"Không ai là bị loại ra khỏi lòng
thương xót của Thiên Chúa"
Tuần lễ cầu
nguyện cho sự hợp nhất và lòng thương xót (bản dịch đầy đủ)
Xuất phát lại từ Phép Rửa có
nghĩa là tìm lại nguồn gốc của lòng thương xót, nguồn gốc của hy vọng cho tất
cả mọi người, bởi vì không có một ai là bị loại ra khỏi lòng thương xót của
Thiên Chúa. Không có một ai là bị loại ra khỏi lòng thương xót của Thiên Chúa!",
Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói.
Đức Giáo Hoàng đã dành Bài
giáo lý của ngài vừa nói về lòng thương xót, vừa nói về sự hợp nhất Kitô hữu,
hôm thứ Tư 20/01/2016, trong đại sảnh Phaolô VI của Vatican, khởi đi từ một câu
được chọn cho tuần lễ này: "Anh em đã nhận được lòng thương xót"
(1Pr).
Đức Giáo Hoàng đã muốn lập
lại 2 lần bằng tiếng Ý, câu: "Không có một ai là bị loại ra khỏi lòng
thương xót của Thiên Chúa!".
"Nhờ Phép Rửa, chúng ta
đã lãnh nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa", Đức Giáo Hoàng nhấn
mạnh.
Nhờ Phép Rửa, ngài lưu ý,
các Kitô hữu là "anh em" và "lòng thương xót của Thiên Chúa, tác
động trong Phép Rửa, là mạnh mẽ hơn những chia rẽ".
Bởi thế, các Kitô hữu có sứ
vụ "cùng nhau truyền đạt" - người công giáo, chính thống giáo, tin
lành - , lòng thương xót của Thiên Chúa "khắp nơi trên thê gian".
Sau đây là bản dịch toàn văn
Bài giáo lý.
A.B.
Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô bằng
tiếng Ý
Thân
chào quý anh chị em!
Chúng
ta đã nghe qua bài Thánh Kinh hướng dẫn suy ngẫm Tuần Lễ cầu nguyện cho sự hợp
nhất Kitô hữu năm nay, kéo dài từ ngày 18 đến ngày 26/01/2016: tức là chính
tuần này. Đoạn văn này trích Thư thứ Nhất của thánh Phêrô đã được nhóm đại kết
của Latvia chọn ra, vốn được ủy nhiệm bởi Hội Đồng đại kết của các Giáo Hội và
Hội Đồng Giáo Hoàng cổ vũ hợp nhất Kitô hữu.
Ở giữa
nhà thờ chánh tòa của Giáo Hội tin lành Luther tại thủ đô Riga, có giếng Rửa
Tội cổ xưa từ thế kỷ thứ XII, vào thời đại mà nước Latvia được Phúc Âm hóa bởi
thánh Mêna. Giếng rửa tội này là chỉ dấu hùng hồn của một đức tin mà nguồn gốc
được công nhận bởi tất cả các Kitô hữu của nước Latvia, bao gồm người công
giáo, tin lành Luther và chính thống giáo. Nguồn gốc này là Phép Rửa chung của
chúng ta. Công Đồng Vatican II khẳng định rằng "Phép Rửa làm thành sợi dây
hợp nhất mang tính bí tích hiện hữu giữa tất cả những ai đã được bí tích này
tái sinh" (Unitatis redintefratio,
22). Thư thứ nhất của thánh Phêrô được gửi cho thế hệ Kitô hữu thứ nhất để cho
họ ý thức được ơn phúc họ đã lãnh nhận trong Phép Rửa và những đòi hỏi kèm
theo. Chúng ta cũng vậy, trong Tuần lễ cầu nguyện này, chúng ta được mời gọi
hãy tái khám phá những điều đó, và cùng nhau
thực hiện, vượt thắng những chia rẽ của chúng ta.
Chia
sẻ Phép Rửa, trước hết, có ý nghĩa tất cả chúng ta đều là những kẻ tội lỗi và chúng ta cần được
cứu độ, chuộc tội và giải thoát khỏi cái ác. Chính phương diện tiêu cực này mà
Thư thứ nhất của thánh Phêrô gọi là "miền u tối" khi nói đến
"Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối vào nơi đầy ánh sáng diệu
huyền" (1P 2,9). Đó là cái chết, mà Đức Kitô đã chọn cho mình và được biểu
tượng hóa trong Phép Rửa qua sự kiện dìm người trong nước, trước khi trồi lên,
biểu tượng của sự phục sinh trong cuộc đời mới nơi Đức Kitô. Khi các Kitô hữu
chúng ta nói, chúng ta chia sẻ một Phép Rửa duy nhất, chúng ta khẳng định rằng
tất cả chúng ta - người công giáo, tin lành và chính thống giáo – chúng ta chia
sẻ kinh nghiệm được gọi ra từ miền u tối tàn nhẫn và kìm hãm để đi tới gặp gỡ
Thiên Chúa hằng sống, đầy lòng thương xót. Quả vậy, khốn nỗi, tất cả chúng ta
đều trải nghiệm lòng ích kỷ vốn sinh ra chia rẽ, khép kín và khinh miệt. Tái
xuất phát từ Phép Rửa có nghĩa là tìm lại nguồn gốc của lòng thương xót, nguồn
gốc của hy vọng cho tất cả mọi người, bởi vì không có ai là bị loại khỏi lòng
thương xót của Thiên Chúa. Không có ai là bị loại khỏi lòng thương xót của
Thiên Chúa!
Sự
chia sẻ ân điển này tạo thành một mối quan hệ bền chặt giữa các Kitô hữu chúng
ta, để nhờ vào Phép Rửa, tất cả chúng ta có thể coi nhau thật sự như là anh em.
Chúng ta thật sự là dân thánh của Thiên Chúa, dù cho cũng vì tội lỗi của chúng
ta, chúng ta chưa là một dân hoàn toàn hợp nhất. Lòng thương xót của Thiên
Chúa, tác động trong Phép Rửa, mạnh mẽ hơn những chia rẽ của chúng ta. Trong
mức độ chúng ta đón nhận ân điển của lòng thương xót, chúng ta luôn trở thành
dân của Thiên Chúa một cách toàn vẹn hơn và chúng ta cũng trở thành có khả năng
loan báo cho tất cả mọi người những công trình kỳ diệu của Người, chính là từ
một sự làm chứng bằng tính hợp nhất của chúng ta, đơn giản và mang tính huynh
đệ. Là Kitô hữu chúng ta, chúng ta có thể loan truyền cho tất cả mọi người sức
mạnh của Tin Mừng bằng cách chúng ta dấn thân trong việc chia sẻ các công trình
nhân đạo về thể xác và tinh thần. Và phải là một sự làm chứng cụ thể cho tính hợp
nhất giữa chúng ta, các Kitô hữu tin lành, chính thống và công giáo.
Để kết
luận, anh chị em thân mến, tất cả chúng ta đều là Kitô hữu, nhờ ơn Phép Rửa,
chúng ta đã lãnh nhận được lòng thương xót từ Thiên Chúa và chúng ta đã được
đón nhận vào làm dân Người. Tất cả, Công Giáo, Chính Thống và Tin Lành, chúng
ta làm thành một thừa tác vụ vương giả và một quốc gia thánh thiện. Điều này có
nghĩa chúng ta có một sứ vụ chung, đó là truyền đạt cho những người khác lòng
thương xót chúng ta đã nhận lãnh, bắt đầu từ những người nghèo khó và những
người bị bỏ rơi nhất. Trong Tuần Lễ cầu nguyện này, chúng ta hãy cầu nguyện để
cho tất cả, các môn đệ của Đức Kitô, chúng ta tìm được phương cách hợp tác để
mang lòng thương xót của Chúa Cha đến khắp nơi trên trái đất.
Bản dịch tiếng Pháp: Constance
Roques (Zenit)
Bản dịch tiếng Việt: Mạc Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét