Truyền thông Công Giáo và thời đại kỹ thuật số
Theo hãng tin Zenit ngày 17 tháng Ba vừa qua, sức mạnh đệ nhất đẳng của truyền thông trong Giáo Hội là lôi cuốn bằng chứng tá bản thân chứ không phải tuyên truyền tôn giáo. Người Công Giáo được mời gọi hiện diện giữa các thách đố và vận hội do thời đại kỹ thuật số đem tới, bằng cách làm chứng hơn là “oanh kích” bằng tín liệu.
Đó là các nhận định của Đức Tổng Giám Mục Claudio Maria Celli, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội. Trong một cuộc phỏng vấn của Zenit, Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các cộng đoàn sẵn sàng chào đón, một cách cụ thể và thân ái, những người nam nữ đã tìm thấy Chúa Giêsu qua hệ thống liên mạng hòan cầu (www).
ZENIT: Đâu là các thách đố và mới lạ trong truyền thông đối với Giáo Hội ngày nay?
Đức Tổng Giám Mục Celli: Tôi nghĩ rằng một trong các thách đố lớn lao mà ta phải giải quyết ngày nay, đặc biệt, là sự hiện diện của Giáo Hội trong bối cảnh do các kỹ thuật mới tạo ra. Chắc chắn, Giáo Hội lấy chứng tá bản thân làm điểm qui chiếu và Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng nhắc nhở ta điều đó, giống như các vị tiền nhiệm của ngài, và cả Đức Phaolô VI nữa trong Evangelii nuntiandi, tức văn kiện nhấn mạnh rằng Giáo Hội truyền thông bằng lôi cuốn, chứ không bằng tuyên truyền tôn giáo. Do đó, điều quan trọng là: lôi cuốn có nghĩa: người khác hiểu được sứ điệp của ta là nhờ chứng tá. Đây là sức mạnh đệ nhất đẳng của truyền thông trong Giáo Hội. Ngoài ra, chúng ta vẫn sử dụng các phương tiện truyền thống. Như báo chí, truyền thanh và truyền hình, cho dù không ai chối cãi được rằng ngày nay, các kỹ thuật mới trong truyền thông đã phát sinh ra điều ta gọi là lục địa kỹ thuật số. Do đó, tôi dám nói rằng đây là một thách đố lớn nhưng cũng là một vận may lớn.
ZENIT: Và trong cả các mạng lưới xã hội?
Đức Tổng Giám Mục Celli: Trong bối cảnh lớn của các mạng lưới xã hội, chúng ta được mời gọi làm chứng cho các giá trị ta vốn tin tưởng. Bởi thế, trong thông điệp đầu tiên nhân Ngày Truyền Thông Thế Giới, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng: “Đừng sợ bước vào các mạng lưới xã hội”. Đây không phải là một kêu gọi ngây thơ. Chúng ta biết rõ các rủi ro và nguy hiểm vốn hiện diện trong các mạng lưới xã hội và trên Liên Mạng.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô có một kiểu nói rất hay; ngài nói rằng vấn đề không phải là “oanh kích” các mạng lưới xã hội bằng các sứ điệp tôn giáo, mà chủ đề sâu xa là làm chứng; là tổng hợp cuộc sống, giữa cuộc sống tôi và Tin Mừng. Vì, như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI từng nhắc nhở ta, con người thời nay tin các chứng tá nhiều hơn các thầy dạy. Và nếu họ tin thầy dạy là bởi vì thầy dạy này là một chứng nhân.
Các bạn ạ, tôi muốn nói rằng đây là chủ đề ẩn tàng: chấp nhận thách đố của các kỹ thuật mới, chấp nhận thách đố sẵn sàng hiện diện trong lục địa kỹ thuật số và tuyên xưng Tin Mừng vĩ đại thẩy đều đang vang dội khắp lục địa này.
ZENIT: Điều quan trọng có phải là các hội đồng giám mục, các giáo phận và các giáo xứ nên có trang mạng được cập nhật hóa hay không?
Đức Tổng Giám Mục Celli: Một lần nữa, tôi tin rằng vấn đề không hẳn là cung cấp tín liệu, mà là làm chứng bằng cuộc sống của ta. Điều bất hạnh là: quả thực, trên thế giới hiện nay, không phải mọi giáo phận đều có trang mạng riêng, huống hồ là các giáo xứ. Tuy nhiên, tôi cũng tin rằng, như tôi đã thưa, ta phải nắm lấy thách đố, lượng giá và đánh giá các vận may đang được đưa tới với ta, có khả năng đối thoại với những người có lẽ chưa bao giờ bước chân vào Giáo Hội, nhưng đang bước vào các trang mạng.
ZENIT: Nhưng trang mạng có đủ không?
Đức Tổng Giám Mục Celli: Ta phải thừa nhận rằng đời sống Kitô hữu không thể chỉ được sống trước màn ảnh của một máy vi tính. Cuộc sống Kitô hữu đòi phải sống trong một cộng đoàn. Rồi tôi mới có thể gặp gỡ Chúa Kitô nhờ sự giúp đỡ phong phú và có mục tiêu của một trang mạng, nhưng chỉ sau khi tôi đã tìm được một cộng đoàn chịu tiếp nhận tôi và giúp tôi khả năng đảm nhiệm cuộc hành trình đức tin cụ thể. Bởi thế, theo quan điểm của tôi, tôi chào đón các cố gắng và kế sách nhằm giúp Giáo Hội hiện diện bằng các trang mạng vui tươi, dễ mến và đầy khích lệ, những trang mạng mời gọi người ta suy tư, giúp con người nam nữ ngày nay gặp gỡ Chúa Giêsu và biết Người nhiều hơn. Tuy nhiên, sau đó, rất cần có các cộng đồng có khả năng tiếp đón, một cách cụ thể và thân ái, những người nam nữ đã từng gặp Chúa Giêsu trên Liên mạng.
ZENIT: Những người làm việc trong ngành thông tin cần phải vô tư nhưng không dửng dưng. Làm sao đạt được điều này?
Đức Tổng Giám Mục Celli: Chúng ta được mời gọi trở nên đầy tớ của sự thật. Tôi nghĩ tới lời lẽ tươi đẹp của Đức Bênêđíctô XVI khi ngài nói rằng truyền thông của chúng ta phải phục vụ sự thật về con người. Báo chí, mọi phương tiện truyền thông của ta, phải là khí cụ của sự thật về con người. Đó là một thách đố lớn lao, vì, rõ ràng, ta sẽ gặp rủi ro. Nếu tiêu chuẩn là lợi lộc bản thân hay thành quả kinh tế nào đó, thì kết cục ta sẽ không tôn trọng con người. Thay vào đó, ở đây, thông tin của ta, truyền thông của ta, và do đó, tôi thích nói tới truyền thông hơn là thông tin, truyền thông của ta phải thực sự tập trung vào con người và luôn nói sự thật về con người. Trong bối cảnh ngày nay, là bảo vệ con người và đem lại cho con người cơ hội và vận may để họ lớn lên hòng thể hiện đầy đủ ơn gọi của họ.
ZENIT: Đức Tổng Giám Mục thấy công việc của hãng tin Zenit ra sao?
Đức Tổng Giám Mục Celli: Tôi luôn biết ơn những người làm việc trong lãnh vực truyền thông có khả năng chuyên nghiệp. Ở đây, tôi cũng xin nói rằng ngày nay đang có thách đố lớn. Và, trong bối cảnh ngày nay, đó là nhận lãnh việc phục vụ sự thật này, việc phục vụ Chúa Giêsu Kitô này. Và tôi luôn nhớ điều Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với các nhà báo: chúng ta phải là các đầy tớ của chân, thiện, mỹ.
Nhờ ba ý niệm trên, nhờ ba thực tại trên, những gì đẹp, thật và tốt đều gặp nhau trong một hợp nhất sâu xa. Tôi tin rằng: vì con người thời nay, truyền thông của ta phải phục vụ cả ba thực tại ấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét