Bài giáo lý ngày thứ tư 04 tháng 3
năm 2015 trên quảng trường thánh Phêrô
"Đừng bỏ qua chuyện các vị cao niên kể lại, vì
chính các ngài đã học hỏi nơi tổ tiên mình; nhờ học với các ngài mà con có được
sự hiểu biết, và khi cần, con biết đưa ra câu trả lời thích hợp" (Hc 8,
9).
Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Thân chào quý anh chị em,
Bài
giáo lý ngày hôm nay và bài cho thứ Tư tuần tới sẽ dành nói về những người lớn
tuổi, trong khuôn khổ gia đình, họ là những
người ông, người bà, những người chú và người cô. Ngày hôm nay, chúng ta sẽ
suy nghĩ về tình trạng mang tính bấp bênh của người già, và lần sau, tức là thứ
Tư tuần tới, về ơn gọi chứa đựng trong cái tuổi này của cuộc đời.
Nhờ
vào những tiến bộ của y khoa, sự sống đã kéo dài, nhưng xã hội đã lại không mở rộng ra cho sự sống! Con
số người già đã nhân lên, nhưng xã hội của chúng ta đã không được tổ chức đử để
dành chỗ cho họ, với sự tôn trọng chính đáng và sự quan tâm cụ thể đối với sự
yếu ớt và phẩm giá của họ. Bao lâu chúng ta còn trẻ, chúng ta bị xúi giục coi
rẻ tuổi già, coi như chỉ là một căn bệnh phải xa lánh; rồi, khi chúng ta già,
đặc biệt nếu chúng ta nghèo, nếu chúng ta bệnh hoạn, cô độc, chúng ta trải
nghiệm những thiếu sót của một xã hội được lập trình theo hiệu năng, với hậu
quả là coi rẻ người già. Và người già là một sự giầu có, không thể bị coi rẻ.
ĐGH
Biển Đức XVI, khi đi thăm một viện dưỡng lão, đã dùng những lời lẽ rõ ràng và
mang tính tiên tri, để phán rằng: "Phẩm chất của một xã hội, có thể nói là
của một nền văn minh, cũng được xét đoán tùy vào cách thức mà người già được
đối xử và tùy vào vị trí dành cho họ trong đời sống công cộng"
(12/11/2012). Đúng vậy, sự quan tâm đối với người già cho thấy sự khác biệt của
một nền văn minh. Người ta có quan tâm đến người già trong một nền văn minh
không? Ở đó có chỗ cho người già không? Nền văn minh đó sẽ tiến bộ nếu nó biết
tôn trọng sự khôn ngoan, sự hiểu biết của người già. Một nền văn minh mà không
có chỗ cho người già, hay người già bị vứt bỏ bởi vì họ gây vấn đề, là một xã
hội đang mang trong mình vi khuẩn của sự chết.
Ở Tây
Phương, các nhà khảo cứu trình bày thế kỷ này như là thế kỷ của lão hóa, con số trẻ em giảm sút và con số người già gia
tăng. Sự mất quân bình khiến chúng ta khó giải thích, nó còn là một thách thức
lớn cho xã hội hiện thời nữa. Dù vậy, một nền văn hóa vụ lợi nào đó đã khăng
khăng coi người già như một gánh nặng, một "trọng lượng". Nền văn hóa
này nghĩ rằng, không những họ không sản xuất, mà lại là một gánh nặng. Tóm lại,
kết quả của cách suy nghĩ như thế là gì? Phải thải loại họ. Thật là xấu xa khi
thấy người già bị thải loại, đó là điều xấu, đó là một tội lỗi! Người ta không
dám công khai nói ra, nhưng người ta hành động! Có điều gì hèn hạ trong việc tập quen với văn hóa thải loại.
Nhưng chúng ta đã làm quen với việc thải loại con người. Chúng ta muốn làm biến
đi nỗi sợ hãi đang gia tăng về sự yếu đuối và bấp bênh, nhưng khi làm như thế,
chúng ta gia tăng nơi người già nỗi lo âu bị người ta khó chịu và bị ruồng bỏ.
Trong
khi thi hành sứ vụ của tôi ở Buenos Aires, tôi đã sờ mó được cái thực trạng này
với những vấn đề của nó: "Người già bị bỏ rơi, và không phải chỉ trong sự
bấp bênh vật chất. Họ bị bỏ rơi trong sự bất lực ích kỷ không chấp nhận những
giới hạn của họ vốn phản ánh giới hạn của chúng ta, trong nhiều khó khăn mà
ngày nay họ phải vượt qua để sống còn trong một nền văn minh không cho họ tham
gia, góp ý, cũng không cho họ là chuẩn chiếu theo mô thức tiêu thụ cho rằng
"chỉ người trẻ mới có thể hữu ích và có thể hưởng thụ". Người già,
trái lại, phải là kho tàng khôn ngoan của dân tộc chúng ta cho toàn xã hội.
Người già là kho tàng hiểu biết khôn ngoan của dân ta! Không có tình yêu, thật
quá dễ để bắt lương tâm của mình phải câm nín!" (Chỉ có tình yêu có thể cứu thoát chúng ta, Cité du Vatican 2013,
trg. 83). Đó là những gì đang xẩy ra. tôi còn nhớ khi tôi đi thăm các nhà dưỡng
lão, tôi đã nói chuyện với hết cả mọi người và tôi thường nghe điều này:
"Ông có mạnh khỏe không? Rồi con cái ông? - Tốt, Tốt – Bà có bao nhiêu con?
- Nhiều. – Và họ có đến thăm ông bà không? – Có, có, thường lắm, có, chúng nó
có đến - Thế lần chót họ đến thăm là bao giờ vậy? Tôi nhớ có một bà già đã trả
lời tôi: "Vào dịp lễ Giáng Sinh". Lúc đó đang là tháng 8! Tám tháng
không được con cái tới thăm, bà bị bỏ rơi trong suốt 8 tháng! Điều này gọi là
tội trọng, anh chị em có hiểu không? Có một lần kia, lúc còn nhỏ, bà tôi đã kể
cho chúng tôi câu chuyện của một người ông lớn tuổi ăn uống đổ vãi, bởi vì ông
không cầm được cái muỗng đầy canh đưa lên miệng. Và đứa con trai ông, nghĩa là
người gia trưởng, đã quyết định không cho ông ngồi chung bàn ăn cơm nữa và đặt
một cái bàn nhỏ ở dưới bếp, để không phải nhìn thấy ông, để ông ăn một mình.
Như vậy ông sẽ không gây cảm tưởng xấu khi bạn bè anh ta đến dùng bữa ở nhà anh
ta. Ít ngày sau, đi làm về, anh thấy đứa con út của anh chơi với mấy miếng gỗ,
với cái búa và mấy cái đinh; nó đang làm cái gì đó, anh ta hỏi nó: "Con
làm gì vậy? – Thưa ba, con đóng một cái bàn - Một cái bàn, để làm gì? - Để con
có nó khi ba già, như vậy ba sẽ có thể ngồi ăn ở đó". Trẻ em có lương tâm
hơn chúng ta!
Trong
truyền thống của Giáo Hội, có một hành trang vốn liếng khôn ngoan luôn nâng đỡ
một nền văn hóa gần gũi với người già,
một khuynh hướng đồng hành thân ái và liên đới trong giai đoạn cuối cùng này
của cuộc đời. Truyền thống này bắt nguồn từ Thánh Kinh, chẳng hạn như những lời
này trong sách Huấn Ca đã chứng minh: "Đừng bỏ qua chuyện các vị cao niên
kể lại, vì chính các ngài đã học hỏi nơi tổ tiên mình; nhờ học với các ngài mà
con có được sự hiểu biết, và khi cần, con biết đưa ra câu trả lời thích
hợp" (Hc 8, 9).
Giáo
Hội không thể và không muốn thuận theo một tâm thức bất dung, và càng không
theo tâm thức dửng dưng và khinh thường đối với tuổi già. Chúng ta phải đánh
thức tình cảm tập thể tri ân, tôn
trọng, đón tiếp, có tác dụng làm cho người già cảm thấy mình là một thành phần
sống động trong cộng đoàn.
Người
già là những bậc nam, nữ, những bậc cha, mẹ đã đi trước trên cùng con đường
chúng ta đi, trong cùng ngôi nhà chúng ta ở, trong cùng một cuộc chiến hàng
ngày cho một đời sống xứng đáng. Đó là những người nam, nữ mà từ họ, chúng ta
đã nhận được nhiều. Người già không phải là người ngoài hành tinh. Người già,
chính là chúng ta, trong không bao lâu nữa, hay còn lâu hơn, nhưng tuy thế vẫn
không tránh khỏi, mặc dù chúng ta không thèm nghĩ đến. Và nếu chúng ta học cách
đối xử tốt với người già, chúng ta cũng sẽ được đối xử như thế.
Chúng
tôi, những người già, chúng tôi đều mỏng manh. Có nhiều ngưòi đặc biệt yếu đuối, nhiều người sống cô
độc, và bị bệnh hoạn hành hạ. Có người sống nhờ vào những săn sóc không thể
thiếu được và nhờ và sự quan tâm của người khác. Liệu chúng ta trước những hoàn
cảnh đó, có bước lùi ra phía sau không? Liệu chúng ta có bỏ mặc họ với số phận
của họ không? Một xã hội không có sự thân
cận, nơi mà sự nhưng không và
tình lân ái không đòi đền trả - kể cả giữa những người xa lạ - không còn nữa,
là một xã hội đồi bại. Giáo Hội, trung thành với Lời của Thiên Chúa, không thể
cho phép sự suy thoái đó được. Một cộng đoàn Kitô hữu nơi mà sự thân cận và
nhưng không chẳng còn được coi là không thể thiếu được, sẽ mất đi linh hồn cùng
với những thứ đó. Ở đâu không tôn trọng người già, ở đó không có tương lai cho
người trẻ.
Tôi
thân ái chào mừng các khách hành hương nói tiếng Pháp, đặc biệt các linh mục
Chaldée của Châu Âu, với sự tháp tùng của Đức Cha Ramsi Garnou, và những nhóm
đông đảo các bạn trẻ đã đến đây.
Tôi
mời gọi tất cả anh chị em hãy thân cận với người già xung quanh mình và làm cho
họ cảm nhận được lòng thương yêu, kính trọng và biết ơn của anh chị em. Anh chị
em hãy biết lợi dụng kinh nghiệm và sự khôn ngoan của họ.
Chúc
hành hương tốt đẹp.
Mạc Khải dịch từ bản tiếng
Pháp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét