HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
THƯ GỬI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA
Anh chị em thân mến,
1. Chúng tôi, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đang họp Hội nghị thường niên kỳ II tại Tòa Giám mục Xuân Lộc, từ ngày 14 đến ngày 18-9-2015, xin gửi đến tất cả anh chị em lời chào
thân ái. Nguyện xin Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót và Đức Giêsu Kitô
ban cho anh chị em ân sủng và bình an (x. GI 1,3).
Nhìn lại Năm phụng vụ 2015 sắp kết thúc, chúng tôi chân thành cảm
ơn anh chị em đã nhiệt tình đáp lại lời kêu gọi của Hội Đồng Giám Mục, cùng
nhau xây dựng giáo xứ và cộng đoàn của mình
theo gương mẫu cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi,
“chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy,
luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và không ngừng cầu nguyện” (Cv 2,42). Chúng tôi cũng muốn bày tỏ lòng biết ơn
anh chị em đã quảng đại đóng góp dưới nhiều
hình thức cho việc xây dựng Vương cung
thánh đường Đức Mẹ La Vang; qua đó, anh chị em cống hiến một chứng tá sống động
về Giáo Hội hiệp thông và tham gia.
2. Ngày 11-4-2015, áp Chúa nhật kính Lòng; Chúa thương xót, Đức giáo hoàng Phanxicô đã ban hành tông sắc Dung Mạo Lòng Thương Xót (Misericordiae Vultus), công bố việc
thiết lập Năm Thánh Lòng Thương Xót, bắt đầu từ ngày
8-12-2015, lễ Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội, và kết thúc vào lễ Chúa Kitô Vua,
20-11-2016. Đối với các Giáo Hội địa phương, nghi thức mở Cửa Thánh sẽ được cử
hành vào ngày 13-12-2015 tại nhà thờ Chính toà. Mục đích của Năm Thánh là kêu gọi
các tín hữu chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, được tỏ hiện trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô; nhờ đó,
chúng ta cảm nghiệm được lòng Chúa xót thương
và trở nên dấu chỉ cụ thể của lòng thương
xót trong cuộc sống: “Hãy có lòng thương xót như Cha của anh em là Đấng hay thương xót” (Lc 6,36). Vì thế, trong Năm hồng ân này, anh chị em hãy sốt
sắng đón nhận lòng thương xót của Chúa qua bí tích Giao
hoà, tha thứ cho nhau và làm hoà với nhau, đồng thời biết quan tâm giúp đỡ những
người bị gạt ra bên lề xã hội và những ai đang đau khổ về tinh thần cũng như thể xác.
3. Tại Việt Nam, Năm Thánh Lòng Thương Xót trùng với Năm Tân Phúc-Âm- hóa đời sống xã hội (2016), sau khi đã tập trung vào gia đình (2014) và cộng đoàn
giáo xứ, dòng tu (2015). Sự trùng hợp này giúp chúng ta hiểu và sống cách cụ thể định hướng mục vụ của Giáo Hội Việt
Nam. Tân Phúc-Âm-hóa đòi sống xã hội chính là
sống, chia sẻ, loan báo và làm chứng cho lòng thương xót ngay trong đời sống xã
hội. Trước những dấu hiệu đáng ngại trong xã hội ngày nay: gian dối, vô cảm, bất
công, ma tuý, bạo lực, phá thai, tự tử..., mỗi người Công giáo phải trở thành
nhân tố tích cực trong việc xây đáp nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống.
Không có những chứng nhân của lòng thương xót, xã hội sẽ trở thành một
sa mạc hoang vu, cằn cỗi, không sức sống (x. Dung Mạo Lòng Thương Xót, số 10).
Đáp lại lời kêu gọi của Đức giáo hoàng Phanxicô, anh chị em hãy
tích cực thực thi lòng thương xót. Hãy nhớ rằng lòng thương xót chính là tiêu
chuẩn nhận diện con cái đích thực của Chúa, và vào buổi xế chiều của đời sống, chúng ta
sẽ bị xét xử về tình yêu (x. Dung Mạo Lòng
Thương Xót, số 9 và 15).
4. Để xây dựng nền văn minh tình thương và
văn hóa sự sống, người Công giáo có tấm bảng chỉ đường cụ thể là Giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Đây là tài liệu đúc kết và hệ thống hóa những
chỉ dẫn của Giáo Hội, nhằm đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập các lãnh vực của đời sống xã hội. Chúng ta không thể Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội mà
lại không biết gì về Giáo huấn xã hội của Giáo Hội.
Vì thế, anh em linh mục đang phục vụ tại các giáo xứ hãy tạo điều kiện cho mọi
thành phần Dân Chúa được tiếp cận, học hỏi, thảo luận và giúp nhau sống những
giáo huấn này. Chúng tôi mời gọi anh chị em
chú ý cách đặc biệt đến những vấn đề sau đây.
5. Chăm sóc môi trường sống: Trong dịp lễ Hiện Xuống, ngày 24-5-2015, Đức giáo hoàng Phanxicô
đã ban hành thông điệp Ngợi Khen Chúa (Lauđato si’), kêu gọi mọi người trên thế giới hãy chăm sóc trái đất này là
ngôi nhà chung mà Thiên Chúa là Cha và là Đấng Tạo Hóa đã ban cho nhân loại.
Ngài cũng quyết định thiết lập ngày 1-9 hằng năm làm Ngày Thế giới cầu nguyện cho việc chăm sóc công trình tạo
dựng. Quả thật, thế giới ngày nay đang trải qua cuộc khủng hoảng
trầm trọng về môi sinh: trái đất nóng lên, ô nhiễm gia tăng, nguồn nước sạch bị đe dọa, thảm họa thiên nhiên ngày càng
nhiều... Việt Nam cũng là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng
biến đổi khí hậu; ô nhiễm bụi ở mức độ trầm trọng, nhất là tại các thành phố lớn.
Đây là vấn đề rất lớn, đòi hỏi những thay đổi trên nhiều bình diện: kế hoạch kinh tế, chính sách xã hội, đạo đức
môi trường... Với người Công giáo, Đức giáo hoàng kêu gọi
phải hoán cải, nghĩa là thay đổi cách nhìn, cách nghĩ và cách sống trong tương
quan với môi trường thiên nhiên. Chính Thiên
Chúa đã trao cho con người trách nhiệm trông coi trái đất (x. St 1,28), do đó
không được tàn phá hoặc sử dụng để trục lợi, nhưng phải chăm sóc và gìn giữ,
cho thế hệ hiện nay và cả tương lai. Ý thức đó thúc đẩy chúng ta thay đổi cách sống, biết
tôn trọng thiên nhiên,
chăm sóc môi trường sống, bắt đầu từ những việc nhỏ bé
trong cuộc sống hằng ngày như tiết kiệm nước và năng lượng, giữ vệ sinh chung
trong khu xóm... Ước gì các giáo xứ trở thành những mẫu gương điển hình trong việc giữ gìn và bảo vệ môi sinh.
6. Đồng hành với anh chị em di dân: Tình trạng di dân vì việc làm, học tập và
kết hôn, ở trong nước cũng như ở nước ngoài, ngày càng nhiều và phức tạp. Một số
anh chị em di dân gặt hái được những thành công đáng kể, nhưng phần lớn phải đối diện với muôn vàn khó khăn, kể cả những hậu quả bi thảm. Chúng
tôi vẫn ghi nhớ lời giáo huấn của Đức Bênêđictô XVI trong chuyến đi ad limina năm 2009, dạy chúng tôi phải “phát triển
nền mục vụ thích hợp cho các người trẻ di dân trong nước, qua việc tăng cường sự
hợp tác giữa các giáo phận gốc của họ và các giáo phận họ đến, và cung cấp cho
họ những lời khuyên về mặt đạo đức và các chỉ dẫn thực hành”. Cách cụ thể, Hội
Đồng Giám Mục đã ủy thác cho Uỷ ban Mục vụ di dân việc tìm hiểu, nghiên cứu
tình hình và soạn thảo bản “Hướng dẫn mục vụ di dân”. Hi vọng tài liệu này sẽ sớm
được hoàn thành, phổ biến và áp dụng rộng rãi, để tất cả chúng ta có một đường
lối chung trong việc phục vụ anh chị em di dân, giúp họ hội nhập vào đời sống của
cộng đoàn giáo hội địa phương và trở nên những thành viên tích cực trong việc
xây dựng Giáo Hội.
7. An toàn giao thông: Một trong những vấn
đề nhức nhối của xã hội Việt Nam ngày nay là tai nạn giao thông. Bên cạnh những
lý do khách quan như đường sá chưa tốt, số phương tiện giao thông quá
nhiều, phải nhìn nhận rằng phần lớn tai nạn là do thiếu
ý thức và trách nhiệm của người điều khiển các phương tiện giao thông. Người Công
giáo ý thức sự sống là quà tặng quý giá Thiên Chúa ban,
nên luôn trân trọng sự sống của chính mình và của tha nhân, trong mọi hoạt động
và mọi hoàn cảnh. Cũng vì thế, khi tham gia giao thông, chúng ta phải chấp hành
luật giao thông cách ý thức, để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
8. Anh chị em thân mến,
Kết thúc thư này,
chúng tôi muốn nhắc lại lời nhắn nhủ của Đức Bênêđictô XVI: “Bằng đời sống xây
nền trên đức ái, sự liêm chính, quý trọng công ích, anh chị em giáo dân phải chứng
tỏ rằng, là người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”. Niềm tin Kitô giáo
mang lại những giá trị tích cực cho xã hội, vì niềm tin ấy “giúp các cá nhân
thánh hóa bản thân, và qua các tổ chức của mình, phục vụ tha nhân cách quảng đại,
hoàn toàn vô vị lợi” (Huấn từ ad ỉimina năm 2009).
Nhờ lời chuyển cầu của
Đức Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, xin Chúa tuôn đổ Thần Khí của Ngài xuống
trên Giáo Hội Việt Nam, để chúng ta được biến đổi nên chứng nhân đáng tin của
lòng thương xót trên quê hương đất nước chúng ta.
Làm tại Toà Giám mục
Xuân Lộc, ngày 17 tháng 9 năm 2015
+ Phêrô Nguyễn Văn
Khảm - Phó Tổng Thư ký
HĐGMVN
+ Phaolô Bùi Văn Đọc
- Chủ Tịch HĐGMVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét