Trả lại
vị trí trung tâm xã hội cho tình huynh đệ
Bài giáo lý ngày 18 tháng 02 năm 2015 (toàn văn)
Rôma – 18/02/2015 (Zenit.org)
"Hôm nay, hơn bao giờ hết cần phải trả
lại tình huynh đệ vào vị trí trung tâm của xã hội kỹ thuật chuyên chế và quan
liêu chuyên chế của chúng ta: như thế, kể cả tự do và bình đẳng cũng sẽ phải
mang sắc thái chính xác của mình", Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố nhân
buổi triều kiến chung sáng thứ Tư này, 18/02/2015.
Sau khi suy ngẫm trong các cuộc gặp mặt trước
đây về những hình ảnh của người cha và người mẹ, Đức Giáo Hoàng đã dành Bài
giáo lý cho "vẻ đẹp của quan hệ huynh đệ": "Có một người anh,
chị, em thương mến bạn là một trải nghiệm mạnh mẽ, vô cùng quý giá và không thể
thay thế được.
"Sự chúc lành của Thiên Chúa, nơi Chúa
Giêsu Kitô, trải rộng trên quan hệ huynh đệ này làm cho nó nở ra một cách ngoài
trí tưởng tượng, khiến cho nó có thể vượt lên trên những khác biệt giữa các
quốc gia, các ngôn ngữ, các văn hóa và kể cả các tôn giáo", ngài khẳng
định.
Đức Giáo Hoàng đã cảnh giác: "Không có
tình huynh đệ, tự do và bình đẳng có thể chất chứa đầy dẫy cá nhân chủ nghĩa và
tập quán chủ nghĩa, kể cả tư lợi cá nhân.
Tình huynh đệ "chói sáng một cách đặc
biệt trong sự chú tâm đến những người yếu đuối nhất" ngài nhấn mạnh:
"những kẻ nhỏ bé nhất, những kẻ yếu đuối nhất, những kẻ nghèo khổ nhất
phải làm động lòng chúng ta; họ có "quyền" chiếm tâm hồn chúng ta.
Phải, đó là những người anh em chúng ta, và với tư cách đó, chúng ta phải yêu
mến họ và săn sóc họ".
A.K.
Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng
Phanxicô: Gia Đình – V. Anh Chị Em
Thân chào quý anh chị
em!
Trên hành trình các Bài
giáo lý về gia đình, sau khi xem xét vai trò của người mẹ, người cha và các con
cái, hôm nay, đến lượt các anh chị em trong nhà. "Anh chị em" là
những từ ngữ mà Kitô giáo rất ưa thích. Và nhờ vào kinh nghiệm gia đình, đó là
những từ ngữ mà mọi nền văn hóa và mọi thời đại đều hiểu được.
Quan hệ huynh đệ có một
vị trí đặc biệt trong lịch sử dân Thiên Chúa, vốn nhận được mặc khải ngay trong
da thịt kinh nghiệm nhân bản. Thánh vịnh gia đã ca ngợi vẻ đẹp của quan hệ anh
em rằng: "Ngọt ngào, tươi đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên
nhau" (Tv 132, 1). Và đúng vậy, tình anh em thật đẹp! Chúa Giêsu Kitô đã
dẫn đưa đến sự toàn vẹn của nó, kinh nghiệm nhân bản này là tình anh chị em,
bằng cách đảm nhiệm trong tình yêu ba ngôi và phát triển đến độ nó vượt xa hơn
cả những quan hệ máu mủ và nó có thể băng qua mọi bức tường chưa hề biết đến.
Chúng ta biết rõ là khi
quan hệ huynh đệ bị phá hủy, khi tình anh em bị tan vỡ, sẽ mở ra con đường dẫn
đến những trải nghiệm đau thương của chiến tranh, của phản bội, của hận thù.
Câu chuyện Ca-in và Abel trong Thánh Kinh là thí dụ của cái kết thúc tiêu cực
đó. Sau vụ hạ sát Abel, Thiên Chúa đã hỏi Ca-in: "Abel em ngươi đâu rồi?"
(St 4,9a) Đó là câu hỏi mà Chúa còn tiếp tục nhắc lại cho tất cả mọi thế hệ. Và
tuy thế, ở mọi thế hệ câu trả lời thảm hại của Ca-in cũng vẫn còn được nhắc lại:
"Con không biết. Con là người giữ em con sao?" (St 4,9b). Sự đổ vỡ
quan hệ anh em là cái gì trầm trọng và xấu xa cho nhân loại. Kể cả trong một
gia đình, khi anh chị em cãi lộn nhau vì một chuyện nhỏ, hay vì chuyện gia tài,
và không thèm nói chuyện, chào hỏi nhau nữa. Đó thật là trầm trọng! Tình huynh
đệ là cái gì vĩ đại, khi người ta nghĩ rằng tất cả anh chị em đã sống trong
cùng một tấm lòng của một bà mẹ trong 9 tháng trời, cùng sinh ra với da thịt
của người mẹ mình! Và người ta không thể phả hủy tình anh em được. Chúng ta hãy
suy nghĩ một chút : tất cả chúng ta đều biết các gia đình có những người anh em
chia rẽ, cãi cọ; chúng ta hảy cầu xin Chúa, cho những gia đình ấy – cũng có thể
đó là trường hợp của chính gia đình chúng ta - để Chúa giúp đỡ họ hiệp nhất anh
chị em và xây dựng lại gia đình. Tình huynh đệ không thể bị phá hủy, và khi nó
bị phá hủy, nó sẽ xẩy ra điều gì đã diễn ra với Ca-in và Abel. Khi Chúa hỏi
Ca-in em hắn đâu, hắn đáp lại rằng: "Con không biết, Em con không liên
quan gì đến con". Thật là trầm trọng, thật là một chuyện rất, rất là đau
lòng khi nghe thấy thế. Trong kinh nguyện của chúng ta, chúng ta hãy luôn cầu
xin cho những anh em chia rẽ nhau.
Trong bầu khí giáo dục
mở ra với người khác, nếu có một mối quan hệ huynh đệ được hình thành giữa con
cái trong gia đình thì đó là một học đường quan trọng cho tự so và hòa bình.
Trong gia đình, giữa anh em với nhau, người ta học cách sống chung nhân bản,
sống làm sao cùng với người khác trong xã hội. Có lẽ chúng ta không thường ý
thức, nhưng đích thực là gia đình đã mang tình huynh đệ đến cho thế giới! Từ
kinh nghiệm huynh đệ đầu tiên này, được nuôi dưỡng bởi những tình cảm và giáo
dục gia đình, quy mô huynh đệ tỏa sáng như một hứa hẹn cho toàn xã hội và cho
toàn thể những quan hệ giữa các dân tộc.
Sự chúc lành của Thiên
Chúa, nơi Chúa Giêsu Kitô, trải rộng trên quan hệ huynh đệ này làm cho nó nở ra
một cách ngoài trí tưởng tượng, khiến cho nó có thể vượt lên trên những khác
biệt giữa các quốc gia, các ngôn ngữ, các văn hóa và kể cả các tôn giáo
Anh chị em hãy suy nghĩ,
quan hệ giữa con người với nhau sẽ ra sao, dù rằng họ rất khác nhau, khi họ có
thể nói về nhau rằng: "Người này chính là như một người anh em, người kia
chính là như một người chị em đối với tôi!" Điều đó, thật là đẹp! Lịch sử
đã chứng minh đầy đủ rằng, không có tình huynh đệ, kể cả tự do và bình đẳng
cũng có thể chất chứa đầy dẫy cá nhân chủ nghĩa và tập quán chủ nghĩa, kể cả tư
lợi cá nhân.
Tình huynh đệ trong gia
đình còn sáng lên cách đặc biệt khi chúng ta thấy sự ân cần, kiên nhẫn, trìu
mến mà một đứa em trai hay em gái nhỏ bé, yếu đuối, đau ốm hay tàn tật được gia
đình chăm lo. Rất đông anh chị em trong gia đình làm chuyện này, trên toàn thế
giới, và có lẽ chúng ta đánh giá chưa đúng mức lòng đại lượng của họ. Và khi
gia đình có đông anh chị em – ngày hôm nay, tôi đã chào mừng một gia đình có 9
người con - người anh cả hay người chị cả giúp ba, mẹ chăm lo cho các em nhỏ.
Và thật là đẹp, cái công việc giúp đỡ nhau giữa anh chị em trong gia đình.
Có một người anh, một
người chị thương mến bạn là một trải nghiệm mạnh mẽ, vô cùng quý giá và không
thể thay thế được. Tình huynh đệ Kitô giáo cũng như thế. Những kẻ nhỏ bé nhất,
những kẻ yếu đuối nhất, những kẻ nghèo khổ nhất phải làm động lòng chúng ta; họ
có "quyền" chiếm tâm hồn chúng ta. Phải, đó là những người anh em
chúng ta, và với tư cách đó, chúng ta phải yêu mến họ và săn sóc họ. Khi điều
này xẩy đến, khi những người nghèo cảm thấy như ở nhà mình, tình huynh đệ Kitô
giáo của chúng ta sẽ sống lại. Quả vậy, người Kitô hữu đi đến gặp gỡ người
nghèo khổ, người yếu đuối, không phải là để tuân theo một cương lĩnh chủ tuyết,
mà bởi vì Lời và Gương Sáng của Chúa phán dậy với chúng ta rằng chúng ta đều là
anh em. Đó là nguyên tắc của tình yêu Thiên Chúa và của mọi thứ công lý giữa
con người với nhau. Tôi gợi ý cùng anh chị em một điều: trước khi chấm dứt –
tôi còn vài dòng nữa thôi – trong thinh lặng, mỗi người trong chúng ta, hãy
nghĩ đến các anh, chị, em ruột thịt của chúng ta, và trong thinh lặng, trong
thâm tâm, chúng ta hãy cầu nguyện cho họ. Một khoảnh khắc im lặng.
Rồi! Với lời cầu nguyện
này, chúng ta đã cưu mang họ, các anh chị em của chúng ta, trong tư tưởng,
trong trái tim, ở ngay đây, trên quảng trường này, để nhận lấy phép lành.
Hôm nay, hơn bao giờ
hết, cần phải trả lại tình huynh đệ vào vị trí trung tâm của xã hội kỹ thuật
chuyên chế và quan liêu chuyên chế của chúng ta: như thế, kể cả tự do và bình
đẳng cũng sẽ phải mang sắc thái chính xác. Bởi vậy, chúng ta đừng vội vã lấy đi
từ gia đình chúng ta, vì xung động hay vì sợ hãi, vẻ đẹp của một trải nghiệm
huynh đệ rộng rãi giữa con cái trong gia đình. Và chúng ta đừng mất đi lòng tin
tưởng của chúng ta vào tầm nhìn rộng lớn mà đức tin có thể rút ra từ kinh
nghiệm này, được soi sáng bởi phúc lành của Thiên Chúa.
Bản dịch tiếng Pháp: Constance Roques (Zenit)
Bản dịch tiếng Việt: Mạc Khải (ghxhcg.com)
(18 février 2015) ©
Innovative Media Inc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét