Chứng Nhân Chia Sẻ
Trong PT Cursillo
Đã có nhiều bài viết về “chứng nhân chia sẻ”, tuy nhiên
vẫn có người còn gặp khó khăn trong vấn đề này. Có một vài yếu tố tạo nên ngộ
nhận về cách "chứng nhân chia sẻ".
Trong bài này, chúng ta sẽ lưu ý tới một số quan niệm không
thích hợp cũng như những câu chuyện huyền thoại liên quan đến "chứng
nhân chia sẻ". Quan trọng nhất là ta nên chú tâm vào mục đích và
phương thức đúng đắn cho "chứng nhân chia sẻ". Nói chung, tôi
có thể đơn giản hóa bằng một câu đơn sơ như sau. "Chứng nhân chia
sẻ" là chia sẻ với kẻ khác những gì chính chúng ta đã cho Chúa Kitô.
Tôi còn nhớ có ngồi trong Phòng Rollo khi dự Khóa Cursillo 3
Ngày vào tháng 10 năm 1978. Lúc đó tôi là một khóa sinh và đang cố gắng lãnh
hội tất cả những điều được chia sẻ. Rồi Khóa Học tuần tự tiếp diễn, tôi nhận ra
rõ ràng rằng những câu chuyện riêng tư đã được chia sẻ trong các bài Rollos ấy
đã trở thành một phần của mỗi bài nói chuyện (rollos) trong Khóa. Thật thú vị
khi ngồi nghe những mẩu chuyện riêng tư ấy và lắm lúc tôi phải cố gắng hết sức
để ngăn những giọt nước mắt tuôn trào (những giọt nước mắt sung sướng, những
giọt nước mắt sầu muộn, những giọt nước mắt ăn năn, v.v...). Nhìn quanh phòng,
tôi nhận ra rõ ràng những mẫu chuyện riêng tư ấy cũng có cùng tác động đối với
những người khác đang hiện diện. Tôi nhớ có một lúc nào đó, tôi thầm nghĩ rằng
chắc mình sẽ không bao giờ có thể trớ thành một trợ tá Khóa Học được bởi vì trong
đời tôi cũng như những người thân trong gia đình không có một biến cố đau thương
nào cả. Quan niệm của tôi lúc ấy về "Chứng nhân Chia sẻ" là như thế.
Khi đi công tác khắp các tiểu bang Hoa Kỳ và các quốc gia
khác, tôi rất ngạc nhiên về quan niệm của rất nhiều người về vấn đề "Chứng
nhân Chia sẻ" trong buổi Ultreya.
Tại một buổi Ultreya nọ, người ta cứ chọn người thứ tư bước
vào phòng làm "chứng nhân chia sẻ". Tại một Ultreya khác, người ta ra
sức tìm kiếm những anh chị Cursilbstas không tham dự Ultreya với hy vọng khi
làm “chứng nhân chia sẻ" như vậy họ sẽ tiếp tục tham dự các buổi Ultreyas
kế tiếp. Tại một buổi Ultreya khác nữa, người ta để cho bất người nào cũng có
thể tình nguyện lên chia sẻ. Chúng ta rất thường nghe câu nói sau đây: "Tôi không thể chia sẻ." Và
hiểu ngầm câu nói tiếp sau đó là "Chẳng có biến cố sôi nổi nào trong cuộc
đời của tôi cả."
Dĩ nhiên, “chứng nhân chia sẻ” không chỉ giới hạn trong các
buổi Ultreyas mà thôi. Chúng ta làm "chứng nhân chia sẻ" khi trình
bày các bài Rollos trong Khóa Học (nếu bài ấy đòi phải có chia sẻ của người
trình bày). Chúng ta làm "chứng nhân chia sẻ" trong sinh hoạt Trường
Lãnh Đạo. Chúng ta "làm chứng nhân chia sẻ trong các buổi hội họp ở giáo
phận khi mọi người được mời gọi chia sẻ nhận xét riêng tư của mình về những gì
mình thực hiện cho Chúa Kitô. Chúng ta làm "chứng nhân chia sẻ" trong
các sinh hoạt miền hay toàn quốc, tại các buổi hội thảo, hội họp, v.v... Trong
mọi hoàn cảnh, hình thức chia sẻ đều giống nhau cả. "Tôi đang làm gì
cho Chúa Kitô?
Thời điểm thích hợp nhất để chúng ta chia sẻ chứng tá của
chính mình đó là trong các buổi Hội Nhóm thường xuyên của mình. Chúng ta cần
phải làm chứng về cách thức chúng ta phấn đấu để nâng cao mức độ Thánh Thiện
của chúng ta. Vì sao ta phải làm điều này? - Thưa vì Chúa Kitô. Chúng ta cần
phải làm chứng về cách thức chúng ta phấn đấu để cải tiến công tác Đào Luyện
cuộc sống Kitô hữu chúng ta. Vì sao chúng ta cần làm điều này? Thưa vì Chúa Kitô.
Quan trọng hơn hết, đó là chúng ta cần phải làm chứng về những cách thức và
phương tiện mà chúng ta đang hăng say tìm kiếm để loan truyền Tin Mừng, tức là đem
những kẻ khác chưa biết Chúa đến với Chúa, giúp họ ý thức về sự hiện diện của
Chúa Kitô trong đời sống của họ. Vì sao chúng ta phải làm điều này? Thưa vì
Chúa Kitô.
Có nhiều bài viết về cách làm thế nào để "chia sẻ chứng
tá" một cách hữu hiệu. Chính từ ngữ “hữu hiệu” lại tạo thêm hiểu lầm.
Không ai chối cãi, chứng tá phải hữu hiệu, tuy nhiên, điều quan trọng phải hiểu
là chúng ta muốn cái gì hữu hiệu. Một số người nghĩ rằng "chứng tá"
hữu hiệu nhất là có thể làm cho mọi người chảy nước mắt. Đây không phải là mục
đích của "chứng nhân chia sẻ".
Ông Eduardo Bonnin, một trong những vị sáng lập PT Cursillo,
luôn luôn nhấn mạnh đến tính cách quan trọng của việc giữ sao cho mọi việc đơn
giản, gọn gàng, kể cả khi thực hiện “chứng nhân chia sẻ". Nói cách khác, “chứng
từ chia sẻ" phải chứng minh những gì chúng ta hoạt động cho PT Cursillo
với tư cách cá nhân Cursillista. Trong tài liệu này cũng có thể có một phần
hiểu lầm và quan niệm sai về một "chứng từ chia sẻ" đúng cách phải
như thế nào. Mục đích và tiến trình của PT Cursillo rất đơn giản. Chúng ta thâu
nạp một số cá nhân (khóa sinh ứng viên), những người này đều trải qua nhiều
kinh nghiệm sống của riêng họ và qua nhiều môi trường, và chúng ta cố công giúp
họ hiểu thấu đáo về những trách nhiệm của cuộc sống cố hữu (Khóa Cursillo 3 Ngày).
Ngoài ra, chúng ta trao cho họ một tiến trình giúp họ chu toàn những trách nhiệm
của người Kitô hữu ngay trong những kinh nghiệm sống cũng như các môi trường
của họ. Sau cùng, chúng ta tạo cho họ cơ hội tiếp xúc với một cộng đồng gồm toàn
những người hỗ trợ họ vì chính những người này cùng với họ giúp nhau chu toàn những
trách vụ người Kitô hữu trong kinh nghiệm sống cũng như trong các môi trường của
mình (Hậu Cursillo). Đây có vẻ như là một thủ tục phức tạp, tuy nhiên, nó được
đề ra để được thi hành một cách thật đơn giản.
Sau đây là một số câu hỏi khá hay để Bạn tự đặt cho mình:
1. Tôi đang làm gì để bảo đảm rằng
những người gần gũi tôi và thân thiết với tôi biết được một Chúa Kitô như tôi? (Những người cùng làm việc và giao du với Bạn
thường thường gần gũi với Bạn, trong khi đó những người bà con họ hàng thì lại thiết
thân với Bạn).
2.
Thế
giới mà tôi là một phần tử đang sống có thể trở nên một nơi khá hơn như thế nào
nhờ những nỗ lực tôi đã thực hiện?
3.
Tôi
đang làm gì để tiếp tục tự thăng tiến hầu tôi trở nên một Kitô hữu tốt hơn?
Đã xảy ra nhiều lần là "chứng từ chia sẻ” chỉ chú tâm
vào việc nhận ra sự nhân từ độ lượng của Thiên Chúa trong đời sống của một
người như thế nào mà thôi. Đúng vậy, PT Cursillo giúp chúng ta trân quý sự hiện
diện của Thiên Chúa trong mọi sinh hoạt hàng ngày của chúng ta, nhưng vẫn còn
thiếu sót nếu chỉ nhận ra sự hiện diện của Chúa mà thôi. Chúng ta phải ý thức
điều này là sự hiện diện của Chúa đòi buộc mỗi người chúng ta phải làm một cái
gì. Hãy suy nghĩ về những lúc Thiên Chúa đã tiếp xúc với con người, như A-Dong
và E va, Caín, Abram (thân phụ của Abraham), Abraham, Jonah. Giacop, David,
Zacharia (thân phụ của Gioan Baotixita), và dĩ nhiên với cả các ngôn sứ nữa.
Mỗi lần gặp các vị ấy, Chúa đều đòi buộc các ngài phải ra tay thực hiện một
điều gì đó. Đây chính là điểm mà chúng ta phải suy xét để nhận biết điều gì đặc
biệt Chúa muốn mỗi người chúng ta phải thi hành.
Đề nghị: (Xin nghiên cứu
Chương 11 Cẩm Nang Lãnh Đạo)
Suy xét để nhận biết Thánh ý Thiên Chúa có nghĩa là xác định
những gì Chúa muốn chúng ta làm cho Chúa. Chỉ xác định Thánh ý Thiên Chúa thôi
cũng chưa đủ. Nhiều người vẫn còn gặp khó khăn trong nỗ lực xác định những gì
Chúa muốn họ thực hiện với tư cách cá nhân của họ. Phải cần có thời gian và
phải trải qua một tiến trình. Việc quan trọng là chúng ta học hỏi cho biết cách
thưa chuyện với Chúa. Khác với nói cùng Chúa. Thưa chuyện với
Chúa đòi hỏi chúng ta dành một thời gian thích đáng để lắng nghe. Thưa chuyện
với Chúa không có nghĩa là nói chuyện trong hai mươi phút, rồi lắng nghe trong
hai mươi phút, và sau đó nói đại khái như thế này: Vậy mà tôi có nghe Chúa
nói gì đâu! Chắc Người đang bận rộn ở nơi khác trong lúc này. Nếu chúng ta
thật sự tin vào quyền năng cao cả của Thiên Chúa, chúng ta sẽ nhận ra điều này
là chúng ta không cần phải nói gì cả. Chúa biết hết những gì trong trí óc cũng
như trong con tim của chúng ta. Chúng ta chỉ cần lắng nghe là đủ rồi. Sách
"Các Vua" quyển 1, đoạn 19 câu 1:1-14 ghi như sau: Rồi Thiên Chúa
nói với ông, “Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt Thiên Chúa. Kìa
Thiên Chúa đang đi qua." Gió to bão lớn xé núi non, đập vỡ đá tảng
trước nhan Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa không ở trong cơn gió bão. Sau đó là động
đất, nhưng Thiên Chúa không ở trong động đất. Sau động đất là lửa, nhưng Thiên Chúa
cũng không ở trong lửa. Sau lửa có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe tiếng đó, ông
Ellia lấy áo choàng che mặt, rồi ra ngoài đứng ở cửa hang. Bấy giờ có tiếng hỏi
ông: "Ellia, ngươi làm gì ở đây?”
Một khi chúng ta đã xác định Thánh ý Thiên Chúa rồi, chúng
ta phải hành xử cho phù hợp. Mỗi khi nghĩ đến việc làm theo Thánh ý Thiên Chúa,
tôi không thể không nhớ lại một đoạn trong quyển sách "Darkness in the
Marketplace" (Bóng tối nơi Họp Chợ) của tác giả Thomas Green, thuộc Dòng
Tên (S.J), như sau: Giả dụ như Lễ Giáng Sinh sắp đến gần, có một người bạn
gái muốn cho tôi một món quà. Có hai cách cô ta có thể làm. Trước hết, cô ta có
thể thử xác định xem tôi thích thứ gì - và cô ta thích tặng tôi món gì -
và rồi đi mua món đồ theo ý cô ta chọn. Hoặc là cô ta có thể hỏi tôi thích
món đồ gì và rồi tặng tôi món đồ tôi yêu cầu, với điều kiện cô đủ tiền để mua
món đó. Giả dụ cô ta thực hành cách thứ hai; và cô ta hỏi tôi thích thử gì, tôi
nói "blue cheese” (phó-mát xanh). Trong gia đình, tôi bị gán cho là mắc
bệnh ghiền loại phó-mát này, và bởi là “blue cheese" rất hiếm tại
Phi-luật-tân cho nên thí dụ này không có gì bất thường cả. Nhưng đối với người
bạn Phi của tôi thì món quà này có vấn đề: Blue cheese thì hiếm, và thức ăn này
có cái "mùi " mà người khác rất ghét, và những người nào đã ăn
thử cũng đều không thích! Vì thế bạn tôi có thể trả lời như thế này, "À! Blue cheese hả! tôi không bao giờ
có thể tặng món quà đó cho bất cứ ai. Vì vậy cô ta gặp phải một trục trặc như
sau: Cô ta biết tôi thích món gì, nhưng cô ta không thích cho tôi món đó. Cô ta
sẽ làm gì bây giờ? Cái đó cũng còn tùy thuộc vào việc cô ta có thật sự muốn cho
tôi một món quà theo ý cô chọn lựa hay cho tôi bất cứ thứ gì tôi muốn, cho dù
món quà đó có làm cho cô ghê tởm…”
Và vì thế, chúng ta cần phải thường xuyên hỏi chính chúng
ta, là chúng ta có cho Thiên Chúa những gì Người muốn, hay là chúng ta cho Chúa
những gì chúng ta muốn? Thí dụ trên đưa chúng ta trở về với đề tài đang thảo
luận - đó là "chứng nhân chia sẻ" đúng cách cho PT Cursillo. Chứng từ
của chúng ta phải bày tỏ hết những khía cạnh hằng ngày trong cuộc sống của
chúng ta. Chúng ta không cần phải tìm gió lớn, động đất hay lửa nóng. Chúng ta
chỉ cần thủ thỉ bày tỏ cách thức dịu dàng mà chúng ta sử dụng để giúp kẻ khác
tìm hiểu sâu xa về Chúa Kitô. Chứng tá của chúng ta cần phải bao gồm (nhưng
không giới hạn) những nỗ lực cải thiện bản thân chúng ta hằng ngày để dọn mình
tốt hơn hầu thực thi Thánh ý Chúa. Chứng tá của chúng ta cần bao gồm những nỗ
lực hằng ngày trong gia đình, tại khu xóm, ở sở làm và những nơi hội họp giao
tế thường xuyên. Chứng tá của chúng ta phải là một sự loan truyền Phúc âm một cách
rất tự nhiên. Việc loan truyền Phúc âm lúc đầu không được tự nhiên, nhưng với quyết
tâm và thực hành thường xuyên cũng sẽ trở thành tự nhiên. Chứng tá của chúng ta
cần phải phản ảnh sự quyết tâm và thực hành thường xuyên ấy.
Mỗi chứng tá sẽ khác nhau bởi vì kinh nghiệm sống và môi
trường của mỗi người mỗi Khác. Chứng tá của người này có thể nhắm vào phương
cách họ nghiên cứu môi trường sở làm để mong tìm được những người khác có thể
phụ giúp trong công tác biến đổi môi trường đó. Người khác có thể làm chứng
nhân cho cách thức nghiên cứu môi trường sở làm của mình trong nỗ lực xác định
những vùng nào tốt nhất và những phương pháp nào cần thiết để tạo một sự thay
đổi trong môi trường ấy. Khi nói đến thay đổi, gần đây tôi có đọc thấy một lời
trích dẫn của tác giả mà tôi quên mất tên, như sau: "Sự thay đổi không
luôn luôn bảo đảm sẽ mang lại tiến bộ, tuy nhiên, tiến bộ luôn luôn đòi phải có
thay đổi."
Người khác có thể làm chứng tá cho những cố gắng họ thực
hiện để giúp gia đình họ sống gần gũi với Chúa Kitô hơn. Và còn người khác nữa
có thể làm chứng về cách thức họ sinh hoạt với những người láng giềng để biến
khu xóm của họ thành một nơi an toàn hơn để sinh sống và chia sẻ Chúa Kitô cho
nhau. Tôi sực nhớ một bài viết về một người mẹ hãy còn trẻ, một ngày nọ đẩy
xe đưa con đi dạo chơi. Cứ ngày này sang ngày nọ, người mẹ này đi ngang qua
những ba mẹ khác cũng đẩy xe đưa con đi dạo chơi như vậy. Cuối cùng, các bà mẹ
này làm quen với nhau thân mật đến độ họ quyết định gặp nhau mỗi tuần một lần
tại một tiệm Mc Donald gần đó để cùng uống cà phê và chia sẻ tâm sự. Họ dùng
thời gian gặp gỡ này để chia sẻ với nhau về cách thức Chúa Kitô ảnh hưởng trên
cuộc sống của họ như thế nào và họ nỗ lực ra sao để thực thi Thánh ý Chúa.
Nghe người ta nói họ không có gì để chia sẻ cũng giống như
nghe một người nói suốt tuần lễ vừa qua họ không thể nghĩ về một lúc nào đó họ
cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa Kitô vậy. Chúng ta cần thường xuyên bắt mình ý
thức rằng Chúa Kitô lúc nào cũng ở cùng chúng ta. Vấn đề khó khăn duy nhất của
chúng ta hiện nay là cố gắng xác định thời điểm nào chúng ta cảm nghiệm rõ rệt
nhất về sự hiện diện của Chúa Kitô. Cũng giống như vậy, chúng ta cần thường
xuyên bắt mình thừa nhận rằng rất nhiều lần trong tuần qua chúng ta đã nỗ lực
chu toàn Thánh ý Chúa. Và vì thế, vấn đề khó khăn duy nhất của chúng ta là cần
phải cố gắng xác định chúng ta cần chia sẻ nỗ lực nào trong nhiều nỗ lực của
chúng ta.
Chúng ta hãy tiếp tục cố gắng hiểu rõ Thánh ý Thiên Chúa, và
chúng ta hãy xin cho ta có sức mạnh và lòng can đảm cần thiết hầu có thể chu
toàn Thánh ý Chúa, và xin cho chúng ta chấp nhận trách nhiệm chia sẻ với kẻ
khác những mẫu chuyện về kinh nghiệm sống của chúng ta.
Ken Sittenaure
Nguồn: VPĐH QG HK
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét