Hoa lòng dâng Mẹ
Truyền
thống Giáo hội từ rất xa xưa đã dành hai tháng trong một năm để tôn vinh Đức
Trinh nữ Maria: dâng hoa trong tháng Năm và lần hạt Mân Côi trong tháng Mười.
Mặc dù những thực hành đã phai nhạt tại một số quốc gia, tâm tình yêu mến đối
với Đức Mẹ không vì thế mà phôi phai. Đối với người Công giáo Việt Nam, tháng
Năm và tháng Mười vẫn là những thời điểm yêu thích để tỏ lòng tôn kính và mến
yêu đối với Thánh Mẫu của Thiên Chúa. Dù mỗi nơi mỗi cách thực hành, dù tân cổ
kết hợp đan xen, những điệu múa lời kinh đều diễn tả tâm tình yêu mến của người
tín hữu đối với Đức Mẹ.
Trong
cuộc sống hằng ngày, người ta thường tặng hoa cho nhau để tỏ lòng yêu mến, hiếu
thảo và bằng hữu. Hoa vật chất là biểu tượng cho tấm lòng. Thời gian gần đây,
với sự phát triển của cuộc sống, cùng với phong trào hội nhập văn hoá Âu Mỹ,
người Việt Nam chúng ta đã sử dụng rất nhiều hoa trong những dịp kỷ niệm. Những
bông hoa thay cho lời muốn nói đã góp phần làm cho cuộc sống này thi vị và văn
minh hơn.
Trong
tháng Dâng hoa, tại hầu hết các nhà thờ Công giáo, những đội dâng hoa gồm các
em nhỏ nam cũng như nữ đều tiến hoa dâng kính Đức Mẹ. Tại một số cộng đoàn ít
người ở thôn quê miền Bắc, có những nơi phải “tuyển mộ” thêm những em nhỏ ngoài
Công giáo để đủ đội dâng hoa. Thật là một hình ảnh đẹp được diễn tả qua những
em nhỏ đơn sơ, trong trắng hồn nhiên dâng hoa ca tụng Trinh nữ Maria. Các em
dâng kính Đức Mẹ không chỉ những đoá hoa vật chất hôm nay xinh tươi ngày mai
héo tàn, mà còn cả tâm hồn của các em như ngàn đoá hoa ngát hương cũng được
dâng kính Đức Mẹ. Hơn nữa, các em không chỉ nhân danh cá nhân để ca tụng Đức
Mẹ, mà còn nhân danh cả cộng đoàn tín hữu địa phương, mà rộng lớn hơn là nhân
danh cả các tín hữu Công giáo để tôn vinh Đức Mẹ. Nghi thức tiến hoa không chỉ
là nét đẹp văn hoá, mà còn là tâm tình cầu nguyện, xin Đức Mẹ cho mỗi người trở
nên đẹp như những đoá hoa, để góp phần toả hương làm đẹp cuộc đời. Mỗi sắc hoa
diễn tả một nhân đức của Đức Mẹ: hoa hồng là màu máu, nhắc cho chúng ta sự hy
sinh của Đức Mẹ bên thập giá; hoa trắng tượng trưng sự thanh khiết, tượng trưng
nhân đức đồng trinh trọn đời của Đức Mẹ; hoa vàng diễn tả lòng mến, nói lên tâm
tình mến Chúa yêu người của Đức Mẹ; hoa tím chỉ sự vâng lời, diễn tả tâm tình
vâng phục của Đức Trinh nữ qua lời thưa xin vâng; hoa xanh nói lên sự viên mãn
trung thành, ngợi ca Đức Mẹ dồi dào nhân đức và trung tín với Chúa trọn đời.
Người
tín hữu hợp lời với các em nhỏ dâng hoa để ca tụng Đức Mẹ, đồng thời qua các
điệu vãn truyền thống, tìm thấy hình ảnh mình qua các sắc hoa được diễn tả. Bởi
lẽ, ai trong chúng ta mà không phải trải qua những gian khó thăng trầm, rất cần
có nguồn ơn trợ lực thiêng liêng để kiên trì vượt qua. Đức Mẹ được tôn vinh vì
suốt đời Mẹ đã cố gắng hy sinh. Mẹ xứng đáng phần thưởng nơi thiên quốc vì Mẹ
đã vượt qua mọi thử thách để một niềm trung tín với Chúa. Những sắc hoa đỏ,
trắng, vàng, tím, xanh cũng là những giai đoạn của cuộc đời con người trong
kiếp nhân sinh. “Lửa thử vàng gian nan thử đức”, những gian nan cũng là những
trắc nghiệm về lòng trung thành của mỗi chúng ta.
Trong
Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta hãy tôn vinh
Đức Trinh nữ Maria với tước hiệu là “Mẹ của lòng thương xót”. Thực ra, danh
xưng này không mới mẻ, nhưng đã được nhắc đến trong Thông điệp Thiên Chúa giàu
lòng thương xót (Dives in Misericordia) của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II
năm 1980. Hơn nữa, Đức Maria đã được ca tụng là “Mẹ của lòng thương xót” từ rất
lâu đời trong Giáo hội như chúng ta vẫn đọc trong kinh “Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân
lành - Salve Regina, Mater Misericordiae”. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã
viết: “Đức Maria là người có kinh nghiệm đặc biệt và phi thường - hơn
ai hết - về lòng thương xót và đồng thời vẫn một cách phi thường, đã nhờ lễ tế
lòng mình mà có thể đích thân góp phần vào việc mặc khải lòng Thiên Chúa thương
xót. Lễ tế kia được nối kết chặt chẽ với thập giá của Con Mẹ: Mẹ đã đứng dưới
chân thập giá trên núi Sọ. Lễ tế của Đức Maria là sự thông phần đặc biệt vào
việc mặc khải về lòng thương xót, tức là về sự trung thành tuyệt đối của Thiên
Chúa đối với tình thương của Ngài, đối với giao ước Ngài đã muốn có từ đời đời
và đã lập bên trong thời gian với con người” (Thông điệp Thiên Chúa
giàu lòng thương xót, số 9).
Đức
Mẹ đã cảm nhận được lòng thương xót của Chúa như trời biển bao la đối với cuộc
đời cá nhân mình. Vì vậy, Mẹ đã ca lên trong bài ca tạ ơn: “Đời nọ tới
đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”. Trọn đời hy sinh của
Đức Mẹ, nhất là vào lúc đứng dưới chân thập giá Chúa, Đức Mẹ đã cộng tác để
diễn tả lòng thương xót hải hà của Thiên Chúa, thể hiện qua sứ mạng rao giảng
Tin Mừng và qua mầu nhiệm khổ nạn của Chúa Giêsu. Vì vậy mà Thánh Giáo hoàng
Gioan Phaolô II đã nói: “Mẹ Maria đã đích thân góp phần vào việc mặc
khải lòng Thiên Chúa thương xót”.
Khi
dâng hoa tôn kính Đức Mẹ, chúng ta hãy cùng chiêm ngưỡng và suy niệm về đời
sống của Mẹ. Đức Mẹ được tôn vinh là Đấng “Mười hai nhân đức”, nghĩa là Mẹ có
tất cả những nhân đức trong mối tương quan với Chúa và với tha nhân. Cũng như
con số 12 chi tộc Giacóp, con số 12 nhân đức mang ý nghĩa tượng trưng, muốn
diễn tả sự phong phú dồi dào. “Mười hai nhân đức gương soi, kính dâng
Đức Mẹ đời đời ngửa trông” (Vãn dâng hoa), người tín hữu, khi chiêm
ngưỡng các nhân đức của Đức Mẹ, muốn soi mình vào đó để học hỏi và bắt chước,
để rồi cuộc đời của họ giữa chốn ba đào, vẫn giữ được nét trinh trong nguyên
tuyền như Đức Mẹ.
Nghi
thức dâng hoa kính Đức Mẹ thường được xếp loại vào những “hình thức đạo đức
bình dân”. Cách gọi này dễ làm giảm thiểu giá trị cao quý mà nghi thức này diễn
tả. Bởi lẽ, nó vừa là một lời tôn vinh Đức Mẹ, vừa là những suy tư đạo đức dựa
trên nền tảng Thánh Kinh, giúp người tín hữu trưởng thành trong chặng đường
theo Chúa, cùng cộng tác diễn tả lòng thương xót hải hà của Chúa Cha, Đấng đang
hiện diện giữa chúng ta để thực thi và ban phát lòng thương xót “từ đời
nọ đến đời kia, dành cho những ai kính sợ Người” (Lc 1,50).
Hãy
đến với Đức Mẹ, thành kính dâng lên những đoá hoa không bao giờ tàn úa. Đó là
tấm lòng của mỗi chúng ta. Chắc chắn Mẹ sẽ ban cho chúng ta những điều ước
nguyện: “Đời này được sự bằng yên, đời sau lại được ngợi khen hát mừng” (Vãn
Dâng hoa).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét