ĐIỀU DIỆU KỲ TỪ ĐÔI MẮT
Một vài suy nghĩ:
Con người có năm giác quan là: Thị
giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác, và giác quan thứ sáu gọi là
thần giao cách cảm. Nhưng xem ra chỉ có thị giác là được người ta nói đến nhiều
nhất. Đặc biệt là các nhà văn, nhà thơ, nhà tâm lý, triết gia… thì đôi mắt đã
trở thành đề tài tạo nguồn cảm hứng thú vị hầu như bất tận trong việc nghiên
cứu và sáng tác… Cũng chính nhờ cảm nhận, và thấu hiểu được sự “vấn vương” của
những ánh mắt kỳ diệu trao nhau, mà hàng ngàn, hàng vạn những câu ca dao, tục
ngữ, bài thơ, bài văn, truyện ngắn, tiểu thuyết, luận án…có giá trị hầu như vô
giá, đã được sáng tạo cho nhân loại, còn lưu truyền đến ngày nay, và ngày một
phong phú hơn. Nhưng xem ra với bao đam mê đắm say nghiên cứu, sáng tác như
thế, họ vẫn chưa diễn tả hết được sự diệu kỳ, những ngõ ngách thẩm sâu nơi tâm
hồn con người thể hiện qua đôi mắt... Đôi mắt, mà Tạo Hóa tao dựng, vẫn còn bao
điều bí ẩn, mà nhân loại đến nay, vẫn say mê tìm kiếm... Mặc dù, đôi mắt chỉ là
phần bé nhỏ so với thân thể con người. Có lẽ vì thế, mà triết gia, và cũng là
nhà hùng biện Cicero, La-Mã trước công nguyên đã nói: “Khuôn mặt là chân
dung của tâm hồn, mà đôi mắt là để diễn tả”. Người đời, thường nói ngắn gọn
là: “Con mắt là cửa sổ tâm hồn”.
Với những suy nghĩa được nêu trên, ta
cùng tìm hiểu: Điều diệu kỳ từ đôi mắt:
Điều diệu kỳ từ đôi mắt trong cấu tạo,
và hoạt động:
Nhớ lại, năm học 1964-1965, tôi học lớp
đệ I khối A, tại trường Văn Học, Sài Gòn, cuốn “Vạn vật học” ngày đó dày khoảng
400 trang nói về con người, trong đó có phần nói về mắt, học sinh gần như phải
thuộc lòng, vì môn vạn vật khối A có hệ số 3. Ngày nay, học y khoa ở các nước
tiên tiến như Mỹ, Anh… sinh viên phải học từ 12 đến 15 năm, còn tại Việt Nam
sinh viên Y Khoa học sáu năm. Tất cả được học về con người, mà vẫn còn bao điều
bí ẩn chưa biết…Điều đó cho thấy sự cấu tạo của con người nói chung, và đôi mắt
nói riêng, nó kỳ bí đến chừng nào! Ở đây, tôi xin mượn sự tra cứu khá công phu
của Mục sư Ngô Minh Quang, Úc Châu nói về sự cấu tạo, và hoạt động của đôi mắt,
như một minh chứng cho điều kỳ diệu đó: “Đôi mắt loài người chúng ta được
Thượng Đế tạo ra một cách thật lại lùng! Không một cấu trúc nào khéo léo, tinh
vi, bén nhậy, thanh nhã bằng đôi mắt chúng ta. Chỉ trong một thể tích nhỏ bé
của mắt, lại có thể chứa đựng hàng chục triệu mạch điện. Chỉ trong một võng mạc
với diện tích không quá một phân tây vuông chứa đựng 137 triệu tế bào tiếp nhận
ánh sáng. Những bắp thịt tí hon của đôi mắt lại là phần mạnh nhất của thân thể
chúng ta. Trung bình bắp thịt của mắt di động mỗi ngày khoảng 100.000 lần. Việc
làm của nó giống như của máy chụp ảnh, đem ảnh vào đúng tiêu cự để ta trông
thấy rõ ràng một vật gì đó! Chẳng hạn như khi chúng ta muốn nhìn một vật ở đằng
xa, chúng ta phải nhướng mắt mới thầy rõ được. Đem so công xuất của các bắp
thịt, đôi mắt ta làm việc trong một ngày, sẻ bằng công xuất của bắp thịt đôi
chân ta đi qua một đoạn đường dài 50 dăm, hay 80 mươi cây số. Ôi! Đôi mắt chúng
ta là một món quà vô giá được Đấng Tạo Hóa ban tặng”.
Điều diệu kỳ từ đôi mắt, khi biểu lộ: “Đôi
mắt là cửa sổ tâm hồn”.
Tâm hồn con người, thật mênh mông, bao
la và sâu thẳm: “Lòng mẹ bao la như biển thái bình…”, gần như mỗi người
là một thế giới riêng biệt. Họ ôm ấp trong lòng, hoặc chỉ trao đổi với người
tri kỷ của họ những chuyện lòng của nhau. Nhiều nguời tri kỷ đã chuyện trò thâu
đêm, thâu ngày, có khi cả tháng, cả năm khi họ xa cách nhiều năm, nay gặp lại
như Kim Trọng và Thúy Kiều... “chuyện trò chưa cạn tóc tơ/ Gà đà gáy sáng,
trời vừa rạng động” (Kiều, Nguyễn Du). Nếu nỗi niềm, tình riêng, những uẩn
khúc của cuộc đời không được giãi bầy cùng người tri kỷ để hiểu nhau, để thông
cảm, để tha thứ cho nhau thì: “Nợ tình chưa trả cho ai/ Khối tình mang xuống
tuyền đài chưa tan” (Truyện Kiều Nguyễn Du). Với họ, đúng là “Vắng một
người cũng đủ rồi/ Đủ làm vũ trụ hóa hoang vu”. Vì thế, có biết bao người
đã: “Sống để bụng, chết mang theo” nỗi niềm riêng thầm kín của mình.
Thật đáng buồn, khi đời không có người tri kỷ để giãi bày tâm sự! Những vấn nạn
nêu trên đã được ông cha ta khẳng định qua câu ca dao bất hủ: “Sông sâu còn
có thể dò/ Nào ai lấy thước mà đo lòng người…”. Nhưng cũng chính các ngài,
lại mách bảo chúng ta nhận diện được muôn mặt của tâm hồn con người xuyên qua
sắc mặt, ánh mắt: “Trông mặt mà bắt hình dong/ Con lợn có béo thì lòng mới
ngon”. Và cũng chính các ngài, qua ca dao, tục ngữ đã để lại cho đời sau
biết bao trải nghiêm quí báu, để nhận diện muôn mặt về con người, và cuộc sống
chỉ qua ánh nhìn. Có thể nói, có cả một khoa tướng số của tiền nhân để lại, thể
hiện bằng những câu ca dao, tục ngữ qua đôi mắt: “Con lợn mắt trắng thì
nuôi/ Con người mắt trắng đánh rồi đuổi đi”; “Mắt dài, mày ngắn bất
bình/ Mày dài, mắt ngắn đệ huynh vẹn toàn”; “Con gái, con mắt lá răm/
Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền”; “Những người mắt trắng môi thâm/
Ví chẳng hại chồng, thì cũng hại con”…
Trong ca dao Việt Nam, tôi ấn tượng mãi
với mười thương nơi người con gái: “Một thương tóc bỏ đuôi gà… Mười thương
con mắt hữu tình với ai”. Nét thương thứ mười nên duyên và đẹp làm sao!
Duyên và đẹp ở chỗ, nó hướng đến người nam, khác phái, sau khi đã tự chau chuốt
bản thân bằng chín nét thương trước. Nếu nét thương thứ mười được ánh mắt người
con trai đáp trả lại đắm say, thì người ta gọi đó là “mối tình đầu”. Đã có biết
bao bút mực nói về mối tình đầu, xong vẫn chưa lột tả hết…!!! Mối tình đầu,
thường rất cao thượng, đẹp trong trắng… nhưng ít khi thành vợ thành chồng,
duyên số là như thế! Tuy nhiên, vì sự rung động trong trắng của hai con tim qua
ánh mắt đắm say đưa tình thuở đầu đời cao đẹp, trinh trắng, chưa hề đụng chạm
tới xác thịt, nên mối tình đầu thường sống mãi với thời gian và không gian,
không phôi pha theo năm tháng. Trịnh Công Sơn có lý khi nói: “Những con mắt tình
nhân, nuôi ta biết nồng nàn”, vì: “Nhện căng ít sợi tơ trời/ Đong đưa ru
võng nào rơi được mình/ Tình yêu chẳng sợi tơ mành/ Mà sao buộc chắt chúng mình
hỡi anh” (ĐPM).
Và, trong thời đại hôm nay, cố nhạc sĩ
Trịnh Công Sơn với hơn 600 ca khúc để lại, đã làm say lòng bao thế hệ không chỉ
ở Việt Nam, mà còn ở cả hải ngoại. Họ Trịnh cũng đã góp phần phân loại những
con mắt qua ca khúc: Những con mắt trần gian “Những con mắt tình nhân,
nuôi ta biết nồng nàn/ Những con mắt thù hận, cho ta đời lạnh căm/ Những con
mắt cỏ non/ xanh cây trái địa đàng/ những con mắt bạc tình, cháy tan ngày thần
tiên;…Những con mắt trần gian, xin nuôi vết nhục nhăn/ những con mắt muộn
phiền, xin cấy lại niềm tin/ Những con mắt cuồng thâm, xin tươi sáng một lần/
Cho con mắt người tình, ấm như lời hỏi han…”.
Ngoài ra, người ta còn ghi nhận được
một số điều về đôi mắt: Mắt vô hồn thì lờ đờ, đờ đẫn; ánh mắt có hồn, có thần
thái thể hiện sự hoạt bát, lanh lợi, thông minh, họ đầy nhiệt huyết, tích cực
trong công việc; ánh mắt láo liên thể hiện thiếu thành khẩn, thiếu tập trung,
thiếu tự tin, thích trục lợi…; ánh mắt trong sáng, cương nghị thể hiện sự thẳng
thắn trung thực, chân thành…
Lại nữa, người ta còn dễ dàng nhận ra
sự biểu hiện nơi đôi mắt trong các trạng thái tâm sinh lý khác nhau của con
người như: vui buồn, giận hờn, ghen ghét, đam mê, khát khao, ham muốn, chán
nản, khắc khoải, ưu tư…Và ngay cả khỏe mạnh, đau yếu cũng được thể hiện qua đôi
mắt: Mắt lồi thể hiện bệnh cường giáp; mắt mờ đục thủy tinh báo hiệu tuổi già;
mắt đỏ sọng thể hiện mệt mỏi, thiếu ngủ..; mắt vàng báo hiệu bệnh gan…
Đôi mắt: Lòng Thương Xót trong ảnh Thầy
Chí Thánh của Phong trào Cursillo
Xin chia sẻ một chút cảm nghiệm riêng
tư về đôi mắt: Tôi đứng bất cứ nơi nào, khi còn nhìn thấy bức ảnh Chúa Giêsu,
thì đôi mắt “Thầy Chí Thánh” cũng dõi theo tôi, với ánh nhìn thấu suốt tâm trí
tôi. Ánh nhìn của Thầy toát ra sự yêu thương vô bờ; nhân hậu vô cùng, và bao
dung vô tận… Tôi đã có cảm nhận này hơn 40 năm qua, kể từ khi tôi học Khóa #9
khóa Ba Ngày của Phong trào Cursillo tại giáo phận Long Xuyên năm 1973. Khi
trao đổi với những Cursillistas (Người đã học khóa Ba Ngày) thì tất cả các anh
chị em đều có cảm nghĩ như tôi!
Lời Kết
Đôi mắt hầu như đã diễn tả được mọi ngõ
ngách của tâm hồn con người. Nhưng nếu thiếu ánh sáng thì đôi mắt trở thành vô
hiệu, ta sẽ chẳng nhìn thấy gì nữa ở quanh ta: “Tối như đêm ba mươi”.
Ánh sáng là một yếu tố không thể thiếu được trong sinh hoạt đời sống của con
người trên trái đất này. Đó là một điều hiển nhiên, không ai có thể phủ nhận được.
Nếu thiếu ánh sáng loài người sẽ đi trong tăm tối như cái kết của chị Dậu trong
tác phẩm Tắt Đèn của nhà văn Ngô Tất Tố: “tối như đêm ba mười” và sẽ bị
diệt vong…
Tuy nhiên, đó chỉ là ánh sáng của phần
thân xác, còn ánh sáng về phần tâm linh thì sao? Có thể có người đôi mắt sáng,
nhưng tâm hồn tăm tối, không nhận ra chân lý. Nhưng cũng có người đôi mắt bị mù
lòa, nhưng họ tâm hồn họ sáng láng, họ đã tìm được chân lý cuộc đời để tiến
bước. Vậy chân lý cuộc đời là gì? Chúa Giêsu, vua tình yêu, vua vũ trụ, Đấng
tạo ra vũ trụ muôn loài đã chỉ cho chúng ta biết: “Thầy là đường, là sự
thật, và là sự sống, không ai có thể đến với Cha mà không qua Thầy” (Ga
14,6). Và Chúa cũng chỉ cho chúng ta biết: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con
bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119,105)
Hạnh phúc biết bao! Khi chúng ta đang
sống trong chân lý, được Thầy Chí Thánh luôn yêu thương, bao dung, theo dõi,
gìn giữ, che chở bảo vệ… để chúng ta tiến bước trên đường Loan Báo Tin Mừng,
hầu Nước Chúa ngày một rộng lan khắp nơi./.
Cursillista Inhaxiô Đặng Phúc Minh - GPLX
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét