Ba câu
nói làm cho đời sống gia đình tươi đẹp hơn
Trong Bài giáo lý thứ 14 về gia đình, Đức Giáo Hoàng
Phanxicô đã giải thích ý nghĩa của ba câu nói – chìa khóa của đời sống gia đình
- xã hội – hài hòa.
Đó
là: "xin vui lòng", "cảm ơn" và "xin lỗi".
Rôma – 13/5/2015 (ZENIT.org) Anita
Bourdin
"Nhiều vết thương tình cảm, nhiều những
xâu xé trong gia đình bắt đầu bằng sự mất đi câu nói quý hóa này, đó là câu
"xin lỗi", Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích trong Bài giáo lý ngày
13/5/2015 trên quảng trường thánh Phêrô.
Đức Giáo Hoàng đã ban thêm một lời khuyên:
"Nếu anh chị em cãi nhau, đừng bao giờ để cho hết ngày mà không làm hòa
trong gia đình".
Sau đây là bản dịch toàn văn của Bài giáo lý
từ tiếng Pháp của Đức Giáo Hoàng.
A.B.
Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng (nguyên bản bằng tiếng Ý)
Thân chào quý anh chị
em!
Bài giáo lý ngày hôm
nay là như cửa ngõ dẫn vào một chuỗi suy nghĩ về đời sống gia đình, đời sống
thực, với các thời điểm và biến cố của nó. Trên cửa ngõ này, có ghi 3 câu, mà
tôi đã nhiều lần nói đến trên quảng trường này. Và những câu này là "xin vui lòng", "cảm ơn"
và "xin lỗi". Quả vậy, những câu này mở ra con đường để sống tốt
đẹp trong gia đình, để sống trong hòa bình. Đó là những câu đơn giản, nhưng
thật không đơn giản khi đem ra áp dụng! Chúng chứa đựng một sức mạnh to lớn:
sức mạnh gìn giữ gia đình, kể cả trong trăm ngàn khó khăn thử thách; ngược lại,
nếu thiếu chúng, sẽ mở ra những vết rạn nứt có thể dẫn đến sự đổ vỡ của cả gia
đình.
Nói chung, chúng ta coi
những câu này như là thành phần của sự "có giáo dục". Thât vậy, một
người có giáo dục xin phép, nói cảm ơn hay xin lỗi nếu họ sai lầm. Đúng
thế, sự kiện có giáo dục là rất quan trọng. Một giám mục vĩ đại, thánh Phanxicô
de Salesi, có thói quen nói rằng "được
giáo dục tốt đã là nửa đường nên thánh rồi". Nhưng hãy thận trọng,
trong lịch sử, chúng ta cũng đã biết một chủ nghĩa hình thức những kiểu cách có
thể trở thành mặt nạ che dấu sự khô cằn tinh thần và sự thờ ơ đối với người
khác. Người ta thường nói: "Sau những cử chỉ kiểu cách, ẩn nấp những thói
xấu".
Kể cả tôn giáo cũng
không tránh khỏi nguy cơ làm sa trượt từ tình trạng tuân thủ nghiêm túc vào
tình trạng trần tục tâm linh. Ma quỷ đã cám dỗ Chúa Giêsu, khi đưa ra những cử
chỉ lịch sự – đúng là một nhà quý phái, một đấng hiệp sĩ – và nó viện dẫn cả
Thánh Kinh, người ta cứ tưởng nó là một thần học gia. Phong cách của nó, bề
ngoài có vẻ đúng đắn, nhưng thâm ý của nó là làm chệch hướng chân lý của tình
yêu Thiên Chúa. Chúng ta, trái lại, chúng ta hiểu được sự giáo dục tốt trong ý
nghĩa chân chính của nó, khi phong cách của những mối quan hệ tốt được bám rễ
chặt chẽ trong tình yêu điều thiện và trong sự tôn trọng người khác. Gia đình
sống trong cái tinh tế này của tình yêu.
Chúng ta hãy coi đây:
thành ngữ đầu tiên là "xin mình vui lòng". Khi chúng ta lo lắng yêu
cầu một cách tử tế kể cả điều mà chúng ta nghĩ có thể đòi hỏi, chúng ta đưa ra
một sự bảo vệ cho tinh thần đời sống chung của vợ chồng và gia đình. Đi vào
cuộc đời của người khác, kể cả khi người đó là thành phần của đời mình, đòi hỏi
sự tế nhị của một thái độ không mang tính xâm chiếm, thái độ nhắc lại sự tin
tưởng và kính trọng. Tóm lại, lòng tin tưởng không cho phép coi tất cả như là
đã được thừa nhận. Và tình yêu càng thân mật và sâu đậm, nó càng đòi hỏi tôn
trọng sự tự do và khả năng chờ đợi đối phương mở cửa trái tim của mình ra. Về
chuyện này, chúng ta hãy nhớ tới lời của Chúa Giêsu trong sách Khải Huyền: "Này đây, Ta đứng trước cửa và gõ. Ai
nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với ngưòi ấy,
và người ấy sẽ dùng bữa với Ta" (Kh 3, 20). Chúa cũng còn phải xin
phép để vào nhà! Chúng ta đừng quên điều đó. Trước khi làm chuyện gì trong gia
đình "Xin mình vui lòng, tôi có thể làm chuyện này không? Mình có muốn tôi
làm điều đó không?". Ngôn ngữ này thực sự có giáo dục nhưng đầy tình yêu
thương. Và điều này rất có ích cho các gia đình.
Câu thứ nhì là
"cảm ơn mình". Đôi khi người ta đi đến chỗ nghĩ rằng chúng ta đang
trở thành một nền văn minh của những thói xấu và những lời khó nghe, và coi đó
như là một dấu chỉ của sự giải phóng. Chúng ta thường nghe những điều này kể cả
nơi công cộng. Sự tử tế và khả năng cảm ơn được coi như một dấu hiệu của sự yếu
đuối, điều này còn gợi lên cả sự ngờ vực. Phải đấu tranh chống lai xu hướng này
ngay trong gia đình. Chúng ta phải trở nên kiên quyết trong lãnh vực giáo dục
biết ơn,: phẩm giá con người và công lý xã hội, cả hai đều phải đi qua chỗ đó.
Nếu đời sống gia đình bỏ qua phong cách này, đời sống xã hội cũng sẽ mất nó.
Lòng biết ơn, đối với một tín hữu, cũng là ở ngay trung tâm của đức tin: một
Kitô hữu mà không biết cảm ơn là kẻ đã quên ngôn ngữ của Thiên Chúa. Thật là
buồn! Chúng ta hãy nhớ câu hỏi của Chúa Giêsu, khi Người đã chữa lành 10 người
phong hủi và chỉ có một người trong họ trở lại tạ ơn Người (x. Lc 17, 18). Có
lần, tôi nghe từ một người lớn tuổi, rất khôn ngoan, rất tốt lành, đơn sơ,
nhưng với sự khôn ngoan của lòng sùng đạo, của cuộc đời đã nói rằng: "Lòng biết ơn là một loài cây chỉ mọc
trên mảnh đất của những tâm hồn cao quý". Sự cao quý này của tâm hồn,
ân sủng này của Thiên Chúa trong tâm hồn thúc đẩy chúng ta nói lời cảm ơn, thúc
đẩy lòng biết ơn. Đó là đóa hoa của một tâm hồn cao thượng. Điều này thật là
đẹp!
Câu thứ ba là "xin
lỗi mình". Một lời nói khó khăn, đúng vậy, và tuy nhiên quá cần thiết. Khi
thiếu nó, những vết nứt nhỏ sẽ lớn dần ra - kể cả khi không muốn - đến độ trở
thành những hố sâu. Không phải không có lý do mà, trong kinh Chúa Giêsu dạy,
"Kinh Lạy Cha", tóm lược tất cả những vấn đề cốt yếu của cuộc đời
chúng ta, chúng ta thấy câu này "Xin
tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con" (Mt 6, 12).
Thừa nhận mình đã phạm lỗi lầm, và mong muốn đền trả những gì đã bị ta lấy đi –
tôn trọng, thành thật, yêu thương – làm cho mình xứng đáng được tha thứ. Và
chính như thế mà bệnh nhiễm chấm dứt. Nếu chúng ta không có khả năng xin lỗi
nhau, thì điều này có nghĩa rằng chúng ta cũng không có khả năng tha thứ cho
nhau.
Trong nhà nơi người ta
không xin lỗi nhau, không khí trở nên thiếu đi, nước nôi đọng lại. Nhiều vết
thương tình cảm, nhiều những xâu xé trong gia đình bắt đầu bằng sự mất đi của
câu nói quý hóa này, đó là câu "xin lỗi". Trong đời sống hôn nhân,
thường hay có những cãi cọ… và kể cả có cảnh "đĩa bay", nhưng tôi cho
anh chị em một lời khuyên: đừng bao giờ để cho hết ngày mà không hòa giải. Anh
chị em biết rõ: anh chị em cãi cọ giữa vợ với chồng ư? Giữa con cái với cha mẹ
ư? anh chị em cãi cọ nhiều lắm ư? Điều này không ổn rồi, nhưng đó không phải là
vấn đề. Vấn đề là cái tư tưởng đó còn tồn tại đến ngày hôm sau. Bởi vậy, nếu
anh chị em có cãi cọ lẫn nhau, đừng bao giờ để hết ngày hôm đó rồi mà không làm
hòa trong gia đình. Và phải làm hòa như thế nào? Quỳ gối sao? Không! Chỉ cần
một cử chỉ nhỏ, một chuyện nhỏ cũng có thể làm cho sự hài hòa gia đình trở lại.
Một cái vuốt ve thôi cũng đủ, không cần nhiều lời. Nhưng đừng bao giờ để hết
ngày rồi mà không làm hòa. Anh chị em có hiểu không? Không dễ đâu, nhưng phải
làm. Và với cái đó, cuộc đời sẽ tươi đẹp hơn.
Ba câu-khóa của gia
đình là những câu đơn giản và lúc đầu, có lẽ sẽ làm chúng ta phì cười. Nhưng
khi chúng ta quên chúng, không còn lý do để cười nữa, phải không? Sự giáo dục
của chúng ta, có lẽ, đã bỏ qua quá nhiều. Cầu mong Chúa phù giúp chúng ta sắp
đặt lại chúng vào chỗ của chúng, vào trái tim chúng ta, vào trong nhà chúng ta,
và cả vào cuộc sống chung ngoài đời nữa. Đó là những câu nói để thực sự đi vào
tình yêu gia đình.
Bản dịch tiếng Pháp : Constance Roques (Zenit)
Bản dịch tiếng Việt : Mạc Khải (ghxhcg.com)
(13 mai 2015) ©
Innovative Media Inc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét