Người ta
nhận biết người Kitô hữu nhờ cái gì
Kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng ngày 03 tháng 5 năm
2015 (bản dịch toàn văn)
Rôma – 03/5/2015 (Zenit.org)
"Nếu người nào gắn chặt với Chúa Giêsu,
người đó sẽ hưởng đưọc các ơn phúc của Chúa Thánh Thần là các ơn "bác ái,
hoan lạc, bình an, nhân nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà tiết
độ"… trong những thái độ này, người
ta sẽ nhận biết ra ai là người Kitô hữu thật sự", Đức Giáo Hoàng Phanxicô
khẳng định vào giờ Kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng ngày 03/5/2015 này.
Đức Giáo Hoàng đã chủ sự giờ kinh kính Đức Mẹ
trong mùa Phục Sinh, từ cửa sổ văn phòng của ngài trông xuống quảng trường
thánh Phêrô, trưa hôm Chúa Nhật này, trước một đám rất đông khách hành hương.
Lời của Đức Giáo Hoàng trước Kinh
Lậy Nữ Vương Thiên Đàng
Thân chào quý anh chị
em,
Bài Phúc Âm ngày hôm
nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu trong suốt buổi Tiệc Ly, khi mà Người biết
rằng cái chết đã gần kề. "Giờ sau chót" của Người đã tới. Đây là lần
sau chót người ở với các môn đệ của Người, và Người muốn khắc ghi trong tâm
khảm các ông một chân lý cơ bản: dù là khi Người không còn ở giữa các ông bằng
xương bằng thịt, các ông sẽ có thể vẫn còn kết hợp được với Người một cách mới
mẻ, và cũng có thể mang nhiều hoa trái. Tất cả chúng ta đều có thể kết hợp với
Chúa Giêsu một cách mới. Trái lại, nếu có ai trong họ mất đi sự kết gợp với
Người, mất đi sự hiệp thông với Người, họ sẽ trở nên cằn cỗi, hay đúng hơn là,
có hại cho cộng đoàn. Và để biểu lộ thực tế này, cách kết hợp mới với Người,
Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh cây nho và cành nho và phán rằng: "Cũng như cành nho không thể tự mình
sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại
trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành" (Ga 15, 4-5). Với hình
ảnh này, Người dậy cho chúng ta làm thế nào để ở trong Người, kết hợp với
Người, dù rằng Người không hiện diện bằng xương bằng thịt.
Chúa Giêsu là cây nho,
và qua Người – như nhựa trong thân cây – tình yêu Thiên Chúa, Thần Khí Thiên
Chúa được truyền tới cành nho. Chúng ta đều là cành nho, và qua dụ ngôn này,
Chúa Giêsu muốn cho chúng ta hiểu được sự quan trọng phải kết hợp với Người.
Cành nho không thể tự túc được, nhưng chúng lệ thuộc hoàn toàn vào cây nho, vì
đó là nơi có nguồn mạch sự sống của chúng. Đối với Kitô hữu chúng ta cũng vậy.
Được tháp ghép nhờ bí tích Thánh Tẩy trong Chúa Kitô, chúng ta đã lãnh nhận
được từ Người ơn phúc sự sống mới; và chúng ta có thể hiệp thông suốt đời với
Chúa Kitô. Phải trung thành với Phép Rửa, và lớn lên trong tình bằng hữu với
Chúa bằng lời cầu nguyện, cầu nguyện hàng ngày, bằng sự lắng nghe và ngoan hiền
với Lời Người - đọc Phúc Âm -, bằng sự tham gia các Bí Tích, đặc biệt là Bí
Tích Thánh Thể và sự Phục Sinh.
Nếu người nào gắn chặt
với Chúa Giêsu, người đó sẽ hưởng đưọc các ơn phúc của Chúa Thánh Thần – như
thánh Phaolô đã nói với chúng ta – là "bác
ái, hoan lạc, bình an, nhân nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà tiết
độ" (Gl 5,22); và vì vậy, người đó sẽ giúp ích cho tha nhân và cho xã
hội, người đó là một con người Kitô hữu. Trong những thái độ này, trên thực tế,
người ta sẽ nhận ra đó là một người Kitô hữu, cũng như xem quả thì biết cây.
Hoa trái của sự kết hợp sâu đậm với Chúa Giêsu thật là tuyệt vời: toàn thể con
người chúng ta được Chúa Thánh Linh biến đổi: linh hồn, trí khôn, ý chí, ước
vọng, và cả thể xác, vì chúng ta là sự kết hợp linh hồn và thể xác. Chúng ta
lãnh nhận được một cách sống mới, sự sống Đức Kitô trở thành sự sống của chúng
ta: chúng ta có thể suy nghĩ như Chúa, hành động như Chúa, nhìn thế gian và vạn
vật với con mắt của Thiên Chúa. Hậu quả là, chúng ta có thể yêu thương anh em
chúng ta, từ những người nghèo khó và đau khổ nhất, như Chúa đã làm, và yêu
thương họ với con tim của Người và mang đến thế gian hoa quả của sự tốt lành, của
tình bác ái và của sự an bình.
Mỗi người trong chúng
ta đều là một cành nho của một cây nho duy nhất; và tất cả chúng ta cùng được
kêu gọi hãy mang nhiều hoa trái của sự hiệp thông chung này với Đức Kitô và với
Hội Thánh. Chúng ta hãy phó thác cho sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, để
chúng ta có thể là những cành nho sống động trong Hội Thánh và làm chứng cho
đức tin của chúng ta một cách gắn bó - sự gắn bó của cách sống và tư tưởng, của
cách sống và đức tin – ý thức được rằng tất cả, tùy theo ơn gọi riêng tư của
từng người, chúng ta tham gia vào sứ mạng cứu độ duy nhất của Đức Kitô.
Lời Đức Giáo Hoàng sau Kinh Lậy Nữ
Vương Thiên Đàng
Anh chị em thân mến,
đến từ nước Ý và từ khắp nơi trên thế giới, tôi gửi đến tất cả mọi người và
từng người một, lời chào mừng thân ái của tôi.
Hôm qua ở thành phố
Tôrinô, ông Luigi Bordino, giáo dân tận hiến của dòng Anh Em thánh Giuse Biển
Đức Cottolengo, đã được tuyên phong chân phước. Ngài đã cống hiến đời mình cho
các bệnh nhân và những người đau khổ, và đã xả thân không tính toán cho những
người nghèo khổ nhất, săn sóc và lau rửa các vết thương của họ; Chúng ta hãy
cảm tạ Chúa về người môn đệ khiêm nhường và rộng lương này của Người.
Một lời chào đặc biệt,
ngày hôm nay được gửi đến Hội Meter, trong Ngày thế giới các trẻ em bị bạo
hành. Tôi cảm ơn anh chị em vì sự dấn thân của anh chị em để ngăn ngừa những tội ác này. Tất cả chúng ta phải dấn
thân để cho mọi con người, nhất là trẻ em, phải được bảo vệ và che chở.
Tôi thân ái chào mừng
tất cả các khách hành hương có mặt ngày hôm nay, quá đông để có thể kể nhết tên
các nhóm! Nhưng tôi hy vọng ít ra là Ca Đoàn San Biogio sẽ cất tiếng ca chút
đỉnh. Tôi chào mừng những người đến từ Amsterdam, từ Zagreb, từ Litija (ở
Slovenia); từ Madrid, và từ Lugo ở Tây Ban Nha.
Tôi vui mừng đón chào
nhiều người Ý: các giáo xứ, các đoàn thể và các học đường. Một ý nghĩ đặc biệt
dành cho những người trẻ đã hay sắp nhận lãnh bí tích Thêm Sức.
Tôi chúc tất cả mọi
người một ngày Chúa Nhật tốt lành. Và xin anh chị em vui lòng, đừng quên cầu nguyện
cho tôi. Tạm biệt!
Bản dịch tiếng Pháp: Anne Kurian (Zenit)
Bản dịch tiếng Việt: Mạc Khải (ghxhcg.com)
(3 mai 2015) © Innovative
Media Inc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét