Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

Huấn từ ĐTC Phanxicô ngày CN 22.03.2015

Đáp lại sự chờ đợi của những người
"muốn được gặp Chúa Giêsu"

Kinh Truyền Tin ngày 22 tháng 3 năm 2015 (bản dịch toàn văn)

Rôma – 22/3/2015 (Zenit.org)


Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắn nhủ các Kitô hữu hãy mang "Phúc Âm, thánh giá và chứng ngôn đức tin của họ" đến cho "những người, ngày hôm nay, còn "muốn được gặp Chúa Giêsu", cho những người đang đi tìm thánh nhan Thiên Chúa… cho tất cả những người đã chưa được gặp gỡ cá nhân Chúa Giêsu".
Đó quả là sự khuyến khích của ngài trong giờ Kinh Truyền Tin ngày 22/3/2015, Chúa Nhật thứ năm Mùa Chay, trên quảng trường thánh Phêrô.
Sau giờ kinh Đức Mẹ, Đức Giáo Hoàng đã chào mừng các khách hành hương mặc dù trời mưa, đặc biệt những người Pháp: "những người trẻ của Trường Thánh Gioan ở Passy thuộc Paris". Ngài đã cho phân phát cho mọi người sách Phúc Âm bỏ túi, "để đọc mỗi ngày một đọan".
Lời Đức Giáo Hoàng trước Kinh Truyền Tin
Thân chào quý anh chị em,
Trong ngày Chúa Nhật thứ năm Mùa Chay, thánh sử gia Gioan thu hút sự chú ý của chúng ta bởi một chi tiết lạ lùng: một số người Hy Lạp, theo Do Thái giáo, đến Giêrusalem dự lễ Vượt Qua, đã tìm đến ông Philíphê và xin với ông rằng: "Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu" (Ga 12, 21). Trong thành thánh, nơi Chúa Giêsu đến lần chót, có rất nhiều người. Có những người bé mọn và những người đơn sơ, đã nghênh đón trong lễ hội đấng Tiên Tri của thành Nazareth và nhận ra nơi Người, Đấng Thiên Sai của Chúa. Có những vị thượng tế và những kỳ mục của dân, đang muốn thủ tiêu Người bởi vì họ coi Người là dị giáo và nguy hiểm. Cũng còn có những người, như những người "Hy Lạp" này, tò mò muốn gặp được Người và tìm hiểu nhiều hơn về con người và về những công trình Người đã thực hiện, công trình gần nhất – làm cho ông Lazarô sống lại – đang gây nhiều dư luận.
"Chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu": những lời này, như bao lời khác trong các sách Phúc Âm, đi xa hơn giai đoạn đặc biệt và bộc lộ điều gì đó là phổ cập; những lời này cho thấy một ý muốn xuyên qua các thời đại và các nền văn hóa, một ước muốn hiện diện trong tâm hồn của nhiều người đã nghe nói về Đức Kitô, nhưng chưa hề được gặp Người. "Tôi muốn gặp ông Giêsu": đó là điều mà thâm tâm những người đó cảm thấy.

Khi gián tiếp trả lời, một cách tiên tri, yêu cầu được gặp Người, Chúa Giêsu đã phán một lời tiên tri bộc lộ căn tính của Người và chỉ ra con đường để thực sự hiểu biết: "Đã đến giờ Con Người được tôn vinh" (Ga 12, 23). Đó là giờ của Thánh Giá! Đó là giờ Satan, ác thần, thua trận và giờ chiến thắng vĩnh viễn của tình yêu khoan dung của Thiên Chúa.
Đức Kitô tuyên bố Người sẽ "được nâng lên khỏi mặt đất" (Ga 12, 32), một thành ngữ có hai ý nghĩa: "nâng lên cao" bởi vì bị đóng đinh trên thập giá, và "nâng lên cao" bởi vì được Chúa Cha tôn lên trong sự Sống Lại, để thu hút tất cả mọi người về với Người và hòa giải con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Giờ của Thánh Giá, giờ đen tối nhất của lịch sử, và cũng là nguồn gốc của sự cứu độ cho tất cả những ai tin vào Người.
Tiếp nối lời tiên tri về sự Vượt Qua của Người, từ nay đã sắp xẩy ra rồi,  Chúa Giêsu dùng một hình ảnh đơn giản và gợi ý, hình ảnh "hạt lúa", rơi vào trong đất, chết đi để mang lại hoa trái (x. câu 24). Trong hình ảnh này chúng ta tìm thấy một khía cạnh khác của Thánh Giá Đức Kitô: khía cạnh của sự sinh sôi nẩy nở. Thánh Giá Đức Kitô sinh sôi nẩy nở. Cái chết của Chúa Giêsu, quả thật, là nguồn mạch vô tận của sự sống mới, bởi vì nó mang trong nó sức mạnh sinh ra tình yêu của Thiên Chúa. Được dìm trong tình yêu này bởi Phép Rửa, các Kitô hữu có thể trở thành những "hạt lúa" và mang nhiều hạt khác nếu, như Chúa Giêsu, chúng "mất đi mạng sống" vì tình yêu Thiên Chúa và anh em. (x. câu 25). 
Bởi vậy, cho những người, ngày hôm nay còn "muốn được gặp Chúa Giêsu", cho những người đang tìm kiếm thánh nhan Thiên Chúa; cho người đã học giáo lý lúc nhỏ và rồi không đào sâu thêm: hay có lẽ đã mất đức tin, cho tất cả những người chưa từng được gặp cá nhân Chúa Giêsu …; cho tất cả những người đó, chúng ta có thể hiến tặng ba điều: Phúc Âm; Thánh Giá và chứng ngôn đức tin của chúng ta, tuy nghèo nàn, nhưng thành thật. Phúc Âm: đó là nơi chúng ta có thể gặp Chúa Giêsu, lắng nghe Người, hiểu biết Người. Thánh Giá: dấu hiệu của tình yêu Chúa Giêsu đã hiến tặng chính mình cho chúng ta. Và rồi đức tin được thể hiện bằng những cử chỉ bác ái huynh đệ đơn sơ. Nhưng chính yếu là trong sự gắn bó chặt chẽ giữa những gì chúng ta nói và những gì chúng ta thực sự sống, sự gắn bó giữa đức tin và đời sống của chúng ta, giữa lời nói và hành động của chúng ta. Phúc Âm; Thánh Giá; chứng từ.
Cầu mong Đức Trinh Nữ phù giúp chúng ta mang đến ba điều này.
Lời Đức Giáo Hoàng sau Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến, mặc dù trời xấu, đông đảo anh chị em đã đến đây, xin khen ngợi! Anh chị em đã rất can đảm, như các lực sĩ chạy việt dã can đảm này, tôi thân ái chào mừng họ.
Hôm qua, tôi đã thực hiện chuyến tông du tới Napoli: tôi muốn cảm ơn vì sự đón tiếp nồng nhiệt của mọi người dân Napoli, quá can đảm. Cảm ơn nhiều!
Hôm nay là Ngày Nước Thế Giới, do Liên Hiệp Quốc khuyến khích. Nước là yếu tố quan yếu nhất cho sự sống, và tương lai của nhân loại tuỳ thuộc vào khả năng của chúng ta để bảo vệ và chia sẻ nó. Vì vậy, tôi khuyến khích Cộng Đồng quốc tế hãy canh chừng để cho nước của hành tinh này được bảo vệ và không có ai bị loại trừ hay kỳ thị trong việc sử dụng của cải này, vốn là một của cải chung tiêu biểu nhất. Với thánh Phanxicô Assisi, chúng ta hãy nói: ("Lậy Chúa! Ngợi khen Chúa vì người chị em nước rất hữu ích và khiêm nhường và trong sạch" ("Laudatio si',  mi' Signore, per  sora aqua, la quale è molto utile et humile et pretiosa et casta" -  Thánh ca của người anh em Mặt Trời).
Bây giờ chúng ta sẽ làm lại một cử chỉ đã được thi hành năm ngoái: theo truyền thống cổ xưa của Giáo Hội, trong Mùa Chay, người ta trao Phúc Âm cho những ai đang chuển bị chịu Phép Rửa; như vậy, hôm nay tôi xin tặng anh chị em một món quà, anh chị em đang ở quảng trường thánh Phêrô này: một cuốn Phúc Âm bỏ túi. Nó sẽ được phân phát miễn phí bởi những người vô gia cư đang sống tại Rôma. Chúng ta thấy trong sự kiện này một cử chỉ rất đẹp, làm vui lòng Chúa Giêsu: những người nghèo khó nhất chính là những người hiến tặng cho chúng ta lời của Thiên Chúa. Anh chị em hãy cầm lấy và mang theo với anh chị em, để thường xuyên đọc, luôn mang theo trong túi áo hay xách tay, và đọc mỗi ngày một đoạn. Lời Thiên Chúa là ánh sáng soi đường chúng ta! Làm điều này sẽ tốt cho anh chị em.
Tôi chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt đẹp. Xin anh chị em vui lòng, đừng quên cầu nguyện cho tôi. Tạm biệt!
Bản dịch tiếng Pháp : Anne Kurian (Zenit)
Bản dịch tiếng Việt : Mạc Khải (ghxhcg.com)
(22 mars 2015) © Innovative Media Inc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét