"Bước
qua ngưỡng Cửa Thánh đòi hỏi chúng ta phải có lòng thương xót của người Samari
nhân lành".
Bài giảng trong thánh lễ khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót
(toàn văn)
Rôma – 08/12/2015 (ZENIT.org) Anita Bourdin
"Bước qua Cửa Thánh đòi hỏi chúng ta
phải có lòng thương xót của người Samari nhân lành", Đức Giáo Hoàng
Phanxicô tuyên bố trong bài giảng ngày thứ Ba 08/12/2015, trên quảng trường
Thánh Phêrô nhân lễ kính Đức Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội.
Đức Giáo Hoàng đã chủ tọa thánh lễ khai mạc
Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót (08/12/2015 – 20/11/2016) trước khi
khai mở Cánh Cửa Thánh.
"Chúng ta hãy bỏ đi mọi hình thức lo sợ
và hãi hùng, bởi vì điều đó không hợp với kẻ được yêu thương; thay vào đó,
chúng ta hãy sống niềm vui được gặp ơn phúc thay đổi mọi sự", Đức Giáo
Hoàng đã nói trong lúc các biện pháp an ninh đang được tăng cường.
Khoảng 50.000 người đã có mặt vào lúc đầu lễ,
nhưng đám đông vẫn tiếp tục kéo đến cho tới lúc khai mở Cửa Thánh, dự trù vào
lúc 10giờ30.
Các ý chỉ cầu nguyện đã được đọc lên bằng
tiếng Trung Hoa, Ả Rập, Pháp và Swahili.
Sau đây là bản văn đầy đủ bài giảng của Đức
Giáo Hoàng Phanxicô, được Tòa Thánh chính thức phiên dịch sang tiếng Pháp.
A.B.
Bài giảng của Đức Giáo Hoàng
Phanxicô
Thưa anh chị em,
Lát nữa đây, tôi sẽ có
niềm vui khai mở Cửa Thánh Lòng Thương Xót. Chúng ta làm cử chỉ này, vừa đơn
giản vừa rất biểu tượng, dưới ánh sáng Lời của Thiên Chúa mà chúng ta đã nghe,
và đã đặt ưu tiên ơn phúc lên địa vị cao nhất. Điều được nhắc đi nhắc lại nhiều
lần trong các Bài Đọc, quả đã đưa chúng ta về với câu nói mà thiên thần Gabriel
đã nói với một thiếu nữ, ngỡ ngàng và bối rối, về mầu nhiệm đang bao trùm lấy
cô: "Chào mừng bà, hỡi đấng đầy ơn sủng" (Lc 1, 28).
Đức Trinh Nữ Maria
trước hết được mời gọi hãy vui mừng vì điều mà Chúa đã làm nơi bà. Ơn sủng của
Thiên Chúa đã bao trùm lấy bà, khiến bà xứng đáng trở nên mẹ Đức Kitô. Khi
thiên thần Gabriel bước vào trong nhà, mầu nhiệm sâu xa nhất, vượt khỏi mọi khả
năng của lý trí, trở thành lý do vui mừng đối với bà, lý do đức tin và phó thác
vào lời đã mặc khải cho bà. Sự vẹn toàn của ơn phúc có thể làm thay đổi lòng
người, khiến cho lòng người có khả năng hoàn thành một hành động to lớn đến nỗi
nó làm thay đổi lịch sử loài người.
Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm
Nguyên Tội biểu lộ sự cao cả của tình yêu Thiên Chúa. Người không chỉ là Đấng
thứ tha tội lỗi, mà nơi Đức Maria, Người đã đi đến chỗ ngăn chặn tội tổ tông,
mà mọi con người đều mang trong mình khi bước chân vào thế giới này. Chính là
tình yêu thương của Thiên Chúa đã đi trước, tới trước và cứu độ. Khởi đầu câu
chuyện tội lỗi trong Vườn Địa Đàng đã kết thúc trong công trình của một tình
yêu mang tính cứu độ. Lời lẽ trong Sách Sáng Thế đưa chúng ta trở lại kinh
nghiệm hàng ngày mà chúng ta khám phá ra trong cuộc sống riêng tự của từng
người. Luôn có cám dỗ không vâng lời được biểu hiện trong sự kiện là muốn dự
trù cuộc sống của mình độc lập với thánh ý của Thiên Chúa. Chính đây là sự đối nghịch
luôn luôn cám dỗ đời sống con người để chống lại dự định của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, kể cả lịch
sử tội lỗi cũng chỉ có thể hiểu được dưới ánh sáng của tình yêu tha thứ. Nếu
tất cả trụ lại trong tội lỗi, chúng ta sẽ là những kẻ thất vọng nhất trong các
tạo vật, trong lúc mà lời hứa chiến thắng của tình yêu Đức Kitô bao gồm tất cả
trong lòng thương xót của Chúa Cha. Lời của Chúa Cha mà chúng ta đã nghe không
để lại một sự nghi ngờ nào về vấn đề này. Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm đứng trước
chúng ta như một nhân chứng ưu tiên của lời hứa này và của sự hoàn thành lời
hứa đó.
Năm Thánh ngoại thường
này cũng là một của ban ơn phúc. Bước vào Cửa Thánh có nghĩa là khám phá ra
chiều sâu lòng thương xót của Đức Chúa Cha là Đấng đón nhận tất cả chúng ta và
tới gặp cá nhân mỗi người chúng ta. Đây sẽ là một Năm để lớn lên trong niềm xác
tín vào lòng thương xót.
Bao sai lầm đã phạm tới
Thiên Chúa khi tiên quyết khẳng định rằng tội lỗi bị trừng phạt bởi sự phán xét
của Người, mà trái lại, không đưa lên ý niệm tội lỗi được tha thứ bởi lòng
thương xót của Người (X. Augustin, De praedestinatione sanctorum 12, 23)! Phải,
đích thật là thế. Chúng ta phải đưa lòng thương xót lên trước sự phán xét, và
trong mọi trường hợp, sự phán xét của Thiên Chúa sẽ luôn được thực hiện dưới
ánh sáng lòng thương xót của Người. Như thế, bước qua Cửa Thánh làm cho chúng
ta cảm thấy tham gia vào mầu nhiệm tình yêu này. Buông bỏ mọi hình thức lo sợ,
hãi hùng, bởi vì cái đó không phù hợp với người được yêu thương; thay vào đó,
chúng ta hãy sống niềm vui được gặp ơn phúc có khả năng thay đổi tất cả.
Ngày hôm nay, khi bước
qua ngưỡng Cửa Thánh, chúng ta muốn nhớ lại một cánh cửa khác mà cách đây 50
năm, các Nghị Phụ của Công Đồng Vatican II đã mở ra cho thế giới. Biến cố đó
không chỉ được nhắc tới vì sự phong phú của các tài liệu đã được soạn thảo, mà
cho đến ngày nay đã cho phép kiểm chứng sự tiến bộ to lớn đã được hoàn thành
trong đức tin. Nhưng trước hết, Công Đồng đã là một sự gặp gỡ. Một sự gặp gỡ
đích thực giữa Giáo Hội và con người của thời đại chúng ta. Một sự gặp gỡ được
đánh dấu bởi sức mạnh Chúa Thánh Thần, Đấng thúc đẩy Giáo Hội của Người bước ra
khỏi những chướng ngại vật, trong nhiều năm trường đã giam hãm Giáo Hội trong chính mình, để hăng hái tiếp tục con đường
sứ vụ truyền giáo. Đó đã là sự tiếp nối một hành trình để đi gặp tất cả mọi
người ở bất cứ nơi nào họ ở: trong thành phố, trong tư gia, nơi làm việc của
họ… đi khắp mọi nơi có người, Giáo Hội được kêu gọi phải đến với họ để mang cho
họ niềm vui của Phúc Âm. Một sức đẩy sứ vụ truyền giáo, mà sau hàng chục năm
chúng ta đã tiếp tục cũng với cùng một sức mạnh và cùng một sự hăng hái. Năm
Thánh khích lệ chúng ta về sự mở cửa này và bắt buộc chúng ta đừng lãng quên
tinh thần đã toát ra từ Công Đồng Vatican II, tinh thần của người Samari nhân
lành, như Đức Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI đã nhắc nhở trong lễ bế mạc Công
Đồng.
Bước qua Cửa Thánh đòi
hỏi chúng ta hãy có lòng thương xót của người Samari nhân lành.
© Librairie éditrice vaticane
Mạc Khải phỏng dịch
(8 décembre 2015) ©
Innovative Media Inc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét