Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

Công đồng Vatican II - Ơn gọi và Sứ vụ của người giáo dân

Áp dụng Công Đồng Vatican II,
mối bận tâm của Thánh Gioan-Phaolô II

Năm mươi năm văn kiện về tín hữu giáo dân (bản dịch đầy đủ)

Rôma – 16/11/2015 (ZENIT.org)

"Áp dụng Công Đồng, đưa công đồng vào đời sống hàng ngày của tất cả mọi cộng đoàn Kitô hữu, đó là mối bận tâm mục vụ luôn thúc đẩy Thánh Gioan-Phaolô II", Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhở về vai trò của các tín hữu giáo dân trong Giáo Hội và trên thế giới.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi một thông điệp về vai trò và sứ vụ của giáo dân cho vị chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân, Đức Hồng Y Stanislas Rylko, nhân dịp Ngày Nghiên Cứu được tổ chức bởi thánh bộ này, hợp tác cùng viện đại học Thánh Giá, trên đề tài "Ơn gọi và sứ vụ của giáo dân. Năm mươi năm sau khi công bố sắc lệnh Apostolicam actuositatem".
Sau đây là bản dịch đầy đủ thông điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
A.B.
Thông điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Kính gửi quý huynh của tôi, Đức Hồng Y Stanislaw Rylko, chủ tịch Hội Đồng giáo hoàng về giáo dân,
Tôi xin gửi đến Đức Hồng Y lời chào mừng thân thiện của tôi, cũng như đến tất cả các tham dự viên Ngày Nghiên Cứu được Hội Đồng về giáo dân tổ chức, hợp tác với viện đại học Thánh Giá, trên chủ đề: "Ơn gọi và sứ vụ của giáo dân. Năm mươi năm sau khi công bố sắc lệnh Apostolicam actuositatem".
Hội nghị của quý vị được ghi trong khung cảnh của ngày kỷ niệm 50 năm bế mạc Công Đồng Vatican II, một biến cố ân điển phi thường, như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI khẳng định, đã mang "đặc tính của một hành động tình yêu; một hành động to lớn và đa diện: đối với Thiên Chúa, với Giáo Hội và với nhân loại" ("Bài nói chuyện đầu Kỳ họp thứ tư", ngày 14/9/1965, Giáo Huấn, III, 1965, trang 475). Thái độ tình yêu được canh tân này, đã gợi ý các Nghị Phụ Công Đồng và cũng hướng dẫn, trong muôn vàn hoa trái, tới một cách nhìn mới về ơn gọi và sứ vụ của giáo dân trong Giáo Hội và trên thế giới, và thái độ đó đã tìm được một cách biểu hiện tuyệt vời trưóc hết trong hai tông hiến công đồng, Lumen gentiumGaudium et spes. Các tài liệu căn bản này của Công Đồng coi các tín hữu giáo dân trong một nhãn quan tổng thể của dân Thiên Chúa, họ thống thuộc về dân này cùng với các thành viên của hàng giáo phẩm và các tu sĩ, và trong đó, họ tham gia, theo cách riêng biệt của mình, vào thừa vụ tư tế, tiên tri và vương giả của chính Đức Kitô. Như thế, Công Đồng không coi tín hữu giáo dân như thể họ chỉ là những thành viên "thứ hạng" phục vụ hệ thống giáo quyền, và chỉ là những người thừa hành tầm thường tuân thủ lệnh trên, mà như các môn đệ của Đức Kitô, những người nhờ Phép Rửa và sự sát nhập tự nhiên "vào thế gian", được mời gọi làm sống động mọi môi trường, mọi sinh hoạt, mọi quan hệ con người theo tinh thần Phúc Âm (x. Lumen gentium, 31), trong khi mang đến ánh sáng, niềm hy vọng và tình bác ái lãnh nhận từ Đức Kitô đến các nơi đó. Nếu không, những nơi này sẽ còn xa lạ với tác động của Thiên Chúa và bị bỏ rơi trong sự khốn cùng của kiếp sống con người (x. Gaudium et spes, 37). Không ai ngoài họ ra có thể hoàn tất nhiệm vụ cốt lõi này là "ghi chép lề luật Thiên Chúa vào trong đời sống thị xã dưới thế" (ibid., 43). 

Chính trên bức phông rộng lớn của giáo huấn Công Đồng này đã được đính vào sắc lệnh Apostolicam actuositatem, để chính xác quy định về bản chất và khung cảnh của thừa tác tông đồ giáo dân. Tài liệu này đã mạnh mẽ nhắc nhở rằng "ơn gọi Kitô hữu tự bản chất cũng là một ơn gọi thừa tác tông đồ" (số 2) và rằng, vì lý do đó, việc truyền bá Phúc Âm không dành riêng cho một số "nhà nghề truyền giáo", mà nó phải là ước muốn sâu đậm của tất cả mọi tín hữu giáo dân được mời gọi, nhờ Phép Rửa của họ, không chỉ là làm linh hoạt Kitô giáo các thực tế thế gian, mà còn tham gia vào những công trình Phúc Âm hóa công khai, loan truyền và thánh hóa con người (x. ibid.).
Có thể nói, tất cả giáo huấn công đồng này đã cho phép triển khai trong Giáo Hội việc đào tạo các tín hữu giáo dân, hiện đã mang lại nhiều kết quả. Nhưng Công Đồng Vatican II, cũng như tất cả các công đồng, chất vấn tất cả các thế hệ mục tử và giáo dân, bởi vì đó là một ân điển vô giá của Chúa Thánh Linh, phải được đón nhận với lòng biết ơn và tinh thần trách nhiệm: tất cả những gì được ban cho chúng ta bởi Chúa Thánh Linh và được chuyển tiếp bởi Mẹ Giáo Hội của chúng ta, phải luôn được hiểu biết lại, được thấm nhuần và chìm đắm trong thực tế. Áp dụng Công Đồng, đưa Công Đồng vào đời sống hàng ngày của mọi cộng đoàn Kitô hữu, đó chính là mối bận tâm mục vụ đã luôn thúc đẩy Thánh Gioan-Phaolô II, với tư cách là giám mục và giáo hoàng. Trong Năm Thánh 2000, ngài đã khẳng định: "Một mùa mới đang mở ra trước mắt chúng ta: đó là thời gian  đào sâu những giáo huấn công đồng, thời gian gặt hái những gì các Nghị Phụ công đồng đã gieo trồng và thế hệ những năm vừa qua đã chăm sóc và chờ đợi. Công Đồng Đại Kết Vatican II quả thực là một sấm ngôn cho đời sống của Giáo Hội; và sẽ tiếp tục là sấm ngôn trong nhiều năm của thiên niên kỷ thứ ba vừa mới bắt đầu" ("Diễn văn tại Hội Nghị quốc tế về việc áp dụng những phương hướng của Công Đồng Vatican II", ngày 27/02/2000).
Tôi cầu xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, để cho hội nghị của quý vị, bao gồm các mục tử và các tín hữu giáo dân, sẽ là một sự khuyến ích nên có trong tâm hồn cùng một mối đam mê sống và áp dụng Công Đồng và để mang đến cho thế gian ánh sáng của Chúa Kitô. Tôi xin quý vị, vui lòng, cầu nguyện cho tôi và tôi ban phép lành cho quý vị với tất cả lòng yêu quý của tôi.
Vatican, ngày 22/10/2015
Phụng vụ kính nhớ Thánh Gioan-Phaolô II.
Bản dịch tiếng Pháp : Constance Roques (Zenit)
Bản dịch tiếng Việt : Mạc Khải
(16 novembre 2015) © Innovative Media Inc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét