Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Bài giảng ĐTC Phanxicô kết thúc Năm Đức Tin 2013

Khi có Chúa Kitô là trung tâm,
cả những lúc tối tăm nhất trong cuộc đời
cũng được soi sáng

Khi có Chúa Kitô ở trung tâm cuộc sống, chúng ta có thể quy chiếu về Người các niềm vui và niềm hy vọng, các nỗi buồn và lo lắng trong cuộc đời chúng ta. Cả những lúc đen tối nhất cuộc sống cũng được soi sáng và Người ban cho chúng ta niềm hy vọng, như xảy ra đối với người trộm lành trong Phúc âm hôm nay.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 60.000 tín hữu và du khách tham dự thánh lễ bế mạc Năm Đức Tin tại quảng trường Thánh Phêrô sáng Chúa Nhật lễ Chúa Kitô Vua 24-11-2013.

Thánh lễ đã bắt đầu lúc 10 giờ rưỡi sáng. Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có khoảng 80 Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và 1.200 linh mục. Đảm trách phần thánh ca có ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, ca đoàn của Giáo Hoàng Học Viện Thánh Nhạc và ca đoàn Mater Ecclesiae cũng như Dàn nhạc hòa tấu của tỉnh Bari nam Italia.

Trong khi chờ đơi Dàn nhạc đã trình tấu và các ca đoàn đã hát thánh ca chuẩn bị tinh thần cho tín hữu. Hàng trăm người thiện nguyện đã đi quyên tiền trợ giúp các nạn nhân bão lụt Hayan bên Philippinnes. Từ 15 năm qua đây là lần đầu tiên có việc quyên tiền trong thánh lễ tại quảng trường Thánh Phêrô. Số tiền này sẽ được Đức Thánh Cha chuyển tới các nạn nhân trong những ngày tới.

Trong thánh lễ, các bài Sách Thánh đã được đọc trong các thứ tiếng Anh, Tây Ban Nha và Ý. Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha bầy tỏ lòng biết ơn Đức Biển Đức XVI đã tuyên bố Năm Đức Tin cống hiến cho toàn Giáo Hội cơ may tái khám phá ra vẻ đẹp của lộ trình đức tin, bắt đầu với bí tích Rửa Tội biến chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa và anh em với nhau trong Giáo Hội. Đức Thánh Cha cũng chào mừng các Thượng Phụ, Tổng Giám Mục Trưởng của các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, và qua các vị tín hữu các cộng đoàn của các vị hằng nêu gương trung thành với giá trả đắt đỏ cho lòng trung kiên ấy. Qua các vị Đức Thánh Cha cũng gửi lời chào thân ái tới tất cả mọi kitô hữu bên Thánh Địa, Siria và toàn vùng Đông Phương và cầu mong tất cả được ơn hòa bình và hòa hợp.



Sau đây xin trích lược bài giảng của ĐTC trong Thánh lễ:

Các bài đọc trong Thánh lễ mừng Kính Chúa Kitô – Vua Vũ Trụ hôm nay nói về Chúa Kitô trung tâm của thụ tạo, của dân Chúa và của lịch sử. Thánh Phaolô trình bày Chúa Kitô như là Trưởng tử của mọi thụ tạo: trong Người, nhờ Người và cho Người mà mọi sự được tạo dựng. Ngài là Chúa của sự tạo dựng, Chúa của sự hòa giải.

Hình ảnh này giúp chúng ta hiểu rằng Chúa Giêsu là trung tâm của việc tạo dựng, và vì thế thái độ đòi hỏi nơi tín hữu, nếu họ muốn là tín hữu, là thái độ nhận biết và tiếp đón tính cách trung tâm ấy của Chúa Giêsu Kitô trong cuộc sống, trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Khi đó các tư tư tưởng các việc làm các lời nói của chúng ta sẽ là các tư tưởng kitô, các tư tưởng, việc làm và lời nói của Chúa Kitô. Trái lại, khi đánh mất đi trung tâm ấy vì thay thế nó với cái gì khác, thì chỉ phát sinh ra các thiệt hại cho môi trường chung quanh và cho chính con người.

Ngoài việc là trung tâm của thụ tạo, và của sự hòa giải, Chúa Kitô là trung tâm của dân Thiên Chúa. Chính hôm nay Người ở đây, giữa chúng ta. Bây giờ và ở đây trong Lời Người và sẽ ở đây trên bàn thờ, sống động, hiện diện giữa chúng ta là dân của Người. Đó là điều được chỉ cho chúng ta thấy trong bài đọc thứ nhất trích từ sách Samuel II, kể lại ngày dân Israel đến tìm Đavít và xức dầu tấn phong ông là vua trên Israel (x.2 Sm 5,1-3). Qua việc tìm kiếm gương mặt lý tưởng của nhà vua, các người ấy đã kiếm tìm chính Thiên Chúa: một vì Thiên Chúa đến gần con người, chấp nhận đồng hành với con người và trở thành anh của họ.

Chúa Kitô dòng dõi vua Đavít chính là ”người anh”, chung quanh Người dân được thành lập, là Đấng săn sóc dân Người, săn sóc tất cả chúng ta với giá cuộc sống Người. Nơi Người chúng ta là một, một dân duy nhất: hiệp nhất với Người chúng ta chia sẻ một con đường, một số phận duy nhất. Nơi Người chúng ta có căn tính như là dân Thiên Chúa.

Và sau cùng Chúa Kitô là trung tâm của lịch sử nhân loại và cũng là trung tâm lịch sử của mỗi một người. Chúng ta có thể quy chiếu về Người các niềm vui và niềm hy vọng, các nỗi buồn và lo lắng trong cuộc đời chúng ta. Khi Chúa Giêsu ở trung tâm, cả những lúc đen tối nhất cuộc sống cũng được soi sáng và Người ban cho chúng ta niềm hy vọng, như xảy ra đối với người trộm lành trong Phúc âm hôm nay.

Trong khi tất cả các người khác hướng tới Chúa Giêsu với sự khinh rẻ, họ nói: ”Nếu ông là Đức Kitô, Vua Cứu Thế, thì hãy tự xuống khỏi thập giá đi”, thì ông này, là người đã sai lạc trong cuộc sống, hối hận bám chặt lấy Đức Giêsu chịu đóng định và nài xin: ”Xin nhớ đến tôi, khi Ngài vào Nước của Ngài” (Lc 23,42). Và Chúa Giêsu hứa với ông: ”Hôm nay con sẽ ở trên thiên đàng cùng Ta” (c.43). Chúa Giêsu chỉ nói lên lới tha thứ chứ không kết án; và khi con người tìm ra can đảm xin ơn tha thứ ấy, Chúa không bao giờ bỏ rơi một lời xin như vậy.

Hôm nay, tất cả chúng ta có thể nghĩ tới lịch sử của mình, con đường của mình. Mỗi người trong chúng ta có lịch sử của mình: mỗi người trong chúng ta, cả khi có các sai lầm, tội lỗi, các lúc sung sướng và tối tăm. Trong ngày này, thật là ích lợi, khi nghĩ tới lịch sử của chúng ta và nhìn lên Chúa Giêsu, và từ tận đáy lòng, mỗi người trong chúng ta hãy lập lại với Người biết bao lần, nhưng với con tim thinh lặng, rằng: ”Lậy Chúa, xin nhớ tới con, bây giờ Chúa đang ở trong Nước Chúa. Lậy Chúa Giêsu, xin nhớ tới con vì con muốn sống tốt lành, con muốn trở thành người tốt lành, nhưng con không có sức mạnh, con không thể, con là kẻ tội lỗi. Nhưng lậy Chúa Giêsu, xin nhớ tới con. Chúa có thể nhớ tới con, bởi vì Chúa ở trung tâm, Chúa ở trong Nước Chúa”.

Thật đẹp biết bao! Hôm nay tất cả chúng ta hãy làm điều đó, mỗi người trong con tim mình, lập lại thật nhiều lần: ”Lậy Chúa, xin nhớ tới con, Chúa là trung tâm, Chúa ở trong Nước Chúa!”

Lời Chúa Giêsu hứa với ông trộm lành trao ban cho chúng ta một niềm hy vọng rất lớn: nó nói với chúng ta rằng ơn thánh Chúa luôn luôn phong phú hơn lời cầu xin. Chúa luôn ban cho chúng ta nhiều hơn điều chúng ta xin Người: bạn xin Chúa nhớ tới bạn, và Ngài đem bạn vào trong Nước Ngài! Chúa Giêsu chính là trung tâm các ước mong, niềm vui và ơn cứu độ của chúng ta.


(Nguồn: Vietcatholic News, Linh Tiến Khải, tóm lược bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô, Lễ Bế mạc Năm Đức Tin ngày 24/11/2013)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét