Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2015

Giáo lý về Năm Thánh LTX - 9.12.15

Giáo Hội cần Năm Thánh Lòng Thương Xót


Bài giáo lý ngày thứ Tư 09 tháng 12 năm 2015
"Mừng Năm Thánh Lòng Thương Xót có nghĩa là đặt lại vào trung tâm đời sống riêng của chúng ta và của cộng đoàn chúng ta tính đặc thù của đức tin Kitô giáo, nghĩa là Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa giầu lòng thương xót", Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố.
Ngài đã giải thích ý nghĩa của Năm Thánh Lòng Thương Xót trong Bài giáo lý của ngài ngày thứ Tư 09/12/2015, trên quảng trường Thánh Phêrô.
Năm Thánh là một "thời gian phi thường" để hướng sự quan tâm của chúng ta "đến nội dung cốt lõi của Phúc Âm: Chúa Giêsu là lòng thương xót nhập thể", Đức Giáo Hoàng nói. Ngài đã kêu gọi mọi người hãy "sống lòng thương xót", hãy "trải nghiệm trong cuộc đời chúng ta sự đụng chạm êm ái và ngọt ngào của sự thứ tha của Thiên Chúa" và chỉ lựa chọn "điều gì làm vừa lòng Thiên Chúa": sự tha thứ và lòng thương xót.
"Nguồn gốc của sự lãng quên lòng thương xót, luôn là sự tự ái", Đức Giáo Hoàng nhận xét. Nó thường xuất hiện dưới hình thức chỉ đi tìm kiếm tư lợi, thú vui và danh vọng gắn liền với chủ ý vơ vét của cải" hay "che dấu", trong cuộc đời người Kitô hữu", "dưới sự giả hình và những thói hư trần tục", "Tất cả những thứ đó đi ngược lại lòng thương xót", Đức Giáo Hoàng tuyên bố. 
Ngài đã biểu lộ niềm hy vọng của ngài rằng trong Năm Thánh này, "mỗi người chúng ta sẽ trải nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa, để trở thành chứng nhân cho điều làm vừa lòng Người nhất".
Sau đây là bản dịch đầy đủ Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô từ tiếng Ý.
M.D.
Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Thân chào quý anh chị em!
Hôm qua, tại đây, tôi đã khai mở trong Đền Thánh Phêrô, cánh Cửa Thánh của Năm Thánh Lòng Thương Xót, sau khi đã khai mở cánh cửa trong nhà thờ chánh tòa ở Bangui, Cộng Hòa Trung Phi. Hôm nay, tôi muốn cùng anh chị em suy nghĩ về ý nghĩa của Năm Thánh này, bằng cách trả lời câu hỏi: Tại sao phải có một Năm Thánh Lòng Thương Xót? Điều này có ý nghĩa gì?
Giáo Hội đang cần một thời gian phi thường như thế này. Tôi không nói: thời gian phi thường này tốt lành cho Giáo Hội. Tôi nói: Giáo Hội cần đến thời gian phi thường này. Ở thời đại của những thay đổi sâu đậm chúng ta, Giáo Hội được kêu gọi cống hiến sự đóng góp cách riêng của mình bằng cách làm cho thấy rõ những dấu chỉ của sự hiện diện và thân cận của Thiên Chúa. Và Năm Thánh là một thời gian thuận lợi cho tất cả chúng ta, để khi chiêm ngắm lòng thương xót Chúa, vốn vượt khỏi mọi giới hạn của con người và chói sáng trong bóng đêm tội lỗi, chúng ta có thể trở thành những chứng nhân xác tín và hữu hiệu hơn.
Ngước mắt nhìn lên Thiên Chúa, là Cha giầu lòng thương xót, và nhìn sang anh em mình đang cần lòng thương xót, có nghĩa là hướng sự quan tâm của mình vào nội dung cốt lõi của Phúc Âm: Chúa Giêsu là lòng thương xót nhập thể, Người mở mắt chúng ta để thấy được mầu nhiệm vĩ đại của tình yêu Ba Ngôi của Thiên Chúa. Mừng Năm Thánh Lòng Thương Xót có nghĩa là đặt lại vào trung tâm đời sống riêng của chúng ta và của cộng đoàn chúng ta tính đặc thù của đức tin Kitô giáo, nghĩa là Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa giầu lòng thương xót.

Như thế, một Năm Thánh là để sống lòng thương xót. Phải, thưa anh chị em thân mến, Năm Thánh này được ban cho chúng ta để trải nghiệm trong cuộc đời chúng ta sự đụng chạm êm ái và ngọt ngào của sự thứ tha của Thiên Chúa, trải nghiệm sự hiện diện của Người bên cạnh chúng ta và sự thân cận của Người, nhất là trong những lúc mà ta cần đến Người nhất.
Năm Thánh này, tóm lại, là một thời gian thuận lợi để Giáo Hội học cách chỉ lựa chọn "cái gì làm vừa lòng Thiên Chúa". Và cái gì "làm vừa lòng Thiên Chúa nhất"? Tha thứ cho con cái Người, có lòng thương xót đối với họ, để họ cũng đến lượt mình tha thứ cho anh em của họ, làm chói sáng lên như những ngọn đuốc của lòng thương xót Thiên Chúa trên thế gian. Đó là điều làm vừa lòng Thiên Chúa nhất. Thánh Ambrôsiô, trong một cuốn thần học ngài viết về ông Adam, đã đọc chuyện Thiên Chúa tạo dựng thế giới: mỗi ngày, sau khi làm nên sự gì - mặt trăng, mặt trời hay súc vật – ngài thấy viết rằng "Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp". Nhưng khi Người dựng nên người đàn ông và người đàn bà, Thánh Kinh viết: "Thiên Chúa thấy là rất tốt đẹp". Thánh Ambrôsiô tự hỏi: "Tại sao lại là 'rất tốt đẹp'? Tại sao Thiên Chúa lại bằng lòng đến thế sau khi tạo dựng người nam và người nữ?" Bởi vì cuối cùng, Người đã có được kẻ để Người tha thứ. Thật là đẹp: niềm vui của Thiên Chúa là tha thứ, bản thể của Thiên Chúa là lòng thương xót. Vì thế trong năm này, chúng ta phải mở lòng chúng ta để cho tình yêu đó, niềm vui đó của Thiên Chúa đong đầy mọi người bằng lòng thương xót đó. Năm Thánh sẽ là "một thời gian thuận lợi" cho Giáo Hội nếu chúng ta học được cách chọn lựa "điều làm vừa lòng Thiên Chúa", không sa ngã trước cám dỗ nghĩ rằng có chuyện khác quan trọng hơn hay ưu tiên hơn. Không có gì quan trọng hơn là lựa chọn "điều là vừa lòng Thiên Chúa", nghĩa là lòng thương xót của Người, tình yêu thương của Người, sự ôm ấp của Người, những vuốt ve của Người!
Công trình cần thiết để đổi mới các cơ chế và các cấu trúc của Giáo Hội cũng là một phương tiện dẫn đưa chúng ta tới việc trải nghiệm sống động lòng thương xót của Thiên Chúa vốn duy nhất có thể bảo đảm cho Giáo Hội là một thành xây trên núi và không tài nào che dấu được (x. Mt 5, 14). Chỉ có một Giáo Hội giầu lòng thương xót mới có thể rạng rỡ được! Nếu chúng ta, dù là trong khoảnh khắc, quên rằng lòng thương xót là "điều làm vừa lòng Thiên Chúa", mọi nỗ lực của chúng ta sẽ là vô ích, bởi vì chúng ta sẽ trở thành nô lệ cho các cơ chế, các cấu trúc của chúng ta, cho dù chúng được cải thiện đến mấy đi chăng nữa. Nhưng chúng ta vẫn là nô lệ.
"Cảm nhận mạnh mẽ nơi chúng ta niềm vui được tìm lại bởi Chúa Giêsu, Đấng Mục Tử Nhân Lành đã đến tìm chúng ta bởi vì chúng ta bị lạc đàn" (Bài giảng trong giờ Kinh Chiều đầu tiên ngày Chúa Nhật Lòng Thương Xót, 11/4/2015): đó là mục đích mà Giáo Hội đã ấn định trong Năm Thánh này. Như vậy, chúng ta sẽ tăng cường trong chúng ta lòng xác tín rằng lòng thương xót có thể thực sự đóng góp vào việc xây dựng một thế giới nhân bản hơn. Nhất là trong thời buổi hiện nay, khi mà sự tha thứ là một khách mời hiếm hoi trong những môi trường của đời sống con người, thì sự nhắc nhở của lòng thương xót trở nên cấp bách, và điều này ở khắp mọi nơi: trong xã hội, trong các cơ chế, nơi làm viẹc cũng như trong gia đình.
Đương nhiên người ta có thể phản bác: 'Nhưng, thưa Cha, Giáo Hội trong Năm này, có phải nên làm thêm điều gì nữa không? Chiêm ngắm lòng thương xót của Thiên Chúa là chính đáng, nhưng còn nhiều nhu cầu cấp bách nữa!" Đúng thế, có nhiều việc phải làm trước tiên. Tôi không hề mệt mỏi nhắc nhở điều này. Nhưng phải tính tới điều mà, ở gốc rễ của sự lãng quên lòng thương xót, luôn có sự tự ái. Trên đời này, nó có hình thức của sự chỉ tìm kiếm tư lợi, lạc thú và danh vọng gắn liền với ý muốn vơ vét của cải, còn như trong đời người Kitô hữu, thì nó thường hay núp dưới sự giả hình và những thú vui trần tục. Tất cả những thứ đó đi ngược lại với lòng thương xót. Những động thái của lòng tự ái, muốn biến lòng thương xót thành cái gì xa lạ trên đời, nhiều đến nỗi chúng ta thường hay khó mà nhận biết chúng như là những giới hạn hay là một tội lỗi. Đó là lý do cần phải nhìn nhận mình là tội nhân, để tăng cường trong chúng ta lòng xác tín vào lòng thương xót Chúa. "Lạy Chúa, con là kẻ có tội; xin Chúa đến với lòng thương xót Chúa!" Đó là một lời nguyện tốt đẹp. Một lời nguyện dễ đọc mỗi ngày: "Lạy Chúa, con là một kẻ tội lỗi: xin Chúa đến với lòng thương xót Chúa!"
Anh chị em thân mến, tôi mong rằng trong Năm Thánh này, mỗi người trong chúng ta sẽ trải nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa, để làm chứng nhân cho "cái gì làm vừa lòng Chúa nhất". Liệu có phải là quá ngây thơ khi tin rằng điều đó có thể làm thay đổi thế giới không? Phải, nếu nói trên bình diện con người thì đó là điều điên rồ, nhưng cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người (1 Cr 1, 25).
Bản dịch tiếng Pháp : Constance Roques (Zenit)
Bản dịch tiếng Việt : Mạc Khải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét