Tha thứ
trong gia đình làm cho xã hội bớt hung ác
Bản dịch toàn văn Bài giáo lý từ tiếng Ý.
Rôma – 04/11/2015 (ZENIT.org)
Các gia đình biết tha thứ sẽ giúp cho xã hội
"bớt hung dữ và bớt độc ác".
Đức Giáo Hoàng đã dành Bài giáo lý ngày thứ Tư,
04/11/2015 này, trên quảng trường Thánh Phêrô, trước sự hiện diện của hàng chục
ngàn khách hành hương, được khuyến khích bởi thời tiết nắng đẹp, cho gia đình
và cho sự thứ tha.
"Gia đình là một phòng thể dục rộng lớn,
để tập luyện hiến tặng và tha thứ cho nhau; không có cái đó, không có tình yêu
nào có thể kéo dài lâu ngày được", Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích.
Sự tha thứ này là một đặc tính của gia đình,
Đức Giáo Hoàng giảng giải: "Khả năng tha thứ và nhận tha thứ là thành phần
của ơn gọi và sứ vụ của gia đình".
Nhưng đó cũng là điều kiện tiến hóa của xã
hội, và của Hội Thánh: "Thực hành tha thứ không chỉ cứu thoát gia đình ra
khỏi phân ly, mà còn làm cho gia đình có khả năng giúp cho xã hội trở nên bớt
hung dữ và bớt độc ác". "Phải, mỗi cử chỉ tha thứ hàn gắn những rạn
nứt của căn nhà và tăng cường các vách tường của nó. Các gia đình thân mến,
Giáo Hội luôn ở sát bên để giúp đỡ các gia đình xây dựng căn nhà trên tảng đá
mà Chúa Giêsu đã phán", Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng tuyên bố, Thượng
Hội Đồng "đã là một biến cố ơn phúc" và ngài thông báo rằng bây giờ
ngài phải "suy ngẫm" về kết quả làm việc của các Nghị Phụ.
Sau đây là bản dịch toàn văn Bài giáo lý của
Đức Giáo Hoàng Phanxicô từ nguyên bản bằng tiếng Ý.
A.B.
Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Thân chào quý anh chị
em!
Thượng Hội Đồng các
giám mục mới kết thúc gần đây, đã suy nghĩ sâu xa về ơn gọi và sứ vụ của gia
đình trong đời sống của Hội Thánh và của xã hội ngày nay. Đây là một biến cố
của ơn phúc. Cuối cùng, các Nghị Phụ đã đệ nạp cho tôi văn bản kết luận của các
ngài. Tôi đã muốn rằng văn bản này được công bố để tất cả mọi người chia sẻ
công việc đã trưng dụng tất cả chúng ta trong vòng hai năm qua. Bây giờ không
phải là lúc nghiên cứu những kết luật đó, đích thân tôi còn phải suy ngẫm chúng
đã.
Nhưng từ nay đến đó, cuộc
sống không dừng lại, đặc biệt là đời sống gia đình không ngưng được! Các gia
đình thân mến, các bạn luôn còn bước đi trên đường. Và các bạn còn liên tục
viết lên trên những trang của cuộc đời cụ thể, vẻ đẹp của Phúc Âm gia đình.
Trên một thế giới, đôi khi trở nên khô cạn sự sống và tình yêu, mỗi ngày các
bạn vẫn nói lên ơn phúc lớn lao của hôn nhân và gia đình.
Hôm nay, tôi muốn nhấn
mạnh đến khía cạnh này: Gia đình là một thao trường, để tập luyện
hiến tặng và tha thứ cho nhau; không có cái đó, không có tình yêu nào có thể
kéo dài lâu ngày được. Nếu ta không hiến tặng cho nhau và nếu ta không tha thứ
cho nhau, tình yêu không có ở đó, nó không trường tồn. Trong lời cầu nguyện mà
đích thân Người đã dạy cho chúng ta, Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu đã truyền cho
chúng ta cầu xin Cha: "Tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có
nợ chúng con". Và sau cùng, Người giảng dạy như sau: "Thật vậy, nếu
anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh
em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không
tha lỗi cho anh em" (Mt 6, 12.
14-15). Người ta không thể sống mà không tha thứ, hay ít là không thể sống tốt,
nhất là trong gia đình. Mỗi ngày chúng ta đều có thể làm hại lẫn nhau. Chúng ta
phải tính đến những lỗi lầm đó do sự yếu đuối và ích kỷ của chúng ta. Nhưng
điều yêu cầu chúng ta, chính là phải lập tức chữa lành những thương tích mà
chúng ta đã gây cho nhau, lập tức nối lại những sợi dây thân tình mà chúng ta
đã cắt đứt trong gia đình chúng ta. Nếu chúng ta để quá lâu, mọi sự sẽ trở
thành khó khăn hơn. Và có một bí quyết đơn giản để chữa lành các vết thương và
để cởi mở những cáo buộc. Đó là như thế này: đừng để qua hết ngày mà không xin
lỗi, không làm hòa giữa hai vợ chồng, giữa cha mẹ với con cái, giữa anh chị em
với nhau… giữa mẹ chồng và nàng dâu! Nếu chúng ta học cách xin lỗi ngay và tha
thứ cho nhau ngay, thì các vết thương sẽ mau lành, hôn nhân thêm được sức mạnh
và gia đình trở thành một ngôi nhà luôn luôn vững chắc, có thể chống đỡ được
những rung chuyển gây ra bởi những ác tính lớn nhỏ của chúng ta. Và vì thế
không cần phải nhiều lời, mà chỉ cần một cái vuốt ve: một cái vuốt ve và tất cả
chấm dứt và bắt đầu trở lại. Nhưng đừng để hết một ngày trong chiến tranh!
Nếu chúng ta học tập
sống như thế trong gia đình, chúng ta cũng làm điều đó ở bên ngoài, ở khắp mọi
nơi chúng ta bước chân đến. Thật là quá dễ để bi quan vể điểm này. Nhiều người,
kể cả có những Kitô hữu, nghĩ rằng làm như thế là quá lố. Người ta nói: vâng,
đó là những lời hay ý đẹp, nhưng không thể mang ra thực hiện được. Nhưng tạ ơn
Thiên Chúa, không phải như vậy. Thực chất, chính là khi nhận được sự tha thứ
của Thiên Chúa mà đến lượt chúng ta, chúng ta có khả năng tha thứ cho người
khác. Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã muốn chúng ta nhắc lại những lời này mỗi
khi chúng ta đọc Kinh Lậy Cha, nghĩa là mỗi ngày. Và không thể thiếu được trong
một xã hội đôi khi tàn nhẫn, còn có những nơi, như trong gia đình, nơi người ta
học tập tha thứ cho nhau.
Thượng Hội Đồng cũng đã
khơi lại niềm hy vọng của chúng ta trên điểm này: khả năng tha thứ và nhận tha
thứ là thành phần của ơn gọi và sứ vụ của gia đình. Thực hành tha thứ không chỉ
cứu thoát gia đình ra khỏi phân ly, mà còn làm cho gia đình có khả năng giúp
cho xã hội trở nên bớt hung dữ và bớt độc ác. Phải, mỗi cử chỉ tha thứ hàn gắn
những rạn nứt của căn nhà và tăng cường các vách tường của nó. Các gia đình
thân mến, Giáo Hội luôn ở sát bên để giúp đỡ các gia đình xây dựng căn nhà trên
tảng đá mà Chúa Giêsu đã phán. Và chúng ta đừng quên những lời này ngay trước
dụ ngôn căn nhà: "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: 'Lạy Chúa, lạy
Chúa!' là được vào nước Trời cả đâu, nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha
Thầy" Và Người phán thêm: "Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với
Thầy rằng: 'Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà
nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ… đó sao ?' Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố
với họ: 'Ta không hề biết các ngươi'." (x. Mt 7, 21-23). Có lẽ, đó là một lời mạnh mẽ, có mục đích lay động
chúng ta và kêu gọi chúng ta hối cải.
Các gia đình thân mến,
tôi đoan chắc với các bạn rằng nếu các bạn có khả năng lữ hành, luôn với nhiều
quyết tâm hơn trên con đường Ơn Phúc, khi học tập và giảng dạy tha thứ cho
nhau, trong toàn thể đại gia đình Giáo Hội, thì khả năng làm chứng cho sức mạnh
canh tân tha thứ của Thiên Chúa sẽ lớn lên. Nếu không, chúng ta sẽ có những bài
giảng rất hay, có thể chúng ta cũng sẽ trừ được vài con quỷ, nhưng rốt cuộc
Chúa sẽ không nhận biết chúng ta như môn đệ của Người, bởi vì chúng ta đã không
có khả năng tha thứ và nhận được sự tha thứ của những người khác.
Thực chất các gia đình
Kitô giáo có thể giúp ích nhiều cho xã hội ngày nay và cho Hội Thánh. Chính vì
thế mà tôi muốn rằng, trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, các gia đình tìm lại
được kho tàng của sự tha thứ cho nhau. Chúng ta hãy cầu nguyện để các gia đình
ngày càng có khả năng sống và xây dựng những con đường cụ thể của hòa giải, nơi
mà không có ai cảm thấy bị bỏ rơi dưới gánh nặng của nợ nần.
Trong ý chỉ này, chúng
ta hãy cùng nhau thưa rằng: "Lậy Cha, xin tha nợ chúng con như chúng con
cũng tha kẻ có nợ chúng con".
Bản
dịch tiếng Pháp : Constance Roques (Zenit)
Bản
dịch tiếng Việt : Mạc Khải (ghxhcg.com)
(4 novembre 2015) ©
Innovative Media Inc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét