Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016

Bài giáo lý ĐTC Phanxicô - Năm Thánh LTX (1)

Thánh Danh Thiên Chúa là Đấng Thương Xót


Bài giáo lý thứ nhất về Lòng Thương Xót trong Thánh Kinh (bản dịch đầy đủ)
Pape François |  13 janv. |  ZENIT.org |  Audience générale |  Rome |  39
"Thánh danh Thiên Chúa là Đấng Thương Xót": Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban Bài giáo lý thứ nhất của ngài trong một chuỗi Bài giáo lý mới về Lòng Thương Xót trong Thánh Kinh.
Buổi triều kiến chung ngày thứ Tư 13/01/2016 đã diễn ra lúc 10 giờ trong đại sảnh Phaolô VI của Vatican, nơi Đức Giáo Hoàng đã gặp gỡ các nhóm khách hành hương và các tín hữu đến từ Ý và trên toàn thế giới.
Đức Giáo Hoàng đã đưa ra một chuỗi Bài giáo lý mới về Lòng Thương Xót trong viễn cảnh Thánh Kinh và hôm nay, ngài đã đặc biệt giảng về đề tài "Thánh Danh Thiên Chúa là Đấng Thương Xót" (Xh 34, 5-7a).
Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô bằng tiếng Ý
Thân chào quý anh chị em!
Hôm nay, chúng ta khởi sự các Bài giáo lý về Lòng Thương Xót trong viễn cảnh Thánh Kinh, để học hỏi lòng thương xót trong khi lắng nghe những điều đích thân Thiên Chúa phán dậy chúng ta bằng Lời của Người. Chúng ta xuất phát từ Cựu Ước, Sách này chuẩn bị chúng ta và dẫn đưa chúng ta tới sự mặc khải đầy đủ của Đức Giêsu Kitô, nơi Người đã được mặc khải cách viên mãn lòng thương xót của Chúa Cha.
Trong Sách Thánh, Đức Chúa được giới thiệu như "Thiên Chúa nhân hậu, từ bi". Đó là Thánh Danh Người, qua đó, có thể nói, Người mặc khải cho chúng ta thánh nhan và trái tim của Người. Theo Sách Xuất Hành, khi tỏ mình ra với ông Môsê, Thiên Chúa đã nhận Người là "Đức Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận và giầu nhân nghĩa và thành tín" (Xh 34, 6-7). Trong các văn bản khác nữa, chúng ta vẫn thấy lại được công thức này, có khi hơi khác một chút, nhưng luôn nhấn mạnh đến lòng thương xót và đến tình yêu thương của Thiên Chúa vốn không ngừng tha thứ (x. Ga 4, 2; Ge 2, 13; Tv 86, 15; 103, 8; 145, 8; Nkm 9, 17). Chúng ta hãy cùng nhau duyệt lại từng câu một, những lời trong Kinh Thánh phán dậy chúng ta về Thiên Chúa.

Đức Chúa "từ bi, nhân hậu": từ ngữ này gợi lên một thái độ nhân ái như lòng nhân ái của một người mẹ đối với con mình. Quả thế, từ ngữ này tiếng Do Thái được dùng trong Thánh Kinh khiến người ta nghĩ đến lòng dạ người mẹ hiền. Bởi vậy, hình ảnh nó gợi lên là hình ảnh của một Thiên Chúa dễ cảm xúc và dịu hiền với chúng ta, như một người mẹ khi bà ẵm đứa con trong vòng tay bà, chỉ muốn yêu thương, che chở, giúp đỡ nó, sẵn sàng cho đi tất cả, và hiến cả thân mình. Đó là hình ảnh mà từ ngữ này gợi lên. Một tình thương, với ý nghĩa "thâm sâu"  của từ ngữ này.
Sách còn chép rằng Đức Chúa "nhân hậu", trong ý nghĩa là Người lượng thứ, đồng cảm và, trong sự cao cả của Người, Người đoái nhìn những ai yếu đuối, nghèo hèn, luôn luôn sẵn sàng đón nhận, thấu hiểu và tha thứ. Người như là người cha trong dụ ngôn được Tin Mừng thánh Luca kể lại (x. Lc 15, 11-23): một người cha không khép kín trong sự giận hờn bởi vì đứa con út đã bỏ ông, mà trái lại, vẫn tiếp tục chờ đợi – ông đã sinh ra hắn – và rồi ông đã chạy ra ôm chầm lấy hắn, không để cho hắn kịp ngỏ lời xin lỗi – như thể ông bịt mồm hắn lại – tình yêu và niềm vui của ông già tìm lại được hắn lớn lao là chừng nào; và sau đó, ông còn cho gọi người con cả đang phẫn nộ và không muốn tham dự tiệc mừng, người con đó luôn ở lại trong nhà, nhưng sống như người tôi đòi hơn là như một đứa con; và người cha cũng đoái nhìn đến hắn, gọi hắn vào, tìm cách mở lòng hắn ra với tình yêu thương để không có ai phải bị loại trừ ra khỏi lễ hội lòng thương xót. Lòng thương xót là một lễ hội.
Về Đấng Thiên Chúa từ bi, Sách còn chép rằng Người "chậm giận", dịch sát nghĩa là "nhẫn nhịn", nghĩa là đã nén cơn giận và gia tăng sự chịu đựng. Thiên Chúa biết chờ đợi, thời gian của Người không phải là thời gian nôn nóng của con người; Người giống như người nông dân khôn ngoan biết chờ đợi, biết để cho hạt giống có thời gian nẩy mầm mọc lên mặc dù cỏ lùng (x. Mt 13, 24-30).
Và sau hết, Đức Chúa tự xưng "giầu nhân nghĩa và thành tín". Định nghĩa này về Thiên Chúa, thật là đẹp biết bao! Có tất cả. Bởi vì Thiên Chúa cao cả và quyền phép, nhưng sự cao cả và quyền năng đó được trải ra trong tình yêu của Người đối với chúng ta, là những kẻ nhỏ bé và bất lực biết bao. Từ ngữ "tình yêu thương", dùng ở đây, cho thấy sự trìu mến, ơn phúc, lòng nhân hậu. Đây không phải tình yêu trong những phim nhiều tập trên truyền hình… Đây là tình yêu đã bước bước đầu, tình yêu không lệ thuộc vào công đức của con người mà lệ thuộc vào sự nhưng không vô bờ bến. Đó là sự ân cần của Thiên Chúa mà không có gì ngăn cản được, kể cả tội lỗi, bởi vì nó biết vượt xa hơn cả tội lỗi, chiến thắng điều ác và tha thứ.
Một "lòng thành tín" vô biên: đó là câu nói chót Thiên Chúa mặc khải cho ông Môsê. Sự thành tín của Thiên Chúa không bao giờ giảm sút, bởi vì Đức Chúa là Đấng canh giữ, như Thánh Vịnh đã nói, không hề ngủ quên và thường xuyên canh thức cho chúng ta để dẫn dắt chúng ta tới sự sống: "Xin Đấng gìn giữ bạn đừng để bạn lỡ chân trật bước. Xin người chớ ngủ quên, Đấng gìn giữ Israel. (…) Chúa gìn giữ bạn khỏi mọi điều bất hạnh, giữ gìn cho sinh mệnh an toàn. Chúa gìn giữ bạn lúc ra vào, lui tới, từ giờ đây cho đến mãi muôn đời" (Tv 121, 3-4; 7+8).
Và Đấng Thiên Chúa từ bi đó trung tín trong lòng thương xót của Người và thánh Phaolô nói một điều rất hay: nếu anh không trung thành với Người, Người sẽ vẫn trung tín bởi vì Người không thể tự chối bỏ mình. Sự trung thành trong lòng thương xót chính là bản thể của Thiên Chúa. Và vì thế Thiên Chúa luôn luôn và hoàn toàn đáng tin tưởng. Một sự hiện diện chắc chắn và vững vàng. Đó chính là sự xác tín của đức tin chúng ta. Và như thế, trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, chúng ta hãy hoàn toàn tin tưởng vào Người và trải nghiệm niềm vui được thương yêu bởi "Đấng Thiên Chúa nhân hậu và từ bi hay nén giận và giầu nhân nghĩa và thành tín".
Bản dịch tiếng Pháp: Constance Roques (Zenit)
Bản dịch tiếng Việt: Mạc Khải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét