Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

Giáo lý ĐTC Phanxicô về Gia đình - 32). Tình thân, hàn thử biểu đo sức khỏe các quan hệ gia đình

Tình thân, hàn thử biểu đo sức khỏe các quan hệ gia đình

Bài giáo lý ngày thứ Tư 11 tháng 11 năm 2015 (Bản dịch đầy đủ)

Rôma – 11/11/2015 (ZENIT.org)

"Tình thân là hàn thử biểu đo lường sức khỏe các quan hệ gia đình", Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích.
Đức Giáo Hoàng đã dành Bài giáo lý thứ 32 của ngài về gia đình để nói về "tình thân quanh mâm cơm", trên quảng trường Thánh Phêrô ngày thứ Tư 11/11/2015, trước sự hiện diện của hàng chục ngàn khách hành hương. Theo Đức Giáo Hoàng, một gia đình được nuôi dưỡng bởi Thánh Thể, làm chứng cho thân tình "phổ quát" trong Đức Kitô: "Kitô giáo có một ơn gọi thân tình đặc biệt".
Ngài cũng nhấn mạnh rằng "thân tình" là một "trải nghiệm nền tảng" của người ta trong gia đình và các gia đình Kitô giáo là "học đường của tình thân" và của "tình huynh đệ", đang tác động như chất "men" trong xã hội.
Đầu buổi triều kiến, Đức Giáo Hoàng đã đọc một Kinh Kính Mừng cùng với đám đông cầu nguyện cho Hội Nghị Toàn Quốc của Giáo Hội nhóm họp tại Florence, mà ngài đã tới tham dự vào hôm thứ Ba 10/11/2015
Sau đây là bản dịch toàn văn lời Đức Giáo Hoàng đọc bằng tiếng Ý.
A.B.
Lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Trong những ngày này, Giáo Hội Ý đang họp Hội Nghị Toàn Quốc tại Florence. Các Đức Hồng Y, các Đức Giám Mục, các người thánh hiến và các tín hữu giáo dân, tất cả đều họp chung. Tôi mời gọi anh chị em cầu xin Đức Trinh Nữ Maria cho họ bằng một Kinh Kính Mừng/
[Kính mừng Maria…]
Bài giáo lý
Thân chào quý anh chị em!
Ngày hôm nay, chúng ta sẽ suy nghĩ về một đức tính đặc trưng của đời sống gia đình, nó được học tập ngay từ những năm đầu tiên của cuộc đời: thân tình, nghĩa là thái độ chia sẻ những của cải trên đời và cảm thấy hạnh phúc khi có thể làm như thế. Chia sẻ và biết chia sẻ là một nhân đức cao quý! Biểu tượng của nó, "hình ảnh" của nó là gia đình quây quần chung quanh mâm cơm ở nhà. Sự chia sẻ miếng cơm – và như thế, không chỉ là lương thực, mà còn là những tình cảm, những câu chuyện, những biến cố… - là một kinh nghiệm nền tảng. Khi có một dịp lễ tết, một ngày sinh nhật, một buổi tiệc mừng, người ta quây quần quanh bàn tiệc. Trong nhiều nền văn hóa, theo phong tục người ta cũng quây quần bên bàn ăn trong dịp ma chay, để được gần gũi với người đang đau buồn bởi vì đã mất đi một người thân trong gia đình.
Tình thân là một cái hàn thử biểu đáng tin cậy để đo lường sức khỏe của các quan hệ: nếu, trong gia đình, có điều gì trục trặc, hay những thương tích thầm kín, trên mâm cơm người ta hiểu biết ngay tức khắc. Một gia đình hầu như không bao giờ ăn cơm chung, hay trên mâm cơm không ai chịu nói chuyện mà lại mở truyền hình, hay 'điện thoại thông minh', là một gia đình "ít có tinh thần gia đình".  Khi trên mâm cơm, mà con cái cứ dính vào máy tính, hay điện thoại di động của mình, và không thèm nghe nhau, không còn phải là một gia đình nữa, đó là một nhà nội trú.

Kitô giáo có một ơn gọi đặc biệt về tình thân, ai cũng biết điều đó. Chúa Giêsu đã sẵn sàng giảng dậy trong bữa ăn và đôi khi Người trình bầy Nước Thiên Chúa như một bữa tiệc. Chúa Giêsu cũng đã chọn bữa ăn để truyền lại cho các môn đệ di chúc thiêng liêng - Người đã làm điều đó trong bữa ăn tối – cô đọng trong cử chỉ đáng ghi nhớ sự hy sinh của Người: Người ban Mình và Máu Người như của ăn và của uống cứu độ, nuôi sống tình yêu chân thật và bền vững.
Trong viễn cảnh đó, chúng ta có thể nói, gia đình đang ở "nhà mình" trong thánh lễ, chính bởi vì gia đình mang đến cho thánh lễ kinh nghiệm thân tình của mình và mở ra cho ơn phúc của một tình thân phổ quát, của tình yêu Thiên Chúa đối với thế gian. Khi chia sẻ Thánh Thể, gia đình được thanh tẩy khỏi cám dỗ khép kín, được thêm sức mạnh trong tình yêu và trong sự trung thành và nó nới rộng biên cương cho chính tình huynh đệ của riêng mình theo trái tim Đức Kitô.
Ở thời đại chúng ta, bị ghi dấu bởi những khép kín và bởi quá nhiều bức tường, tình thân, được sinh ra từ gia đình và làm lớn lên bởi Thánh Thể, trở thành một cơ hội mấu chốt. Các gia đình được nuôi dưỡng bằng bí tích Thánh Thể có thể thắng được những sự khép kín và xây dựng những nhịp cầu của đón nhận và bác ái. Phải, Thánh Thể của một Giáo Hội  gia đình, có khả năng khiến cho cộng đoàn trở thành chất men năng động của tình thân và của sự đón tiếp lẫn nhau, là một trường học bao hợp nhân bản, không sợ những sự đụng độ! Không có những kẻ bé mọn, những kẻ mồ côi, những kẻ yếu đuối, những kẻ không được bảo vệ, những kẻ bị thương và những kẻ thất vọng, những kẻ tuyệt vọng và những kẻ bị bỏ rơi nào mà tình thân gia đình trong Thánh Thể không thể nuôi dưỡng, phục hồi, che chở và tiếp cư.
Ký ức các nhân đức gia đình giúp chúng ta hiểu biết. Bản thân chúng ta đã biết, và chúng ta còn biết, phép lạ có thể xẩy ra khi một người mẹ có một cái nhìn và một sự chăm sóc đầy nhân hậu và ân cần dối với con cái người khác, ngoài con cái của chính mình. Cho tới ngày hôm qua, một bà má cũng đủ lo cho tất cả các con trẻ trong sân nhà! Và còn nữa: chúng ta biết rõ sức mạnh mà một dân tộc có được khi những người cha sẵn sàng chuyển động để bảo vệ các con cái của mọi người, bởi vì họ coi các trẻ em là một của cải chung và họ cảm thấy hạnh phúc và hãnh diện khi bảo vệ chúng.
Ngày nay, nhiều bối cảnh xã hội đã ngăn trở tình thân gia đình. Thật vậy, ngày nay không phải chuyện dễ. Chúng ta phải tìm cách lấy lại. Trên mâm cơm, người ta nói chuyện; trên mâm cơm, người ta lắng nghe. Không im lặng, cái im lặng đó không phải là sự lặng thinh của các tu sĩ khổ tu, nhưng là sự im lặng của ích kỷ, mỗi người một phía, hoặc là mê truyền hình, hoặc là mải máy điện toán… và không nói chuyện với nhau. Không được, không im lặng! Phải lấy lại tình thân quanh mâm cơm gia đình, cập nhật với thời đại của chúng ta. Dường như tình thân đã trở thành cái gì mà người ta có thể mua và có thể bán, nhưng đây lại là chuyện khác.
Và lương thực không phải lúc nào cũng là biểu tượng của một sự chia sẻ đồng đều của cải, có khả năng tiếp cận với kẻ không có ăn, vô gia đình. Trong những nước giầu, chúng ta bị khích động đổ tiền để mua sắm dư thừa thức ăn để rồi sau đó lại phải đổ tiền để chữa trị cái dư thừa đó. Và "vụ việc" điên rồ này tháo gỡ sự chú ý của chúng ta ra khỏi cái đói thực sự của thể xác và của linh hồn. Khi không có tình thân quanh mâm cơm, sẽ có ích kỷ, mỗi người chỉ nghĩ tới mình. Huống hồ quảng cáo đã giảm thiểu nó thành một cơn đói trước bữa cơm chiều, một sự thèm bánh ngọt. Trong lúc mà biết bao anh chị em chúng ta bị gạt ra khỏi bàn ăn. Thật là đáng xấu hổ.
Chúng ta hãy nhìn vào mầu nhiệm bàn tiệc Thánh Thể. Chúa bẻ Mình Người và đổ Máu Người cho tất cả mọi người. Thực chất không có một sự chia cắt nào có thể cưỡng lại với sự hy sinh mang tính hiệp thông này được; chỉ có một thái độ giả dối, đồng lõa với cái ác mới chó thể không chấp nhận. Không có một khoảng cách nào có thể cưỡng lại với sức mạnh không tự vệ của tấm bánh bẻ ra và chén rượu đổ xuống, bí tích của độc nhất Mình Chúa. Giao ước sống động và cốt tử của gia đình Kitô giáo đi trước, nâng đỡ và bao gồm, trong tính năng động của sự hiếu khách, những mệt mỏi, những vui mừng hàng ngày, hợp tác với ân sủng của Thánh Thể, có khả năng tạo ra một sự hiệp thông luôn luôn mới mẻ bởi sức mạnh kết hợp và cứu rỗi của Thánh Thể.
Gia đình Kitô giáo, như thế, sẽ cho thấy tầm rộng lớn chân trời đích thực của mình, vốn là chân trời của Giáo Hội, Mẹ của mọi người, của những người bị bỏ rơi và bị thải loại, trong mọi dân tộc. Chúng ta hãy cầu nguyện cho cái tình thân gia đình này có thể lớn lên và chín mùi trong thời khắc ân sủng này là Năm Thánh Lòng Thương Xót.
Bản dịch tiếng Pháp : Constance Roques (Zenit) - Bản dịch tiếng Việt : Mạc Khải
(11 novembre 2015) © Innovative Media Inc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét