Thứ Tư, 23 tháng 12, 2015

Giáo lý Năm Thánh LTX - Bài 2

Chú ý! Không phải chi trả gì hết!

Bài giáo lý thứ nhì Năm Thánh Lòng Thương Xót (bản dịch đầy đủ)
Đức Giáo Hoàng Phanxicô – Rôma 16/12/2015 – ZENIT.org / Triều kiến chung
"Xin anh chị em chú ý! Chớ gì không có ai khôn khéo, xảo quyệt để nói với anh chị em phải trả tiền: không! Sự cứu rỗi không phải trả tiền. Sự cứu rỗi có tiền cũng không mua được. Cánh Cửa, chính là Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu là miễn phí!", Đức Giáo Hoàng Phanxicô cảnh giác.
Đức Giáo Hoàng đã tung ra lời cảnh giác này trong Bài giáo lý thứ nhì của ngài hôm thứ Tư 16/12/2015 trong Năm Thánh ngoại thường Lòng Thương Xót
Chính Đức Giêsu phán, Đức Giáo Hoàng nói tiếp, "về những kẻ không cho vào trong lúc, đáng lẽ là phải cho, và Người phán đơn giản, đó là những kẻ trộm cướp".
Ngay trong bài giảng hôm 15/12/2015, Đức Giáo Hoàng đã phiền hà vì, ở một giáo phận nào đó, người ta đã yêu cầu tín hữu "dâng cúng" khi bước vào Cửa Thánh.
Nhưng lời cảnh giác của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng mang tính rất thiêng liêng: Ân điển của Thiên Chúa là nhưng không, không cần một công trạng nào từ loài người: "Một lần nữa, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh, anh chị em hãy chú ý: sự cứu rỗi là miễn phí. Bước qua Cửa Thánh là dấu chỉ của một sự cải hối đích thực của trái tim chúng ta". 
Đây là nội tâm mà Năm Thánh kêu gọi: "Khi chúng ta bước qua Cửa này, thật là hữu ích khi chúng ta nhắc lại rằng chúng ta cũng luôn phải giữ cho cánh cửa lòng mình rộng mở. Đứng trước Cửa Thánh, tôi đã cầu xin; "Lạy Chúa, xin giúp con rộng mở cánh cửa lòng con!" Năm Thánh sẽ chẳng ích lợi là bao, nếu cánh cửa trái tim chúng ta không để cho Chúa Kitô bước vào, Người là Đấng thúc đẩy chúng ta đi tới những người khác để mang chính Người và tình yêu của Người đến cho họ.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã nói đến nhiệm tích hòa giải, trọng tâm Năm Thánh.
Sau đây là bản dịch đầy đủ, từ tiếng Ý, của Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng.
A.B.
Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô bằng tiếng Ý
Thân chào quý anh chị em!
Chúa Nhật tuần trước, Cửa Thánh của vương cung thánh đường Thánh Gioan Latran ở Rôma; đã được khai mở, và một Cánh Cửa của lòng thương xót đã được mở ra trong thánh đường của tất cả các giáo phận trên thé giới, cũng như trong các thánh địa đã được các giám mục chỉ định. Năm Thánh sẽ là trên khắp thế giới chứ không chỉ ở Rôma. Tôi đã mong muốn rằng dấu chỉ của Cửa Thánh này hiện diện trong mỗi Giáo Hội đặc biệt, để Năm Thánh Lòng Thương Xót có thể trở thành một kinh nghiệm được chia sẻ cho mọi người. Bằng cách đó, Năm Thánh đã được bắt đầu trong toàn Giáo Hội và đã được cử hành trong tất cả các giáo phận cũng như tại Rôma. Lại còn Cửa Thánh đầu tiên được mở ra ở ngay trung tâm của Phi Châu. Và Rôma là dấu chỉ hiển nhiên của sự hiệp thông hoàn vũ. Mong rằng sự hiệp thông Giáo Hội này luôn trở nên mãnh liệt, để Giáo Hội là dấu chỉ sống động của tình yêu và lòng thương xót của Chúa Cha trên thế gian này.
Ngày 08/12/2015 cũng muốn nhấn mạnh đòi hỏi này bằng cách kết nối, 50 năm sau, sự khai mạc Năm Thánh với ngày bế mạc Công Đồng Đại Kết Vatican II. Quả vậy, Công Đồng đã chiêm ngắm và đã đưa Giáo Hội ra ánh sáng của mầu nhiệm hiệp thông. Trải rộng trên toàn thế giới và được tổ chức thành nhiều Giáo Hội đặc biệt, tuy nhiên Giáo Hội chỉ là Giáo Hội duy nhất của Chúa Giêsu Kitô, Giáo Hội mà Người muốn và Người đã hiến mạng sống cho. Giáo Hội "là một", hằng sống trong sự hiệp thông với chính Thiên Chúa.
Mầu nhiệm hiệp thông này, từng khiến cho Giáo Hội thành dấu chỉ của tình yêu Chúa Cha, làm lớn lên và làm chín mùi trong lòng chúng ta tình yêu, mà chúng ta nhận biết trên Thánh Giá Đức Kitô và trong đó chúng ta tắm gội, khiến cho chúng ta yêu mến như chính chúng ta được Người thương yêu. Đó chính là một tình yêu vô tận, có dung nhan của sự tha thứ và lòng thương xót.

Tuy nhiên, lòng thương xót và sự thứ tha không được chỉ ở trong lời nói, mà phải thực hiện trong đời sống hàng ngày. Yêu thương và tha thứ là dấu chỉ cụ thể và thấy được mà đức tin đã thay đổi tâm hồn chúng ta và cho phép chúng ta biểu lộ nơi chúng ta chính sự sống của Thiên Chúa. Thương yêu và tha thứ như Thiên Chúa yêu thương và thứ tha. Đó là chương trình sống không hề biết đến gián đoạn và ngoại lệ, nhưng nó thúc đẩy chúng ta luôn đi xa hơn mà không bao giờ mệt mỏi, với lòng xác tín là chúng ta được nâng đỡ bởi sự hiện diện từ phụ của Thiên Chúa.
Chỉ dấu to lớn này của đời sống Kitô giáo sau đó biến thành nhiều dấu chỉ khác, mang tính đặc trưng của Năm Thánh. Tôi nghĩ đến tất cả những ai bước qua các Cửa Thánh trong năm nay, những Cửa đích thực của lòng thương xót. Cửa Thánh chỉ chính Chúa Giêsu, Người đã phán: "Tôi là cửa, ai qua tôi mà vào thì sẻ được cứu; người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ" (Ga 10, 9). Bước qua Cửa Thánh là dấu chỉ lòng tin tưởng của chúng ta nơi Chúa Giêsu, Đấng không đến để xét xử, mà để cứu độ (x. Ga 12, 7). Chớ gì không có ai khôn khéo, xảo quyệt để nói với anh chị em phải trả tiền: không! Sự cứu rỗi không phải trả tiền. Sự cứu rỗi có tiền cũng không mua được. Cánh Cửa, chính là Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu là miễn phí! Chính người đã nói về những kẻ không cho vào trong lúc, đáng lẽ là phải cho, và Người phán đơn giản, đó là những kẻ trộm cướp. Một lần nữa, anh chị em hãy chú ý: sự cứu độ là nhưng không. Bước qua Cửa Thánh là dấu chỉ của một sự hối cải đích thực của tâm hồn anh chị em. Khi chúng ta bước vào Cửa này, chúng ta nên nhớ rằng chúng ta cũng luôn phải giữ cho cánh cửa cõi lòng chúng ta luôn luôn rộng mở. Lúc đứng trước Cửa Thánh, tôi đã cầu xin: "Lạy Chúa, xin giúp con rộng mở cánh cửa lòng con!" Năm Thánh sẽ chẳng ích lợi là bao, nếu cánh cửa trái tim chúng ta không để cho Chúa Kitô bước vào, Người là Đấng thúc đẩy chúng ta đi tới những người khác để mang chính Người và tình yêu của Người đến cho họ. Hậu quả là, cũng như Cửa Thánh rộng mở, bởi vì đó là dấu chỉ sự tiếp đón của đích thân Thiên Chúa dành cho chúng ta, cánh cửa của chúng ta, cánh cửa tâm hồn chúng ta, cũng phải luôn luôn rộng mở để không loại trừ bất cứ ai. Dù là những người làm rộn mình; không loại trừ ai cả.
Một dấu chỉ quan trong khác của Năm Thánh là xưng tội. Tới gần với nhiệm tích, nhờ đó, chúng ta hòa giải với Thiên Chúa, tương đương với sự trải nghiệm trực tiếp lòng thương xót của Người. Đó là tìm gặp Cha là Đấng tha thứ: Thiên Chúa thứ tha tất cả. Thiên Chúa thấu hiểu chúng ta kể cả trong những giới hạn của chúng ta, Người cũng thấu hiểu chúng ta trong những mâu thuẫn của chúng ta. Chưa hết: với tình yêu thương của Người, Người phán với chúng ta rằng, chính khi chúng ta thú nhận tội lỗi chúng ta, là khi Người còn gần gũi hơn nữa và Người khuyến khích chúng ta đi tới. Người còn đi xa hơn nữa: Người phán rằng, khi chúng ta thú nhận tội lỗi chúng ta và cầu xin tha thứ, chính là lễ hội trên Trời. Chúa Giêsu mở hội: đó là lòng thương xót của Người; chúng ta đừng nản lòng! Chúng ta hãy tiến tới, hãy tiến tới với điều này!
Bao nhiêu lần tôi đã nghe "Thưa Cha, con không thể tha thứ cho người hàng xóm của con, cho bạn đồng nghiệp của con, cho cái cô ở nhà kế bên, cho bà má chồng con, cho cô em chồng con". Chúng ta đều đã nghe những điều này: "Tôi không thể nào tha được". Nhưng làm sao có thể cầu xin Thiên Chúa tha tội cho chúng ta, nếu sau đó chúng ta không thể hiến tặng sự tha thứ? Và tha thứ là cái gì vĩ đại, thế mà tha thứ không phải chuyện dễ làm, bởi vì lòng dạ chúng ta hẹp hòi, nếu chỉ cậy vào sức của mình; thì khó mà làm được. Nhưng nếu chúng ta mở lòng ra tiếp nhận lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta, thì đến lượt mình, chúng ta có khả năng tha thứ. Tôi rất thường nghe nói: "Nhưng, người ấy, con không thèm nhìn mặt: con ghét nó. Nhưng một ngày kia, con đã đến với Chúa và xin Người tha tội cho con và con cũng đã tha thứ cho người ấy". Đó là những chuyện xẩy ra hàng ngày. Và chúng ta có cái khả năng đó gần bên chúng ta.
Vậy thì, hãy can đảm lên! Chúng ta hãy sống Năm Thánh bằng cách bắt đầu bởi những dấu chỉ mang nặng sức mạnh to lớn của tình yêu. Chúa sẽ đồng hành với chúng ta để giúp chúng ta trải nghiệm những dấu chỉ khác quan trọng cho cuộc sống chúng ta. Cản đảm và tiến lên!
Bản dịch tiếng Pháp: Constance Roques (Zenit)
Bản dịch tiếng Việt: Mạc Khải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét