Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

Học hỏi về Kinh Mân Côi

LỊCH SỬ CHUỖI MÂN CÔI

niềm vui khám phá: ai là tác giả kinh mân côi?

Lịch sử Chuỗi Mân Côi, dưới hình thức hiện tại, có từ thời Thánh Đa Minh và các tu sĩ dòng Đa Minh vào những thế kỷ 13 đến 15. Tuy nhiên, nguồn gốc của tràng chuỗi có lâu đời hơn, kể từ thế kỷ thứ 9 tại Ái Nhĩ Lan. Các tu sĩ tại đây cũng như tại các nơi khác, đã dùng Thánh Vịnh cầu nguyện hằng ngày. Giáo dân, vì cảm mến lòng tôn sùng của các tu sĩ này, đã xin các ngài dạy cho một hình thức để họ có thể cầu nguyện. Vì phần đông dân chúng thời đó không biết đọc và 150 Thánh Vịnh lại quá dài, không nhớ nổi, nên một vị tu sĩ táo bạo đã nghĩ ra tư tưởng cho họ cầu nguyện lặp đi lặp lại một kinh mà họ đã thuộc lòng, tức đọc Kinh Lạy Cha 150 lần.
Giai đoạn đầu tiên đi tới việc dùng hạt như bây giờ, là lúc đó họ dùng những túi nhỏ đựng 150 hòn sỏi để giúp các tín hữu đếm đủ số kinh của mình. Giữ cả 150 viên sỏi một lúc là điều rất phiền toái và không bao lâu có người nghĩ ra thắt 150 gút trên một dây thừng. Rốt cuộc dây thừng nhường chỗ cho những sợi dây nhỏ kết 150 hạt gọi là “Tràng Kinh Lạy Cha” (pater noster). Người ta đọc Kinh Lạy Cha theo mỗi  hạt, 50 hạt một lúc, hoặc tăng lên thành 100 hay 150…Lối cầu nguyện này cũng được mệnh danh là “sách nhật tụng của người nghèo”.
Trong thời gian này tại lục địa Âu Châu, các Kitô hữu cũng khai triển một lối cầu nguyện tương tự. Nhưng thay vì đọc Kinh Lạy Cha, họ đọc 50 kinh Kính Mừng (Ave Maria), dùng những lời Thiên Thần Gabriel chào Đức Maria: “Kính mừng Maria, đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà. Còn những lời của bà thánh Elizabeth chào Đức Maria “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ” đến thế kỷ thứ 12 mới được thêm vào và tên Chúa Giêsu được thêm vào sau, trong thế kỷ 13.
Cũng trong thế kỷ 13, Tràng Kinh Lạy Cha (Pater noster) và Tràng Kinh Kính Mừng (Aves) bắt đầu nhập chung. Các tu sĩ bắt đầu thêm lời nguyện gẫm khi đọc 150 Thánh Vịnh, và soạn lời kinh chúc tụng vinh danh Chúa Giêsu dựa trên những suy niệm này. Những lời nguyện chúc tụng, tất cả 150 kinh được gọi là “Những Thánh Vịnh của Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Thế, Chúa chúng ta.” Tiếp theo sau là các Thánh Vịnh tôn vinh Mẹ Maria. 

Cuối cùng những kinh chúc tụng Chúa Giêsu và tôn vinh Mẹ Maria được kết hợp lại. Một tu sĩ đã sáng tác một Thánh Vịnh gồm 50 tư tưởng về Chúa Giêsu và 50 tư tưởng về Mẹ Maria. Mỗi bộ gồm 50 điều suy niệm gọi là “rosarium” - một vườn hồng. Từ đó có tên Rosary (mà tiếng Việt gọi là Chuỗi Mân Côi) và cũng từ đó bắt đầu các Mầu Nhiệm tràng Chuỗi Mân Côi mà chúng ta dùng cầu nguyện ngày nay.
Vào thời tu sĩ Alan de Rupe (dòng Thánh Đa Minh), thế kỷ 15, tràng chuỗi phổ thông nhất có 15 chục, và mỗi ý tưởng đặc biệt về Chúa Giêsu và/ hoặc về Mẹ Maria được xem như nguyện một Kinh Kính Mừng. Nhưng sau thời Trung Cổ, hình thức tràng chuỗi đơn giản, gồm năm chục, trở thành thực dụng hơn, và thói quen đọc lời suy niệm khác nhau cho mỗi hạt Kinh Kính Mừng cũng biến mất.
Trong thế kỷ 16, Kinh Sáng Danh và phần Kinh Kính Mừng được thêm vào. Kinh Tin Kính các Thánh Tông đồ và phần phụ thuộc được thêm vào sau. Tuy nhiên, phần chính yếu của tràng Chuỗi Mân Côi - những Kinh Kính Mừng, Lạy Cha và các Mầu Nhiệm - đã có từ thời Trung Cổ.
Ngày 7 tháng 10 là Lễ kính Đức Mẹ Mân Côi, một lễ bắt nguồn từ một biến cố quan trọng trong lịch sử thế giới, đó là Trận Chiến Lepanto. Ngày 7 tháng 10 năm 1571, một hạm đội dưới sự chỉ huy của Đô đốc Don Juan của nước Áo, và được Đức Thánh Giáo Hoàng Pio V và các lãnh tụ thế giới Thiên Chúa Giáo trang bị, đã đánh bại hạm đội gần như vô địch của Thổ Nhĩ Kỳ, đang đe dọa xâm chiếm Âu Châu và tiêu diệt Kitô Giáo. Trước trận chiến, Thánh Piô V đã kết hợp mọi Kitô hữu Âu Châu qua chiến dịch tham gia tràng Chuỗi Mân Côi cầu nguyện cho thắng trận. Khi đã chiến thắng, Đức Thánh Cha tỏ lòng biết ơn, tuyên bố ngày 7 tháng 10 là ngày Lễ kính nhớ Tràng Hạt Rất Thánh Mân Côi.
Đức Trinh Nữ hiện ra với thánh Bernadette tại Lộ Đức (Lourdes), Pháp Quốc, tay cầm tràng hạt như một xác quyết lòng sùng kính Chuỗi Mân Côi.
Nếu Chuỗi Mân Côi - dù lâu đời nhưng vẫn còn là phương thế thích hợp để suy gẫm cuộc đời Chúa Giêsu và Mẹ Người - chưa được bạn dùng như một phần của đời sống cầu nguyện; thì có lẽ bây giờ là lúc rất tốt để bạn suy nghĩ cho thêm vào chương trình sùng đạo của bạn.
Chuỗi Mân Côi truyền thống được chia thành 3 bộ: Sự Vui, Sự Thương và Sự Mừng, gồm 50 kinh mỗi bộ, và có năm mầu nhiệm để suy gẫm khi lần hạt. Trong Tông Huấn “Chuỗi Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria”, ngày 16/10/2002, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đề nghị thêm một bộ mới mà ngài gọi là Mầu Nhiệm Sự Sáng, đề cập đến thời kỳ Chúa Giêsu đi rao giảng Tin Mừng. Đối với những ai có thể lần Chuỗi Mân Côi trọn 4 mầu nhiệm trong ngày, thì có thể theo thứ tự: Vui, Sáng, Thương, Mừng.
Mầu nhiệm Vui kính nhớ những biến cố chính trong cuộc đời Chúa Giêsu và Mẹ Maria trước ngày Khổ Nạn của Chúa. Mầu nhiệm Thương kính nhớ những biến cố chính của cuộc Khổ Nạn, trong khi Mầu nhiệm Mừng kể lại những việc quan trọng xảy ra, sau cuộc Khổ Nạn và sau cái chết của Chúa Giêsu; như thế các Mầu nhiệm tiêu biểu tất cả cuộc đời của Chúa Giêsu và Mẹ Maria.
Mầu nhiệm Vui thường được kính nhớ trong các ngày thứ Hai và thứ Bảy; Mùa Sáng vào ngày thứ Năm; Mùa Thương vào ngày thứ Ba, thứ Sáu và Mùa Mừng vào ngày thứ Tư và Chúa Nhật.
Đối với những ai chưa biết phải lần chuỗi thế nào, có thể lần hạt bắt đầu bằng kinh Tin Kính các Tông đồ:
Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất. Tôi tin kính Đức Giêsu Kitô là Con Một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi; bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi Bà Maria Đồng Trinh; chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô; chịu đóng đanh trên cây thánh giá, chết và táng xác; xuống ngục tổ tông; ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại; lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng; ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết. Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần; tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này. Các thánh thông công; tôi tin phép tha tội; tôi tin xác loài người ngày sau sống lại; tôi tin hằng sống vậy. Amen.  
Sau đó đọc một Kinh Lạy Cha, ba Kinh Kính Mừng, một Kinh Sáng Danh rồi chọn một mầu nhiệm lần hạt năm chục (Vui, Sáng, Thương, Mừng).
Mỗi chục bắt đầu bằng một Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng. Cuối mỗi chục đọc Kinh Sáng Danh... Đọc xong năm chục kinh, đọc kinh Lạy Nữ Vương như sau:
“Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành, làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy. Thân lạy Mẹ, chúng con con cháu Eva ở chốn khách đầy kêu đến cùng Bà, chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khẩn Bà thương. Hỡi ơi! Bà là chủ bầu chúng con, xin ghé mắt thương xem chúng con, đến sau khỏi đày, xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu Con lòng Bà gồm phúc lạ. Ôi khoan thay! Nhơn thay! Dịu thay! Thánh Maria trọn đời đồng trinh. Amen”.
Lạy Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin cầu cho chúng con.
Đáng chịu lấy những sự Chúa Kitô đã hứa.
Chúng ta hãy cầu nguyện:
Lạy Chúa, Chúa đã cho Con Một của Chúa dùng chính mạng sống, sự chết và sự sống lại của Người mà cứu chuộc chúng con, cùng ban cho chúng con sự sống đời đời. Chúng con nài xin Chúa ban cho chúng con, khi suy gẫm những mầu nhiệm trong Tràng Chuỗi rất thánh Mân Côi này của Đức Trinh Nữ Maria, biết tuân theo sứ điệp của các mầu nhiệm đó, và nhờ đó, cho chúng con được hưởng nhờ những ơn ích Chúa hứa ban, nhờ công nghiệp Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.
Trong khi đọc Kinh Lạy Cha và các Kinh Kính Mừng của một chục, hãy suy gẫm về mầu nhiệm của chục kinh đó: việc suy gẫm chính là trái tim và linh hồn (cốt lõi) của việc lần chuỗi. Không hình thức cầu nguyện nào sâu xa hơn lần chuỗi, giúp linh hồn kết hợp với Chúa Kitô bằng suy niệm.
 Tràng Chuỗi Mân Côi rất quan trọng đối với Giáo Hội qua nhiều thế kỷ cho nên Đức Giáo Hoàng Piô IX đã nói rằng: “Trong cả thành Vaticanô, không có kho tàng nào quí hóa hơn Tràng Chuỗi Mân Côi.

Chúng ta lặp lại huấn lệnh của Đức Maria mỗi lần Người hiện ra ở trần gian này: Hãy Lần Hạt Mân Côi.”


(Trích Phụ Lục I - Chỉ Nam Cursillista)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét