Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

Thông điệp ĐTC Phanxicô gửi các tôn giáo - 28.10.2015

"Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau: mình là anh em"

Thông điệp của Đức Giáo Hoàng gửi các tôn giáo (bản dịch đầy đủ)

Rôma – 28/10/2015 (ZENIT.org)

"Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau: mình là anh em!", Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi trong thông điệp của ngài gửi các tôn giáo.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã muốn rằng buổi triều kiến chung này là một buổi "triều kiến liên tôn", hôm thứ Tư 28/10/2015 trên quảng trường Thánh Phêrô, nhân dịp 50 năm kỷ niệm bản tuyên ngôn công đồng Nostra aetate (Thời đại chúng ta) về quan hệ của Giáo Hội công giáo với các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Đó cũng là một ngày cận ngày kỷ niệm 29 năm Cuộc Gặp Gỡ của các tôn giáo vì hòa bình theo ý của Thánh Gioan-Phaolô II, ngày 27/10/1986, tại Assisi.
Đức Giáo Hoàng đã viện dẫn ĐGH Phaolô VI, và 10 điểm của Nostra aetate, cũng như cuộc gặp gỡ của ĐGH Gioan-Phaolô II với các bạn trẻ Hồi Giáo tại Casablanca (Maroc), ngày 19/8/1985 và cuộc Gặp Gỡ đầu tiên của các tôn giáo vì hòa bình tại Assisi, ngày 27/10/1986.
Đức Giáo Hoàng đã ghi nhận sự "biến đổi" của các quan hệ với người Do Thái giáo khi ngài nói rằng: "Sự biến đổi thực sự, trong suốt 50 năm này, của quan hệ giữa các Kitô hữu và người Do Thái Giáo khơi động một sự tạ ơn đặc biệt dâng lên Thiên Chúa. Sự thờ ơ và chống đối đã chuyển thành hợp tác và khoan dung. Từ những kẻ thù địch và xa lạ, chúng ta đã trở thành bạn hữu và anh em".
Để xua đuổi cám dỗ chủ nghĩa chính thống, Đức Giáo Hoàng nhắn nhủ hãy "nhìn vào những giá trị tích cực mà các tôn giáo đang sống theo và đề nghị, các giá trị nguồn gốc của hy vọng".
Nhằm đến Năm Thánh, ngài gợi ý "Năm Thánh ngoại thường của Lòng Thương Xót đang chờ đợi chúng ta là một cơ hội thuận lợi để cùng nhau làm việc trên lãnh vực các công trình từ thiện".
Và nhất là, ngài mách bảo chìa khóa cầu nguyện: "Anh chị em thân mến, liên quan đến tương lai của đối thoại liên tôn, việc đầu tiên chúng ta phải làm là cầu nguyện. Và cầu nguyện cho nhau: chúng ta là anh em! Không có Chúa, không có thể làm gì được cả: với Người, tất cả đều thành đạt!"
Sau đây là bản dịch toàn văn lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô được ngài tuyên bố bằng tiếng Ý.
A.B.
Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Thân chào quý anh chị em!
Trong các buổi triều kiến chung, thường hay có những người hay những nhóm thuộc các tôn giáo khác: nhưng ngày hôm nay, sự hiện diện này rất là đặc biệt, để cùng nhau nhớ lại kỷ niệm 50 năm bản tuyên ngôn của Công Đồng Vatican II, Nostra aetate, về quan hệ của Giáo Hội công giáo với các tôn giáo ngoài Kitô giáo.
Chủ đề này đã là chủ đề nằm lòng của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, ngay từ Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống năm trước khi bế mạc Công Đồng, ngài đã thành lập Văn Phòng Thư Ký cho những người ngoài Kitô giáo, nay là Hội Đồng Giáo Hoàng về đối thoại liên tôn.
Vì thế, tôi bầy tỏ lòng tri ân và tôi gửi lời chào mừng nồng nhiệt của tôi tới những người và những nhóm của các tôn giáo, ngày hôm nay đã muốn hiện diện nơi đây, và đặc biệt tới những người đến từ xa.
Công Đồng Vatican II đã là một thời gian đặc biệt để suy nghĩ, đối thoại và cầu nguyện nhằm canh tân cái nhìn của Giáo Hội công giáo về chính mình và về thế giới. Một dịp nghiên cứu các dấu chỉ thời đại, nhằm cập nhật theo hướng trung thành với truyền thống Giáo Hội và trung thành với lịch sử con người nam nữu thời đại chúng ta.
Quả thế, Thiên Chúa, Đấng đã mặc khải trong công trình tạo dựng và trong lịch sử, trước đây đã phán dạy qua các ngôn sứ, và cách trọn vẹn nhất, nơi Con của Người nhập thể (x. Dt 1, 1), nay Người phán với tim óc của tất cả mọi con người đang tìm chân lý và những phương cách để thực hiện.

Thông điệp của bản tuyên ngôn Nostra aestate luôn mang tính thời sự. Tôi nhắc sơ lược một vài điểm:
-          Sự độc lập ngày càng gia tăng của các dân tộc (x. số 1);
-          Sự kiện con người tìm kiếm ý nghĩa của sự sống, của đau khổ, của cái chết… những nghi vấn luôn đồng hành với chúng ta (x. số 1);
-          Nguồn gốc và định mạng chung của nhân loại (x. số 1);
-          Tính độc nhất của gia đình nhân loại (x. số 1);
-          Các tôn giáo với tính cách là sự tìm kiếm Thiên Chúa và Đấng Tối cao, trong các sắc dân và các văn hóa (x. số 1);
-          Cái nhìn nhân hiền và chăm chút của Giáo Hội đối với các tôn giáo : Giáo Hội không bác bỏ những gi là tốt đẹp và xác thực nơi các tôn giáo (x. số 1);
-          Giáo Hội coi trọng các tín đồ của tất cả mọi tôn giáo, đánh giá cao sự dấn thân thiêng liêng và đạo đức của họ (x. số 3);
-          Giáo Hội, vốn mở rộng đối thoại với tất cả, đồng thời trung tín với những chân lý mà Giáo Hội tin tưởng, bắt đầu bằng chân lý khẳng định sự cứu độ được ban cho tất cả mọi người, có nguồn gốc nơi Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc duy nhất, và Chúa Thánh Linh hằng tác động, là nguồn gốc của hòa bình và bác ái.
Trong 50 năm qua, đã có nhiều những biến cố, sáng kiến, quan hệ tập thể hay cá nhân với các hệ phái Kitô giáo và khó mà nhớ tất cả. Một biến cố có tầm quan trọng đặc biệt là Cuộc Gặp Gỡ tại Assisi ngày 27/10/1986, do ý muốn và sự khơi động của Thánh Gioan-Phaolô II. Một năm trước đó, tức là cách đây 30 năm, ngài đã nói chuyện với giới trẻ Hồi Giáo ở Casablanca (Maroc) và mong ước tất cả những người tin vào Thiên Chúa tạo thuận lợi cho tình yêu và đoàn kết giữa các con người và giữa các dân tộc (19/8/1985). Ngọn lửa thắp lên tại Assisi đã lan tỏa trên toàn thế giới và làm thành một dấu hiệu vĩnh cửu của hy vọng.
Sự thay đổi đích thực xẩy ra trong 50 năm qua đối với mối quan hệ Kitô hữu và tín hữu Do Thái Giáo khơi dậy một lòng tạ ơn đặc biệt dâng lên Thiên Chúa. Sự thờ ơ và chống đối đã chuyển thành hợp tác và khoan dung. Từ những kẻ thù địch và xa lạ, chúng ta đã trở thành bạn hữu và anh em.
Công Đồng, với bản tuyên ngôn Nostra Aetate, đã vạch ra con đường: "nói có" với sự tái khám phá những nguồn gốc Do Thái Giáo của Kitô giáo; "nói không" với tất cả những hình thức bài xích Do Thái và lên án tất cả những lời lăng nhục, những kỳ thị và bách hại xuất phát từ đó. Sự hiểu biết, sự tôn trọng và tương kính lẫn nhau làm nên con đường mà nếu nó có giá trị với quan hệ với người Do Thái Giáo, thì nó cũng có giá trị với những tôn giáo khác. Tôi nghĩ cách riêng đến những người Hồi Giáo, mà Công Đồng đã nhắc nhở, là họ "thờ phượng Thiên Chúa duy nhất, hằng sống và tồn tại, nhân lành và toàn năng, tạo dựng nên trời đất, Người phán dạy cho nhân loại" (Nostra aetate, số 5). Họ dựa vào tổ phụ Abraham, thờ kính Đức Giêsu như một ngôn sứ, tôn kính Đức Mẹ Đồng Trinh của Người, Đức Maria, họ chờ đợi ngày phán xét và tiến hành cầu nguyện, bố thí và ăn chay (x. ibid).
Cuộc đối thoại mà chúng ta cần, chỉ có thể là cởi mở và tương kính, như thế nó mới tỏ ra là có hiệu quả. Sự tương kính là điều kiện và đồng thời là mục đích của đối thoại liên tôn: tôn trọng quyền của những người khác được sống, được toàn vẹn thân thể và được những quyền căn bản, nghĩa là quyền tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, tự do hành đạo.
Thế giới nhìn vào chúng ta, những người tín hữu, kêu gọi chúng ta hãy hợp tác với nhau và với những con người nam, nữ có thiện chí nhưng không có tôn giáo nào cả; thế giới yêu cầu chúng ta có những câu trả lời có hiệu lực trên nhiều chủ đề: hòa bình, nạn đói, sự cùng khổ đang ảnh hưởng tới hàng triệu người, cuộc khủng hoảng môi trường, nạn bạo lực, đặc biệt là những bạo lực nhân danh tôn giáo, nạn tham ô, nạn xuống cấp luân lý, các cuộc khủng hoảng gia đình, kinh tế, tài chánh và nhất là khủng hoảng hy vọng. Chúng ta là tín hữu, chúng ta cầu nguyện. Chúng ta phải cầu nguyện. Cầu nguyện là kho tàng của chúng ta, trong đó chúng ta cầu nguyện tùy theo những truyền thống riêng của chúng ta, để cầu xin những ơn phúc mà thế giới đang khao khát.
Vì nạn bạo lực và khủng bố, một thái độ nghi kỵ hay thẳng thừng là kết án các tôn giáo đang bành trướng. Thực chất, cho dù không tôn giáo nào thoát khỏi cái nguy cơ chệch hướng, đi vào chủ nghĩa chính thống hay cực đoan nơi những cá nhân hay những tập thể (x. Bài diễn văn tại Quốc Hội Lưởng Viện Hoa Kỳ, ngày 24/9/2015), chúng ta phải nhìn vào những giá trị tích cực mà các tôn giáo đang sống theo và đề nghị, các giá trị nguồn gốc của hy vọng. Vấn đề là phải nâng tầm nhìn của chúng ta lên để đi xa hơn. Đối thoại xây dựng trên lòng tôn kính đầy tin tưởng có thể mang những hạt giống của điều thiện, và từ đó trở thành những mầm xanh của tình bạn và hợp tác trong nhiều lãnh vực, và nhất là trong việc phục vụ người nghèo, người bé mọn, người già cả, trong việc đón nhận người di cư, trong sự chú tâm đến những người bị thải loại. Chúng ta có thể cùng nhau bước đi, cùng chăm sóc cho nhau và cùng chăm sóc cho công trình tạo dựng. Tất cả các tín hữu của tất cả các tôn giáo. Cùng nhau, chúng ta có thể chúc tụng Đấng Tạo Hóa đã ban cho chúng ta ngôi vườn thế giới để trồng cấy và để gìn giữ như tài sản chung, và chúng ta có thể thực hiện những dự án chia sẻ để chống nạn nghèo đói và bảo đảm cho tất cả mọi người nam, nữ những điều kiện sinh sống xứng đáng.
Năm Thánh ngoai thường Lòng Thương Xót sắp tới là một cơ hội thuận lợi để cùng nhau làm việc trên lãnh vực các công trình bác ái. Và trong lãnh vực này, lãnh vực mà chủ yếu là lòng thương cảm, có thể két hợp với chúng ta, nhiều người không cảm thấy có đức tin hay đang đi tìm Thiên Chúa và chân lý, những con người đặt đẻ vào vị trí trung tâm khuôn mặt của người khác, đặc biệt là khuôn mặt của người anh chị em đang trong cơn túng quẫn. Nhưng lòng thương xót mà chúng ta đang được mời gọi tham gia bao gồm toàn bộ Công Trình Tạo Dựng, mà Thiên Chúa đã gửi gấm cho chúng ta để chúng ta làm những người canh giữ chứ không phải là những kẻ khai thác lợi dụng, hay tệ hại hơn nữa, là những kẻ phá hoại. Chúng ta phải luôn tự nhủ lòng rằng phải để lại một thế giới tốt đẹp hơn là khi chúng ta mới thấy nó lúc đầu (x. Laudato si', 194), bằng cách khởi sự từ môi trường nơi chúng ta đang sống, từ những cử chỉ trong đời sống thường nhật của chúng ta.
Anh chị em thân mến, liên quan đến tương lai của cuộc đối thoại liên tôn, điều đầu tiên mà chúng ta phải làm là cầu nguyện. Và cầu nguyện cho nhau: chúng ta là anh em! Không có Chúa, không thể có cái gì được; với Người, tất cả trở thành có thể! Mong rằng lời cầu nguyện của chúng ta, mỗi người theo tôn giáo của mình, gắn chặt với thánh ý Thiên Chúa. Người mong muốn rằng tất cả mọi con người nhận biết mình là anh em của nhau và sống như vậy, làm thành một đại gia đình nhân loại trong sự hài hòa của những dị biệt.
Bản dịch tiếng Pháp: Constance Roques (Zenit)
Bản dịch tiếng Việt: Mạc Khải (ghxhcg.com)
(28 Octobre 2015) © Innovative Media Inc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét