giáo huấn phong phú
của Giáo Hội về vấn đề này, các con sẽ thấy rằng Kitô giáo không chứa đựng hàng
loạt những cấm đoán vốn là những điều làm hư hoại khao khát hướng đến hạnh phúc
của chúng ta, nhưng đúng hơn đó là một hành trình hướng đến sự sống, có thể thu
phục tâm hồn chúng ta.
3.
… vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa
Nơi tâm hồn của mỗi người nam nữ, lời
mời gọi của Thiên Chúa không ngừng vang lên: “Hãy tìm kiếm dung nhan của Ta!”
(Tv 27,8). Đồng thời, chúng ta luôn phải đối diện với thân phận tội nhân nghèo
hèn của chúng ta. Nhiều lần, chúng ta đọc thấy trong sách Thánh Vịnh: “Ai được
trèo lên cao sơn Chúa? Ai được ở trong Thánh Điện? Đó là kẻ tay sạch lòng
thanh” (Tv 24,3-4). Nhưng chúng không bao giờ được sợ hãi hay nhụt chí: qua
Kinh Thánh và trong lịch sử của mỗi người, chúng ta thấy rằng chính Thiên Chúa
luôn đi bước trước. Ngài thanh luyện chúng ta để chúng ta có thể đi vào trong
sự hiện diện của Ngài.
Khi ngôn sứ Isaia nghe lời mời gọi
của Chúa nói nhân danh Ngài, ông đã kinh khiếp và thốt lên rằng: “Khốn cho tôi!
Tôi chết mất vì tôi là một người môi miệng ô uế” (Is 6,5). Nhưng Đức Chúa đã
thanh luyện ông, sai một thiên thần đến chạm vào môi miệng ông và nói: “Tội lỗi
ngươi đã được tha” (c. 7). Trong Tân Ước, tại biển hồ Genessaret, khi Đức Giêsu
đã mời gọi các môn đệ đầu tiên và Ngài đã thi triển dấu lạ bắt được nhiều cá,
ông Simon đã quỳ xuống dưới chân Ngài, và thưa rằng: “Lạy Chúa, xin tránh xa
con, vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8). Câu trả lời của Đức Giêsu không ai có thể
ngờ tới: “Đừng sợ; từ nay ngươi sẽ trở thành kẻ lưới người” (c.10). Khi một
trong các môn đệ của Đức Giêsu hỏi Người: “Lạy Chúa, xin chỉ cho chúng con thấy
Chúa Cha và như thế chúng con được thỏa mãn”, Đức Giêsu liền đáp lại: “Ai thấy
thầy là thấy Chúa Cha (Ga 14,8-9)
Chúa vẫn luôn mời gọi mỗi người chúng
ta đến gặp Ngài, ở bất cứ nơi đâu hay trong mọi hoàn cảnh nào. Cần phải “quyết
tâm để gặp gỡ Ngài [Đức Giêsu Kitô], tìm kiếm Ngài không ngơi nghỉ. Không có lý
do nào để người ta có thể nghĩ rằng mình không được mời gọi về điều này” (x.
Evangelii Gaudium, 3). Tất cả chúng ta đều là những tội nhân, cần được Chúa
thanh luyện. Nhưng cũng đủ để thực hiện từng bước nhỏ tiến về Giêsu để nhận ra
rằng Ngài luôn đợi chờ chúng ta với cánh tay rộng mở, đặc biệt nơi bí tích Hòa
Giải, một cơ hội thuận tiện nhất để gặp gỡ lòng nhân từ của Thiên Chúa, lòng
nhân từ ấy sẽ thanh luyện và đổi mới con tim chúng ta.
Các bạn trẻ thân mến, Chúa muốn gặp
gỡ chúng ta, muốn chúng ta để cho Ngài “gặp gỡ” mình. Các con có thể hỏi cha:
“Nhưng, như thế nào?” Thánh Têrêsa Avila, sinh tại Tây Ban Nha năm trăm năm
trước, khi còn là một cô bé, đã nói với cha mẹ rằng: “Con muốn gặp Chúa”. Sau
đó, thánh nữ đã khám phá ra con đường cầu nguyện như là cách giúp mình xây dựng
“một tương quan thân mật với Đấng làm cho chúng ta cảm thấy mình được yêu mến”
(Tự thuật, 8,5). Thế nên, câu hỏi mà cha muốn dành cho các con là: “Các con có
cầu nguyện không?” Các con có biết rằng các con có thể nói chuyện với Đức
Giêsu, với Chúa Cha, với Chúa Thánh Thần, như các con nói chuyện với một người
bạn không? Không phải là một người bạn bất kỳ nào đó, nhưng là người bạn tốt
nhất và đáng tin tưởng nhất trong tất cả những người bạn của các con! Các con
hãy thử làm điều đó, bằng sự đơn sơ của mình. Các con sẽ khám phá ra điều mà
một giáo dân xứ Ars chia sẻ với cha sở: Khi con cầu nguyện trước nhà tạm, “con
nhìn Ngài và Ngài nhìn con” (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, 2715)
Một lần nữa, cha mời gọi con hãy gặp
gỡ Chúa qua việc siêng năng đọc Kinh Thánh. Nếu các con chưa có
thói quen làm điều này, hãy bắt đầu với các sách Tin Mừng. Đọc một đoạn hay hai
đoạn mỗi ngày. Hãy để Lời Chúa nói với lòng mình và soi sáng con đường mình đi
(x. Tv 119,105). Các con sẽ thấy rằng người ta cũng có thể nhìn thấy Thiên Chúa nơi
khuôn mặt của anh chị em mình, đặc biệt là nơi những ai bị lãng quên
nhiều nhất: người nghèo, người đói lả, người đang khát, người khách lạ, bệnh
nhân, tù nhân (x. Mt 25,31-46). Các con có kinh nghiệm này bao giờ chưa? Các
bạn trẻ thân mến, để có thể đi vào trong luận lý (logic) của Nước Trời, chúng
ta phải nhận ra rằng chúng ta nghèo với những người nghèo. Một tâm hồn trong
sạch thiết yếu cũng là một tâm hồn bị lột trần trụi, một tâm hồn biết cúi xuống
và chia sẻ chính cuộc sống của mình với những ai đang cần nhất.
Gặp gỡ Chúa trong lời cầu nguyện,
trong việc đọc Kinh Thánh và trong đời sống huynh đệ sẽ giúp các con nhận biết
Thiên Chúa và chính mình rõ hơn. Giống như các môn đệ trên đường Emmaus (x. Lc
24,13-35), lời của Chúa sẽ làm tâm hồn các con bừng cháy và sẽ mở mắt các con
để các con có thể nhận ra sự hiện diện của Ngài trong lịch sử đời các con, khám
phá ra kế hoạch yêu thương mà Ngài dành cho cuộc đời các con.
Một vài người trong các con cảm thấy,
hoặc sẽ sớm cảm thấy, lời mời gọi của Chúa trong đời sống gia đình, để hình
thành một gia đình. Ngày nay, nhiều người nghĩ rằng ơn gọi này đã “hết thời”,
nhưng điều đó không đúng! Vì lý do thế này, toàn thể cộng Đoàn Giáo Hội đang
sống thời gian đặc biệt suy tư về ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo Hội
và trong thế giới đương đại. Ngoài ra, cha mời gọi các con cũng hãy suy xét xem
các con có được mời gọi để sống đời sống thánh hiến hay linh mục không. Thật
tuyệt vời biết bao khi thấy các bạn trẻ đi theo lời mời gọi dâng hiến trọn vẹn
con người mình cho Đức Kitô và phục vụ Giáo Hội. Hãy chất vấn chính mình với
tâm hồn trong sạch và các con đừng sợ điều mà Thiên Chúa đang mời gọi các con!
Từ lời “xin vâng” của các con đến lời mời gọi của Chúa, các con sẽ trở thành
những hạt giống mới gieo niềm hy vọng trong Giáo Hội và trong xã hội. Đừng quên
rằng: điều Thiên Chúa muốn là chúng ta được hạnh phúc!.
4.
Trên đường tiến về Krakow
“Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch
vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8). Các bạn trẻ thân mến, như các con đã thấy, mối
phúc này đụng chạm rất nhiều đến sự hiện hữu của các con và là một sự đảm bảo
cho hạnh phúc của các con. Vì thế một lần nữa, cha khuyến khích các con: Hãy có
dũng lực để hưởng hạnh phúc!
Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm nay là
chặng cuối của hành trình chuẩn bị hướng đến điểm hẹn lớn hơn, mang cấp độ quốc
tế, của các bạn trẻ tại Krakow vào năm 2016. Ba mươi năm trước Thánh Gioan
Phaolô II đã khởi xướng những Ngày Giới Trẻ Thế Giới trong Giáo Hội. Cuộc hành
hương của các bạn trẻ từ khắp các châu lục dưới sự hướng dẫn của Vị Kế Nhiệm
Thánh Phêrô thực sự là một sáng kiến mang tính ngôn sứ và nằm trong sự quan phòng
của Chúa. Chúng ta hãy cùng nhau dâng lời tạ ơn Chúa vì hoa trái quý báu mà
những Ngày Giới Trẻ Thế Giới đã sinh ra nơi đời sống của vô số các bạn trẻ trên
khắp địa cầu. Có biết bao nhiêu khám phá quan trọng được phát hiện ra, đặc biệt
là khám phá rằng Đức Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, rằng Giáo Hội là
một gia đình rộng lớn và luôn đón tiếp mọi người! Có biết bao nhiêu cuộc hoán
cải, biết bao nhiêu chọn lựa ơn gọi nảy sinh từ những cuộc quy tụ gặp gỡ này!
Nguyện xin Thánh Giáo Hoàng [Đức Gioan Phaolo II], Đấng Bảo Trợ của Ngày Giới
Trẻ Thế Giới, chuyển cầu cùng Chúa cho chuyến hành hương của chúng ta hướng về
Krakow yêu dấu của ngài. Và nguyện xin ánh nhìn từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria,
Đấng đầy ân sủng, tuyệt mỹ và trong sáng vô ngần, đồng hành với chúng ta trên
hành trình này.
Từ Vatican, 31.1.2015
GH Phanxicô
Lễ nhớ Thánh Gioan Bosco
Chuyển dịch từ bản Ý ngữ: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét