Chúa
Giêsu đã có thể xuống thế như một chiến sĩ,
một hoàng đế.
Bài giáo lý ngày 17 tháng 12 năm 2014 (toàn văn)
Rôma – 18/12/2014 (Zenit.org)
"Chúa Giêsu đã có thể xuống thế một cách
huy hoàng, hay như một người chiến sĩ, như một vị đế vương… Không, không: Người
đã ngự đến dưới hình hài đứa con của một gia đình, trong một gia đình. Điều này
quan trọng: anh chị em hãy nhìn trong hang đá, cảnh tượng này đẹp biết bao!":
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục chu kỳ các bài giáo lý của ngài về gia đình
bằng suy nghĩ này, được gợi ý bởi thời điểm gần đến lễ Giáng Sinh.
Ngài đặt câu hỏi: có phải Chúa Giêsu đã chẳng
"mất đi 30 năm" của cuộc đời Người, khi sống ở thành Nazareth trong
suốt những năm đó sao? Trả lời: sự quan trọng của gia đình, đối với Thiên Chúa
cũng vậy.
Sau đây là bản dịch toàn văn bài giáo lý Đức
Giáo Hoàng Phanxicô đã ban ra bằng tiếng Ý nhân buổi triều kiến chung cuối cùng
của năm nay, thứ Tư 17/12/2014, đúng ngày sinh nhật của ngài.
Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng
Phanxicô
Thân chào quý anh chị
em!
Thượng Hội Đồng Các
Giám Mục về gia đình mới họp đây, đã là bước thứ nhất của một hành trình, sẽ
chấm dứt vào tháng 10 sắp tới với việc tổ chức một công nghị khác với đề tài:
"Ơn gọi và sứ vụ của gia đình trong Giáo Hội và trên thế giới". Cầu
nguyện và suy nghĩ đi theo tiến trình này là bổn phận của toàn thể Dân Thiên
Chúa. Tôi cũng muốn những chiêm niệm thông thường của các buổi tiếp kiến chung
ngày thứ tư hàng tuần, gắn liền với hành trình chung này. Vì thế, tôi đã quyết
định cũng với anh chị em, trong năm nay, suy nghĩ về gia đình, về đại ân này mà
Chúa đã ban cho thế gian ngay từ lúc sơ khai, khi Người giao cho ông Ađam và bà
Eva sứ vụ sinh sôi nẩy nở cho đầy trái đất (x. St 1, 28). Ơn phúc mà Chúa Giêsu
đã củng cố và ghi khắc trong Phúc Âm của Người.
Những ngày cận lễ Giáng
Sinh chiếu rọi mầu nhiệm này bằng một ánh sáng chói lòa. Sự nhập thể của Con
Thiên Chúa đánh dấu một sự xuất phát mới trong lịch sử hoàn vũ của con người
nam và nữ. Và sự xuất phát mới này diễn ra giữa một gia đình, ở Nazareth. Chúa
Giêsu sinh ra trong một gia đình? Ngài đã có thể ngự đến một cách huy hoàng,
hay như một người chiến sĩ, như một vị đế vương… Không, không: Người ngự đến
dưới những nét của một đứa con của gia đình, trong một gia đình. Điều này quan
trọng: anh chị em hãy nhìn trong hang đá, cảnh tượng này đẹp biết chừng nào!
Thiên Chúa đã chọn sinh
ra trong một gia đình con người, mà Người đã đích thân hình thành. Người đã
hình thành nó trong một ngôi làng hẻo lánh vùng ngoại vi của Đế Quốc La Mã.
Không phải ở La Mã, là thủ đô của Đế Quốc, không trong một thành phố lớn, mà
trong một vùng ngoại vi gần như vô hình, thậm chí còn mang tiếng xấu. Điều mà
các Phúc Âm cũng nhắc tới, như trong một câu đã đặt sẵn; "Từ Nazareth, làm
sao có cái gì hay được?" (Ga 1, 46). Có thể cả chính chúng ta nữa, ở biết
bao nhiêu nơi trên thế giới, chúng ta cũng còn nói như thế, khi chúng ta nghe
đến tên của một nơi nào đó trong vùng ngoại vi của một thành phố lớn. Ấy thế mà
chính ở nơi đó, trong một vùng ngoại vi của đại Đế Quốc, mà đã bắt đầu câu
chuyện thánh thiện nhất, tốt lành nhất trong mọi câu chuyện, đó là câu chuyện
Chúa Giêsu ở giữa loài người. Và ở đó có cái gia đình này.
Chúa Giêsu đã ở lại
trong cái vùng ngoại ô đó trong 30 năm. Đây là cách mà thánh sử gia Luca đã tóm
tắt giai đoạn đó: Chúa Giêsu "hằng vâng phục các ngài [tức là bà Maria và
ông Giuse]". Người ta có thể tự nhủ: "Sao Đấng Thiên Chúa này ngự đến
để cứu độ chúng ta lại mất đi 30 năm ở đó, trong cái ngoại vi tai tiếng này?"
Người đã mất đi 30 năm! Chính Người đã muốn như thế. Hành trình của Chúa Giêsu
là trong cái gia đình này. "Mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy
trong lòng. Còn Đức Giêsu, ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân
nghĩa với Thiên Chúa và người ta" (Lc 2, 51-52). Ở đó không có làm phép
lạ, hay chữa lành bệnh tật hay giảng dậy – lúc đó Người không làm những điều đó
– cũng không có đám đông kéo đến; tại Nazareth mọi sự dường như diễn ra
"bình thường", như thói quen của một gia đình Do Thái sùng đạo và
dũng cảm : mọi người làm việc, bà mẹ nấu bếp, lo chuyện trong nhà, ủi áo… mọi
chuyện mà một bà mẹ phải làm. Người cha, thợ mộc, làm việc, dậy cho con mình
làm nghề. Ba mươi năm. "Nhưng thưa Cha, thật là lãng phí!". Con đường
Thiên Chúa thật là huyền diệu. Nhưng ở đó, gia đình mới chính là quan trọng! Và
như thế không phải là lãng phí! Đó là những vị Thánh Cả: Đức Maria, người nữ
cực thánh trong các phụ nữ, Mẹ vô nhiễm nguyên tội, và thánh Giuse, người công
chính nhất trong mọi người nam… Gia Đình.
Chắc chắn sẽ là dễ
thương khi chúng ta biết cậu Giêsu đã đối phó với những cuộc hẹn của cộng đoàn
tôn giáo và những bổn phận của đời sống xã hội như thế nào; khi biết rằng người
thợ trẻ đã làm việc với ông Giuse như thế nào; và đã tham gia việc nghe Thánh
Kinh, cầu nguyện Thánh Vịnh và bao sinh hoạt khác trong đời sống hàng ngày như
thế nào. Nhưng các Phúc Âm, trong sự xúc tích của mình, đã không tường thuật gì
về thời niên thiếu của Chúa Giêsu và dành cho chúng ta ân cần chiêm niệm. Nghệ
thuật, văn học, âm nhạc, đã trải qua hành trình của óc tưởng tượng đó. Đúng là
không khó gì để chúng ta có thể tưởng tượng điều mà những bà mẹ có thể học từ
Đức Maria những săn sóc cho Con mình. Và điều mà những người cha có thể rút ra
từ gương thánh Giuse, một người công chính, đã suốt đời nâng đỡ và bảo vệ con
của vợ mình – gia đình của ngài - trong những lúc khó khăn! Đó là không kể,
những người trẻ có thể học tập từ Chúa Giêsu lúc thiếu thời sự cần thiết và cái
tốt đẹp khi vun trồng ơn gọi sâu đậm nhất của mình, và mộng ước vĩ đại của mình!
Và Đức Giêsu đã vun trồng, trong 30 năm, ơn gọi mà Chúa Cha đã sai Người. Và
Đức Giêsu, trong giai đoạn đó, đã không hề nản lòng, mà Người đã trưởng thành
trong sự can đảm để thi hành đến cùng sứ vụ của Người.
Mỗi gia đình Kitô giáo
– như Đức Maria và thánh Giuse đã làm – có khả năng đón rước Chúa Giêsu, lắng
nghe Người, thưa chuyện với Người, chăm sóc Người, bảo vệ Người và lớn lên với
Người, và như thế, cải thiện thế giới. Chúng ta hãy dọn chỗ cho Chúa trong tâm
hồn chúng ta và trong mỗi ngày của chúng ta. Đó là điều mà Đức Maria và thánh
Giuse đã làm, và điều này không phải là dễ: các ngài đã phải vượt qua biết bao
khó khăn! Gia đình của các ngài không phải là một gia đình giả tạo, một gia
đình không thật. Gia đình Nazareth đòi hỏi chúng ta phải tìm lại ơn gọi và sứ
vụ của mỗi gia đình. Có thể những gì đã xẩy ra trong 30 năm đó ở Nazareth cũng
xẩy ra cho chúng ta: mong rằng tình yêu - chứ không phải oán hận - trở thành
một sự kiện bình thường, mong rằng sự hỗ tương - chứ không phải vô cảm và thù
ghét - trở thành một sự kiện bình thường.
Ngoài ra, không phải
một sự ngẫu nhiên mà "Nazareth" có nghĩa là "Đấng canh
giữ", như Đức Maria – Phúc Âm viết – "đã gìn giữ những biến cố ấy
trong lòng" (x. Lc 2, 19. 51). Từ đó, mỗi lần một gia đình "gìn
giữ" mầu nhiệm đó, dù có ở tận vùng ngoại vi thế giới, mầu nhiệm Con Thiên
Chúa, mầu nhiệm Đức Giêsu ngự đến cứu vớt chúng ta được thực hiện. Và Người ngự
đến để cứu độ thế gian. Đó là sứ vụ của gia đình: dọn chỗ cho Chúa Giêsu đang
ngự đến, đón rước Người ở giữa gia đình, nơi các con cái, vợ chồng, ông bà…
Chúa Giêsu đang ở đó. Đón rước Người ở đó, để Người lớn lên cách thiêng liêng
trong gia đình này. Mong rằng Chúa ban cho chúng ta ơn phúc này trong những
ngày trước lễ Giáng Sinh này.
Bản dịch tiếng Pháp của Zenit
Bản dịch tiếng Việt: Mạc Khải (ghxhcg.com)
(18 décembre 2014) ©
Innovative Media Inc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét