Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Chuyên đề cuối tuần - TTMV SG 23/11/2013


Tư duy phản biện, nhân tố phát triển xã hội

Đã qua lâu rồi cái thời thiếu thông tin; giờ đây, người ta có cảm giác “bội thực” thông tin; đôi khi, chúng ta phải tiếp nhận những thông tin không cần thiết; thậm chí, có lúc chúng ta bị một số thông tin định hướng cho cuộc sống của mình. Tuy nhiên, tiếp cận và tiếp nhận thông tin như thế nào mới là điều quan trọng. Trước một thông tin xuất hiện, có người tin ngay, có người cho là tin đồn, người khác lại nhận ra đó là thông tin bóp méo sự thật. 



Làm sao có thể phân định thật giả trước một lượng thông tin khổng lồ và đa chiều như thế? Chiều thứ Bảy 23/11/2013 vừa qua,Thạc sĩ Phạm Thị Thúy, Giảng viên Đại học Hành Chánh, đã giới thiệu một cách “nghĩ khác” trước một tin tức chúng ta tiếp nhận qua đề tài “Tư Duy Phản Biện”, do Chương trình Chuyên đề Giáo Dục, thuộc Ban Mục vụ Gia đình TGP Sài Gòn tổ chức tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận.

Trước khoảng gần 100 bạn trẻ tham dự chuyên đề, cô Thúy đã tạo bầu khí sôi nổi ngay từ đầu khi đặt câu hỏi các bạn trẻ mong đợi gì khi đến tham gia chuyên đề này. Có bạn thì muốn biết phản biện là gì, có bạn thì muốn tìm hiểu khi nào nên phản biện, khi nào không, bạn khác lại muốn biết cách thuyết phục người khác. Còn Thạc sĩ Thúy thì nói rằng đây là đề tài không dễ chia sẻ gói gọn trong 3 giờ đồng hồ khi sinh viên đại học phải học đến 45 tiết. Tuy nhiên, cô sẽ trình bày một cách ngắn gọn và khái quát để các tham dự viên hiểu được thế nào là tư duy phản biện, cùng với kỹ năng phản biện và cách thức đón nhận sự phản biện của người khác.

Từ một câu chuyện thời sự

Cô Thúy đã đặt ra một tình huống thời sự trong những ngày qua. Bạn nghĩ gì khi nhận được thông tin: “Hủ tiếu gõ: nấu ngọt nước bằng chuột cống”. Trước thông tin này, trong số các tham dự viên có người kinh hãi những người bán hủ tiếu gõ, có người nghi ngờ thông tin, có người không tin, có người đặt ra câu hỏi rằng liệu có phải tất cả những nồi hủ tiếu đều được nấu bằng thịt chuột cống hay không. 

Trên thực tế, thông tin này đã được các tờ báo chứng minh đó chỉ là tin đồn giật gân câu khách, nhưng nó đã gây hệ luỵ không lường, ảnh hưởng trực tiếp đến những người mưu sinh bằng những chiếc xe hủ tiếu gõ trên đường phố. Vấn đề đặt ra là tại sao tin đồn có đất sống? Trong thời đại thông tin hiện nay, những tin đồn tương tự không ít, bên cạnh đó là những thực tế hỗn loạn của xã hội làm cho người ta nghi ngờ, lo lắng rất nhiều thứ, nhất là những vấn đề liên quan đến những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày, cũng như liên quan trực tiếp sức khoẻ, mạng sống con người. Sở dĩ tin đồn có đất sống là vì nó đánh vào tâm lý của con người lo lắng cho sức khoẻ trước thực trạng đã có quá nhiều thứ độc hại trong vấn đề vệ sinh thực phẩm, trong khi tin đồn đưa ra rất mơ hồ, chưa có thông tin chính xác cùng với cơ chế thông tin chưa công khai, minh bạch. Nguyên nhân chính là do người ta không có tư duy phản biện, không biết nghi ngờ, hoài nghi, không biết tìm thông tin kiểm chứng ở đâu, nên khi nghe tin đồn như trên là ngay lập tức tẩy chay hủ tiếu gõ. Tư duy phản biện vô cùng cần trong xã hội chúng ta, càng cần hơn bao giờ hết khi thông tin đến quá nhanh, quá mạnh, quá lớn.



Như vậy, những quan điểm hằng ngày là của chúng ta hay là quan điểm được gán cho chúng ta. Chẳng hạn phải làm ra nhiều tiền, phải sắm Ipad, Iphone… Rất nhiều luồng thông tin tác động đến chúng ta từ internet, từ báo chí, từ TV, từ người thân, từ đám đông. Chúng ta bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông rất lớn. Đôi khi quan điểm không phải là của chúng ta mà là do người khác gán cho chúng ta. Vậy, chúng ta có nên tin vào những quan điểm bị gán cho đó không và sống với nó như thế nào? Cuộc sống chúng ta sẽ bị chi phối bởi những thông tin này, từ suy nghĩ, cảm xúc sẽ thúc bách chúng ta hành động ngay lập tức.

Đâu là quan điểm của chúng ta? Cái gì tạo nên quan điểm của chúng ta? Tư duy phản biện sẽ giúp thu nhận những kinh nghiệm, những kiến thức, những quan điểm, những thông tin từ các nguồn khác nhau. Nó trở thành quan điểm thực sự của mình khi chúng ta đã tin với sự xác tín. Tôi tin vì tôi biết nó đúng chứ không phải tôi tin vì người khác bảo tôi tin.

Tư duy phản biện là gì?

Có người nói tư duy là suy nghĩ nhưng không phải mọi suy nghĩ đều là tư duy. Khi bạn bắt đầu đặt câu hỏi và tìm câu trả lời, thì đó cũng là lúc bạn đang tư duy. “Một người biết đặt câu hỏi là một người biết tư duy” (William Wilen). Về mặt thuật ngữ thì critical thinking là tư duy phê phán, tư duy phản biện, hai thuật ngữ tiếng Việt này là như nhau. 

Theo Sơ đồ tư duy phản biện của John Hilsdon, Đại học Plymouth thì từ một vấn đề nào đó, chúng ta cần mô tả nó, thu thập thông tin về nó (5W1H: what - cái gì, when - khi nào, who - ai, where - ở đâu, why - tại sao, how - như thế nào), sau đó phân tích và đánh giá xem thông tin đó là gì, người ta đưa ra thông tin đó nhằm mục đích gì, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo (What it? So what? What next?). Cần phải đặt ra những câu hỏi đằng sau một vấn đề được đưa ra để đào sâu vấn đề, đó là mục tiêu của tư duy phản biện.

Theo tài liệu tập huấn về Kỹ Năng Sống của tổ chức World Vision Việt Nam, thì có hai định nghĩa về tư duy phản biện:

“Tư duy phản biện là một quá trình tư duy biện chứng gồm phân tích và đánh giá một thông tin đã có theo các cách nhìn khác cho vấn đề đã đặt ra nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề. Lập luận phản biện phải rõ ràng, lôgíc, đầy đủ bằng chứng, tỉ mỉ và công tâm”.

“Tư duy phê phán là hoạt động nhận thức của trí óc có đặc điểm nhìn vấn đề một cách hoài nghi tích cực, nhiều chiều, lật lại vấn đề / không xuôi chiều để phân tích độ tin cậy, nhìn nhận vấn đề một cách hợp lý, chỉ ra chỗ không hợp lý. Sau đó, sử dụng lý lẽ, luận cứ, lập luận chặt chẽ, logic, có cơ sở thuyết phục để bảo vệ chính kiến / chân lý, lẽ phải, các quan điểm khác nhau”.

Những câu hỏi có tính phản biện



Tại sao lại bạn / họ đưa ra được kết luận đó? Dựa vào đâu mà bạn / họ có khẳng định điều đó? Bạn / họ lấy thông tin này từ đâu? Tại sao điều này lại quan trọng? Điều gì có thể giải thích cho hiện tượng này? Còn những phương án nào khác, làm thế nào để tốt hơn nữa?

Mục đích của những câu hỏi này là nhằm kiểm chứng tính hợp lý của thông tin, sự chính xác của thông tin, nghĩa là có một cách nhìn khác trước một thông tin. Thông tin được đưa ra là một cách nhìn của người đưa tin, còn cách nhìn của chúng ta thì sao?

Tư duy phản biện đòi hỏi phải có tư duy rõ ràng, lập luận phải có dẫn chứng, luận cứ phải thuyết phục, đáng tin cậy, thông tin có thể kiểm chứng được. Tư duy mở (open-minded): không bị đóng khuôn trong định kiến. Thái độ mở (open-hearted): mong muốn mở rộng vấn đề.

Bài tập thực hành

Để thực tập về tư duy phản biện, cô Thúy đã đề nghị chia nhóm tranh luận để đưa ra quan điểm của mình về câu nói: 


“Cá không ăn muối cá ươn

Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”.



Các tham dự viên đã chia ra hai nhóm đồng ý và không đồng ý về câu nói trên và đã thảo luận nhóm, sau đó cử ra 3 người đại diện để bảo vệ quan điểm của mình.

Nhóm thứ nhất không đồng ý với câu nói trên thì cho rằng không phải khi nào con cái cãi cha mẹ cũng là con hư. Ngày nay, có những người con chọn trường đại học không theo ý cha mẹ, vì chỉ có bản thân họ hiểu mình hơn ai hết, hiểu khả năng và lực học của mình, cha mẹ chỉ nên định hướng cho con cái, chứ không nên áp đặt con cái. Có những điều cha mẹ dạy chưa chắc đã là đúng, nếu nghe theo lời cha mẹ dạy sai sẽ làm sai. Con cái không nghe lời cha mẹ cũng có thể tạo ra những điều mới mẻ, và với cách tư duy mới thì mới tạo động lực phát triển cho xã hội.

Nhóm đồng ý với câu nói trên thì cho rằng câu ca dao được đúc kết từ những kinh nghiệm bao đời của ông cha ta nên đó là một kinh nghiệm đúng. Tuỳ theo bối cảnh, góc nhìn mà nó đúng đến mức độ nào. Khi cha mẹ đưa ra định hướng để con đi theo, con cái nên thảo luận để thống nhất vấn đề với cha mẹ chứ đừng đi ngược với ý định của cha mẹ, chắc chắn sẽ gặp phải những kết quả không như mong muốn. Khi cha mẹ yêu cầu con làm điều gì đó cũng thường mong muốn những điều tốt đẹp cho con. 

Hai nhóm đã rất nỗ lực để đưa ra lập luận bảo vệ quan điểm của mình, nhưng rõ ràng quá trình bảo vệ quan điểm không hề dễ dàng vì không khéo sẽ dẫn dắt từ tranh luận sang tranh cãi, từ phản biện sang nguỵ biện. Để tóm kết, cô Thúy đã đặt ra những câu hỏi “Câu nói này có hoàn toàn sai hay hoàn toàn đúng không? Trường hợp nào thì nên nghe lời cha mẹ, trường hợp nào thì không? Câu này còn đúng bao nhiêu phần trăm trong thời đại ngày nay? Tại sao ngày xưa họ khuyên con cái như vậy? Tại sao ngày nay chúng ta có thể làm khác đi?”. Ngày xưa, khi công nghệ thông tin chưa có, cha mẹ là người nhiều kinh nghiệm nhất, là người nhiều trải nghiệm nhất, họ nói với con những điều tốt nhất. Nhưng ngày nay, đôi khi con cái ở thành thị, cha mẹ ở nông thôn, có thể không biết mọi thứ đang xảy ra, họ không biết được những cơ hội nghề nghiệp hay trường học nào tốt, trường nào không, nghề nào tốt với khả năng với con cái. Vì thế, con cái có thể thảo luận với cha mẹ để tìm ra đường lối tốt nhất, vì thế con cái không phải cãi lời cha mẹ mà biết cách bảo vệ quan điểm của mình, biết đưa ra thông tin để thuyết phục cha mẹ. 

Chính quan điểm trên của người Việt Nam mà tư duy phản biện của người Việt Nam không phát triển, dễ tin vào người khác mà không cần kiểm chứng. Tóm lại, tư duy phản biện là “NGHĨ KHÁC”, biết nhìn vấn đề với một suy nghĩ khác, biết ẩn ý đằng sau mỗi thông tin, biết mở rộng vấn đề, đào sâu vấn đề. 

Tại sao cần tư duy phản biện? cần đến mức nào? 

Trả lời câu hỏi này, một chị cho hay tư duy phản biện rất cần cho xã hội vì nếu không có tư duy phản biện thì xã hội không phát triển và xã hội sẽ dần đi đến thoái bộ, thậm chí là thụt lùi. Nếu không có tư duy phản biện người ta dễ bị dẫn dụ, bị lợi dụng vào những mục đích nào đó, vào chủ ý của một thế lực nào đó hoặc của một con người nào đó. Mỗi con người cần phải có tư duy phản biện trong đời sống, trong nhận thức, trong từng quyết định của mình. Nếu có tư duy phản biện sẽ làm xã hội mở, xã hội phát triển.

Một anh kể rằng thời đi học đại học, anh tiếp cận vấn đề một chiều từ thầy cô giáo, không được nói khác, nghĩ khác, ngay cả giải toán với mục đích tìm ra đáp số mà thôi cũng không được làm khác. Nhờ môi trường internet, anh mới biết được chỉ có một số nước chậm tiến bộ mới nghĩ rằng tư duy một chiều là hay, còn thế giới văn minh thì luôn chấp nhận những điều khác biệt từ người khác. Khi chấp nhận những cái hay, những sự khác biệt của người khác thì xã hội mới muôn màu, muôn vẻ, làm giàu có cho xã hội hơn.

Một bạn trẻ thì cho rằng tư duy phản biện giúp em không nhìn vấn đề một chiều mà nhìn đa chiều. Khi tiếp nhận thông tin, tư duy phản biện giúp bảo vệ chính kiến của mình, đồng thời khi được phản biện thì học hỏi thêm cách nghĩ khác, nhìn vấn đề sâu sát hơn.

Tư duy phản biện trong thời đại bùng nổ thông tin 

Cần phải phản biện vì thông tin rất mau bị lỗi thời. Cần đánh giá tính xác thực của thông tin vì có quá nhiều luồng thông tin đến với chúng ta. Cần lọc ra những thông tin cần thiết, những thông tin chất lượng, những thông tin đáng tin cậy, những thông tin hợp lý, những thông tin có lợi, những thông tin đã được kiểm chứng. Muốn có tư duy phản biện thì người dân phải có môi trường phản biện, phải được cung cấp thông tin mới phản biện được vì phản biện dựa trên thông tin chứ không chỉ dựa trên lập luận.

Lợi ích của tư duy phản biện

Khi có tư duy phản biện, chúng ta sẽ biết cách quản lý đời sống của mình phụ thuộc vào những gì chúng ta tin là thật và những khẳng định - chân lý chúng ta chấp nhận. Tư duy phản biện giúp giải quyết vấn đề hay thuyết phục người khác một cách thấu tình, đạt lý. Nó giúp hiểu biết sâu về những quan điểm của bản thân cũng như những người xung quanh. Cần tránh những nhận định sai lầm do định kiến, những lý thuyết giáo điều hay những niềm tin mù quáng. Tư duy phản biện sẽ giúp ta vượt qua niềm tin cũ (nếu sai lầm, lạc hậu), xác lập niềm tin mới, và chúng ta sẽ có tư duy mở trước sự thay đổi. 

Kỹ năng phản biện và nhận sự phản biện 

Trước khi đưa ra những tiêu chí cần thiết cho kỹ năng phản biện và tiếp nhận sự phản biện, cô Thuý đã đặt ra 2 câu hỏi để thảo luận và đã nhận được những ý kiến trả lời phong phú từ các tham dự viên.

Câu 1: Làm thế nào để mình phản biện ý kiến người khác mà họ tâm phục khẩu phục?

Những ý chính trả lời câu hỏi của các tham dự viên: Hiểu vấn đề. Không hoàn toàn bác bỏ người khác. Lắng nghe để đặt mình vào vị trí của người khác. Chọn những điểm vô lý. Thông tin chính xác. Có dẫn chứng cụ thể. Lập luận logic. Chọn thời điểm đúng lúc. Khen chê dựa trên tinh thần xây dựng. Đặt câu hỏi. Phải có kỹ năng nói, khách quan, không chỉ trích. Tế nhị, tôn trọng. Rút ra bài học chung.

Câu 2: Làm thế nào để khi nghe người khác phản biện ý kiến của mình mà mình không tự ái? 

Những ý chính trả lời câu hỏi của các tham dự viên: Chuẩn bị tâm thế đón nhận phản biện. Quan sát, tách mình ra khỏi vấn đề, lắng nghe và thấu hiểu. Hạ cái tôi của mình xuống. Quản lý cảm xúc. Có quy tắc tranh luận. Hiểu được lợi ích phản biện. Nghe kỹ và dùng lý trí để phân tích. Có tinh thần học hỏi, có kiến thức rộng. Khiêm nhường, hoà nhã, biết cách cười và có thiện chí. Có tư duy mở, nhìn nhiều chiều. Suy nghĩ tích cực. Cố tình tạo sự phản biện để có cơ hội nhận ra mình chưa chắc đúng.

Sau khi tóm kết những câu hỏi thảo luận cô Thuý đã đưa ra những điểm chính cần biết về kỹ năng phản biện. Muốn phê bình, ta phải khen trước vì khen là ghi nhận ý kiến người khác. Khi phản biện vấn đề, không phê phán con người vì dễ rơi vào công kích cá nhân, rơi vào bẫy nguỵ biện. Nên gợi ý để người ta có cách nhìn khác, quan điểm khác như đưa ra ý tưởng mới, cách nhìn mới, không nên nói ai sai, ai đúng. Đặc biệt là cần có thái độ tôn trọng, cởi mở. 

Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý là phản biện ý kiến bản thân quan trọng hơn phản biện ý kiến người khác vì phản biện là cách ý thức bản thân mình. Hãy tôn trọng sự khác biệt vì “người da trắng, người da màu đều có chung một Chúa là Cha”. Mọi quan điểm đều phải dựa trên những luận chứng và luận cứ tin cậy và có thể kiểm chứng, hãy tìm đủ chứng cứ cần thiết rồi hãy phản biện. Phản biện là một quá trình liên tục, không có điểm kết thúc, hãy dừng lại khi cuộc tranh luận căng thẳng. Người có tư duy phản biện không phải lúc nào cũng phản biện, mà là phản biện đúng lúc, đúng lúc về tâm lý hai bên, đúng lúc về thời điểm xã hội, về điều kiện khách quan. Một quá trình tư duy phản biện đòi hỏi phải rõ ràng, mạch lạc, chính xác, thống nhất, ngắn gọn. Có những giải thích và lý do phù hợp, khách quan, toàn diện và có chiều sâu.

Nếu đã hiểu phản biện là gì, nếu có tinh thần phản biện, có thái độ phản biện thì rất dễ đón nhận sự phản biện. Tuy nhiên, trên thực tế, điều đó không dễ dàng. Kỹ năng nhận phản biện đòi hỏi trước tiên cần phải lắng nghe, suy nghĩ tích cực để quản lý cảm xúc. Hoài nghi tích cực là nhìn nhận cái đúng và cái chưa đúng, nhìn ra cái hợp lý và chưa hợp lý, nhìn ra cái đầy đủ và chưa đầy đủ của vấn đề. Cần dẹp tự ái cá nhân để cùng tìm ra giải pháp hợp lý chứ không tìm cách trả đũa.

Kỹ năng phản biện và nhận sự phản biện sẽ giúp mọi người phát huy hiệu quả của tư duy phê phán, giúp mọi việc được giải quyết theo cách tốt nhất có thể một cách rõ ràng và hợp lý.

Qua ba tiếng đồng hồ trao đổi, chia sẻ, các tham dự viên đã được truyền thụ những kiến thức dẫu chỉ là nhập môn về tư duy phản biện, nhưng có thể nói nếu có được tư duy phản biện và kỹ năng phản biện, nhận phản biện, chúng ta không chỉ có thể phân định được thực hư trong một môi trường thông tin hỗn loạn mà còn có thể giúp tìm kiếm các giải pháp cho các vấn đề của xã hội, nhằm thúc đẩy xã hội ngày càng phát triển bền vững.

Tạ Ân Phúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét