Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

Bài giảng ĐTC Phanxicô ngày 24.01.2016

"Và bây giờ chúng ta hãy tưởng tượng bước vào
nguyện đường Nazareth…"

Bài Huấn Đức của Đức Giáo Hoàng trước Kinh Truyền Tin ngày 24 tháng 01 năm 2016 (bản dịch đầy đủ).

"Và bây giờ, chúng ta cũng vậy, chúng ta hãy tưởng tượng bước vào nguyện đường Nazareth, ngôi làng nơi Chúa Giêsu đã lớn lên đến khoảng 30 tuổi": Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề nghị suy ngẫm này vào giờ Kinh Truyền Tin trưa ngày Chúa Nhật 24/01/2016, trên quảng trường Thánh Phêrô.
Đức Giáo Hoàng đã hướng dẫn buổi suy ngẫm và nói thêm: "Điều diễn ra ở đây là một biến cố quan trọng, làm nổi bật sứ vụ của Chúa Giêsu. Người đã đứng lên đọc Sách Thánh. Người mở cuốn sách ngôn sứ Isaia và chọn đoạn viết rằng: "Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn" (Lc 4, 18).  Rồi, sau một lúc im lặng cộng đoàn đang chờ đợi, Người phán, trong sự sửng sốt của tất cả mọi người: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe" (c. 21)… Sau đó, Đức Giáo Hoàng đã mời gọi các giáo dân hãy rút kinh nghiệm và cập nhật bài Phúc Âm này trong cuộc sống của mình.
Sau đây là bản dịch đầy đủ lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
A.B.
Lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước Kinh Truyền Tin
Thân chào quý anh chị em!
Trong bài Phúc Âm ngày hôm nay, thánh sử gia Luca, trước khi trình bầy bài giảng chương trình của Đức Giêsu tại Nazareth, đã tóm tắt ngắn gọn hoạt động Phúc Âm hóa của Người. Một hoạt động Người đã tiến hành với quyền phép của Chúa Thánh Linh: Lời Người rất độc đáo, bởi vì mang tính mặc khải ý nghĩa của Thánh Kinh; đó là lời được ban ra với uy quyền, bởi vì có thể ra lệnh cho các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh (x. Mc 1, 27). Chúa Giêsu không phải như các giảng sư khác cùng thời với Người : thí dụ, Người không mở trường để học Lề Luật, mà đi khắp nơi để giảng dậy, trong các nguyện đường, ngoài đường phố, trong nhà người ta, Người đi khắp nơi! Chúa Giêsu cũng không như ông Gioan Tẩy Giả, ông này loan báo cuộc phán xét của Thiên Chúa sắp tới, trong lúc Người thông truyền sự tha thứ của Thiên Chúa Cha.
Và bây giờ, chúng ta cũng vậy, chúng ta hãy tưởng tượng bước vào nguyện đường Nazareth, ngôi làng nơi Chúa Giêsu đã lớn lên đến khoảng 30 tuổi. Điều diễn ra ở đây là một biến cố quan trọng, làm nổi bật sứ vụ của Chúa Giêsu. Người đã đứng lên đọc Sách Thánh. Người mở cuốn sách ngôn sứ Isaia và chọn đoạn viết rằng: "Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn" (Lc 4, 18).  Rồi, sau một lúc im lặng cộng đoàn đang chờ đợi, Người phán, trong sự sửng sốt của tất cả mọi người: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe" (c. 21)"

Phúc Âm hóa những kẻ nghèo hèn: đó là sứ vụ của Chúa Giêsu, chính Người đã khẳng định điều này; và sứ vụ đó cũng là sứ vụ của Giáo Hội và của mọi người tín hữu trong Giáo Hội. Là Kitô hữu và là thừa sai cũng giống nhau. Loan truyền Phúc Âm, bằng lời nói, và trước đó nữa, bằng cách sống của mình, đó là mục đích cao cả của cộng đoàn Kitô giáo và của mỗi thành viên của cộng đoàn. Chúng ta hãy quan sát Chúa Giêsu gửi Tin Mừng tới tất cả mọi người, không loại trừ bất cứ một ai, lại còn ưu tiên cho những người ở xa, những người đau khổ, những người bệnh hoạn, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội.
Chúng ta hãy tự hỏi: Phúc Âm hóa người nghèo hèn là gì? Điều này có nghĩa là trước tiên phải tiếp cận với họ, điều này có nghĩa là phải có niềm vui để phục vụ họ, để giải phóng họ ra khỏi sự đàn áp, và tất cả đều nhân danh và với Thần Khí của Đức Kitô, bởi vì chính Người là Phúc Âm của Thiên Chúa, chính Người là lòng thương xót của Thiên Chúa, Người là sự giải phóng của Thiên Chúa, Người đã trở thành nghèo khó để làm giầu cho chúng ta với cái nghèo khó của Người. Đoạn trích sách Isaia, được nhấn mạnh bằng những giảng dậy của Chúa Giêsu, cho thấy rằng sự loan báo cứu chuộc về Nước Thiên Chúa đã đến giữa chúng ta, được gửi cách riêng tới những người bị thải loại, những người tù tội, những người bị áp bức.
Có lẽ, vào thời Chúa Giêsu, những người này đã không ở vị trí trung tâm của cộng đoàn đức tin. Chúng ta có thể tự hỏi: ngày hôm nay, trong các cộng đoàn giáo xứ của chúng ta, trong các hội đoàn, trong các phong trào, chúng ta có trung thành với chương trình của Đức Kitô không? Phúc Âm hóa người nghèo, mang Tin Mừng đến cho họ, có là ưu tiên hay không? Cản thận: không phải là làm công tác xã hội, và lại càng không phải là công tác chính trị. Vấn đề là phải cống hiến sức mạnh Phúc Âm Thiên Chúa để hoán cải lòng người, chữa lành thương tích, thay đổi các quan hệ con người và xã hội theo lôgích của tình yêu. Người nghèo, quả thật, ở vị trí trung tâm của Phúc Âm.
Cầu mong Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ những người rao truyền Phúc Âm, hộ phù chúng ta để chúng ta mãnh liệt cảm nhận được sự đói khát Phúc Âm trên thế gian, đặc biệt là trong trái tim và trong da thịt của những người nghèo khổ. Và cầu mong Mẹ xin được cho mỗi người chúng ta, và mỗi cộng đoàn Kitô hữu khả năng làm chứng cụ thể lòng thương xót, lòng thương xót vĩ đại mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta.
Đức Chúa Trời sai thánh thiên thần…
Lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô sau Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến,
Tôi thân ái chào mừng tất cả mọi người, đã đến từ các giáo xứ ở Ý và các quốc gia khác, các hội đoàn và các gia đình.
Cách riêng, tôi chào mừng các sinh viên của Zafra và các tín hữu của Cervello (Tây Ban Nha); những tham dự viên của hội nghị được tổ chức bởi "Công đồng thế giới suy ngẫm Kitô giáo"; và các nhóm giáo dân đến từ tổng giáo phận Bari-Bitono, Tarcento, Marostica, Prato, Abbiategrasso và Pero-Cerchiate.
Tôi chúc tất cả anh chị em một ngày chúa nhật tốt đẹp, và xin anh chị em vui lòng, đừng quên cầu nguyện cho tôi! Tạm biệt!
Bản dịch tiếng Pháp : Océane Le Gall (Zenit)
Bản dịch tiếng Việt : Mạc Khải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét